Hoàng Lê Diệu Hường sinh ra ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Từng là học sinh chuyên khối D Trường THPT Nguyễn Tất Thành, tốt nghiệp THPT, Hường thi đỗ vào ngành kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng em lại quyết định theo học ngành kỹ thuật điện tử-viễn thông (khối A1) của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Quyết định này của Hường đã khiến thầy cô và nhiều bạn bè rất bất ngờ bởi không ai nghĩ cô bé dịu dàng, nữ tính ngày nào lại theo đuổi một ngành mà lâu nay vốn dành cho sinh viên nam.

leftcenterrightdel
Nữ kỹ sư Hoàng Lê Diệu Hường. 

Quả thực, thời gian đầu vào trường, Diệu Hường cũng có những khó khăn nhất định và cảm thấy hơi lạc lõng vì môi trường học tập phần lớn là nam (cả lớp có 50 sinh viên thì chỉ có 3 sinh viên nữ). Hầu hết các môn học kỹ thuật đều khô khan, cách học cũng khác phổ thông rất nhiều. Đặc biệt, khi mới tiếp cận phòng học lab, Hường cũng đối diện không ít khó khăn vì phải thực hành các nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm mới, kết quả mới mà chưa ai từng làm... Để vượt qua khó khăn ấy, Diệu Hường đã tìm đọc nhiều tài liệu chuyên ngành phục vụ cho các môn học. Phát huy tính cẩn thận, tỉ mỉ, cộng với sự chăm chỉ của nữ giới nên dần dần, em đã hòa nhập tốt với môi trường học tập ở đây.

Tận dụng thời gian rảnh, Hường học thêm tiếng Anh ở trung tâm, học tiếng Anh qua bài hát, xem phim và đọc nhiều tài liệu nước ngoài, rồi kiên trì, bền bỉ thực hành nhiều ở phòng lab. Càng nghiên cứu, thực hành, Hường càng bị cuốn hút bởi các thí nghiệm nên mạnh dạn đăng ký lên phòng lab thường xuyên để được nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực mình say mê.

Cùng với chăm chỉ học tập, cô gái sinh năm 1997 này còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên, trong đó có những đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn như bảo đảm chất lượng kỹ thuật truyền phát video trên mạng. Một số đề tài khác đến nay em vẫn tiếp tục mở rộng nghiên cứu như: Xây dựng một hệ thống thực tế ảo ứng dụng cho lớp học ảo, phòng thí nghiệm ảo... Hường còn có hai bài báo đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế. Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Liên chi đoàn Viện Điện tử-Viễn thông, Diệu Hường rất tích cực tổ chức, tham gia các phong trào đoàn, hội sinh viên, sinh viên tình nguyện và cũng là một trong những thành viên của câu lạc bộ nâng cao kỹ năng mềm của sinh viên Bách khoa.

Với nỗ lực học tập và rèn luyện, những năm học đại học, năm nào Hường cũng đạt kết quả học tập xuất sắc, trong đó 3 năm liền được trao học bổng tài năng của nhà trường. Trình độ tiếng Anh IELTS đạt 7.0/9.0, TOEIC đạt 845/990... cô nữ sinh kỹ thuật điện tử còn được bạn bè ngưỡng mộ, nể phục bởi sở hữu bộ sưu tập giải thưởng như: Giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường 2017; giải nhì Cuộc thi thiết kế sản phẩm điện tử Best Project 2017; giải thưởng Sinh viên 5 tốt 2018; là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu toàn quốc lĩnh vực khoa học công nghệ 2019; giải thưởng Honda kỹ sư và nhà khoa học trẻ 2019, giải Electronic Device Award cuộc thi thiết kế phần cứng LSI tại Okinawa, Nhật Bản...

Giờ đây, mỗi lần nhớ lại quãng đường 5 năm gắn bó với giảng đường đại học Bách khoa Hà Nội, Diệu Hường nhận thấy sự lựa chọn nghề nghiệp của mình hoàn toàn chính xác. Em cảm thấy được là một phiên bản tốt nhất của bản thân khi trở thành nữ kỹ sư điện tử-viễn thông. Đúng như Benjamin Franklin, nhà khoa học vật lý nổi tiếng thế giới từng nói: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”. Bộ sưu tập thành tích đáng nể của Hường đã góp phần xóa tan định kiến “con gái sợ kỹ thuật” và tiếp thêm động lực cho phái nữ mạnh dạn theo đuổi ước mơ chinh phục các ngành kỹ thuật điện tử và công nghệ. Được biết, hiện nay, Hường đã được 3 trường đại học danh tiếng ở Mỹ và 2 trường đại học ở Australia mời sang làm nghiên cứu sinh.

Chia sẻ về khát khao chinh phục những đỉnh cao khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới để trở về phục vụ sự nghiệp đổi mới khoa học-kỹ thuật nước nhà, Diệu Hường cho biết: “Khi có đủ kiến thức, đủ trưởng thành và có sáng kiến táo bạo, thú vị, em cũng sẽ quyết định “khởi nghiệp”.

Bài và ảnh: HÀ THANH MINH