Theo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ cán bộ nữ trong quân đội tăng từ 2,43% (năm 2016) lên 2,97% (vượt chỉ tiêu xác định trong kế hoạch hành động 0,47%); số lượng nguồn cán bộ nữ được quy hoạch là 164,41% so với số lượng chức danh quy hoạch; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 2,62%... Nhiều đơn vị trực thuộc bộ (tổng số nữ trên tổng quân số đạt từ 30% trở lên) đã có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy; 4 nữ sĩ quan được phong quân hàm cấp tướng... Phụ nữ quân đội ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực trong tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và giành các giải thưởng cao cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. Những thành tựu trên đã thiết thực tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy trong các lĩnh vực phù hợp nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của quân đội.

Trong số này, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tấm gương một số nữ sĩ quan điển hình đã có nhiều thành tích trong hoạt động quân sự và nghiên cứu khoa học trong quân đội.

“Làm bạn” với xác ướp

Có những công việc tưởng chừng như “phái yếu” sẽ khó đảm đương, nhưng với niềm say mê và sự tâm huyết, họ đã thành công. Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y, là một trong những nhà giáo, nhà khoa học như vậy.

Bộ môn Giải phẫu thường được học viên quân y gọi là bộ môn “Xác ướp Ai Cập” bởi đặc thù của môi trường học tập, nghiên cứu ở đây là thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với formol, với thi thể người chết trong căn phòng tĩnh lặng, lạnh lẽo. Đó là lý do từ trước tới nay, bộ môn có rất ít nữ bác sĩ về làm việc. Ấy vậy mà, PGS, TS Trần Ngọc Anh đã gắn bó với bộ môn suốt hơn 23 năm qua, kể từ năm 1998 đến nay. Các đồng nghiệp và hàng xóm gán cho chị biệt danh “Người dũng cảm”, còn chị gọi đó là một cơ duyên.

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Anh. 

PGS, TS Trần Ngọc Anh quan niệm, trong khoa học giải phẫu, không có sự phân biệt nam hay nữ, muốn có kiến thức thực tiễn và thành thạo tay nghề thì phải chịu khó làm bạn với các xác ướp và phải biết trân quý những người đã hiến xác cho khoa học. Họ như “những người thầy thầm lặng” đã vượt lên trên những trở ngại xã hội, những trở ngại tâm linh để đem đến cho y học những tài liệu vô giá. Cho dù ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ có rất nhiều mô hình tiên tiến, hiện đại và những hình ảnh giải phẫu không gian ba chiều rất rõ... nhưng tiêu bản xác vẫn mãi là nguồn tài liệu giá trị thực tiễn nhất, không gì thay thế được đối với thầy trò ngành y. Nếu theo đuổi chuyên ngành giải phẫu thì cũng cần phải có lòng dũng cảm, lý trí mạnh mẽ và trái tim lương thiện. Có dũng cảm thì mới có thể vượt qua khó khăn về mặt tâm linh và không ngại khó, ngại bẩn, ngại môi trường làm việc độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe...

Nhớ lại buổi học đầu tiên thực hành trên xác ướp, chị Ngọc Anh cũng như các bạn nữ trong lớp đều bị “sởn da gà”. Thậm chí học xong trưa hôm ấy, nhiều học viên nữ đã không ăn được cơm bởi ám ảnh về thi thể người chết cùng với mùi formol nồng nặc. Nhưng sau buổi học đó, chị tự nhủ, giải phẫu là môn học rất quan trọng, có thể coi như là cột sống của ngành y. Môn học này sẽ định hướng, ứng dụng cho các môn học khác. Các bạn nam học được thì mình cũng học được. Nếu trốn tránh thực hành thì sẽ không nắm được kiến thức, không thể theo đuổi nghề y. Từ đó, chị “lăn xả” vào học, chăm chỉ thực hành bên các xác ướp mà quên hết cảm giác sợ hãi. Kết thúc môn học, chị đạt kết quả xuất sắc.

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành nội thần kinh nhưng chị lại được điều động về làm giảng viên Bộ môn Giải phẫu. Năm 2008, chị được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn, là nữ chủ nhiệm trẻ nhất học viện và cũng là nữ Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu đầu tiên, duy nhất của Việt Nam thời điểm đó. Vừa quản lý, giảng dạy, nuôi con nhỏ, chị còn tranh thủ học thêm lớp văn bằng 2 đại học tiếng Anh vào các buổi tối trong tuần. Biết bao khó khăn, vất vả, song chị luôn lạc quan, hết lòng với công việc. Mỗi lần chuẩn bị bài giảng cho các học viên, chị lại lọ mọ lúc sáng sớm hoặc buổi trưa thanh vắng vào phòng tiêu bản một mình, lật ngược lật xuôi rồi xoay chuyển từng xác ướp để cẩn thận, tỉ mỉ tìm những tiêu bản đẹp, rõ nét, đầy đủ nhất nhằm minh họa cho học viên. Ngay cả khi bụng bầu vượt mặt, chị vẫn say sưa với những mô hình, tiêu bản, giải phẫu bộ phận cơ thể người, vừa tranh thủ nghiên cứu luận án tiến sĩ... Chị không ngủ trưa để dành thời gian giải quyết công việc. Cũng có hôm áp lực công việc, mệt mỏi, đêm đến chị ngủ mơ thấy mình nằm giữa bao nhiêu tim, gan, phổi, phèo... Nhưng rồi, thỉnh thoảng đồng nghiệp hỏi, sao tóc chị xanh thế, chưa có tóc bạc à? Chị lại tếu táo trả lời: “Nhờ được tiếp xúc với xác ướp và tẩm formol đấy”!

Với sự tâm huyết, gương mẫu của chị, trong 6 năm qua, được sự đồng ý, ủng hộ của Ban Giám đốc Học viện Quân y và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, hằng năm, Bộ môn Giải phẫu đã tổ chức Lễ tri ân, tôn vinh những người hiến thân xác cho y học nước nhà và đã nhận được hơn 500 đơn đăng ký hiến xác cho khoa học. Với tính chất cổ điển của môn học, để tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của bộ môn, chị cùng các đồng nghiệp đã tích cực liên hệ, gắn kết giải phẫu với các chuyên ngành khác như: Lâm sàng nội-ngoại, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, công nghệ gen... Nhờ vậy, Bộ môn Giải phẫu trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút nghiên cứu sinh giải phẫu của cả nước. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của chị và các đồng nghiệp, bộ môn đã có khoảng 20 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ thành công trong 10 năm qua. Giờ đây, nhiều cựu nghiên cứu sinh của bộ môn đã ở các cương vị chủ chốt của các bệnh viện, nhà trường lớn, có uy tín trong cả nước. 

Dù công việc rất bận rộn nhưng chị vẫn thu xếp thời gian hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tranh thủ học tập, nghiên cứu mà vẫn quán xuyến việc nhà, đồng hành với con hằng ngày và còn tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh của các con ở các cấp để nắm bắt tình hình rèn luyện, học tập của các con một cách đầy đủ, sát sao nhất. Giờ đây, chị có một tổ ấm hạnh phúc, tràn ngập yêu thương. Hai con gái ngoan ngoãn, học giỏi, trưởng thành, thực sự là “của để dành” cho chị.

Thiếu tá, TS Đặng Tiến Trường, Phó chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, từng là học viên của PGS, TS Trần Ngọc Anh, chia sẻ: “Cô Ngọc Anh nổi tiếng nghiêm khắc ở trên lớp nhưng rất thân thiện, gần gũi, tình cảm như người mẹ với các học viên trong đời thường. Đặc biệt, trong mỗi bài giảng, cô đều đưa ca dao, tục ngữ, cách nói hài hước, dí dỏm của dân gian để mềm hóa kiến thức khô khan, giúp học viên dễ nhớ, dễ thực hành. Có lẽ đó là “bí kíp” khiến cho nhiều học viên ra trường 5-10 năm sau vẫn nhớ tới bài giảng của cô.

Bài và ảnh: HÀ THANH MINH

Phiêu lưu dưới đáy biển

Lần đầu gặp Trung tá, TS Hoàng Thị Thùy Dương, Phó viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga), tôi ấn tượng bởi sự cởi mở, giọng nói nhẹ nhàng, lôi cuốn người nghe. Ấn tượng ban đầu đó nhanh chóng chuyển thành ngưỡng mộ khi tôi được nghe chị kể về những cuộc phiêu lưu dưới đại dương để nghiên cứu sinh học, sinh thái biển, điều không phải nhà khoa học nào cũng làm được.

leftcenterrightdel
 Trung tá, TS Hoàng Thị Thùy Dương.

Nghiên cứu sinh học, sinh thái biển là công việc đặc thù dành cho nam giới bởi ngoài kiến thức chuyên môn, các nhà khoa học còn phải biết bơi, biết lặn và có sức khỏe tốt. Vì vậy, Thùy Dương xác định phải cố gắng thật nhiều: “Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tôi đã chủ động tự trau dồi chuyên môn, học và bồi dưỡng các kỹ năng bơi, lặn. Trung bình mỗi năm, tôi cùng các nhà khoa học Nga và Việt Nam thực hiện từ 3 đến 5 chuyến công tác dã ngoại tại các vùng biển, đảo gần bờ và xa bờ Việt Nam, mỗi chuyến kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Tùy từng nhiệm vụ sẽ có thời gian thực hiện khác nhau, thường các chuyến khảo sát được tổ chức theo mùa để nghiên cứu những quy luật và sự biến đổi các sinh vật và môi trường biển. Đối với chúng tôi, “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, chị Thùy Dương mỉm cười nói.

Tháng 11-2018, Thùy Dương vừa hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ở Liên bang Nga về thì nhận lệnh của cấp trên làm trưởng đoàn hỗn hợp Nga-Việt nghiên cứu sinh học, sinh thái vùng biển xa bờ. Chị nhớ lại: “Ngày tàu rời cảng, biển chịu ảnh hưởng của bão số 9, sóng to, gió lớn khiến nhiều người bị say sóng, trong đó có tôi. Chúng tôi lênh đênh trên biển nhiều ngày mới ra đến địa điểm nghiên cứu. Lần đầu tiên đi nghiên cứu xa bờ, dù đã xác định trước những khó khăn nhưng thực tế có những tình huống chúng tôi chưa lường hết được”.

leftcenterrightdel
TS Hoàng Thị Thùy Dương (ở giữa) phục hồi san hô ở vùng biển xa bờ. 

Những “con sóng” ký ức trở về dồn dập khiến chị Dương không khỏi bồi hồi. “Trong khoảng thời gian này, các cơn bão và áp thấp dồn dập tới nên chúng tôi phải căn thời gian giữa các cơn bão và áp thấp để làm việc. Từ tàu, chúng tôi đi xuồng nhỏ đến địa điểm nghiên cứu. Sau khi lặn ngụp dưới biển nghiên cứu hàng giờ, chúng tôi bơi về xuồng chờ nhau cùng quay lại tàu. Nhưng ngồi trên xuồng một lúc thì say sóng quá, chúng tôi lại phải nhảy xuống biển cho đỡ say. Có những ngày biển động dữ dội, chúng tôi không thể đi xuồng nhỏ để ra địa điểm nghiên cứu được, vì thế, thời gian công tác kéo dài so với dự kiến”, Thùy Dương chia sẻ. Chị khẳng định, phải say nghề và yêu biển cả thì chị mới có được thành công như ngày hôm nay.

Lặn biển là một công việc nguy hiểm, nhiều rủi ro. Chị Dương cho biết, công việc này cần phát huy cao tinh thần làm việc nhóm, mỗi nhóm có từ hai người trở lên để giúp đỡ và hỗ trợ nhau khi cần thiết. 20 năm công tác, với đôi chân “vạn dặm dưới biển”, TS Hoàng Thị Thùy Dương đã có nhiều công trình, sản phẩm khoa học cùng nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS, đồng thời chị cũng là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp bộ, cấp ủy ban phối hợp và cấp trung tâm...

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI