Năm 16 tuổi, khi còn là học sinh, Nguyễn Văn Mạc đã trốn gia đình đi bộ đội, song lại bị bắt về vì chưa đạt tiêu chuẩn. Nhưng một năm sau, thanh niên Nguyễn Văn Mạc đã toại nguyện, khi được gia đình đồng ý cho nhập ngũ vào Huyện đội Tiên Du, rồi lên Chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm nay, ông Mạc đã bước sang tuổi 91 nhưng vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong suốt cuộc đời bộ đội, ông có vinh dự trực tiếp tham gia bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy trong hai chiến dịch lớn: Điện Biên Phủ năm 1954 và “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạc kể chuyện về Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh: Đức Tâm
|
Ông hỏi tôi: "Cháu có biết tại sao B-52 lại đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, giết hại rất nhiều bệnh nhân và thầy thuốc không?".
- Cháu thấy đó là hành động mất nhân tính và hết sức tàn ác của Mỹ!-tôi đáp.
- Đó chỉ là một phần thôi. Cháu cần nhớ rằng, trong chiến tranh, mục tiêu trọng yếu thường là thông tin liên lạc và SCH đối phương. Vì vị trí đóng quân thường xuyên của SCH Quân chủng và Trung đoàn 26 lại rất gần Bệnh viện Bạch Mai nên tôi cho rằng, chúng đã thực hiện “giết nhầm hơn bỏ sót”, bất chấp cả hành động vô nhân tính như cháu đã nói.
- Vậy lúc ấy SCH Quân chủng và Trung đoàn 26 ở đâu hả bác?-tôi tò mò.
Sau một lúc trầm tư, hồi tưởng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạc bắt đầu kể:
-Trước khi diễn ra những trận đánh 12 ngày đêm, khoảng tháng 10-1972, Trung đoàn 26 được lệnh bảo đảm thông tin liên lạc cho SCH Quân chủng dự bị ở chùa Trầm dưới Hà Đông. Trung đoàn đã huy động lực lượng và thiết kế, thi công gần 70 mạng thông tin phục vụ tác chiến. Trong những ngày B-52 đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 26 túc trực, bảo đảm liên lạc thông suốt cho SCH Quân chủng di chuyển về đó. Trung đoàn tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc theo phương thức “phòng thủ khu vực”, giống như các cầu thủ hậu vệ trong thi đấu bóng đá. Tức là cắt cử các tổ, đội phụ trách ở những vị trí khác nhau. Nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của thông tin tác chiến là phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin trên sóng và không bị gián đoạn, đứt mạch. Tuy nhiên, trong tác chiến của bộ đội thông tin, về đêm, do yếu tố thời tiết nên phải chuyển từ sóng ngắn sang sóng dài. Đó là thời điểm diễn ra những trận đánh ác liệt với bọn "giặc trời". Thế nên bộ đội tên lửa, cao xạ, phi công đánh địch thì bộ đội thông tin cũng phải bám họ. Thậm chí, họ có thể chợp mắt giữa hai trận đánh nhưng bộ đội thông tin, nhất là các chỉ huy thì ít có chuyện đó. Thông tin bị chậm, lý do tại sao, do khí tài hay do người? Anh nào lơ là, bị kiểm điểm trách nhiệm đến "hói trán". Bởi thông tin bị đứt là gay to, trên dưới không kết nối thì tác chiến thế nào được!
Thoáng chút ngập ngừng, ông nói rất nhẹ: Để điều hành chỉ huy nhanh, thuận lợi và bảo đảm liên lạc thông suốt, lúc ấy, mỗi cán bộ chỉ huy Trung đoàn 26 đều có một cuốn sổ đút vừa túi áo ngực, trong đó có ghi vị trí các trạm và tên người phụ trách, chỉ huy lực lượng. Thế nên bom nổ ở đâu, đường dây bị đứt và trạm nào bị hỏng là bộ đội thông tin có mặt nhanh nhất để khắc phục, bảo đảm liên lạc thông suốt. Trong những ngày đầu chiến dịch, một trạm của Sư đoàn 371 bị bom địch đánh phá nhưng đã được bộ đội thông tin khắc phục và đi vào hoạt động bình thường sau đó không lâu.
Cuối câu chuyện với tôi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạc chân tình bộc bạch, thông tin vốn được xem là tai, là mắt của chỉ huy. Họ là những người bản lĩnh, làm việc trung thành, kiên tâm, kiên trì. Mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch thắng lợi đều có công sức đóng góp của thông tin. Tuy nhiên, dù là lực lượng “thối tai, chai mông, công ít, tội nhiều” nhưng ông và đồng đội vẫn rất vui vì đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
NGUYỄN HUY