Những tay súng đa năng

Giữa tháng 11 mà cái nắng ở Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4 (sau đây gọi tắt là Trung tâm) vẫn như nung. Giải AARM-30 vừa kết thúc tại đây, toàn đơn vị lại lao vào các nhiệm vụ khác. Là đơn vị phục vụ, Trung tâm bảo đảm đăng cai các lớp tập huấn, hội thi, hội thao của Bộ Quốc phòng, thử nghiệm vũ khí, trang bị... nên các VĐV, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kiêm luôn việc phục vụ tất cả mục tiêu trên thao trường. Lực lượng của đơn vị mỏng, địa hình rộng, nhiệm vụ nhiều nên họ hầu như không được ngơi nghỉ.

Khi chúng tôi đến, tại Trung tâm đang diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW do Bộ Quốc phòng tổ chức. Phải đến gần 11 giờ trưa, Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn mới vãn việc, trở về căn nhà công vụ trong khuôn viên Trung tâm để chuẩn bị bữa trưa cho các con.

Xạ thủ Ngô Anh Tuấn năm nay 43 tuổi, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Anh có giọng nói trầm ấm, cử chỉ rất ân cần, nhẹ nhàng. Nói về cơ duyên đến với con đường binh nghiệp, anh Tuấn cho biết, anh tham gia nghĩa vụ quân sự, trong thời gian này được tham dự hội thao toàn quân. Năm 2002, nhờ có kết quả bắn tốt nên anh được Trung tâm “để mắt” và nhận về, rồi trở thành VĐV bắn súng ngắn từ đó. Cũng tại đây, năm 2003, cô gái Phạm Thị Hà vừa tròn 18 tuổi bước chân vào đơn vị. Qua những câu chuyện của người bố là giảng viên dạy bắn súng ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Phạm Thị Hà yêu bộ đội và cây súng khi nào không hay. Biết có đoàn dự tuyển bắn, chị xin bố cho tham dự giải. Thật bất ngờ, kết quả bắn rất tốt, chị được giữ lại làm VĐV. Tháng 8-2004, Phạm Thị Hà nhập ngũ.

Nhớ lại những ngày đầu mới vào đơn vị, trang thiết bị còn thiếu thốn, thao trường nhỏ hẹp, có đội phải huấn luyện ngay trên đường đi. Nhưng theo anh Tuấn thì nhờ vậy mà đội súng ngắn nam và đội súng ngắn nữ có cơ hội tập luyện chung thao trường. Vì có kinh nghiệm hơn, Ngô Anh Tuấn thường hướng dẫn, trao đổi phương pháp tập luyện cho Phạm Thị Hà, người đồng đội kém mình 6 tuổi. Tình cảm của họ cứ dần dần theo đó chớm nở. Cuối năm 2007, đám cưới giản dị, ấm cúng của hai người được tổ chức với sự chúc phúc của gia đình, đồng đội.

Gần 20 năm cùng là xạ thủ, 15 năm là vợ chồng, Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn và Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà đã trải qua biết bao thăng trầm, cảm xúc gắn liền với cây súng và thao trường. “Lúc mới luyện tập, bài bắn nhanh Hà bắn không tốt. Khi chuyển từ bắn chậm sang bắn nhanh, Hà bị "phá" cả bắn chậm và bắn nhanh (không đạt thời gian bắn quy định, bắn hỏng). Lúc đó buồn lắm, vì có khả năng không được giữ lại làm VĐV nữa. Nhờ có nguồn động viên, hướng dẫn ròng rã nhiều tháng liền của anh Tuấn, Hà đã lấy lại được cảm giác và bắn tốt cả hai phần”, Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà kể cho chúng tôi trong lúc giải lao trên thao trường huấn luyện.

Cũng nhẹ nhàng như anh Tuấn, chị Hà có phần hơi nhút nhát khi gặp người lạ. Được biết, sau khi phục vụ các nhiệm vụ trong hội nghị vừa diễn ra buổi sáng, chị và đồng đội lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho chương trình đón tiếp các đoàn khách và bắn biểu diễn của ngày hôm sau. Bởi vậy, mãi đến cuối giờ chiều cùng ngày chúng tôi mới gặp được chị.

Đơn vị là nhà

Ngôi nhà số 17, khu nhà ở công vụ trong Trung tâm là nơi vợ chồng Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn và Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà đang sinh sống. Năm 2019, đơn vị tạo điều kiện cho anh chị chuyển vào ở tại đây. Với căn nhà cấp 4 rộng 94m2 có đầy đủ bếp, phòng khách và hai phòng ngủ, hai vợ chồng vui mừng chia sẻ: "Vậy là có chỗ “an cư” rồi!".

leftcenterrightdel
Vợ chồng Đại úy QNCN Ngô Anh Tuấn và Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà. 

Nhớ lại những ngày tháng trước đây, chị Hà không khỏi xúc động: "Vì điều kiện công việc vừa là một VĐV, vừa là một quân nhân, chúng tôi ít có thời gian về nhà. Mỗi khi có các giải đấu, nhất là thi đấu ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian, có đợt đi gần 20 ngày, chưa kể thời gian trước đó phải sinh hoạt tập trung tại đơn vị. Ngày mới lấy nhau, chúng tôi mỗi tuần được về nhà 2 buổi tối thứ 4 và thứ 7, còn lại ăn ngủ tập trung trong đơn vị". Qua đó mới thấy, để có thể giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình, yên tâm công tác, thi đấu, cống hiến cho thành tích của đơn vị, của đoàn tuyển thủ Việt Nam, cũng là nhờ sự chia sẻ, tạo điều kiện của đơn vị-mái nhà Trung tâm.

Ở đây mùa đông mà vẫn nắng sém mặt. Các VĐV gần như 8 giờ ngoài thao trường huấn luyện: Chạy 4.000m, đẩy tạ, chống đẩy... Những nội dung mà ngay cả cánh đàn ông nhiều khi còn vất vả song chị em vẫn vượt qua, cũng là nhờ sự quan tâm chu đáo của đơn vị. “Đó là hộp kem chống nắng được đồng đội bớt một phần nhỏ lương tặng, là những khi phân công lịch trực, mọi người được tạo điều kiện sắp xếp phù hợp với hoàn cảnh gia đình...”, chị Hà tâm sự.

Thiếu tá QNCN Phan Tiến Việt, huấn luyện viên đội súng ngắn nữ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình vợ chồng các đồng chí Tuấn-Hà tự lập, con nhỏ đi học, bố mẹ ở xa. Để bảo đảm công việc chuyên môn tốt như vậy, cả vợ lẫn chồng đều phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong thời gian thi đấu giải AARM-30 vừa rồi, hai đồng chí phải nhờ bà ngoại lên chăm sóc con cái để tập trung hết sức cho chất lượng chuyên môn. Trước khi thi đấu, VĐV phải ăn ở tập trung nên dù nhà chỉ cách mấy bước chân nhưng anh chị cũng không được về...”.

Vì điều kiện công việc đặc thù như thế nên cả 9 VĐV nữ của đội súng ngắn nữ đều lấy chồng trong quân đội. Chị Hà bộc bạch: “Có như vậy mới hiểu công việc của nhau, thông cảm cho nhau. Còn không thì hạnh phúc gia đình rất dễ tan vỡ”. Tuy nhiên, cùng là xạ thủ trong một đơn vị, bên cạnh những thuận lợi ấy cũng có không ít khó khăn. Bởi hầu như các giải đấu, vợ chồng anh chị đều cùng nhau tham dự. Cứ trước mỗi giải đấu, anh chị lại loay hoay tìm chỗ gửi con: Cháu lớn gửi chị em trong đơn vị, cháu nhỏ thì gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc...

Hậu phương vững chắc

Chuyển vào sinh sống cùng bố mẹ được gần 3 năm, hai con của vợ chồng anh chị Tuấn-Hà đã dần quen nền nếp sinh hoạt của Quân đội. 5 giờ 30 phút thức giấc, cùng bố mẹ ăn sáng, rồi có xe của trường đến đón đi học. Môi trường, cảnh quan khang trang, sạch đẹp, an toàn, yên tâm công tác. Đó cũng là cảm nhận chung của 27 hộ gia đình khác đang sinh sống tại đây. Chị Hà cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, có một người chồng tâm lý, hỗ trợ, chia sẻ mọi việc với vợ. Chị Hà kể: "Anh Tuấn nấu ăn rất ngon. Vì thế, các con rất thích món ăn bố nấu. Đặc biệt, vào các ngày lễ, kỷ niệm, anh thường vào bếp để chuẩn bị đồ ăn chiêu đãi vợ con"... Vợ chồng anh chị chỉ mong đơn vị và gia đình hai bên tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để anh chị cống hiến nhiều hơn cho Quân đội. 

Châm ngôn có câu: "Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng". Anh Tuấn, chị Hà cũng như các VĐV, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm đã trải qua những ngày tháng đằng đẵng, vượt qua nắng gió thao trường, cả những vất vả không tên để mang về nhiều kết quả ấn tượng. Những phát bắn chính xác là biểu hiện cao nhất ý chí “vượt nắng, thắng mưa” của họ, sự cố gắng đáng được ghi nhận, tôn vinh. Với hàng chục tấm huy chương, cúp các loại trong thời gian qua, anh chị đã góp phần nâng cao thành tích của đoàn Việt Nam trong các giải đấu khu vực cũng như quốc tế. 

Cũng tại AARM-30, ngoài Huy chương Đồng cá nhân bài 1, Thiếu tá QNCN Phạm Thị Hà cùng đồng đội còn đoạt Huy chương Bạc nội dung súng ngắn nữ đồng đội bài 1 (Quốc gia) và Huy chương Đồng súng ngắn nữ đồng đội bài 1 (10 người).  

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT