Năm 1966, sau khi tốt nghiệp khóa học dẫn đường ở nước ngoài về nước, Tạ Quốc Hưng được điều về Trung đoàn Không quân 921. Vừa chân ướt chân ráo về đơn vị, Tạ Quốc Hưng đã dẫn đường để phi công MiG-21 Vũ Ngọc Đỉnh bay số 1 và Nguyễn Đăng Kính số 2 tiêu diệt máy bay tác chiến điện tử EB-66 của địch. Lúc đó, khi phát hiện được mục tiêu, phi công Nguyễn Đăng Kính báo "xin phép công kích". Nhận được lệnh của chỉ huy, phi công Nguyễn Đăng Kính bắn phát đầu tiên, tên lửa nổ đằng sau máy bay địch. Tiếp đó, phi công Nguyễn Đăng Kính lao vào bắn tiếp quả thứ hai rồi thoát ly. Khi hạ cánh, phi công Nguyễn Đăng Kính nói rằng có cảm giác trượt mất vì tên lửa đến gần máy bay vẫn chưa nổ, chút nữa thì quặt hẳn vào máy bay của ta. Chiếc EB-66 của địch bị rơi ở biên giới Việt-Lào.
|
|
Đại tá Tạ Quốc Hưng. Ảnh: ĐỨC TÂM
|
Hồi đó, EB-66 được mệnh danh là "trung tâm điện tử di động" bởi nó mang theo 12 máy gây nhiễu các loại, tạo nhiễu bao trùm lên dải tần 40-3.500MHz, chế áp nhiều đài radar cùng lúc. Mỗi đợt oanh tạc, không quân Mỹ thường sử dụng tốp hai chiếc, tạo ra màn nhiễu dày đặc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chiến đấu của ta. Tiêu diệt được loại máy bay này sẽ phá được tận gốc lớp "vỏ giáp điện tử" lợi hại của không quân Mỹ.
Cuối năm 1967, Tạ Quốc Hưng cùng đoàn sĩ quan tham mưu không quân nhận nhiệm vụ đặc biệt, bí mật hành quân bằng ô tô vào tuyến lửa ở Xuân Hòa, Lệ Thủy, Quảng Bình, nghiên cứu quy luật hoạt động, khả năng gây nhiễu radar của "siêu pháo đài bay" B-52. Đại tá Tạ Quốc Hưng kể: "Lúc đó, chúng tôi chẳng có tài liệu gì về B-52 ngoài những tính năng cơ bản mà đối phương công bố với thế giới. Khi ra chiến trường tìm cách bắt "cọp”, các cán bộ trong đoàn ngụy trang giống tốp thợ mộc và ở trong một nhà kho, tách biệt với cư dân địa phương. Ban ngày, chúng tôi ở trong nhà, tối đến thì đi bộ lên đài quan sát trên điểm cao mà Trung đoàn Tên lửa 238 đã thiết lập từ trước". Khi ấy, Tạ Quốc Hưng là cán bộ trẻ nhất trong đoàn nên ngoài nhiệm vụ trinh sát còn đảm trách "chân" hậu cần. Dù trên đường vào tuyến lửa bị sưng húp hai mắt không rõ nguyên nhân, nhưng Tạ Quốc Hưng vẫn hằng ngày đi kiếm các loại rau rừng và củi để nấu cơm phục vụ cả đoàn. Tại đây, Hưng và đồng đội đã tìm ra được quy luật đường bay, thủ đoạn gây nhiễu, thủ đoạn đánh phá của B-52. Theo đó, chúng thường xuất phát từ Thái Lan rồi bay vòng qua Lào, sang Việt Nam ném bom rải thảm vào ban đêm ở khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh và đường Trường Sơn. Đội hình B-52 có 3 chiếc, bố trí theo hình chữ A lệch. Chúng bay với khoảng cách không đều nhau và cách mặt đất từ 8.000m đến 10.000m. Thời điểm đó, B-52 gây nhiễu rất nhẹ, do đó radar của ta vẫn bắt được. Khi B-52 đến đánh phá thì có máy bay chiến thuật vây xung quanh bảo vệ rất nghiêm ngặt. Tạ Quốc Hưng và các cán bộ tham mưu của Quân chủng Phòng không-Không quân chốt ở đây để nắm bắt về B-52 đến hết đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mới rút ra miền Bắc.
Đại tá Tạ Quốc Hưng rời khỏi bàn và đi nhanh vào phòng trong. Ông mang tới một chiếc bản đồ và bắt đầu thuyết minh đường bay của B-52. Ông cho biết: "Địa hình khu vực miền Trung nước ta rất hẹp, nhiều núi cao và dốc nên thuận lợi cho địch oanh tạc rồi rút chạy ra hướng biển hoặc vòng xuống phía Nam, về sân bay bên Thái Lan. Hơn nữa, quân Mỹ có trạm chỉ huy dẫn đường bố trí trên điểm cao ở Sầm Nưa thuộc đất Lào nên rất tiện. Kết hợp với điều tra, vẽ lại đường bay của các loại máy bay chiến thuật đánh phá miền Bắc những năm trước, chúng tôi đã dự kiến đường bay của B-52 từ Thái Lan vào đánh Hà Nội".
Các năm sau đó, năm nào sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng cũng vào tuyến lửa để nghiên cứu quy luật của B-52 và tìm cách tiêu diệt chúng. Năm 1970, Tạ Quốc Hưng dẫn theo các phi công lên đài quan sát ở điểm cao 940, nơi nhìn xuống đèo Mụ Giạ, một trọng điểm địch đánh phá ác liệt để trinh sát đường bay B-52. Lúc này, địch dùng B-52 ném bom rải thảm các trọng điểm cả ban ngày. Một ngày, sau thời gian kiên trì chờ đợi thì họ nghe tiếng động cơ gầm rú từ xa. Ít phút sau, họ nhìn thấy 3 “tòa nhà biết bay” lừng lững trên bầu trời.
Quốc Hưng hỏi Lê Hải, phi công lái MiG-17, trong khi mắt không rời tốp B-52:
- Hải có với tới không?
- Nó ăn hết gói kẹo của em chưa chắc đã rơi (MiG-17 chỉ trang bị pháo bắn đạn-PV).
Quốc Hưng lại quay sang hỏi Vũ Ngọc Đỉnh, phi công lái MiG-21 câu tương tự như hỏi Lê Hải. Đỉnh trả lời:
- Thằng này to thế thì phải uống cả hai chai bia mới say (ý là phải bắn hai quả tên lửa mới cháy-PV).
Sau những lần trinh sát như thế, sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng đã phân loại nhiễu của B-52 thành 3 cấp độ khác nhau, tương ứng với cự ly đến điểm chuẩn để dẫn đường cho phi công khá chính xác. Đến nay, ông vẫn ghi nhớ rất rõ những cấp độ nhiễu ấy.
Kể đến đây, Đại tá Tạ Quốc Hưng cười sảng khoái, vang cả căn phòng. Rồi ông hướng mặt về phía cửa, đôi mắt như tiếc nuối điều gì. Ông hạ giọng:
- Tháng 11-1971, suýt chút nữa chúng tôi cho thằng B-52 tan xác tại chỗ nếu như phi công Vũ Đình Rạng bắn liền hai quả tên lửa.
- Chuyện là như thế nào ạ?-Tôi hỏi ông.
Đại tá Tạ Quốc Hưng kể:
- Lần ấy, chúng tôi lừa nó rất ngoạn mục. Trước đây, khi có tin B-52 vào ném bom, trên đều cử một chiếc MiG-21 xuất kích khiêu chiến rồi bay về sân bay miền Bắc. Chúng tôi gọi đó là bay dọa. Sau nhiều lần như thế, bọn địch tưởng Không quân Việt Nam không dám đánh và chỉ hù dọa lấy lệ. Ngày 20-11-1971, tại sở chỉ huy ở gần Ba Đồn (Quảng Bình), Nguyễn Văn Chuyên đảm nhận dẫn chính còn tôi dẫn phụ. 19 giờ 40 phút, khi thấy có tín hiệu của B-52, sở chỉ huy lệnh cho phi công Hoàng Biểu ở sân bay Vinh xuất kích bay dọa như thường lệ, sau đó quay ra Nội Bài hạ cánh. Khoảng một giờ sau lại có một tốp B-52 bay vào nhưng tiêm kích bảo vệ ở xa. 20 giờ 40 phút, sở chỉ huy lệnh cho phi công Vũ Đình Rạng xuất kích từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An). Trong quá trình bay, phi công Rạng bay thấp, không liên lạc vô tuyến với sở chỉ huy. Từ sở chỉ huy, chúng tôi dẫn đường để Rạng dần tiếp cận tốp B-52. Khi còn cách mục tiêu 15km, được lệnh của chỉ huy, phi công Vũ Đình Rạng bật radar và thấy màn hình xuất hiện tới... 3 chiếc B-52. Sau khi chọn được mục tiêu và đạt khoảng cách thích hợp, Rạng xin công kích. Nguyễn Văn Chuyên truyền lệnh của chỉ huy: "Bình tĩnh vào công kích". Rạng phóng quả tên lửa bên trái rồi đưa máy bay lên cao, thoát ly bên phải. Khi lật lại, phát hiện chiếc khác cách khoảng 3km, Rạng phóng nốt quả tên lửa còn lại, sau đó nhanh chóng thoát ly, quay về hạ cánh ở sân bay Anh Sơn, kết thúc trận đánh lúc 21 giờ 15 phút.
Theo lời kể của Đại tá Tạ Quốc Hưng, sau sự kiện này, tháng 10-2018, David Robert Volker-người lái chiếc máy bay B-52 đó đã đến Việt Nam cùng nhóm cựu phi công chiến đấu Hoa Kỳ. Volker đã gặp phi công Vũ Đình Rạng và khẳng định, chiếc B-52 mà ông ta lái đã bị thương, sau đó bay về hạ cánh ở sân bay Utapao, Thái Lan. Trong cuộc gặp này, Volker cũng tiết lộ, "ở thời điểm đó, vụ B-52 bị phi công Bắc Việt bắn hỏng là “bí mật quốc gia”, là cơn chấn động đáng xấu hổ mà không quan chức nào trong quân đội Mỹ dám thừa nhận".
Tối 18-12-1972, khi diễn ra trận mở màn chiến dịch đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và nhiều loại máy bay khác vào miền Bắc, Tạ Quốc Hưng trực ở sở chỉ huy gần Nghi Lộc (Nghệ An). Trên đối không, ông Hoàng Kế Thiện, sĩ quan dẫn đường phát hiện tín hiệu radar ở Đô Lương, thông báo với Tạ Quốc Hưng:
- B-52 đang đến.
Chưa dứt câu thì 3 loạt bom B-52 đã nổ rung chuyển căn hầm. Hoàng Kế Thiện lại hỏi:
- Hưng, mày còn sống không?
- Sống nhăn răng.
- Nhiễu thế nào?-Tạ Quốc Hưng hỏi lại.
- Nhiễu xuyên tâm rất nặng, càng gần càng nặng. Khi B-52 bay qua hoặc lượn vòng thì nhiễu sẽ giảm. Lúc ấy, nhiễu cạnh và nhiễu sau rất ít.
Tạ Quốc Hưng hiểu, đó là thời cơ tốt cho việc đánh B-52 của cánh SAM-2.
Ngay ngày hôm sau, Tạ Quốc Hưng được điều về sở chỉ huy quân chủng để làm nhiệm vụ dẫn đường. Tuy nhiên, đường ra đã bị địch đánh phá ác liệt nên đến tận mấy hôm sau ông mới có mặt tại sở chỉ huy.
Cuối câu chuyện, ông chia sẻ với tôi, sau này, kiểm tra lại thì thấy những dự đoán về đường bay của B-52 vào đánh Hà Nội, Hải Phòng của ông và đồng đội đạt độ chính xác khoảng 90%.
MẠNH THẮNG