Lá cờ hiệu triệu của người chỉ huy

Gặp ông trong lần thứ 5 trở lại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị, vẫn chiếc ipad được các con mua tặng, ông khoe với chúng tôi bức ảnh mình chụp các bạn cùng phòng bệnh lần trước được sử dụng trên trang web của bệnh viện. Ông bảo: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, hãy sống vui vẻ để chiến đấu với bệnh tật các cháu ạ!". Còn chúng tôi, nhìn bước chân vững chãi của ông đến các phòng bệnh trò chuyện với mọi người mà không khỏi khâm phục!

Ông sinh năm 1942, tại xã Thanh Tường (nay là xã Đại Đồng), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông-cụ Lưu Văn Diên-là đảng viên tích cực tham gia đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước. Cụ bị thực dân Pháp bắt, giam cầm 3 năm tại nhà lao tỉnh Nghệ An. Ra tù, cụ vẫn tiếp tục bị chúng theo dõi, quản thúc tại gia suốt 18 tháng liền.

Tuổi thiếu niên noi gương cha, lại được đọc và rất yêu thích hai tác phẩm văn học nổi tiếng "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán và "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn người Nga Nikolai Ostrovsky đã nuôi dưỡng lý tưởng làm cách mạng trong ông. Nhưng phải đến tháng 2-1964, sau nhiều lần khám tuyển và bị loại do không đủ cân nặng, tâm nguyện ấy của ông mới trở thành hiện thực. Ông được nhập ngũ về Trung đoàn 214.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Lưu Chiến Trường kể chuyện chiến đấu với cháu ngoại. Ảnh:  BẢO LINH

Sau 3 tháng huấn luyện ở Hòa Bình, cấp trên cử ông đi học lớp sơ cấp quân y, rồi được điều về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 của trung đoàn lúc đó đang chiến đấu ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông nhớ mãi kỷ niệm về trận đầu cùng đơn vị tham gia bảo vệ trận địa radar tại xã Đặng Sơn, ngày 8-7-1965. Hôm ấy, địch tổ chức tấn công bằng cả không quân và pháo bầy vào trận địa của ta. Chiến sĩ quân y Lưu Văn Trường phải liên tục cơ động đến các vị trí cấp cứu thương binh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Lê Minh Giới bị mảnh bom găm vào tay trái.

Ông kể: "Sau khi được tôi garo vết thương, đồng chí Giới quyết không rời vị trí. Cầm chắc lá cờ trong tay còn lành lặn, với khẩu lệnh dõng dạc, đanh thép, anh chỉ huy bộ đội tiếp tục chiến đấu. Hình ảnh ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đơn vị, cùng các lực lượng bảo vệ thành công trận địa radar và bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Cá nhân tôi được tặng bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ chiến đấu giỏi. Rất tiếc, trận ấy, đơn vị tôi hy sinh 4 đồng chí!"...

Điều tiếc nuối và nguyện vọng của người thương binh

Những ngày nằm viện, được nghe ông kể chuyện cuộc đời, chúng tôi mới biết hóa ra tên "cúng cơm" của ông là Lưu Văn Trường, còn cái tên Lưu Chiến Trường là do đồng đội đặt cho sau lần bị thương nặng hồi tháng 6-1966. "Trực tiếp tham gia chiến đấu 417 trận với không quân Mỹ, nếu không nhờ may mắn là tôi đã hy sinh lâu rồi, thế chẳng phải "lưu chiến trường" thì là gì!"-ông cười vui nói.

Rạng sáng 1-6-1966, sau tiếng kẻng báo thức, trong khi mọi người tranh thủ tập thể dục thì ông cố viết nốt mấy dòng dang dở vào cuốn sổ tay các "phương án tác chiến", phòng khi có tình huống xảy ra với bản thân thì đồng đội có thể theo những gì ghi trong sổ để sơ cấp cứu thương binh. "Tôi còn tỉnh táo nên quyết định đi cảnh giới xung quanh. Mới đi chừng 30m, tôi phát hiện một chiếc máy bay của địch thả bom trên đỉnh đồi phía xa, gần khu vực Phong Nha, Kẻ Bàng. Do đại đội mới cơ động về bảo vệ phà Xuân Sơn chưa lâu nên tinh thần cảnh giác rất cao. Phát hiện địch, ta báo động ngay.

Bộ đội vào vị trí chiến đấu, tôi cũng vơ vội túi thuốc lao ra trận địa. Khi máy bay lại gần, chúng tôi nhận ra đó là chiếc C-47. Nó bay một vòng rồi thả bom. Nó bay chậm, thấp nhưng do khói bom mù mịt che mất mục tiêu nên ta bắn không trúng, trận địa bị lộ. Địch gọi máy bay đến tấn công. Do chịu sức ép của bom nổ gần nên quần áo của tôi bị xé nát hết, tai thì ù đặc không nghe thấy gì. Mảnh bom xuyên từ phía sau lưng qua ngực nhưng lúc đó không hề biết mình bị thương, tôi cúi xuống túm lấy túi cứu thương bị văng dưới đất mới thấy máu từ ngực phải phun ra thành dòng. Trước mắt tối sầm lại, anh em chạy đến cũng là lúc tôi ngất lịm.

Đồng chí y tá số 2 Đoàn Văn Lục (quê ở Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An) cũng bị thương nặng. Chúng tôi được đưa đi điều trị tại Viện 41. Do vết thương quá nặng, y tá Lục đã hy sinh. Còn tôi cũng không kém phần nguy hiểm. May có bác sĩ Thắng, Viện trưởng tiến hành mở nội khí quản, bác sĩ Long phụ trách phòng mổ và Phòng bệnh số 11 giỏi chuyên môn cấp cứu kịp thời mới kéo tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên cảm giác được mở khí quản, không khí tràn vào phổi ào ạt như gió. Sướng lắm! Sau đó, tôi được kết luận mất 21% sức khỏe, yêu cầu về tuyến sau. Nhưng vì mong muốn trở lại chiến đấu, tôi xin được ra viện sớm rồi giấu nhẹm tờ giấy chứng thương và nhanh chóng hành quân về lại đơn vị. Nhìn thấy tôi, anh em ào đến thăm hỏi. Có cậu đùa vui bảo, tao tưởng mày thành "Lưu Chiến Trường" rồi chứ. Tôi thấy hay và cũng ý nghĩa với mình nên từ đó đổi tên thành Lưu Chiến Trường"-ông nhớ lại.

Câu chuyện đang vui, bỗng giọng ông trầm buồn đầy tiếc nuối: "Giấu được lần một, nhưng không giấu được lần hai các cháu ạ. Tôi vẫn phải chia tay đồng đội do bị thương ngày 11-12-1969. Hôm ấy, tôi được lệnh hộ tống thương binh về Viện 4 ở cách nhà tôi chừng 4km. Tưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ có thể về thăm mẹ, chẳng ngờ, đoàn bị bom địch dội trúng đội hình. Các thương binh được sơ tán kịp thời, không ai nguy hiểm, còn tôi bị hất văng lên cao, rơi úp mặt xuống đất, may có đội công giao thông (lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong bảo đảm giao thông) đang làm nhiệm vụ gần đó cứu lên.

Các anh thương binh sau đó tiếp tục theo xe ra ngoài Bắc, còn tôi phải ở lại hầm để các đồng chí công nhân giao thông chăm sóc. Khi hồi phục một chút, tôi về thăm mẹ 3 ngày rồi được đón đến Đoàn An dưỡng 200. Khám thương tật tôi vẫn xin ghi 21% và định bụng khi trở về đơn vị lại giấu đi và báo máy giám định hỏng, chưa có kết luận để tiếp tục làm nhiệm vụ. Ai ngờ, hôm sau, họ vẫn kết luận tôi mất 36% sức khỏe và đưa thẳng về trạm đón tiếp thương binh của tỉnh Nghệ An...".

Mặc dù không được thỏa nguyện nhưng thương binh Lưu Chiến Trường cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào trang mới của cuộc đời: Đi học và về làm công tác tổ chức cán bộ ở Trường Sư phạm Con Cuông (Nghệ An). Vết thương khiến sức khỏe của ông giảm sút nhiều, đặc biệt là trí nhớ. Chẳng thế mà khi đi học nghiệp vụ do Bộ Giáo dục triệu tập ở Văn Điển (Hà Nội), ông để quên cuốn sổ "phương án tác chiến" tại lớp học mà tận cả tháng sau mới nhớ ra nên không thể tìm lại được, khiến ông tiếc mãi. Sau này, nhờ quyết tâm và nỗ lực không ngừng, sức khỏe của ông dần hồi phục để ông công tác tốt cho đến ngày nghỉ hưu (tháng 4-2003) trên cương vị là cán bộ Trường THPT Thanh Chương 2 (nay là Trường THPT Đặng Thai Mai, Nghệ An).

Giờ đây, đã ở tuổi xưa nay hiếm, vết thương chiến tranh cùng bệnh tật vẫn không ngăn nổi bước chân đi tìm đồng đội của ông. Ông bảo, mong rằng những ai còn sống nếu đọc được bài viết này hãy liên hệ với ông theo số điện thoại: 0393616848 để cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa nơi chiến trường. Thế là quý lắm rồi!

BÍCH TRANG