Tạm biệt những tuyến phố sôi động dọc sông Sài Gòn nằm trên địa phận TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) năng động và phát triển, chúng tôi vào cổng phụ của Trường Sĩ quan Công binh.

Lúc này, cạnh đường lên nhà hiệu bộ xuất hiện trước mắt tôi là một khuôn viên giống như khu vườn sinh thái nhiệt đới. Điểm nhấn trong khu vườn ấy là những cây dầu cổ thụ, thân mốc thếch, cao vút, xòe tán che kín cả bầu trời đầy nắng. Một cơn gió ào tới, tán lá trên cao đung đưa. Trong bóng mát xen kẽ những vệt nắng vàng, từng quả, từng quả dầu xoay tròn trong gió rồi nhẹ nhàng “hạ cánh”. Thấy tôi “say” với cảnh sắc thiên nhiên tươi mát, trong lành và dịu êm ấy, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cảnh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh thủ thỉ, nhà trường có hàng nghìn cây dầu lớn bé, với hàng chục cây dầu cổ thụ nằm trong khuôn viên. Nhà trường được ví von là “vườn ươm” sản sinh ra hàng nghìn “ngôi sao bay” đã và đang công tác khắp mọi miền Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác giáo dục, đào tạo tại Trường Sĩ quan Công binh. Ảnh: TRUNG DŨNG 

Rồi anh chậm rãi kể, trong hơn 35 năm học tập, công tác tại trường, anh chứng kiến nhiều khóa học viên tốt nghiệp và thấy họ có điểm chung. Kết thúc khóa học, lúc khoác ba lô về đơn vị nhận công tác, các sĩ quan trẻ thường đứng lặng nhiều phút để ghi lại cảnh sắc, bóng dáng những cây dầu cao lớn trong khuôn viên nhà trường. Vào dịp từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm là mùa ôn thi tốt nghiệp, cũng là thời điểm quả dầu chín rụng. Nhìn những quả dầu hai cánh, màu vàng nhạt, quay tít trong gió, có chàng học viên mang hồn thi sĩ đã ngầm ví sự trưởng thành của họ như những "ngôi sao bay" ấy. Bởi khi tiếp đất, sau một thời gian, những quả dầu bay trong gió ấy sẽ sản sinh ra một cây non. Qua thời gian cây non sẽ vươn lên mạnh mẽ, giống như cán bộ trẻ về đơn vị cơ sở, cống hiến hết mình, góp sức xây dựng lực lượng công binh toàn quân, bất chấp khó khăn, gian khổ, không quản ngại mất mát, hy sinh.

Tại phòng khách, Đại tá Trần Thanh Khôi, Chính ủy nhà trường chia sẻ với chúng tôi về những đổi mới trong đào tạo sĩ quan công binh cấp phân đội trình độ đại học. Anh kể, đầu tháng 8, nhà trường tổ chức diễn tập đào tạo thời chiến. Đây là nội dung rất mới, nhằm giúp cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, nhất là đội ngũ giảng viên, học viên nắm được trình tự các bước trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hành quân di chuyển, xây dựng khu trú quân bí mật, thiết lập hệ thống công sự, trận địa, tổ chức các phương án đào tạo phù hợp với thời chiến. Lúc cuộc diễn tập chưa tiến hành, nhiều người lo lắng và nghi ngờ khó đạt được mục đích đề ra. Tuy nhiên, sau diễn tập thành công, trong “rút kinh nghiệm đầu bờ”, đa phần ý kiến đều thống nhất, trong tương lai phải tổ chức diễn tập chi tiết hơn, xây dựng nhiều phương án, đúc rút thành lý luận để phục vụ giảng dạy, huấn luyện, rèn luyện, chuẩn bị tâm lý cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên sát với đặc điểm thời chiến và thực tiễn đơn vị.

Đại tá Trần Thanh Khôi cũng tâm tình, bên cạnh những đổi mới ấy, nhà trường thường xuyên rà soát, điều chỉnh kịp thời nội dung, chương trình đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, đúng với phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và sát với thực tế đơn vị. Nhà trường bám sát các đơn vị để lấy ý kiến phản hồi, từ đó điều chỉnh, bổ sung chương trình cho các khóa đào tạo tiếp sau. Hiện nhà trường đã rà soát, xây dựng 4 chương trình đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học theo Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; chương trình đào tạo sĩ quan dự bị; điều chỉnh hoàn thiện chương trình đào tạo đại học Công an.

Tiếp nối câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Duy Cảnh trải lòng, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng Công binh thời kỳ mới, vài năm gần đây, trong huấn luyện diễn tập xây dựng hệ thống văn kiện tác chiến, kế hoạch bảo đảm công binh ở các loại hình chiến đấu, nhà trường luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, học viên không được chuẩn bị trước. Quá trình làm văn kiện phải viết vẽ bằng tay ngoài thực địa. Điều này buộc đội ngũ cán bộ, học viên phải nghiên cứu, học thực chất, nắm chắc kiến thức và nguyên tắc để vận dụng nhuần nhuyễn.

Đến Tiểu đoàn 1, nơi đang quản lý học viên năm thứ hai, chúng tôi ghi nhận những đổi mới hữu ích. Cho dù chỉ còn vài ngày nữa là học viên được nghỉ hè nhưng các kế hoạch đào tạo vẫn tiến hành bài bản. Thượng tá Trần Trung Việt, Tiểu đoàn trưởng kể về những đột phá trong quản lý, rèn luyện và đào tạo học viên khá chi tiết. Anh nhấn mạnh, chỉ huy tiểu đoàn không chỉ duy trì nghiêm các quy chế, quy định về học tập và rèn luyện của học viên mà còn tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình học và tự ôn luyện. Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch huấn luyện ngoại khóa và chính khóa hợp lý, bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, logic; khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, tự giác học tập và rèn luyện. Đội ngũ cán bộ tích cực trao đổi, rút kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên và đổi mới phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho học viên; nhân rộng và phát huy hiệu quả tổ phương pháp, mô hình “đôi bạn cùng tiến” trong học tập và rèn luyện.

Hiện nay, ngoài huấn luyện theo chương trình chính khóa, nhà trường rất chú trọng huấn luyện ngoại khóa, xem đây là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo. Theo thống kê, năm học 2022-2023, các đơn vị quản lý học viên đã tổ chức huấn luyện ngoại khóa 6 môn với 485 tiết, như: Điều lệnh; bắn súng K54; tiếng Anh; công tác Đảng, công tác chính trị; nhận thức giới... Đặc biệt, nhà trường tiếp tục duy trì tiết thứ 9 kết hợp với giờ câu lạc bộ để luyện tập phương pháp và rèn luyện thể lực cho học viên. Nhà trường còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh Bình Dương và các trường đại học trên địa bàn tổ chức các hoạt động dân vận, kết nghĩa, giao lưu, trao đổi, tham gia hội thi... để giáo dục, bổ sung các kỹ năng mềm cho học viên. Kết quả kiểm tra đánh giá trình độ, nhận thức của học viên đều đạt yêu cầu trở lên, có hơn 60% đạt khá, giỏi.

Ở Trường Sĩ quan Công binh hiện nay, đổi mới phương pháp dạy và học diễn ra rất mạnh mẽ và được coi là một trong các khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng chính quy. Trong nghị quyết năm học 2022-2023, nhà trường đã đề ra chỉ tiêu đối với từng khoa, từng bộ môn; xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động cụ thể, chi tiết thống nhất từ cấp trường đến từng giảng viên để thực hiện. Trong giảng dạy, các khoa giáo viên duy trì tốt hoạt động phương pháp của các tổ bộ môn, bồi dưỡng phương pháp, luyện giảng, thí giảng, dự giảng; tăng cường công tác kiểm tra; giảng thử, giảng mẫu ở các cấp đặc biệt là cấp bộ môn, khoa. Nhà trường đã chỉ đạo đổi mới hệ thống bài giảng thống nhất, phù hợp với từng đối tượng; đầu tư trang, thiết bị dạy-học hiện đại, nâng cấp hệ thống thao trường, giảng đường, thư viện, giảng đường chuyên dùng, phòng thí nghiệm... Đến nay, 100% giảng viên của nhà trường sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học, vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với từng đối tượng, môn học và từng giai đoạn; một số nội dung chuyên ngành sử dụng sản phẩm nghiên cứu khoa học giảng dạy và học tập kết quả được nâng lên rõ rệt.

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng sĩ Đặng Tuấn Anh, học viên năm thứ tư thuộc Tiểu đoàn 2 kể rằng, 3 năm học tại nhà trường, được sự dìu dắt của đội ngũ cán bộ quản lý và đặc biệt là được các giảng viên tận tình truyền thụ vì thế đã nắm khá chắc nguyên tắc, cách thức, phương pháp bảo đảm công binh trong các nhiệm vụ. “Chúng tôi rất háo hức chờ ngày ra trường, được thử lửa trong thực tiễn”, Thượng sĩ Đặng Tuấn Anh bày tỏ.

Để trở thành sĩ quan công binh, trong thời gian học tập, rèn luyện, học viên phải vượt qua rất nhiều thử thách. Ngoài lĩnh hội lượng lớn kiến thức lý thuyết cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, họ còn phải thực hành lái xe, lái máy đặc chủng trong mọi điều kiện thời tiết, đêm tối, địa hình phức tạp, trên sông khi bị địch oanh tạc... để làm quen với chỉ huy bộ đội ngoài đơn vị. Việc đổi mới giáo dục, đào tạo sát yêu cầu xây dựng Binh chủng Công binh hiện đại và nhiệm vụ đơn vị cơ sở của Trường Sĩ quan Công binh hứa hẹn sẽ cho ra những "ngôi sao bay" vừa hồng, vừa chuyên và thực sự tài năng.

Năm học 2022-2023, Trường Sĩ quan Công binh tổ chức đào tạo 12 đối tượng với 52 đầu lớp. Kết quả học tập của học viên: 100% đạt yêu cầu, có 60,26% khá, giỏi; 99,1% học viên rèn luyện khá, tốt (94,1% đạt tốt); 100% học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó có 69,21% khá, giỏi. Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 37 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở; hoàn thành in ấn 24 đầu giáo trình tài liệu; tiếp nhận hơn 277 đầu sách, tạp chí; biên soạn mới 25 giáo trình, tài liệu...
 

MẠNH THẮNG