Hoài niệm không chỉ là hồi ức, ký ức để nhớ về quá khứ mà còn là suy ngẫm, trải nghiệm và ước nguyện cho tương lai.

Ngày 3-2-1930 là ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện trọng đại nhưng khi ấy mới như một đốm lửa trong đêm trường nô lệ. Quê tôi ngay sát quê hương của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, người sáng lập Quốc dân Đảng, người hiên ngang bước lên đoạn đầu đài chứ nhất định không khuất phục kẻ thù xâm lược. Với người dân ở quê khi ấy, sự ra đời của Đảng Cộng sản cũng chưa đem đến ngay bầu không khí sục sôi. Thế nhưng chỉ sau một năm, nghĩa là sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trong lòng dân chúng đã có một luồng sinh khí mới.

Và đến năm 1945, cách mạng đã giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản "Tuyên ngôn độc lập" khẳng định quyền của người Việt Nam cũng như mọi người, mọi dân tộc trên thế giới là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Điều đó còn được khẳng định dù trong hoàn cảnh nào, gian khổ hy sinh đến bao nhiêu thì sáng ngời chân lý là ý chí sắt đá của nhân dân ta: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

15 năm để thay đổi kiếp người nô lệ thành người tự do, để một nước phong kiến lạc hậu, thuộc địa thành nước Cộng hòa, Dân chủ, thì thời gian theo vòng quay trái đất đã quay như thế nào, chậm hay nhanh? Nếu so với các cuộc cách mạng trên thế giới, có lẽ chưa có tổ chức chính trị nào mới ra đời lại có thể làm nên sự kiện to lớn đến vậy.

Tuy nhiên, vì sự thay đổi lớn lao ấy mà nhà nước Cộng hòa, Dân chủ non trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Các nhà viết sử mô tả khó khăn ấy là khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”. Vậy mà "sợi tóc" ấy không những không đứt mà còn đủ sức làm cho Nhà nước ấy ngày càng vững mạnh, cáo chung cho chế độ thực dân cũ và mới trên toàn thế giới. Thật lớn lao! Thật vĩ đại!

Những người sinh ra vào thời khắc lịch sử ấy đến nay đã 80 tuổi rồi. Các cụ suy ngẫm về điều gì? Hoài niệm về những ngày đã qua thì thật bộn bề những điều tưởng như không thể. Mẹ vượt qua nạn đói năm Ất Dậu để nuôi mình ra sao? Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô làm sao có thể cầm chân giặc Pháp tới 60 ngày đêm cho các cơ quan Trung ương rút về chiến khu an toàn? Sức mạnh của lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" mạnh đến vậy sao?

Rồi kháng chiến trường kỳ với chiến thắng “Điện Biên chấn động địa cầu” là đáp án “sai” của những bộ óc chiến tranh có nghề của đế quốc, thực dân vẫn không làm cho những toan tính của những kẻ xâm lược tỉnh ngộ. Chỉ khi thất bại thực sự với tổn thất hàng triệu sinh linh của cả đôi bên thì những cái đầu nóng chiến tranh mới chịu thừa nhận: Thua vì không hiểu văn hóa Việt Nam.

Có lẽ kẻ xâm lược nào cũng đều có cái chung giống nhau là tham lam, tàn bạo... Chẳng thế mà trên cùng khúc sông Bạch Đằng có đến 3 lần ở những thời điểm cách nhau hàng trăm năm, các thế lực xâm lược khác nhau đều chịu chung số phận thảm bại.

Người Việt Nam truyền đời tự hào về điều đó, nhưng cũng truyền đời mong muốn kẻ xâm lược đừng lặp lại điều đó: "Ở đâu? Mỗi ngọn núi dòng sông/ Cũng hiển hách chiến công/ Lừng danh dũng sĩ/ Ở đâu? Một mũi chông, một ngọn tầm vông/ Cũng hiên ngang như trường thành, chiến lũy/ Và ở đâu? Trên trái đất này/ Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay” (thơ Tố Hữu).

leftcenterrightdel

Cầu Long Biên. Ký họa màu nước của QUANG CƯỜNG 

Chính điều đó là cội nguồn của khoan dung, cội nguồn của hòa hợp và khép lại quá khứ.

Đành rằng hợp tác, hữu nghị là nỗ lực của cả đôi bên, nhưng xét theo thời gian và sự kiện thì có khi nào Việt Nam không muốn hợp tác, hữu nghị? Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Nhà nước ta đã nhiều lần chủ động viết thư cho các Tổng thống của Hoa Kỳ để thể hiện thiện chí hợp tác hòa bình. Hãy đọc một đoạn trong thư Bác gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946: “Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước”.

Chưa có phản hồi tích cực từ phía Hoa Kỳ, Bác lại gửi tiếp thư khác, lời lẽ khiêm nhường, chân thành: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Có lẽ trong lịch sử ngoại giao, không có lời lẽ nào chân thành, cầu thị đến như thế. Vậy mà bánh xe lịch sử hòa bình, hữu nghị vẫn phải để thời gian nặng nề trôi suốt mấy chục năm, mãi đến năm 1995, trang hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ mới được mở ra.

Đến năm 2023, nghĩa là sau hơn 1/4 thế kỷ, Tổng thống Joe Biden sang Hà Nội cùng lãnh đạo Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp độ cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện. Ông đã từng đọc câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” lại có dịp lẩy Kiều một lần nữa: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân mỗi ngày”. Và hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc thơ của nhà thơ nổi tiếng người Ireland (Tổng thống Joe Biden người gốc Ireland): “Khi nghĩ về nơi khởi đầu và nơi kết thúc của vầng sáng/ Tôi nói rằng, đó là nơi của những người bạn tôi”.

Thật tuyệt vời cho cả hai dân tộc và cũng tuyệt vời cho cả nhân loại. Ta bỗng ao ước rằng, giá như thời gian quay trở lại, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Harry Truman ký thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ thì lịch sử hai nước và lịch sử thế giới đã có những trang huy hoàng.

Tuy nhiên, cái gì đến nó sẽ đến. Thời gian không phụ những con người, những dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại. Như Bác Hồ lạc quan tin tưởng ngay khi còn trong tù: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi.../ Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Hiện nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao cấp độ cao với tất cả các nước lớn, là đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, đã có nền kinh tế lớn vào tốp 40 nước hàng đầu thế giới... Cánh cửa vào kỷ nguyên phát triển đã rộng mở, chúng ta nhất định phải bắt đầu bước đi của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tạm biệt năm 2024 với bao hoài niệm để bước sang năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại. Năm 2025, tròn 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Và năm 2025, đại hội đảng bộ các cấp sẽ kiện toàn bộ máy của Đảng để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng-đại hội mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, sánh vai với các cường quốc năm châu đúng như mong ước của Bác Hồ.

Thời gian và hoài niệm cho ta tầm nhìn rộng mở “trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu” để hướng tới tương lai tươi sáng, để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Ta thấy Xuân Ất Tỵ đang đến tưng bừng hơn. Hoài niệm những vinh quang và gian khổ, chiêm nghiệm lẽ sống làm người và lẽ sinh tồn, phát triển của dân tộc để củng cố niềm tin và ý chí vươn lên trong vị thế vươn mình, sánh bước cùng các quốc gia phát triển của khu vực và thế giới. Không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng cũng đừng có ai tự mình tụt hậu. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đương nhiên là tụt hậu. Nhưng với yêu cầu của kỷ nguyên mới, yêu cầu trước mắt của cách mạng tinh gọn bộ máy, không thể lừng khừng “nước chảy bèo trôi”.

Tất cả hãy xung phong như những người lính Cụ Hồ năm xưa: “Núi không đè nổi vai vươn tới”, “mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc” để làm nên những chiến thắng thần kỳ “Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo”. Vệ Quốc quân năm xưa, Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay, đội quân bách chiến, bách thắng đã hơn 80 năm tuổi vẻ vang đồng hành với dân tộc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Mùa xuân đang gõ cửa. Nhà nhà, người người hãy chủ động đón xuân sang bằng những việc làm thiết thực nhất để năm 2025 trở thành mốc son mới trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Xuân nay, mùa xuân-hy vọng! Vòng quay trái đất sẽ hợp với vòng quay của lòng người mà tạo nên niềm vui lớn.

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC