Việc khó, việc cần nêu gương phải làm từ Trung ương xuống địa phương, từ cấp trên xuống cấp dưới. Rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia chuyên ngành từ chuyên môn đến quản lý vi mô, vĩ mô đều thể hiện tinh thần ủng hộ chủ trương này.

Chuyên gia về kinh tế-xã hội Phạm Chi Lan gọi việc tinh gọn bộ máy lần này là một cuộc cách mạng. Có thể nói, tính cấp thiết của vấn đề ai cũng rõ: Duy trì bộ máy cồng kềnh, chồng chéo này không thể phát triển mạnh mẽ được, không thể bước vào kỷ nguyên mới được!

Thực tiễn cho thấy, độc lập, tự do là chân lý, là cái bất biến. Nhưng đất nước và cuộc sống người dân lại cần phát triển không ngừng. Đất nước đã xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, nhưng không thể nằm yên để chờ “cái bẫy thu nhập trung bình” nó thòng vào cổ mình! Hơn thế, toàn Đảng, toàn dân đang có khát vọng vươn lên thành đất nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Cấp độ nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao với nước phát triển, thu nhập cao là bước phát triển vượt bậc. Bởi thế, đạt tới trình độ phát triển ấy đồng nghĩa với việc bước sang kỷ nguyên mới trong thang bậc phát triển của đất nước. Vậy chúng ta có quá tham vọng không? Phấn đấu cho sự phát triển không thể không tham vọng! Có khát vọng mới có động lực để phát triển. Khát vọng của chúng ta có cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh bền vững; có chính sách đối nội, đối ngoại truyền thống và tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển với tốc độ cao của một nền kinh tế lớn. Nếu “cứ ngủ yên trên cành nguyệt quế” là có lỗi với dân tộc, có lỗi với các bậc tiền bối!

leftcenterrightdel

Học sinh, sinh viên biểu diễn văn nghệ tại lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Ảnh: TRẦN HIỆP

 

Lãng phí cơ hội là lãng phí lớn nhất. Chúng ta không thể lãng phí cơ hội khi hầu hết chính khách, chuyên gia nước ngoài đều đánh giá cao cơ hội và điều kiện để Việt Nam phát triển. Những nhân vật nổi tiếng về các lĩnh vực đang đến Việt Nam với những kỳ vọng lớn và lâu dài.

Tôi còn nhớ có lần ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới-Nvidia-khi đến Việt Nam đã nói rằng: “Chúng tôi tin Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ là trung tâm lớn nhất của Nvidia trên thế giới... Chúng tôi sẽ ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam”.

Nói quê hương là nói đến tình cảm thiêng liêng của người Á Đông. Nó chạm tới cảm xúc chứ không đơn thuần là kinh tế. Chính vì thế, sự giữ lời hứa của Chủ tịch Nvidia Jensen Huang được đánh giá cao và đón nhận trân trọng. Ngày 5-12-2024 vừa qua, tập đoàn này đã ký với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là tín hiệu về một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta, thời kỳ đặc biệt về sức hấp dẫn Việt Nam trên trường quốc tế.

“Đất lành chim đậu”. Hàng loạt "ông lớn" đều muốn đến Việt Nam, thậm chí có nhiều doanh nhân đã định cư tại Việt Nam. Điều kiện bên ngoài là vậy, tình hình trong nước thì sao? Có thể nói rất khả quan. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Điều quan trọng hơn, ta đã hoàn thành những công trình trước đây không thể triển khai với tốc độ như thế. Đó là đường dây 500kV mạch 3. Chúng ta đã hoàn thành với thời gian bằng 1/6 thời gian trước đây từng làm. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc hoàn thành đường dây điện kết nối này cho thấy “không có gì là không thể”.

Hoàn thành mạch 3 đường dây 500kV còn thể hiện tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững, chiến lược đi trước về năng lượng trong phát triển. Câu chuyện về năng lượng và logistics là những câu chuyện đáng mừng về tư duy phát triển của giới lãnh đạo Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tất cả, tất cả như đang bắt đầu một kỷ nguyên mới, sự bắt đầu bài bản và không thể dừng, xét theo mọi góc độ.

Vậy cái gì đang kéo chân chúng ta? Thể chế ư? Có lẽ thế! Nhưng thể chế cũng do con người đặt ra. Bộ máy ư? Có lẽ thế! Nhưng bộ máy cũng do con người sắp xếp. Và chúng ta đã hiểu, một bộ máy cồng kềnh, lạc hậu, tốn kém tiền bảo trì mà không thể vận hành với tốc độ cao, hiệu quả lớn. Vậy, ai sẽ sắp xếp lại? Chính chúng ta phải làm chứ không chờ vào ai được!

Tổng Bí thư Tô Lâm đang truyền cảm hứng và năng lượng cho cả hệ thống chuyển động. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang chỉ đạo hành động quyết liệt trên mọi lĩnh vực với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm” và mỗi người phải tự “làm tư tưởng cho chính mình”. Các chuyên gia, các nhà quản lý đang vào cuộc và có những ý kiến mạnh mẽ, thiết thực, khẳng định tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng.

Thời cơ thuận lợi như đã nêu trên, nhưng cái khó của cuộc cách mạng này là phải “thắng chính mình”, phải “vượt lên chính mình”. Các nhà tổ chức đã vào cuộc với nhiều giải pháp, thậm chí có cả giải pháp “phẫu thuật”, nghĩa là cắt bỏ "khối u" cản trở phát triển, dù có phải chịu đau đớn nhưng vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn phải làm. Trách nhiệm trước hết là của cán bộ, đảng viên, những người tiên phong của cộng đồng, phải “làm tư tưởng cho chính mình”. Chỉ có nhường nhịn, chấp nhận thiệt thòi cá nhân vì cái chung mới có thể "thông đồng bén giọt" được.

Tuy nhiên, nói “làm tư tưởng cho chính mình” không có nghĩa là khoán trắng cho từng đồng chí. Đảng và Nhà nước, đồng chí, đồng đội phải hỗ trợ bằng chính sách, bằng vật chất và tinh thần. Về vật chất, nên có chế độ khuyến khích người về hưu sớm không chỉ được hưởng nguyên chức, nguyên lương mà còn được tính thời gian nghỉ hưu đủ tuổi theo quy định. Quan trọng hơn, về mặt tinh thần phải được tôn vinh như một hành vi văn hóa cao cả. Đối với cán bộ, chuyên viên có nguyện vọng chuyển ra ngoài làm việc cần tạo điều kiện tốt nhất về vật chất, về pháp lý và tinh thần để họ có thể khởi nghiệp thành công. Câu chuyện ở đây là người có khả năng, có chuyên môn tốt có thể sẵn sàng “ra đi”, như thế bộ máy sẽ bị “rỗng” về chuyên môn. Việc này phải do lãnh đạo mới của cơ quan, tổ chức xem xét kỹ lưỡng, có chính sách mời người có năng lực ở lại. Lời mời của cấp trên là “liệu pháp” văn hóa trong tổ chức cán bộ.

Việc dùng người hiền tài trong trường hợp này cũng là bài học quý giá. Đối với cán bộ, những người đang học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong lúc này cần học kỹ phong cách mời người và dùng người của Bác để phục vụ cách mạng trong lúc khó khăn nhất như thế nào. Tinh gọn bộ máy là cách mạng, bởi thế, hơn lúc nào hết phải học và làm theo lời Bác dạy “dụng nhân như dụng mộc”. Đúng người, đúng việc, hiệu quả sẽ cao. Việc tinh giản phải đi cùng với sắp xếp bộ máy, phân công, phân nhiệm cụ thể trong tổ chức, cơ quan. “Một người biết lo bằng kho người làm”. Người giỏi không được giao đúng việc cũng không phát huy được. Thế nên hãy cho họ mảnh đất để dụng võ. Những nhà quản lý giỏi phải là các bậc thầy “luyện võ”, bậc thầy trong dùng người. Có như thế mới tinh gọn bộ máy được. Tinh gọn không chỉ là đo đếm số học mà mục đích là làm cho bộ máy vận hành tốt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Người tài xưa nay không nhiều, nhưng thời nào cũng có. Nguyễn Trãi từng khẳng định: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có!

Thời nay là thời Việt Nam có vị thế cao trên trường quốc tế. Thời nay, con em chúng ta học trong nước và học ở khắp nơi trên thế giới. Thời nay, Việt Nam chắc chắn phải có nhiều hào kiệt. Vấn đề là mời và dùng như thế nào mà thôi. Mời để “đánh bóng chính sách” thì mời chẳng bằng không mời. Mời mà không dùng hoặc dùng không đúng cách thì cũng không có người tài. Câu chuyện cầu hiền tài và đào tạo nhân tài vẫn là một bài toán cần lời giải mặc dù thông số “hào kiệt đời nào cũng có” luôn chờ chúng ta.

Chính sách dùng “người tài có hàm, có vị” kéo dài trong biên chế thì còn chỗ đâu cho tuổi trẻ rèn chí, luyện tài? Chế độ “đồng loạt hàm vị” có nên duy trì trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này không? Hay cần chuyển sang chế độ chuyên gia đúng người, đúng việc? Nên chăng, người có năng lực không cần biên chế? Họ có thể làm việc độc lập, hiệu quả và còn có thể tạo việc làm cho người khác. Cần có chế độ khuyến khích những cá nhân, tổ chức không cần lương và các bao cấp khác của ngân sách mà làm việc hiệu quả, mà tạo tiền của và việc làm cho xã hội như là một phần của công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước.

Làm được như vậy, hào kiệt Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước chắc chắn sẽ nở rộ để bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để chung tay xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, cùng nhịp bước với các quốc gia phát triển trên thế giới vì hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.    

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC