Sau nhiều năm chiến tranh gian khổ, năm 2007, Binh đoàn 12-Bộ đội Trường Sơn chính thức được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN). 25 năm gắn bó với thương trường, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã góp phần lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng đất nước, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Để rõ hơn về cách làm, bản lĩnh của người lính trên mặt trận kinh tế vốn đầy cám dỗ bởi lợi ích vật chất, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12-Tổng công ty xây dựng Trường Sơn xung quanh câu chuyện giữ chữ tín và sự sẻ chia của doanh nghiệp quân đội.
|
|
Đại tá Vũ Phúc Hậu. Ảnh: THU DƯƠNG |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, là đơn vị có bề dày truyền thống và cũng được giao nhiệm vụ làm kinh tế, Binh đoàn 12 đã để lại những dấu ấn gì đậm chất Bộ đội Trường Sơn trên các công trình?
Đại tá Vũ Phúc Hậu: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn đã “ăn lán ngủ rừng”; bám cầu, bám đường, bám trọng điểm, lấy mặt đường làm trận địa chiến đấu với mưa bom bão đạn của kẻ thù, giữ vững mạch máu giao thông, tổ chức vận chuyển quân, vũ khí và nhiều loại mặt hàng chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, phẩm chất hy sinh của Bộ đội Trường Sơn vẫn nguyên vẹn... Cán bộ, chiến sĩ, người lao động (NLĐ) của binh đoàn sẵn sàng có mặt ở biển đảo hay núi rừng biên giới, vẫn “ăn lán, ngủ rừng”, nhận về mình khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trong 25 năm được giao nhiệm vụ làm kinh tế, dấu ấn đậm chất lính Trường Sơn để lại trong mỗi công trình đó là chất lượng mà nổi bật là độ bền vững và tính thẩm mỹ cao. Binh đoàn đã đảm nhận xây dựng hàng trăm công trình lớn, quan trọng, có ý nghĩa về kinh tế-quốc phòng. Hiện nay, nhờ uy tín và thương hiệu, binh đoàn đã trúng thầu nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như: Gói thầu số 8 thuộc Dự án Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan... mới đây nhất là các hạng mục quan trọng tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tôi cho rằng, khi nhìn sâu vào các dự án, công trình mà binh đoàn thi công, xây dựng thì chất lính Trường Sơn thể hiện ở nhiều khía cạnh. Đó là tuân thủ pháp luật, đề cao kỷ luật, không ngừng sáng tạo, khắc phục khó khăn khi thi công ở nơi điều kiện địa chất, thủy văn, thời tiết phức tạp... nhằm thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng. Với tôi, chất lính Trường Sơn còn được thể hiện rõ nhất trong các đợt thi đua về đích với tinh thần không ngừng nghỉ. Ví dụ hiện nay, trong thi công hạng mục tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chúng tôi đang phấn đấu thi đua hoàn thành sau 40 ngày. Tôi cho rằng, những dấu ấn đậm chất lính Trường Sơn trên mỗi công trình là nét văn hóa đặc sắc của doanh nghiệp quân đội như chúng tôi, đó là một phần trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế.
PV: Trong thời kinh tế cạnh tranh gay gắt; trong xây dựng hạ tầng luôn xuất hiện những mâu thuẫn cục bộ giữa giải pháp thi công, tiến độ và hiệu quả kinh tế. Những yếu tố này rất dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến chữ tín, vậy binh đoàn đã tập trung giải quyết những vấn đề này thế nào?
Đại tá Vũ Phúc Hậu: Những mâu thuẫn về kinh tế, kỹ thuật và tiến độ thực hiện các dự án và công trình hạ tầng xảy ra trong thực tiễn không phải là ít. Theo quy định, việc thi công phải tuân thủ chặt chẽ văn bản khảo sát thiết kế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp công trình đi qua các vùng địa chất yếu, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật thi công cao. Thế nên, có tình trạng nơi đầu tư nhiều, nơi đầu tư ít hơn. Ví như khi thi công tuyến đường Đông Trường Sơn dài gần 2.000km, đi qua nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Có nơi thi công dồn dập bằng máy và thiết bị hiện đại thì đạt, vượt tiến độ rất nhanh, nhưng có nơi, địa chất và nền đất yếu, khối lượng đào đắp rất lớn, các loại máy móc hiện đại khó áp dụng thì tiến độ sẽ bị chậm so với kế hoạch. Hay gần đây, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến năng lực thi công. Để giải quyết những vấn đề này, chúng tôi đã đề ra nguyên tắc là tuyệt đối tôn trọng sự thật và tuân thủ sự trung thực. Bởi trung thực chính là một phần quan trọng trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Từ những nguyên tắc đó, binh đoàn đã có nhiều giải pháp khác nhau, nổi bật là kiên quyết chống hiện tượng khoán trắng; tái cơ cấu bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại. Riêng quý I-2022, binh đoàn đã đầu tư hơn 130 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị mới. Bên cạnh đó, trong tổ chức vận hành bộ máy, binh đoàn đã tăng cường nắm thông tin và kiểm tra, giám sát các khâu của quá trình thi công cũng như thanh, quyết toán tính đúng, tính đủ. Chúng tôi coi trọng việc phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thi công, giám sát và chủ đầu tư trong thực hiện. Thế nên, những vấn đề phát sinh, khó giải quyết thì đều được các bên bàn bạc, thống nhất chặt chẽ bằng văn bản để có phương án giải quyết tối ưu và bổ sung vào hồ sơ thi công. Những việc làm chặt chẽ như vậy đã được thực hiện thành nền nếp trong toàn binh đoàn.
PV: Nếu như trong lịch sử, khi nhắc đến Binh đoàn 12 là nhắc đến cuộc chiến khốc liệt tại các tuyến lửa Trường Sơn với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh tuổi xuân tại đây. Ngày nay, sẻ chia trách nhiệm xã hội cũng là một cách giữ chữ tín trong kinh doanh. Ở Binh đoàn 12 thì sao, thưa đồng chí?
Đại tá Vũ Phúc Hậu: Thường thì khi đã kinh doanh, hiệu quả kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nên, có hiện tượng một số doanh nghiệp bỏ thầu khi gặp phải các công trình khó thi công, ở vùng sâu, vùng xa. Là một doanh nghiệp làm kinh tế gắn với QPAN, Binh đoàn 12 sẵn sàng nhận phần trách nhiệm ấy, thậm chí, có lúc sử dụng ngay hiệu quả kinh tế để chia sẻ với nhân dân địa phương. Đó là cái tâm, cái tình của người lính Trường Sơn chúng tôi.
Trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, chúng tôi có nhiều cách làm để giữ vững truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Không chỉ sẻ chia khó khăn với đối tác, chủ đầu tư mà chúng tôi còn thật tâm sẻ chia khó khăn với cán bộ, chiến sĩ đang công tác; với cấp ủy, chính quyền, nhân dân, đồng bào dân tộc các địa phương nơi có công trình; sẻ chia với những cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ của binh đoàn qua các thời kỳ. Thực tế là, các cơ quan, đơn vị của binh đoàn đã tiếp nhận hàng nghìn con thương binh, liệt sĩ vào công tác. Binh đoàn Trường Sơn đã trích quỹ hàng tỷ đồng mỗi năm để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tặng quà đối tượng chính sách. Đơn cử như khi thi công dự án tại Cao Bằng gần đây, hưởng ứng chương trình xóa nhà dột nát do địa phương phát động, Binh đoàn 12 đã chi hàng tỷ đồng để chung tay với cấp ủy, chính quyền thực hiện việc làm ý nghĩa đó. Bên cạnh đó, binh đoàn cũng kêu gọi những đối tác cùng chung trách nhiệm để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng các địa phương... Tôi nghĩ rằng, những việc làm mang tính sẻ chia hết sức tình nghĩa của Binh đoàn 12 giai đoạn vừa qua đã và đang được xã hội, nhân dân ghi nhận, giúp truyền thống, uy tín, thương hiệu của binh đoàn trên mặt trận kinh tế ngày càng tăng cao, lan tỏa.
PV: Nghị quyết số 847-NQ/QUTW "về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới" của Quân ủy Trung ương đã chỉ ra những vấn đề về chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là ở những lĩnh vực kinh doanh, quản lý tài chính, đất đai... Những biện pháp của Binh đoàn 12 đề ra để chống loại “giặc nội xâm” này là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Vũ Phúc Hậu: Khi đã tham gia làm kinh tế, muốn tồn tại và phát triển thì phải cạnh tranh, phải coi trọng lợi nhuận. Đây vừa là động lực, nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân nảy sinh và phát tác. Nó là một loại "giặc", là nguyên nhân gốc rễ giết chết uy tín, thương hiệu, cho dù lịch sử truyền thống có vẻ vang tới đâu. Thực tế ở binh đoàn thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, do các biện pháp quản lý chưa chặt chẽ, chưa đủ mạnh và thực sự hiệu quả nên việc chống những thói hư, tật xấu chưa thật quyết liệt, chưa loại bỏ chủ nghĩa cá nhân tận gốc. Đã có một vài cá nhân chạy theo lợi ích, câu kết, thông đồng với chủ đầu tư chiếm đoạt tài sản nhà nước và bị pháp luật trừng trị. Đó là những bài học đắt giá cho chúng tôi.
Tôi nhớ đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nói, thực chất công tác tổ chức cán bộ là công tác dùng người. Thế nên, chúng tôi rất tâm đắc với vấn đề phát huy tính tự giác của cán bộ, đảng viên các cấp trong binh đoàn, tổ chức giáo dục khéo để cán bộ, đảng viên nêu gương, tự rèn, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh. Để chống chủ nghĩa cá nhân, chúng tôi đẩy mạnh giáo dục ý thức pháp luật, từng bước nghiên cứu và hoàn thành quy trình lãnh đạo, quản lý để bịt các kẽ hở. Trong lãnh đạo, bám sát chủ trương xây dựng văn hóa, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; một mặt chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức thực hiện nghiêm và có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình, phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm cán bộ chủ trì với sự ổn định, phát triển của đơn vị.
Trong quản lý, binh đoàn tập trung áp dụng công nghệ, đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại và nâng cao tác phong công tác; cân đối hài hòa lợi ích doanh nghiệp và NLĐ. Mấu chốt làm sao để NLĐ phải có việc làm, thu nhập ổn định. Binh đoàn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, tạo sự gắn bó, gần gũi giữa cán bộ, nhân viên và công nhân, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, lấy đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt. Chúng tôi cũng xác định, kiên quyết chống tư tưởng chạy theo lợi ích, thành tích bằng mọi giá, đặc biệt là chống hiện tượng thông đồng, móc ngoặc làm giảm uy tín, thương hiệu của binh đoàn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MẠNH THẮNG - THU HÒA (thực hiện)