Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đến nay, tình hình chuyển đổi số thư viện trong quân đội đã và đang được triển khai như thế nào?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Đón đầu chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã đầu tư và triển khai nhiều dự án về số hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, mạng hóa cho các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều dự án liên quan đến ngành thư viện, ngành thông tin như: Dự án thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng, kết nối các thư viện thuộc các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu (bao gồm xây dựng mới thư viện số, số hóa tài liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm, cổng thông tin riêng cho mỗi đơn vị...) do Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì thực hiện; dự án hiện đại hóa, xây dựng phòng máy chủ đạt chuẩn, số hóa tài liệu quân sự, trang bị phần mềm quản lý thư viện tích hợp, máy scan robot và các trang thiết bị hiện đại cho TVQĐ làm cơ sở, hạt nhân để tiến tới hình thành, phát triển mạng lưới thư viện toàn quân theo hướng mạng hóa, số hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến nay, thư viện thuộc các học viện, nhà trường, cơ quan nghiên cứu trong quân đội đã xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng trên mạng truyền số liệu quân sự với hàng triệu biểu ghi tài liệu, trong đó, với một số lượng lớn tài liệu nội sinh đã được số hóa như: Giáo trình, luận văn, luận án... Ngoài ra, các cơ quan thông tin, thư viện lớn trong quân đội như: Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng); TVQĐ (Tổng cục Chính trị) và một số thư viện thuộc các học viện, nhà trường còn chủ động mua quyền truy cập, đăng ký nhiều tài khoản khai thác các nguồn tài nguyên thông tin số trực tuyến từ nhiều nhà xuất bản, cơ quan báo chí trong và ngoài nước, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có thể dễ dàng tìm kiếm, khai thác đối đa nguồn tài liệu học thuật, có giá trị thông tin khoa học cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện...

Bên cạnh đó, TVQĐ đã và đang phối hợp với Nhà xuất bản QĐND để cài đặt ứng dụng đọc sách điện tử của Nhà xuất bản QĐND cho các thư viện cơ sở.

leftcenterrightdel
Thượng tá Mạc Thùy Dương.    Ảnh: MINH THÀNH

PV: Do nhiệm vụ đặc thù nên việc số hóa, mạng hóa thư viện ở các đơn vị cũng có những yêu cầu khác nhau. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về những nét khác biệt đó?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Với đặc thù, nhiệm vụ của quân đội nên chúng tôi tiến hành xây dựng 3 trang web tương ứng với 3 mạng thông tin riêng. Cụ thể, trang web mạng internet của TVQĐ chọn lọc, đăng tải, cung cấp, phục vụ thông tin, tài liệu cho tất cả đối tượng bạn đọc rộng rãi. Trang web trên mạng truyền số liệu quân sự Bộ Quốc phòng dùng để kết nối, tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin trong toàn quân, phục vụ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quân đội khai thác, sử dụng trong toàn hệ thống. Trang web mạng LAN dùng để tổ chức, quản lý, khai thác, tra cứu tại chỗ đối với cán bộ, nhân viên và bạn đọc tại TVQĐ.

PV: Là người gắn bó nhiều năm với công tác thư viện, đồng chí đánh giá như thế nào về những tiện ích của việc số hóa, mạng hóa và ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Có thể nói, từ khi ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện đã tạo nên một cuộc cách mạng đối với cả thư viện truyền thống cũng như đối với thư viện số. Đối với thư viện truyền thống: Đã tự động hóa tất cả chu trình nghiệp vụ trong thư viện, mượn trả tự động, số hóa tài liệu, phòng đọc thông minh, thiết bị giám sát an ninh, hệ thống tra cứu OPAC... Đối với thư viện số: Ứng dụng thủ thư số, tìm kiếm thông minh, cá nhân hóa nhu cầu của người dùng, khám phá dữ liệu lớn, bảo mật dữ liệu người dùng,... Tuy nhiên, với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân lực còn hạn chế như hiện nay, hệ thống thư viện trong quân đội cần được đầu tư, xây dựng, phát triển để sớm trở thành một mạng lưới thư viện hiện đại ngang tầm với các hệ thống thư viện lớn trong và ngoài nước.

PV: Mặc dù tích cực triển khai nhưng nhìn chung, quá trình chuyển đổi số hoạt động thư viện trong quân đội hiện nay vẫn còn chậm. Nguyên nhân của những khó khăn, trở ngại đó là gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Việc chuyển đổi số ngành thư viện đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, chất lượng cả về con người, hạ tầng mạng, kỹ thuật, trang thiết bị, phần mềm, tài nguyên thông tin... Vấn đề đặt ra với các thư viện trong quân đội hiện nay là các thư viện chủ yếu hoạt động phân tán, độc lập (trừ các thư viện học viện, nhà trường và thư viện thuộc các cơ quan nghiên cứu đã tích hợp, kết nối với hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng do Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự quản lý). Cho nên, việc đáp ứng, cung cấp thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin số cho bạn đọc trong quân đội còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ví dụ, để bảo đảm tiêu chuẩn sách điện tử theo Thông tư số 138/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, TVQĐ đã phối hợp với Nhà xuất bản QĐND tiến hành cài đặt phần mềm (app) đọc sách điện tử trên máy tính để cung cấp sách điện tử cho bộ đội (5.000 trang/người/năm). Tuy nhiên, hoạt động này đều thực hiện riêng lẻ ở từng đơn vị và mới chỉ triển khai được ở một số đầu mối cơ quan trực thuộc Bộ đã kết nối mạng truyền mạng số liệu quân sự.

Do vậy, để kết nối, tích hợp tất cả thư viện trong toàn quân thành một hệ thống thư viện số dùng chung thống nhất là một bài toán khó nhưng bài toán ấy hoàn toàn có lời giải khi chúng ta được quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung thống nhất trong Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
Cán bộ Phòng Thư mục và Máy tính điều khiển máy scan robot để số hóa tài liệu tại Thư viện Quân đội. Ảnh: MINH THÀNH 

PV: Để số hóa, thông minh hóa hệ thống TVQĐ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nghiên cứu, học tập tiện ích cho cán bộ, chiến sĩ trong tình hình mới, theo đồng chí, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phải quan tâm, đầu tư như thế nào?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Hiện nay, để xây dựng hệ thống thư viện trong quân đội trở thành một mạng lưới, hệ thống thư viện hiện đại đòi hỏi chúng ta phải tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện và phát triển hạ tầng mạng, kết nối mạng truyền số liệu quân sự đến các thư viện cơ sở; mở rộng, phát triển hạ tầng CNTT, các điểm truy cập, kết nối đến người dùng trong toàn quân.

Hai là, số hóa tài liệu nội sinh, xây dựng các cơ sở dữ liệu số dùng chung, tích hợp dữ liệu lớn cho toàn hệ thống TVQĐ nói riêng, Bộ Quốc phòng nói chung.

Ba là, xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung thống nhất bảo đảm liên thông, liên kết, tích hợp dữ liệu cho toàn hệ thống thư viện.

Bốn là, cập nhật các công nghệ hiện đại vào hoạt động thư viện như: Internet vạn vật; trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot, trợ lý ảo, công nghệ blockchain.... Đồng thời cũng cần nghiên cứu và dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của hoạt động thông tin, thư viện trong kỷ nguyên số, từ loại hình tài liệu, phương thức phục vụ, vấn đề bản quyền, tính bảo mật cho đến tính riêng tư của người dùng, của dữ liệu, các chuẩn nghiệp vụ quốc tế mới...

Năm là, quan tâm đào tạo cán bộ, nhân viên thư viện và người dùng tin có khả năng quản trị và khai thác, sử dụng thư viện thông minh.

Đây cũng là những yếu tố, điều kiện để xây dựng, phát triển hệ thống TVQĐ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

leftcenterrightdel
Phòng đọc điện tử phục vụ bạn đọc tại Thư viện Quân đội.  Ảnh do đơn vị cung cấp 

HÀ THANH MINH (thực hiện)