Lịch sử, văn hóa - sức mạnh tinh thần

 Phóng viên (PV): Từng trải qua nhiều cái Tết trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc, mỗi dịp Tết đến, xuân về chắc sẽ gợi lại cho ông rất nhiều ký ức?

 GS Phong Lê: Ngày xưa còn nhỏ, Tết với tôi và thế hệ chúng tôi là sự háo hức chờ đợi để được may áo mới, được ăn ngon hơn, được mẹ mua cho bánh pháo tép, chờ đợi không khí mổ lợn chung vào chiều 29 Tết... Ba ngày Tết thì được đi chơi, đốt pháo, đánh tam cúc thoải mái mà không bị nhắc nhở. Lớn lên, khi đất nước có chiến tranh, Tết đến chỉ mong ước sớm đến ngày hòa bình. Sau khi lập gia đình, Tết đến thì hào hứng sắm sửa để được về quê thăm bố mẹ, họ hàng, bạn bè... Bây giờ đã lên chức ông bà, ngày Tết càng mong chờ sự đoàn tụ, sum vầy của con cháu để chúc nhau một năm mới mọi người, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.

Hai năm nay, dịch Covid-19 khiến không ít phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt có nhiều thay đổi. Tôi cũng như mọi người sẽ đón Tết trong một trạng thái mới.

PV: Vậy Tết qua lăng kính của các nhà văn, nhà thơ thì sao, thưa ông?

 GS Phong Lê: Nhà văn, nhà thơ là những người rất nhạy cảm và có cách nhìn tinh tế trước những chuyển biến của thiên nhiên đất trời và con người... Trong văn học đã có nhiều nhà văn, nhà thơ viết về Tết với những góc nhìn khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, hai nhà thơ tiêu biểu của Phong trào Thơ mới đã viết hai bài thơ về Tết rất hay, đó là Đoàn Văn Cừ với bài “Chợ Tết” và Vũ Đình Liên với bài “Ông đồ”.

Những bài thơ ấy làm đọng lại và kết tựu tất cả phong tục Tết của thời xưa, cho đến bây giờ vẫn còn sống động, gợi nhớ những kỷ niệm lưu luyến vô cùng: “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”... (Chợ Tết). Mỗi lần đọc những câu thơ ấy, tôi lại nhớ đến phiên chợ Tết ở quê khi còn nhỏ. Những thằng cu áo đỏ ấy cứ ngỡ như là chính mình...

Đoàn Văn Cừ đã vẽ nên một bức tranh phiên chợ Tết với không khí tươi vui, đầy sắc màu. Còn hình ảnh ông đồ già viết câu đối Tết gợi lại hình ảnh “những người muôn năm cũ” của Vũ Đình Liên thì qua bao đời nay vẫn thấy gần gũi. Với những hình ảnh đó, các nhà thơ đã giúp người đọc định hình lại những nét đẹp văn hóa của Tết không chỉ ở thời hiện đại mà còn trở lại cả thời xa xưa của người Việt Nam.

leftcenterrightdel
Giáo sư Phong Lê.  Ảnh: MINH THÀNH 

PV: Thưa ông, năm 2022 sẽ có những sự kiện lịch sử văn học Việt Nam nào cần quan tâm, chú ý?

 GS Phong Lê: Thật là hiếm có, khi năm 2022 lại hội được những kỷ niệm chẵn năm sinh của nhiều danh nhân, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa của dân tộc và kỷ niệm một số sự kiện đặc biệt của văn học Việt Nam. Chẳng hạn, kỷ niệm 200 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822), nhà thơ vừa được UNESCO vinh danh cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương; 180 năm sinh Cao Xuân Dục (1842), nhà văn hóa lớn, tiếp nối khu vực học thuật với những tên tuổi lớn như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú trong lịch sử thơ văn Việt từ trung đại sang hiện đại; 160 năm sinh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 120 năm ngày sinh GS Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan (1902), hai bậc thầy lý luận, nghiên cứu-phê bình văn học Việt Nam; 110 năm ngày sinh các nhà văn, nhà thơ: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư (1912); 100 năm ngày sinh các nhà thơ: Hoàng Cầm, Vũ Cao và nhà tiểu thuyết Chu Văn (1922)...

Đặc biệt, sự kiện đáng kể trong năm nay là kỷ niệm 80 năm Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh công bố bài diễn ca “Lịch sử nước ta” và bài thơ “Chúc năm mới” (1942), bài thơ xuân đầu tiên Bác gửi đồng bào nhân dân cả nước.

PV: Là người nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam, ông có thể cho biết thêm ý nghĩa của một vài sự kiện mà ông tâm huyết?

 GS Phong Lê: Mỗi danh nhân, tác giả nói trên đều là những nhân cách lớn về văn hóa, tài năng văn chương, học thuật... Còn tác phẩm cũng là những kiệt tác văn học. Trong đó, diễn ca “Lịch sử nước ta” công bố năm 1942 là một sản phẩm đặc biệt trong cách thể hiện của Bác: Sự kết hợp giữa sử và ca; nghệ thuật và khoa học.

Lịch sử Việt Nam từng có nhiều bài sử ca, như: “Thiên Nam minh giám”, “Thiên Nam ngữ lục”,“Đại Nam quốc sử diễn ca”... với hàng nghìn câu thơ. Còn “Lịch sử nước ta” của Bác thâu tóm mấy nghìn năm lịch sử đất nước chỉ trong 208 câu thơ lục bát, mở đầu bằng câu: “Dân ta phải biết sử ta”. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.

Tác phẩm cho thấy, Người có một trí nhớ kỳ diệu khi nhắc đến gần như đủ các giai đoạn lớn, các sự kiện lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta và những gương mặt anh hùng dân tộc, cùng với một bản Phụ lục gồm 30 sự kiện có tên “NHỮNG NĂM QUAN TRỌNG”. Ở dòng cuối cùng Phụ lục, Bác ghi: "1945-Việt Nam độc lập". Và đó là một tiên đoán cực kỳ chính xác... Giá trị lịch sử diễn ca này là giá trị của sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật thơ ca. Và Người khẳng định, sức mạnh của quá khứ như những mạch ngầm làm nên sức mạnh tinh thần cho hiện tại.

Khích lệ tài năng văn chương

 PV: Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam từng có những áng văn bất hủ có thể đối sánh với nhân loại. Quan điểm của ông như thế nào về dấu ấn cá nhân của nhà văn trong sáng tạo văn chương?

 GS Phong Lê: Tôi cho rằng, khoa học, kỹ thuật công nghệ thì đời sau phải vượt lên đời trước. Còn trong văn chương, nghệ thuật thì người này, người kia, thế hệ trước và thế hệ sau phải có sự khác biệt. Sự khác biệt thể hiện ở phong cách cá nhân, trường phái, trào lưu văn học mà người đó theo đuổi. Tuy nhiên, tất cả sự khác biệt của những cá nhân đó đều phải nằm trong một chỉnh thể chung, phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ của dân tộc. Nếu tách khỏi dân tộc thì không thể đi vào lòng dân, người ta sẽ không đọc tác phẩm của anh.

Chính sự khác biệt, cá tính độc đáo của từng tác giả làm nên giá trị của văn chương, nghệ thuật.

PV: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây đã đặt ra nhiều vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức làm công tác văn hóa, văn học-nghệ thuật; đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tôn vinh tài năng và sự cống hiến của họ, phấn đấu có những tác phẩm tầm cỡ phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước... Theo ông, làm sao khích lệ được tài năng của nhà văn để họ bộc lộ rõ nhất cá tính trong tác phẩm?

 GS Phong Lê: Như chúng ta biết, Vũ Trọng Phụng được coi là một tài năng văn chương hiếm có của dân tộc. Dù sống trong nghèo khó, khổ sở, bệnh tật, chỉ với 27 tuổi đời và khoảng 10 năm tuổi nghề nhưng ông đã để lại một khối lượng đồ sộ tác phẩm với nhiều thể loại: 11 tiểu thuyết, 4 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều chục truyện ngắn, vở kịch, bút ký, tiểu luận...

Có năm ông đã cho in 4 tiểu thuyết lớn và 1 phóng sự dài, trong đó có những tác phẩm có thể xếp vào hàng kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể sánh được kỷ lục viết của ông. Và rất nhiều nhà thơ, nhà văn khác đã mất khi tuổi còn trẻ, như: Nam Cao, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử... nhưng cũng đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm lớn có giá trị đến ngày nay.

Tài năng văn chương như vậy là thiên bẩm, trời phú cho từng người. Đó là chiều sâu nội tâm, sự hiểu đời, hiểu người... nên rất khó đào tạo. Vì thế, chúng ta chỉ có thể bồi dưỡng và vun đắp, khích lệ để tài năng được phát huy tốt nhất, cống hiến cho đời những tác phẩm giá trị. Việc khích lệ tài năng là vấn đề cần được quan tâm và phải có chính sách phù hợp, chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết... Đây cũng là vấn đề thuộc về văn hóa ứng xử nên phải hết sức tế nhị mới có thể khích lệ được tài năng.

PV: Nhân dịp năm mới, ông có kỳ vọng gì về văn học thời kỳ đổi mới?

 GS Phong Lê: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Khi có giặc thì văn nghệ sĩ cũng phải đánh giặc đã. Hòa bình rồi thì mục tiêu lớn là xây dựng đất nước. Suốt nhiều thế kỷ, chúng ta thường xuyên phải đánh giặc. Do đó, ý thức về chủ quyền dân tộc, lòng yêu nước đã thấm rất sâu trong giới trí thức văn nghệ sĩ. Những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ trước năm 1945 cũng như sau năm 1945 cho đến hết thế kỷ 20 tập trung vào chủ đề chủ nghĩa yêu nước, cứu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Sang thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề đặt ra là giữ độc lập dân tộc trong một tình thế mới và phát triển dân tộc như thế nào trong cuộc cách mạng về công nghệ dồn dập như hiện nay. Trong cuộc đua phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, lịch sử nhiều nghìn năm của cha ông có thể bị quên, văn hóa dân tộc cũng có thể bị phôi pha đi ít nhiều.

Vì vậy, vai trò, sứ mệnh bảo tồn, gìn giữ và phát triển bản sắc, bản lĩnh dân tộc đang đặt lên vai đội ngũ trí thức, nhà văn, nhà thơ trẻ hiện nay, những người sinh ra sau năm 1995. Làm sao để thế hệ trẻ vừa có thể tiếp cận trình độ cao của văn minh nhân loại, vừa không quên lịch sử truyền thống của dân tộc? Nếu được thế, tôi hy vọng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những tác phẩm văn học xứng tầm với thành tựu đổi mới và hội nhập của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HÀ THANH MINH (thực hiện)