Là chỗ thân tình, bạn vong niên nên anh tâm sự thật: "Giờ mình có chút trọng trách nên bận rộn. Bạn bè, người quen hẹn đến thăm nhà thường là nhờ giúp đỡ việc riêng, còn nếu tặng sách thì họ gửi đến văn phòng". Và anh nói thêm: “Thú thật là không có thời gian đọc sách, báo như trước. Mình vẫn giữ nếp dậy sớm, nhưng phải đọc báo mạng để nắm tình hình thời sự, thành ra, sách của bạn bè trong giới viết lách gửi tặng xếp đầy mấy tủ mà chưa có lúc nào đọc cả”.
Sau buổi đó khiến tôi suy nghĩ mãi. Đành rằng cán bộ lãnh đạo, chức càng cao, nhiệm vụ càng trọng thì càng bận rộn, nhưng cũng cần sắp xếp thời gian để đọc sách chứ! Như trong quân đội, việc quy định giờ đọc sách, báo chặt chẽ, trở thành thiết chế văn hóa để cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức, tự nâng tầm mình lên. Đồng chí Phạm Văn Đồng từng nói: “Thế hệ chúng tôi, có số được giác ngộ cách mạng từ nhà trường, vào đời vẫn giữ được thói quen tự học, ngay cả khi trong nhà tù, nói chi lúc tự do. Đa số cán bộ bây giờ xuất thân công nông, trưởng thành từ thực tiễn, không được chuẩn bị nếp quen tự học, tự đọc, nên mình phải thông cảm. Nhưng cũng đừng coi đó là chuyện bình thường. Văn hóa và nếp sống có văn hóa giúp cho con người vượt qua nhiều tai họa, cám dỗ. Vì vậy, phải lưu ý cán bộ từ nền tảng giáo dục, sao cho ngoài chuyên môn, họ phải là người sống có văn hóa”.
Nói về sự bận rộn thì chắc phải nhắc đến tỷ phú người Mỹ Bill Gates. Ông này cùng bạn bè là các tỷ phú khác giàu kếch xù nhưng vẫn giữ được thói quen đọc sách mỗi tuần. Để tạo nền nếp và kỷ luật cho việc đọc sách, ông còn đặt quyết tâm mỗi tuần đọc một cuốn sách và tóm tắt, giới thiệu cuốn sách đó lên mạng xã hội để bạn bè giám sát. Ở Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là người có thói quen tặng sách cho bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới. Có dịp, ông gửi tặng hầu hết tổng biên tập các cơ quan báo chí cuốn “Hơn cả tin tức-Tương lai của báo chí”. Dịp 21-6 năm 2021, ông lại gửi tặng các tổng biên tập cuốn “Thời kỳ hậu Corona”. Qua một vài câu chuyện ông kể cho thấy ông cũng là người ham đọc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức từ sách.
Mới đây, tôi được nghe nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan kể chuyện. Ông kể chuyện Bác Hồ tự học ngoại ngữ. Những năm chống Mỹ, ông Vũ Khoan có lần được cử làm phiên dịch cho Bác tiếp một đoàn đại biểu đến từ Liên Xô. Trong lúc chờ khách đến, Bác lấy thuốc lá ra hút, trước khi hút, Bác hé mở một mẩu giấy, lẩm nhẩm đọc mấy từ tiếng Nga. Hỏi ra mới biết, Bác đang tự ôn lại tiếng Nga, vì xa Liên Xô nhiều năm, vốn tiếng Nga của Bác cũng bị "rơi rụng" ít nhiều. Với cách tự học như thế nên Bác giỏi nhiều ngoại ngữ, khiến bạn bè quốc tế kính phục.
Bác Hồ là nguyên thủ quốc gia, bận trăm công nghìn việc mà vẫn tự học, tự đọc. Bạn bè của tôi ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật kể, đồng chí Đỗ Mười cũng là người lãnh đạo rất chăm đọc sách. Ông thường nhờ một số người làm xuất bản, hễ thấy cuốn nào hay thì nhớ gửi cho ông một cuốn. Và khi nhận sách, ông thường tranh thủ đọc để lần sau gặp lại cảm ơn và nhận xét về cuốn sách với người gửi. Kể đến đây, tôi lại miên man nghĩ đến một số cán bộ cấp cao vừa phải “nhập lò” vì tham nhũng. Giá như, trong thời đương chức, các vị ấy dành thời gian đọc sách, thì có phải lòng tham giảm đi và các quyết định cũng đúng đắn hơn không? Câu nói của đồng chí Phạm Văn Đồng: “Văn hóa và nếp sống có văn hóa giúp cho con người vượt qua nhiều tai họa, cám dỗ” quả là không bao giờ thừa.
HÀ THANH