Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, GS, TS Lê Quân đã làm rõ hơn những nội dung xung quanh vấn đề này, đồng thời đề xuất chính sách học phí đồng bộ với chính sách tự chủ đại học để người nghèo tiếp cận những chương trình chất lượng cao. 

Học phí là một “rào cản kỹ thuật”

Phóng viên (PV): Mới đây, phát biểu của ông trước Quốc hội “học phí phải là rào cản kỹ thuật để sinh viên không còn tình trạng "học đại” đã gây nhiều tranh luận. Ông có thể nói rõ hơn?

GS, TS Lê Quân: Rào cản có nhóm rào cản chính và rào cản kỹ thuật, được sử dụng linh hoạt. Ví dụ, điểm sàn đại học và chuẩn đầu ra cao là rào cản chính được sử dụng. Cùng với quá trình phát triển, mỗi giai đoạn, các quốc gia có các chính sách khác nhau căn cứ theo nhu cầu của thị trường lao động và năng lực cung ứng của hệ thống giáo dục đại học. Giáo dục phổ thông được ưu tiên trước, và hướng đến phổ cập giáo dục phổ thông bằng các chính sách miễn học phí. Dạy nghề được ưu tiên tiếp theo vì nền kinh tế đang phát triển có nhu cầu lớn về lao động kỹ năng. Giáo dục đại học thường được phân ra hệ tinh hoa được đầu tư kinh phí lớn và chương trình cộng đồng với mức học phí thấp.

Để phân luồng người học, có rất nhiều công cụ. Mỗi công cụ tạo ra một “rào cản” để định hướng người học. Cách phân luồng tốt nhất là theo thị trường lao động. Người học theo học nghề, có kỹ năng tốt, có việc làm tốt thì không nhất thiết phải vào đại học ngay. Học tập suốt đời và đại học số sẽ cho phép người học được tiếp cận các cấp học, kể cả đại học, sau đại học mọi lúc mọi nơi với chi phí rất thấp, thậm chí miễn phí.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số lượng học sinh học nghề tăng cao do nhu cầu xã hội với nhóm nhân lực này lớn. Tuy vậy, việc bỏ điểm sàn cùng với thành lập nhiều trường đại học khiến việc đỗ đại học dễ hơn; tâm lý phải học đại học vẫn phổ biến, dẫn đến hiện trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, làm không đúng ngành nghề. Đây là lãng phí lớn của xã hội và là hệ lụy của “học đại”. Để tránh tình trạng “học đại” này, phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ từ hướng nghiệp, nâng cao chất lượng, siết chặt đầu vào và ra... Học phí cũng là một “rào cản kỹ thuật” cần được quan tâm. Học phí phải được coi là khoản đầu tư cho tương lai. Chất lượng, thời gian, tiền bạc là những yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề, trường lớp ở bậc đại học.

leftcenterrightdel
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân 

Trong thời gian ngắn ở nghị trường, tôi khó có thể nói rõ hết ý, hơn nữa cần hiểu câu nói đó trong cả nội dung 3 ý về tự chủ đại học; trong đó có một ý là tự chủ đại học (đi liền với cắt đầu tư của Nhà nước-Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ) cần đồng bộ với thay đổi chính sách học phí phù hợp để bảo đảm người nghèo bình đẳng tiếp cận đại học. Một số báo mạng khi đăng tin không đầy đủ, giật tít dễ gây hiểu sai cho người đọc. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, các bài phát biểu tại Quốc hội với thời gian ngắn có tác dụng khơi ra các vấn đề để tranh luận và thảo luận sau đó. Do vậy, đại biểu Quốc hội và truyền thông có thể tăng cường tương tác để hiệu quả kiến nghị chính sách được rõ ràng và đầy đủ cơ sở luận hơn. Tự chủ đại học là vấn đề chuyên môn khó. Một số thuật ngữ có thể có các cách hiểu khác nhau. Thảo luận và tranh luận tiếp theo là rất quan trọng và cần thiết bởi nó giúp chúng ta có nhìn nhận đa chiều và khách quan hơn, nhất là về các vấn đề có tính chuyên môn và kỹ thuật.

Sinh viên nghèo đang khó tiếp cận chương trình chất lượng cao

PV: Như ông nói thì chính sách học phí hiện nay chưa phù hợp để bảo đảm người nghèo bình đẳng tiếp cận đại học. Điều này bộc lộ những bất cập, hạn chế như thế nào, thưa ông?

GS, TS Lê Quân: Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP áp dụng đến năm 2021 thì mức học phí trường công chưa tự chủ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Trong khi các trường đang dần tự chủ, tăng học phí thì chính sách học phí hiện tại sinh ra nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Thứ nhất, với trường đại học tự chủ và chương trình chất lượng cao, mức học phí đã cao gấp nhiều lần. Thứ hai, mức học phí này áp dụng để thực hiện miễn giảm học phí, cho vay vốn nên không đủ để sinh viên nghèo theo học các chương trình tự chủ và chất lượng cao. Hơn nữa, đối tượng được hưởng chính sách còn hẹp, chưa có quỹ học bổng quốc gia cho sinh viên tài năng, xuất sắc.

Ngoài ra, với rất nhiều ngành khoa học cơ bản, mức học phí thấp nhưng ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp, khó đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Để được thu học phí cao, nhiều trường đã tổ chức hai hệ đào tạo: Hệ chuẩn, học phí thấp và hệ chất lượng cao, học phí cao. Điều này tạo ra sự bất công bằng về chất lượng đối với người học trong cùng một trường, cùng một ngành chỉ vì mức học phí khác nhau.

Như vậy, chính sách tự chủ đại học không đồng bộ như hiện nay chưa tạo điều kiện để sinh viên nghèo theo học các chương trình chất lượng cao. Cần phải đổi mới chính sách học phí đồng bộ với chính sách tự chủ, bảo đảm quyền học tập của các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công...

Mức học phí phải được Nhà nước giám sát

PV: Trường công lập có chức năng quan trọng là tạo nguồn nhân lực chất lượng và bảo đảm bình đẳng học tập cho mọi công dân, nhất là người nghèo. Nhưng như ông nói, để được thu học phí cao, nhiều trường đã tổ chức nhiều hệ đào tạo. Điều này gây ra sự bất công bằng đối với người học và học phí lúc này thực sự là rào cản với người nghèo. Không kể có thể có trường lợi dụng việc tự chủ để tăng học phí nhằm thu lợi. Thật khó để xây dựng xã hội học tập nếu học phí cao?

GS, TS Lê Quân: Các trường công lập sẽ được tự chủ xác định học phí nhưng không được tùy tiện, phải cân đối giữa mức phải chi, mức đã được ngân sách hỗ trợ và mức cần huy động xã hội hóa. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát định mức thu chi, công khai và kiểm toán định kỳ. Như vậy thì mục tiêu phi lợi nhuận của trường công lập được bảo đảm.

Học phí tăng đi liền với chính sách xã hội tốt thì vẫn cho phép học trò nghèo tiếp cận đại học. Công bằng không nhất thiết dựa trên nền học phí thấp. Chính sách miễn giảm học phí, học bổng, tín dụng học tập đủ rộng sẽ bảo đảm công bằng xã hội... Chính sách bao cấp toàn bộ cũng có nhiều mặt trái, vì thế người học cũng cần nỗ lực học để duy trì được chính sách học phí, học bổng ưu đãi. Tuy nhiên, cách phân luồng tốt nhất là theo thị trường lao động. Lựa chọn trường, ngành nghề dần được chi phối bởi cơ hội việc làm, chất lượng đào tạo hơn là học phí. Chương trình đào tạo học phí cao, nhưng đáp ứng được thị trường lao động thì vẫn thu hút nhiều người muốn học. Mà muốn thu hút người học thì phải chất lượng.

Cần mở rộng đối tượng và nâng mức hỗ trợ người học

PV: Như hiện nay, điều kiện để miễn giảm học phí thường chỉ dành cho đối tượng chính sách, hộ nghèo; hoặc với việc vay vốn, những gia đình thực sự khó khăn có thể không dám vay vì sợ không thể trả. Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp cũng khiến họ lo lắng con em học xong không xin được việc để trả nợ đã vay. Với ngành học phí cao thì mức vay vốn cũng khó để hỗ trợ sinh viên học và sinh hoạt, học bổng cũng chỉ dành cho tỷ lệ ít sinh viên, hơn nữa chưa chắc sinh viên nghèo có thể tiếp cận dễ dàng... Theo ông, hướng giải quyết những vấn đề cụ thể này như thế nào để làm rõ quyền tiếp cận đại học cho người nghèo?

GS, TS Lê Quân: Chính vì chính sách miễn giảm học phí và vay vốn hiện nay chưa đáp ứng nên tôi mới kiến nghị thay đổi. Hiện nay có hai luồng ý kiến chính về vấn đề này. Luồng thứ nhất là duy trì trần học phí thấp như Nghị định 86 hiện nay. Luồng thứ hai là đổi mới cơ chế tài chính đại học theo hướng thu học phí cao hơn và nâng cao mức hỗ trợ cho đối tượng chính sách. Nhóm ý kiến thứ nhất thì hiện nay đã không thể thực hiện bởi rất nhiều trường tốt và ngành tốt đã chuyển sang thu học phí cao.

Nhóm ý kiến thứ hai khả thi hơn, vừa cho phép huy động học phí để có kinh phí đào tạo, vừa ưu tiên dành ngân sách hỗ trợ các đối tượng chính sách. Chúng ta gọi đó là "3 cao": Suất đầu tư cao-học phí cao-mức hỗ trợ đối tượng nghèo, khó khăn cao. Đây cũng là mô hình phổ biến của các trường đại học trên thế giới. Ngân sách nhà nước khi đó không dành toàn bộ cho trả lương giáo viên, mà dành để đóng học phí và cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Cá nhân tôi ủng hộ luồng ý kiến thứ hai: Học phí và ngân sách đủ thu đủ chi, nâng mức hỗ trợ cho đối tượng chính sách.

Khi xây dựng chính sách mới, Chính phủ cần đánh giá tác động để mở rộng đối tượng. Hướng chỉnh sửa sẽ cần bảo đảm hộ nghèo được miễn học phí, hộ cận nghèo giảm 50% học phí (phủ được khoảng 16% hộ gia đình và 17 triệu dân); chính sách quy định về quỹ học bổng và xét cấp học bổng, quy định về vay vốn không thế chấp đủ trang trải chi phí học tập (mức vay được tính bằng học phí cộng với sinh hoạt phí tối thiểu)...  

Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và kết hợp tốt với xã hội hóa. Thông thường, Nhà nước hỗ trợ cơ sở giáo dục tiếp cận được đất đai, hỗ trợ tín dụng, ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ nhân lực, ưu tiên đầu tư các chương trình đào tạo tài năng, đào tạo các ngành xã hội có nhu cầu nhưng không nên thu học phí cao để thu hút người học có năng lực (ví dụ ngành sư phạm, các ngành khoa học cơ bản...).

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư cho các trường cao đẳng, trường nghề và khuyến khích người dân học nghề với học phí thấp, có thể học liên thông lên đại học nếu có nhu cầu. Học tập suốt đời là giải pháp tốt để bảo đảm quyền học tập của công dân. Đại học số sẽ phát triển cũng là giải pháp giúp người học được tiếp cận giáo dục chất lượng cao với chi phí thấp. Thực hiện đồng bộ giải pháp này, chúng ta sẽ khắc phục được bất cập hiện nay và cho phép học sinh nghèo được học các chương trình chất lượng cao.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)