Sân khấu không chỉ là sự yêu thích
Phóng viên (PV): Thưa anh, một người tay ngang như anh đến với sân khấu, khi đang thành công, có tên tuổi với vai trò nhà thiết kế thời trang-đó đơn thuần là thỏa thích hay có thể gọi là nghề nghiệp?
Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng: Năm 1979, tôi ôn luyện với mong muốn thi đại học vào hai ngành mỹ thuật và sân khấu. Nhưng sau đó, tôi chọn tập trung vào học mỹ thuật. Năm 1988, tôi đã thiết kế mỹ thuật phục trang cho vở kịch “Lôi vũ” (đạo diễn Thành Lộc). Rồi dần đi sâu vào lĩnh vực này, đến nay tôi cũng thiết kế mỹ thuật phục trang cho 32 vở diễn các thể loại kịch, cải lương, chèo, phim truyền hình. Đặc biệt, năm 2006, tôi thiết kế 81 mẫu phục trang, tổng số 436 bộ cho các diễn viên, ca sĩ, vũ công trong vở cải lương “Kim Vân Kiều” của đạo diễn Hoa Hạ-Nhà hát Trần Hữu Trang. “Kim Vân Kiều” đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) chính thức công nhận là vở cải lương có số lượng phục trang thiết kế cho từng nhân vật nhiều nhất (bởi nhà thiết kế Sĩ Hoàng).
Năm 2013, tôi bắt đầu tham gia sân khấu với vai trò diễn viên khi được Sân khấu Hoàng Thái Thanh mời vào vai đạo diễn An Khương trong vở “Trò chơi tham vọng”. Như một mối duyên định sẵn, tôi tham gia nhiều vở diễn và mong muốn thử sức với các thể loại vai khác nhau. Thật vui, tôi được đồng nghiệp, khán giả ghi nhận cho những nỗ lực ở lĩnh vực sân khấu. Vai diễn thái giám Nguyễn Hiền trong vở “Yêu là thoát tội” (sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ) đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018. Vai diễn Thái sư Lê Văn trong vở “Khóc giữa trời xanh” (Sân khấu Sử Việt) đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.
Như vậy, từ một họa sĩ, nhà thiết kế áo dài và thiết kế phục trang sân khấu, tôi trở thành diễn viên, nhà sản xuất không phải đơn thuần là một việc thỏa sự yêu thích mà có thể gọi là nghề nghiệp. Đó như ân duyên sân khấu tôi nhận được khi một thời gian rất dài từ năm 1979 đã luôn hướng tới.
Hướng tới khán giả trẻ
PV: Khi sân khấu cả nước đang rơi vào khủng hoảng, kể cả sân khấu xã hội hóa TP Hồ Chí Minh vẫn được đánh giá là sôi động, cũng đang gặp khó khăn, nhiều đơn vị phải giải thể, thay đổi, điều gì khiến anh đứng ra thành lập sân khấu tư nhân?
Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng: Đó là khát khao của tôi khi cùng những người bạn đầu tư thành lập Công ty Cổ phần Sử Việt với chuyên kịch mục lịch sử. Chúng tôi mong muốn góp phần hình thành một lớp khán giả trẻ biết yêu sân khấu kịch và hiểu biết lịch sử nước nhà...
Tôi có thời gian dài làm công tác giảng dạy tại các trường và nhận ra rằng, hiện nay phần lớn giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên ít có cơ hội được tiếp cận với sân khấu, không có thói quen xem kịch, nên từ lâu tôi và các nghệ sĩ, diễn viên vốn là cán bộ, giảng viên, diễn viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh mong muốn có một sân khấu dành cho các em. Nhưng mãi cho đến nay mới thực hiện được.
Từ kỷ lục hiếm hoi về thiết kế phục trang của một vở kịch lịch sử, tôi cùng các diễn viên, cộng sự tham gia vở “Yêu là thoát tội”. Vở kịch được lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi Viên, đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018. Sau liên hoan, vở diễn tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả, đến nay đã được 107 suất. Đó là một kỷ lục hiếm hoi trong tình hình sân khấu còn nhiều khó khăn hiện nay, trong đó đa phần là diễn phục vụ sinh viên khoa văn, sử, các trường THCS và THPT tại TP Hồ Chí Minh. Những phản hồi tích cực từ lãnh đạo các trường và giới học sinh, sinh viên chính là động lực để ê-kíp tiếp tục đầu tư vở mới.
|
|
Cảnh trong vở kịch "Khóc giữa trời xanh". |
Sau mỗi suất diễn, chúng tôi thường nán lại đặt câu hỏi là có bao nhiêu bạn từng đến sân khấu, nhà hát để xem kịch? Thật chạnh lòng khi chỉ thấy lác đác vài cánh tay đưa lên. Hầu hết các em cho biết là lần đầu được xem, đồng thời mong muốn được có cơ hội xem kịch nhiều hơn nữa. Vậy là từ thành công của vở diễn này, tôi quyết định đầu tư trong vai trò nhà sản xuất với vở thứ hai là “Khóc giữa trời xanh” do tác giả Lê Chí Trung viết kịch bản.
Ước mong của những người làm nghệ thuật, làm sư phạm như chúng tôi là tạo ra thế hệ khán giả trẻ, có nhu cầu đến nhà hát để xem sân khấu, xem kịch như là các buổi học. Kịch bản sẽ được xây dựng theo hướng phù hợp với chương trình học ngoại khóa, khi các em xem xong sẽ viết bài cảm nhận...
Ra đời trong giai đoạn này, những thuận lợi, khó khăn mà tôi cũng như tất cả đoàn kịch tại TP Hồ Chí Minh đang gặp là không có nhà hát chuẩn mực dành cho sân khấu kịch. Điều này chắc rằng các bạn cũng đã biết, đó là câu chuyện dài chưa tìm được lối ra, khi bao năm nay có rất nhiều cuộc họp của Sở Văn hóa-Thể thao và Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh bàn tới.
Từ những vở kịch lịch sử
PV: Điều gì khiến anh chọn sân khấu lịch sử, tưởng rất khó hấp dẫn người xem, khác hoàn toàn với cách nhiều sân khấu xã hội hóa thành công đã làm?
Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng: Dự án kịch lịch sử dành cho học sinh, sinh viên là một chương trình nghệ thuật học ngoại khóa, đồng hành giáo dục với nhà trường. Từ nhà đầu tư cho đến nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều là người làm việc trong ngành sư phạm. Chúng tôi lấy tiêu chí giáo dục làm hàng đầu khi dựng kịch bản lịch sử đầy tính văn học, giúp các em hiểu và yêu lịch sử Việt.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2021-2022, thành phố có 283 trường THCS, 202 trường THPT với khoảng 600.000 học sinh. Theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là một hoạt động giáo dục của trường phổ thông. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng tôi mong muốn các thế hệ học sinh nối tiếp của từng niên khóa được thưởng thức sân khấu kịch lịch sử trong chương trình học. Mục tiêu của dự án là đưa kịch nói đến với học đường. Xây dựng một thế hệ trẻ có nhu cầu biết thưởng thức giá trị các loại hình nghệ thuật sân khấu; giáo dục sự cảm thụ tính thẩm mỹ của đời sống, thông qua giải pháp nghệ thuật sân khấu hóa cho giới trẻ.
Thực tế ngay sau khi đoạt huy chương vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, vở diễn “Khóc giữa trời xanh” của Sân khấu Sử Việt đã có ngay những suất diễn cho doanh nhân và học sinh các trường. Hiện nay, vở diễn đang được giới thiệu đến các trường để đi vào mùa diễn khi khai giảng năm học mới trong tháng 9 tới.
Thành công còn là câu chuyện phía trước, nhưng phương cách mà ê-kíp Sân khấu Sử Việt hướng tới là một con đường mà tôi tin rằng sẽ tốt đẹp với thế hệ khán giả trẻ.
Lấy giáo dục làm đầu
PV: Nhiều người cho rằng bởi anh vốn có điều kiện nên làm sân khấu không quan trọng về lợi nhuận. Nếu hạch toán một cách thẳng thắn thì sao, thưa anh?
Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng: Tôi không biết tại sao nhiều người lại cho rằng đã có điều kiện làm sân khấu thì không quan trọng về lợi nhuận. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung được cho là thành công khi nhận đánh giá cao từ giới chuyên môn và được công chúng đón nhận bằng cách bỏ tiền ra để mua tác phẩm hay để thưởng thức về giá trị tinh thần.
Nhìn nhận một cách khách quan, khi mở rộng ra các hình thức và nội dung hoạt động của thượng tầng kiến trúc nước ta hay thế giới, tức là các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, bảo tàng, sân khấu truyền thống... đều cần có sự hỗ trợ tài chính của nhà nước hoặc từ các nhà đầu tư, mạnh thường quân trân trọng văn hóa nghệ thuật.
Lợi nhuận sẽ thuộc về giáo dục để hình thành một giá trị thưởng thức nghệ thuật như một nhu cầu thiết yếu từ công chúng. Điều này cần một thời gian rất dài và bền bỉ. Đó là sự cống hiến công sức, tài năng của nghệ sĩ và tài chính từ nhiều phía, như một chủ trương, chính sách lớn, chuẩn mực và nối tiếp bền vững của Nhà nước.
Chúng tôi mới bắt đầu, tuy còn bù lỗ nhưng có niềm tin và đầy hy vọng bởi sự chung sức từ nhiều phía. Khi kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển, các giá trị văn hóa nghệ thuật cần song hành để thực sự được gọi là văn minh và phát triển.
PV: Với riêng sân khấu xã hội hóa, để đi đường dài hơn thì cần những điều kiện gì nữa, thưa anh?
Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng: Hiện tại, ngoài hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên, việc kết hợp với doanh nghiệp là một hướng đi hiệu quả, khả thi để sân khấu xã hội hóa đi đường dài hơn. Bởi ngoài các giá trị vật chất, tinh thần, tiền thưởng cho nhân viên, công nhân các doanh nghiệp thì việc tổ chức cho họ được thưởng thức những vở chính kịch cũng là giá trị tinh thần mang tới cho con người về nhân-lễ-nghĩa-trí-tín. Đó là điều các vở kịch chúng tôi muốn truyền tải, cũng là tôn chỉ, sứ mệnh của bất kỳ doanh nghiệp nào muốn thành công đều cần tới.
Thiết nghĩ, cần những điều kiện gì nữa, chính là sự góp tiếng nói mạnh mẽ từ giới truyền thông, công chúng, như một trách nhiệm góp phần vào sự phát triển của sân khấu để tạo được sự lan tỏa và ủng hộ của nhiều người hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
DƯƠNG THU (thực hiện)