leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu Trần Hinh. Ảnh: THU HÒA 

Doanh thu lớn và... cần nhiều hơn thế

Phóng viên (PV)Thưa ông, điện ảnh Việt sau thời gian được cho là rơi vào khủng hoảng không có phim hay, doanh thu phòng vé thấp... Nhìn lại một năm qua có thể nói lên điều gì về điện ảnh Việt?

Nhà nghiên cứu Trần Hinh: Năm 2022, cũng giống nhiều ngành văn hóa-nghệ thuật khác, điện ảnh Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 tới việc sản xuất, phát hành, khán giả, rạp chiếu... Để có được 37 đầu phim truyện điện ảnh trong năm vừa rồi đã là một sự cố gắng rất lớn của điện ảnh nước nhà. Nếu đem so sánh con số này với một số nền điện ảnh trong khu vực, thậm chí ngay cả với điện ảnh lớn như Mỹ, Pháp, cũng không thể coi là thấp quá. Điều quan trọng hơn, tôi nghĩ, là cần phải tính đến chất lượng của mỗi bộ phim cụ thể. Chúng ta không nên cho rằng, ngay cả những phim phát hành trong dịp Tết vừa qua, có doanh thu lớn, kéo được nhiều người xem đến rạp, chẳng hạn như “Nhà bà Nữ” của đạo diễn Trấn Thành, hay “Chị chị em em” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thì phim Việt đã chạm đến đẳng cấp quốc tế.

Đã đành, một nền điện ảnh lớn, ngoài những phim đạt chất lượng cao về chuyên môn, vẫn cần những phim “ăn khách”, có doanh thu lớn. Trong năm qua, điện ảnh nước ta cũng có đủ dạng phim như thế, cả những phim được giới chuyên môn đánh giá cao, như “Đêm tối rực rỡ” (đạo diễn Aaron Toronto), “Em và Trịnh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), có phim đoạt giải quốc tế như “Tro tàn rực rỡ” (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) và cũng có phim “ăn khách”. Đấy là chưa kể đến một số phim ngắn của các đạo diễn trẻ, những nguồn năng lượng tiềm năng cho nền điện ảnh tương lai nước nhà mà chúng ta rất cần khích lệ, chăm sóc, bồi dưỡng.

Nhưng dù sao, theo tôi, một nền điện ảnh với hơn 70 năm hình thành và phát triển như của nước ta, thì bấy nhiêu vẫn là chưa đủ, vẫn phải cố gắng nhiều, nhiều lắm. 

PVHiện nay, khi sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực điện ảnh ngày càng sôi động, sự lan tỏa, doanh thu của một bộ phim đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào việc quảng bá, truyền thông, với sự góp mặt của những gương mặt giải trí, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Trần Hinh: Đó là điều quá rõ. Trước đây, điện ảnh Việt Nam thường coi nhẹ quảng cáo, truyền thông. Bây giờ, khi phim ảnh phần lớn đều do tư nhân đầu tư sản xuất, cái giá của “đồng tiền bát gạo” khiến họ không thể khinh suất. Thậm chí, trước khi bắt tay sản xuất một bộ phim, truyền thông đã phải “tả xung hữu đột” để khán giả được báo trước. Còn khán giả hiện nay, như nhiều người cho rằng khó tính hơn. Nhưng theo tôi thì không hẳn thế. Chính xác hơn, chỉ có một số ít khán giả khó tính thôi. Số đông còn lại là những khán giả dễ tính, đến rạp xem phim thuần túy chỉ để giải trí mà không đòi hỏi nhiều.

Một bộ phim hấp dẫn họ có thể vì một câu chuyện ly kỳ, một dàn diễn viên xinh đẹp, nổi tiếng, thậm chí bởi thời trang thời thượng, bắt mắt. Khâu quảng cáo, nếu biết cách và khéo léo, rất dễ chạm vào thị hiếu, cảm xúc của họ. Bộ phận khán giả này thường không quan tâm nhiều đến các bộ phim nghệ thuật. Hiện tượng những bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật vừa qua như “Đêm tối rực rỡ”, “Tro tàn rực rỡ” và trước đó, một vài phim nghệ thuật thất bại phòng vé vì lý do này. Trong khi không thể nói một nền điện ảnh lớn, phát triển mà lại không có khán giả. Điện ảnh dù sao vẫn là loại hình nghệ thuật của số đông, nó rất cần khán giả, nhưng phải là những khán giả đích thực. 

Đề tài gia đình phù hợp với nền điện ảnh nhỏ

PVThưa ông, thời gian gần đây, hầu như những bộ phim Việt Nam (kể cả phim truyền hình) được đánh giá cao, hấp dẫn người xem đều khai thác đề tài gia đình trong xã hội hiện đại. Phải chăng cũng một phần do áp lực nặng nề của dịch bệnh, con người đã buộc phải tìm đến những giá trị gần gũi ngay trong gia đình để cuộc sống dễ chịu hơn?

Nhà nghiên cứu Trần Hinh: Nói chính xác thì không riêng trong lĩnh vực điện ảnh mà trong văn học-nghệ thuật nói chung, gia đình luôn là đề tài hấp dẫn đông đảo công chúng, dù ở nơi đâu. Theo tôi biết, điện ảnh Nhật Bản hay Hàn Quốc từ nhiều năm qua cũng đã khai thác đề tài gia đình đầy hấp dẫn, mang đến những tình cảm tốt đẹp cho công chúng, thậm chí tác động đến cả người xem quốc tế, tạo nên những thành công lớn. Điện ảnh Hàn Quốc sở dĩ có được bước phát triển đột phá như hiện nay cũng là nhờ bắt đầu từ những bộ phim có đề tài gần gũi gia đình. Tại Nhật Bản, khoảng vài chục năm trước, thậm chí còn xuất hiện những dòng phim “tình yêu gia đình thuần khiết”, không cần huy động quá nhiều diễn viên, bối cảnh, thậm chí chỉ cần vài ba nhân vật: bố, mẹ, con cái, ông bà, thế là đủ một câu chuyện sinh động và hấp dẫn.

Điện ảnh nước ta cũng thế, những bộ phim khai thác đề tài gia đình có xu hướng thành công hơn, nhất là truyền hình. Cũng có thể do hoàn cảnh khó khăn, tài chính eo hẹp, phim về gia đình sẽ dễ mang đến nhiều lợi thế. Có thể nói, đây là dòng phim phù hợp với những nền điện ảnh nhỏ, không phải đầu tư nhiều mà vẫn khai thác được những vấn đề nóng hổi của xã hội. Gia đình, đúng ra, là một mô hình thu nhỏ của xã hội mà! Còn về phía khán giả, khi xem những bộ phim gia đình, người ta cũng dễ cảm nhận, dễ xúc động hơn. Rồi từ gia đình mà nhìn ra rộng hơn là xã hội. Nhìn lại hai bộ phim gần đây có doanh thu trăm tỷ của Trấn Thành ("Bố già" và "Nhà bà Nữ"), ta thấy rất rõ điều đó.

Tất nhiên, tôi không nghĩ điện ảnh chỉ cần phim gia đình, mà đề tài cần phải rộng mở. Bởi lẽ, nghệ thuật thì phải đa dạng, có sức cuốn hút rộng rãi công chúng, phải mang ý nghĩa xã hội. Vậy nên, làm phim gia đình cũng rất cần phải tính đến các hiệu ứng xã hội. Có như thế mới tạo được những tác phẩm lớn.

leftcenterrightdel
Bộ phim "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành đạt doanh thu tới 400 tỷ đồng sau 17 ngày công chiếu. Ảnh tư liệu của đoàn phim.

Kịch bản luôn là yếu tố quan trọng

PVQuả thực, ngày nay, một bộ phim có doanh thu cao, phát hành ở nước ngoài, hoặc được nhiều giải thưởng quốc tế, nếu không phải là những giải thưởng có tên tuổi, uy tín lâu năm thì cũng chưa thể nói lên điều gì. Điện ảnh muốn đi đường dài và có tác phẩm chất lượng, vươn tầm thế giới, theo ông, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố gì?

Nhà nghiên cứu Trần Hinh: Theo tôi, vẫn phải chú ý đến đồng thời tất cả các yếu tố, từ kịch bản đến đạo diễn, diễn viên, sản xuất, quảng bá, phát hành và trình chiếu, kể cả chuẩn bị khán giả, như ở trên đã nói. Tuy nhiên, nói thì vậy, vẫn cần nhắc đến những yếu tố cơ bản. Tôi tình cờ được theo dõi một cuộc tọa đàm rất thú vị trên truyền hình K+ dịp Tết Quý Mão vừa qua, thì thấy họ bàn rất kỹ về vấn đề kịch bản điện ảnh. Phần lớn các nhà điện ảnh trong buổi tọa đàm này đều thống nhất, kịch bản là khâu quan trọng nhất để có được một bộ phim hay. Họ cho rằng, ở Hollywood, khi bắt tay sản xuất một bộ phim, bao giờ trước tiên cũng cần có một kịch bản chất lượng đã, rồi mới tính đến các yếu tố khác. Trong khi ở ta, thường phải chờ đến khi lo đủ kinh phí sản xuất, người ta mới nghĩ đến khâu kịch bản. Vì vậy mà kịch bản thường được viết vội, viết ẩu, khó lòng có phim hay được. Cũng có trường hợp, để tránh dích dắc, đạo diễn kiêm luôn biên kịch. Điện ảnh Việt có một số đạo diễn như Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh, gần đây có Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Lương Đình Dũng cũng thường tự viết kịch bản. Đó cũng là cách làm rất hay.

PVKịch bản đúng là vấn đề nan giải của điện ảnh mà chúng ta đã bàn thảo tìm giải pháp lâu nay nhưng dường như vẫn chưa mấy khả thi, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Trần Hinh: Đầu tư cho đội ngũ biên kịch để có được những kịch bản tốt là điều rất quan trọng mà các nền điện ảnh lớn luôn quan tâm. Cũng vì lý do này, cách đây 20 năm, Quỹ Ford (Mỹ) đã đầu tư cho Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội một dự án đào tạo biên kịch, tôi được giao phụ trách dự án. Sau thời gian triển khai, chuẩn bị tài liệu, giáo trình, cơ sở vật chất, mời giảng viên trong và ngoài nước... chúng tôi mới bắt tay thực hiện đào tạo. Trong suốt 6 năm, dự án đã đào tạo hàng trăm nhà biên kịch, dù đến bây giờ bám trụ với điện ảnh chỉ còn lại mấy chục người, nhưng họ đã có đóng góp thực sự cho nền điện ảnh nước nhà, nhiều bộ phim truyền hình, kể cả phim điện ảnh do các học viên dự án viết kịch bản, đã ra đời, được đánh giá cao.

Điều đặc biệt hơn, từ dự án, chúng tôi đã xây dựng được một chuyên ngành đào tạo điện ảnh-bộ môn Nghệ thuật học trong Khoa Văn học, dịch và in ấn những giáo trình điện ảnh bài bản nhất (Lịch sử điện ảnh, Nghệ thuật điện ảnh, Biên kịch điện ảnh, Nghiên cứu phim, Tìm hiểu viết về phim, Điện ảnh và văn học); tổ chức một câu lạc bộ điện ảnh, có phòng chiếu phim riêng; xây dựng một thư viện phim với hàng trăm đĩa phim kinh điển, thường xuyên chiếu phim và trao đổi, giao lưu với các nhà làm phim chuyên nghiệp... Tôi rất tự hào vì cho tới nay, bộ môn vẫn hoạt động tốt, hấp dẫn nhiều học viên, sinh viên; có đào tạo bậc sau đại học và các lớp ngắn hạn đào tạo biên kịch với chương trình đào tạo chuyên nghiệp.

Bộ môn Nghệ thuật học ban đầu ra đời từ yêu cầu của một dự án, được xây dựng dựa trên nền tảng chủ chốt từ nghệ thuật điện ảnh nhưng càng ngày càng cho thấy rằng, sự ra đời của bộ môn đào tạo nền tảng khoa học cơ bản là thật sự cần thiết với các bộ môn nghệ thuật. Điện ảnh cũng không ngoại lệ.

PVTrân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)