Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội xung quanh chủ đề trên.

Phóng viên (PV): Thưa bà, mới đây Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu", vậy việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu đòi hỏi những yêu cầu gì?

NSND Bùi Thanh Trầm: Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là niềm cảm hứng cho chúng ta nghiên cứu, học tập, trở thành đề tài được văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng tìm tòi, sáng tạo, xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ đặc thù, sống động, trực tiếp của riêng từng loại hình nghệ thuật nhiều năm qua. Nhưng đưa hình ảnh Bác Hồ-lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất lên sân khấu là một thách thức lớn. Bởi, sân khấu hóa, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lại giản dị, gần gũi, vừa có tư tưởng thời đại, vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc, không chỉ là diễn tả ngoại hình, cử chỉ của Người-đã trở nên thân thuộc, in sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam; hơn thế còn phải thể hiện được cốt cách, phong thái toát ra từ bên trong con người Bác, đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, các thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện tinh tế..., phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng.

Để làm được điều đó, diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất, đặc biệt là phải học, đọc, có vốn sống phong phú, nghiên cứu kỹ về nhân vật cũng như bối cảnh lịch sử để sáng tạo trong cách thể hiện, có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, bao dung, giản dị trên sân khấu. Nếu không, dù có giọng hát hay, ngoại hình đẹp thì với vai diễn nào diễn viên cũng chỉ là những thợ diễn mà thôi.

Cùng với đó, biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ và các thành phần sáng tạo khác, phải tích cực đọc tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Bác, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước; đơn vị biểu diễn cũng phải thường xuyên đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm... Qua đó, truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ tới công chúng để mỗi người thêm thấm thía, học và làm theo Bác một cách tự giác, hiệu quả.

Như NSND Trần Quốc Chiêm đã nói, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài; đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra cho giới nghệ sĩ sân khấu. Điều đó đòi hỏi các nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên từ ý thức công dân, từ tinh thần nghệ sĩ-chiến sĩ trong cuộc sống và chuyên môn nghề nghiệp để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo với những tác phẩm chất lượng về Bác, đáp ứng sự mong mỏi và yêu cầu của công chúng.

PV: Từ những năm 70 của thế kỷ 20, sân khấu đã có những tác phẩm về Bác Hồ. Từ đó đến nay, đề tài Bác Hồ trong nghệ thuật sân khấu đã được khai thác, thể hiện ra sao, thưa bà?

NSND Bùi Thanh Trầm: Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ngay sau khi Bác đi xa, sân khấu đã nhanh chóng có tác phẩm thể hiện hình tượng Bác Hồ. Tác phẩm mở đầu có thể nói là “Người công dân số một” do nhà viết kịch Hà Văn Cầu với sự chắp bút của Vũ Đình Phòng, Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng, NSND Dương Ngọc Đức đạo diễn. Kịch bản viết theo lối tư liệu, sân khấu hóa tiểu sử của Bác theo trình tự thời gian gắn với hoạt động của Người, khi ra mắt, tác phẩm đã làm nức lòng khán giả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân được hiểu hơn về Bác Hồ và khích lệ cho những sáng tạo tiếp theo về Người.

Trên sân khấu Tuồng, hình tượng Bác Hồ cũng được thể hiện trong các vở “Không còn con đường nào khác” (Văn Sử), “Sáng mãi niềm tin” (Lê Duy Hạnh). Kịch nói có “Bài ca Điện Biên” (Tất Đạt), “Lịch sử và nhân chứng” (Hoài Giao), Đêm trắng” (Lưu Quang Hà), ca kịch “Lời Người lời của nước non” (Vũ Hải). Chèo có "Đêm trăng huyền thoại”, “Những vần thơ thép” (Trần Đình Ngôn)... Nhiều tác phẩm được chuyển thể ở các loại hình, được nhiều đơn vị dàn dựng lại, để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả bởi đã tái hiện hình tượng Bác Hồ chân thực, dung dị.

Những năm gần đây, tác phẩm về Bác Hồ không nhiều, nổi bật có thể kể đến “Lá đơn thứ 72” (Hoàng Thanh Du), nhạc kịch “Người cầm lái” (Tuyết Minh). Có nhiều tác động, lý do khiến tác giả không viết nhiều về đề tài này, nhất là thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng thật vui là hiện tại tôi biết một số người bạn trong những nghề tôi quen, có cả tác giả trẻ đã và đang viết về Bác Hồ, hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ có nhiều tác phẩm mới ra mắt. Tất nhiên cũng phải công bằng mà nói, đây là đề tài rất khó. Một phần bởi khả năng của tác giả, rồi bản thân diễn viên cũng không tự tin, thấy áp lực trước vai diễn đặc biệt. Vì thế tác giả cũng như các nghệ sĩ, phải thực sự yêu, hiểu, máu lửa với đề tài, nhân vật mới có thể theo đuổi và thành công với nó.

PV: Đúng là việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, kể cả điện ảnh, vẫn luôn được công chúng quan tâm đặc biệt, điều đó sẽ là áp lực lớn cho tác giả, diễn viên cũng như các thành phần sáng tạo khác. Nhưng, để truyền tải những câu chuyện của Người, chúng ta có thể sáng tạo bằng cách khác, thưa bà?

NSND Bùi Thanh Trầm: Đúng vậy. Tư tưởng của Bác Hồ bao trùm toàn bộ các vấn đề, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôi nghĩ chúng ta không nhất thiết phải đưa nhân vật Bác Hồ lên sân khấu mà vẫn có thể truyền tải những thông điệp về tư tưởng của Người. Mới đây, một bạn đồng nghiệp gửi kịch bản cho tôi và nêu khó khăn không tìm được nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ, nhờ tôi giới thiệu giúp. Tôi nói với tác giả rằng, một vở diễn không nhất thiết phải có nhân vật Bác Hồ xuất hiện mà có thể bằng những lời thoại, câu chuyện, bối cảnh vẫn thể hiện đậm nét tư tưởng của Bác. Đồng nghiệp của tôi rất tán thành.

leftcenterrightdel
NSND Bùi Thanh Trầm. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Cũng trong hội thảo vừa rồi, đa số tham luận chỉ nhắc nhiều đến trách nhiệm của tác giả khi sáng tác về đề tài Bác Hồ; bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến anh chị em nghệ sĩ đóng góp rằng trong một tác phẩm về Bác Hồ, có thể có hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, nhưng có thể là tư tưởng của Bác. Nếu đưa hình tượng Bác Hồ ra sân khấu mà không khéo, không tinh tế thì khó thuyết phục khán giả, thậm chí phản cảm, phản tác dụng. Và nếu tác phẩm không có vai diễn về Bác nhưng vẫn toát lên tư tưởng của Người thì còn sâu sắc, tuyệt vời hơn, phù hợp với đời sống hiện đại hơn. Đặc biệt khi hiện nay chúng ta đã nghiên cứu khá đầy đủ, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được thực hiện sôi nổi trên khắp cả nước ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, tầng lớp nhân dân.

Theo hướng này thì các vở diễn đề tài hiện đại sẽ phù hợp hơn, mà điều này là thuận lợi với hầu hết loại hình sân khấu. Dù sân khấu vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn thiếu vắng khán giả, nhưng tôi tin nếu tác phẩm về Bác Hồ vận dụng khéo léo, hợp lý vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phù hợp thị hiếu, nhu cầu của công chúng thì vẫn thuyết phục được khán giả đến rạp. Tôi vẫn mong mỏi có những tác phẩm thể hiện được tư tưởng của Bác một cách nhẹ nhàng, dung dị để qua đó xây dựng được biểu tượng về lối sống, đạo đức, tình yêu thời hiện đại.

PV: Lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua tác phẩm sân khấu, góp phần xây dựng con người thời đại mới phát triển toàn diện hơn. Vậy còn với riêng nghệ sĩ thì sao, khi cách đây không lâu, Hội Sân khấu Hà Nội cũng tổ chức tọa đàm về ứng xử của nghệ sĩ với công chúng?

NSND Bùi Thanh Trầm: Đặc thù của hầu hết nghệ sĩ đầu tiên là phụ thuộc vào năng khiếu rồi đến ưu thế ngoại hình và yêu nghề. Nhưng không ít người có được chút thành tựu trong nghề, cảm tình của khán giả, liền coi mình là ngôi sao, là người của công chúng trong khi tư duy về văn hóa, ứng xử, ý thức hoàn thiện mình, quan sát cuộc sống còn thiếu. Khi gặp những tác động từ xã hội, công chúng, nghệ sĩ dễ có lời nói, hành xử chưa đúng mực. Đây là thực trạng đang có và cũng là nỗi lo với đội ngũ nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ. Khi tôi dạy ở Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, hỏi sinh viên năm thứ 4 rằng: Nếu em trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thì sẽ quan tâm đến mục tiêu phục vụ tầng lớp nào? Nhưng sinh viên không trả lời được. Để thấy rằng có những em học hành bài bản, chuẩn bị ra trường nhưng vẫn lười suy nghĩ, lười tư duy, thiếu lý tưởng nghề nghiệp và cống hiến.

Tôi cho rằng, nghệ sĩ phải giữ được thái đội khiêm tốn để luôn tự học hỏi, đề cao tinh thần trách nhiệm để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Đặc biệt, bản thân mỗi nghệ sĩ trước hết phải là hình mẫu về cái đẹp, cái tốt, bằng việc thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để không ngừng hoàn thiện mình và trở nên tốt đẹp hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Đạo diễn, tác giả Hoàng Thanh Du: Sân khấu với đề tài Bác Hồ vẫn hấp dẫn khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) là sân khấu tư nhân, không có rạp hát, nhưng đã nỗ lực để có tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Lá đơn thứ 72”. Vở diễn đã nhận được sự đón nhận nhiệt liệt của khán giả Thủ đô và cả nước với hơn 100 buổi diễn/năm. Điều đó phần nào minh chứng thuyết phục cho việc sân khấu với đề tài về Bác Hồ vẫn luôn được khán giả quan tâm, yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào rạp để thưởng thức những vở diễn hay.

 HOÀNG DƯƠNG (thực hiện)