Về vấn đề này, phóng viên có cuộc phỏng vấn Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam và PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên (PV): Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp “trồng người”. Những thành tựu, đóng góp của giáo dục đối với sự phát triển đất nước đã được thể hiện ra sao, thưa ông?
PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp "trồng người" và nhấn mạnh vai trò của người thầy. Người từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải "trồng người”. Điều này không chỉ thể hiện tình cảm, mong muốn cao cả của Người mà còn trở thành quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về GD-ĐT.
Những tư tưởng, lời căn dặn của Người trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp thế hệ giáo viên cả nước. Không chỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, những năm kháng chiến, hàng nghìn sinh viên và cán bộ ưu tú đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”; hàng trăm giáo viên và sinh viên đã vượt Trường Sơn vào miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng... Suốt những năm qua đã có hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục, trong đó nhiều nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà. Nhiều giảng viên của ngành giáo dục là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà cả trong khu vực cũng như trên thế giới. Những đóng góp của đội ngũ nhà giáo và nền giáo dục đã góp phần lớn và quan trọng vào sự phát triển của đất nước ta như ngày hôm nay.
|
|
Cô và trò Điểm trường Lăng Lương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) trong ngày khai trường.
Ảnh: TRÀ THU |
PV: Bên cạnh những thành tựu thì ngành giáo dục hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chẳng hạn như sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, những kết quả đạt được vẫn được cho là chưa xứng tầm với yêu cầu phát triển đất nước. Theo ông, những hạn chế, bất cập của ngành giáo dục hiện nay là gì?
PGS, TS Trần Thành Nam: Mặc dù ngành giáo dục đã đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn những hạn chế và bất cập cần giải quyết. Thời gian qua, với nhiều nỗ lực chuyển từ dạy học theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực nhưng trên thực tế, việc tổ chức dạy học vẫn thiên về tiếp cận nội dung. Nhiều nơi vẫn chịu áp lực lớn của "bệnh thành tích", đánh giá chất lượng giáo dục dựa trên điểm số của học sinh, khiến học sinh và các gia đình vẫn quá tập trung vào việc đạt điểm cao thay vì học để phát triển và làm chủ tri thức. Việc học sinh phải đối mặt với những áp lực học tập cao, thi cử và cạnh tranh quá mức, cấu trúc gia đình gãy vỡ, công việc của giáo viên quá tải dẫn đến căng thẳng học đường, là nền tảng cho những hành vi bạo lực tuổi học đường-đang trở thành một vấn nạn, ảnh hưởng và để lại hậu quả tiêu cực đến sức khỏe tâm thần đối với học sinh.
Ngoài ra, việc thiếu giáo viên cục bộ ở mọi cấp; chuẩn mực, uy tín của một số giáo viên giảm sút hay áp lực công việc của nghề giáo lớn, thiếu sự tôn trọng đúng mực từ cộng đồng; mức lương của giáo viên không đủ để tái sản xuất sức lao động và phát triển nghề nghiệp... khiến tỷ lệ giáo viên xin nghỉ việc cao, đồng thời những sinh viên tài năng không lựa chọn các ngành sư phạm để phát triển sự nghiệp của mình.
PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Chỉ riêng 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã có những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ, mà một số vấn đề chậm khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi đã gây giảm niềm tin trong xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Từ thực tiễn hoạt động của mình, tôi thấy có hai điểm cần lưu ý mà trong nghị quyết, phần về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT” có ghi rõ: “Ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”; “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Nhưng hai vấn đề rất quan trọng này chưa được thực hiện!
PV: Trước yêu cầu, thách thức trong giai đoạn hiện nay, ông có suy nghĩ như thế nào về vai trò của người thầy?
PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Nhiệm vụ “trồng người” quan trọng thì vai trò của “người trồng” càng quan trọng. Xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam đang đặt ra yêu cầu lớn phải biến đổi vai trò giáo viên từ người trình bày kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò mới với tư cách người xúc tác, điều phối; người thiết kế, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập cho người học. Theo tôi, giá trị của người giáo viên không chỉ là giảng bài hay, hấp dẫn theo nghĩa thông thường mà còn là hướng dẫn và xúc tác giúp người học biết tự định hướng trong việc học của họ.
PGS, TS Trần Thành Nam: Trước những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục được đòi hỏi phải chuẩn bị cho thế hệ tương lai những năng lực cần thiết để sẵn sàng với những vấn đề, thách thức chưa có trong tiền lệ. Chìa khóa mở cánh cửa giáo dục đó nằm trong tay nhà giáo và vì thế, nhà giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phương châm của giáo dục hiện nay phải là lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy, cần tiếp tục lấy “nhà trường làm nền tảng”; “thầy, cô giáo làm động lực” để thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục. Chúng ta cần phát triển một đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, đủ các kỹ năng để hội nhập quốc tế để không chỉ GD-ĐT cho các chương trình nội tại mà còn hướng tới đào tạo ra những học sinh, sinh viên tốt nghiệp được trang bị các kỹ năng theo yêu cầu của các nhà tuyển dụng quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới.
PV: Một trong những đòi hỏi quan trọng và có vai trò quyết định với chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chất lượng cao. Theo ông, làm thế nào để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm?
PGS, TS Trần Thành Nam: Chúng ta có thể xem xét một cách nghiêm túc chế độ tuyển chọn và đào tạo nhà giáo như chế độ tuyển chọn đầu vào của các trường Công an, Quân đội bây giờ để có thể thu hút được những người có tài năng và có niềm đam mê với ngành sư phạm. Còn nhiều chính sách vĩ mô khác nhưng tôi kỳ vọng rằng, Luật Nhà giáo đang được xây dựng và lấy ý kiến nhân dân tới đây sẽ xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh, làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo. Trong đó có tính toán đến những yếu tố đặc thù về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, làm cơ sở để tuyển dụng nhà giáo, đặc biệt là tuyển dụng, thu hút được những người giỏi, có năng lực chuyên biệt; xác định các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục và có cơ hội hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả; xác định những vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề.
PV: Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo và nhà quản lý giáo dục nhiệm vụ khá nặng nề. Làm sao để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thưa ông?
PGS, TS Trần Thành Nam: Chúng ta cần xem xét, cập nhật các chương trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ví dụ, với chương trình đào tạo giáo viên sẽ phải cân đối trọng số giữa năng lực sư phạm (năng lực dạy học) để tăng cường trọng số cho năng lực giáo dục, năng lực định hướng sự phát triển của người học, năng lực hoạt động xã hội và năng lực phát triển nghề nghiệp, tự học suốt đời.
Để có thể ảnh hưởng tích cực đến người học, chương trình đào tạo giáo viên cũng phải trang bị được cho giáo sinh năng lực ứng dụng tâm lý học để hiểu người học. Phải bố trí thời gian trải nghiệm nghề nghiệp đủ dài để giáo sinh rèn luyện các phẩm chất quan trọng của nghề giáo. Bản thân người giáo viên muốn rèn luyện cho học sinh những năng lực, kỹ năng mới của thế kỷ 21 thì chương trình đào tạo giáo viên cũng phải có những học phần, hoạt động giúp học sinh, sinh viên đạt được những năng lực này. Cuối cùng, các chương trình đào tạo giáo viên phải xây dựng những bộ công cụ để đánh giá được chính xác năng lực, phẩm chất mà sinh viên các ngành sư phạm đã hình thành được qua đào tạo, bảo đảm "cho ra lò" những thế hệ giáo viên đủ chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người thầy. Những thay đổi về vai trò, vị trí của người học và người dạy trong những hoàn cảnh biến đổi nhanh, phức tạp đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phải chuẩn bị cho các giáo sinh năng lực đáp ứng linh hoạt, hiệu quả trước những yêu cầu mới. Trong đó, người thầy giỏi công nghệ, có năng lực sáng tạo là một trong những giải pháp mà các trường đại học sư phạm, đại học giáo dục cần đào tạo trong kỷ nguyên số.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (Thực hiện)