Để làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã phỏng vấn GS, TS, Nhà giáo Ưu tú Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trí thức không phải... “trí ngủ”
Phóng viên (PV): Thưa ông, thuật ngữ “trí thức” được sử dụng khá lâu và rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, những người như thế nào thì được gọi là trí thức?
GS, TS Mạch Quang Thắng: Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã viết: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức... Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Có thể hiểu rằng, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Cần nhấn mạnh 3 điều: Học vấn cao ở đây không đồng nhất hoàn toàn với bằng cấp, chứng chỉ; những người trí thức là những người có năng lực tư duy độc lập và hành động đổi mới sáng tạo; những người trí thức là những người đóng góp thực sự có giá trị cho sự phát triển của xã hội nước ta.
PV: Có thể nói, trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt. Trong thời đại mới, đội ngũ trí thức cần có những yếu tố cơ bản nào để thực hiện tốt hơn vai trò của mình, thưa ông?
GS, TS Mạch Quang Thắng: Người xưa, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, vị Tiến sĩ triều Lê, vâng mệnh Vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trong đó có câu khẳng định vai trò của người đức-tài của đất nước: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp".
Chúng ta đang sống trong thời cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đặc trưng, trong đó nổi lên là “trí tuệ nhân tạo”. Khoa học và công nghệ cứ tiến theo tốc độ cao nhanh đến không ngờ. Đó là thời đại của sự thách thức phát triển nhanh và bền vững. Trong tình hình đó, trí thức càng phải thể hiện mình xứng đáng là lực lượng tiên phong kích hoạt và kéo đẩy xã hội luôn luôn ở vào trạng thái của sự phát triển nhanh-bền vững. Nói chữ một chút là trí thức không phải “trí ngủ”! Trí thức phải như những cái ăng-ten nhạy, nắm bắt được xu thế phát triển, tìm được quy luật phát triển, phải tư duy, hành động và dẫn dắt toàn xã hội theo quy luật phát triển.
Để trí thức thực hiện sứ mệnh phát triển đất nước trong giai đoạn mới, theo tôi, trước mắt có 7 yếu tố cơ bản: Một là, phải “hướng nội”, tức là trí thức phải nhìn vào bản thân mình đã, phải là trí thức thực sự, phải là hiền tài của đất nước, yêu nước nhiệt thành; do đó phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người thực sự đặc biệt có ích cho xã hội, dù ở lĩnh vực nào, sống và làm việc ở đâu, là người vừa có phẩm chất, vừa có năng lực, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Hai là, phải có chí tiến thủ, học tập bền bỉ, không ngừng, học mọi lúc, mọi nơi. Muốn cho người ta trọng mình thì trước hết bản thân mình phải trọng mình, tức là nói đến lòng tự trọng của người trí thức.
Ba là, tự giác gắn cuộc đời và sự nghiệp của mình vào vận mệnh của Tổ quốc, vào sự phát triển nhanh-bền vững của dân tộc. Bốn là, phải ra sức cống hiến, bằng đức-tài cụ thể của mình cho đất nước. Năm là, phải chủ động khắc phục khó khăn để làm việc; khi gặp khó thì phải có bản lĩnh, cái chí và cái trí để vượt qua, chứ không phải ngồi đấy mà than khó, than khổ, trách móc này nọ, rồi sinh ra bất mãn. Sáu là, phải đoàn kết, đoàn kết trong đội ngũ, để như 5 anh em trên một chiếc xe tăng tuy mỗi người một tính, nhưng cùng một nhịp; phải là nhân tố để làm thành đại đoàn kết toàn dân tộc. Không được đố kỵ như căn bệnh dễ bị mắc trong đội ngũ trí thức. Cuối cùng, nói một cách tổng quát nhất: Người trí thức phải luôn xứng đáng là người vừa có đủ đức (đạo đức) vừa có đủ tài. Tôi muốn nhấn mạnh chỉnh thể đó, như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì “đức là gốc”; đừng sai lệch khi cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay chỉ coi trọng tài, rằng, có tài thì quẳng vào đâu cũng sống tốt.
Chủ động kéo người tài về làm việc
PV: Nhiều năm qua, hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn là bài toán khó với các cơ quan nhà nước. Vậy làm sao "giữ chân" được những người có trình độ, năng lực tốt làm việc cho bộ máy nhà nước, thưa ông?
GS, TS Mạch Quang Thắng: Tôi nghĩ, với trí thức người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, không về nước, chúng ta phải có tư duy phù hợp để huy động sự đóng góp trí tuệ của họ. Còn để “giữ chân”, tức là để cho những hiền tài thực sự yên tâm làm việc cho bộ máy nhà nước ta mà không “chân trong chân ngoài”; không chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân, kể cả tư nhân ngoài nước đang đầu tư tại Việt Nam; không ở lại nước ngoài làm việc sau khi được đi học tập, đào tạo, thì tôi cho rằng, cần có 4 giải pháp sau:
Một là, cải thiện một cách căn bản môi trường làm việc ở trong nước trên từng lĩnh vực mà nơi đó cần có những chuyên gia có đức-tài (tôi nhấn mạnh cả đức lẫn tài). Môi trường ở đây là môi trường học thuật, môi trường để đổi mới sáng tạo, môi trường này thuận lợi cho việc nghiên cứu sáng tạo. Hai là, chính sách đãi ngộ phù hợp cho người lao động trí óc, bởi như người ta thường nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ba là, có được sự tôn trọng của xã hội trong việc đánh giá kết quả làm việc của họ, chứ không căn cứ vào một số hiện tượng đơn lẻ. Nên chăng, cần xây dựng văn hóa trọng trí thức trong xã hội (thay vì nhiều nơi, nhiều người vẫn quen trọng bằng cấp như hiện nay). Bốn là, các tổ chức của hệ thống chính trị nước ta phải chủ động, tích cực, nói như nhiều đồng nghiệp chúng tôi ở Hàn Quốc hay nói, là phải thực sự “đi săn đầu người”, dùng mọi tác động tích cực để kéo người hiền tài về cho mình, "giữ chân" người hiền tài làm việc lâu dài trong bộ máy công quyền; làm cho những nhân lực trẻ được đào tạo ở nước ngoài tự nguyện trở về nước cống hiến, chứ không phải ngồi lỳ ở bàn giấy mà đợi họ đến xin việc.
|
|
Trường Đại học Văn Hiến tuyên dương các thủ khoa tốt nghiệp. Ảnh: HỒNG GIANG |
PV: Nhằm phát huy cao nhất sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức để họ tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc trong tình hình mới, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
GS, TS Mạch Quang Thắng: Hội nghị Trung ương 7, khóa X năm 2008 có một nghị quyết chuyên đề về trí thức và Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII năm nay cũng khẳng định lại những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức. Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới đội ngũ trí thức. Tôi thấy đó toàn là những giải pháp vừa mang tính chiến lược tổng thể lâu dài, vừa có tính trước mắt, thiết thực, có cả tầm ngắn, tầm trung và tầm nhìn dài hạn. Vấn đề là ở chỗ khi có chủ trương cần quyết liệt hành động nói đi đôi với làm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phải làm như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: Hãy “xắn tay áo làm".
Người trí thức, đội ngũ trí thức hiện nay cũng phải như thế.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
- Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
- Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
(Trích Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X)
|
HÀ THANH MINH (thực hiện)