Phóng viên (PV): Thưa ông, đến thời điểm này, bộ phim "Cuộc chiến không giới tuyến" (Nguyễn Danh Dũng đạo diễn) đã phát hành được hơn 10 tập. Ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về tư tưởng, giá trị nghệ thuật từ khi đọc kịch bản ban đầu đến khi xem các tập phim?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Bộ phim là kết quả của sự phối hợp, sự cộng tác chặt chẽ giữa Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) của VTV và các cơ quan, đơn vị Quân đội trước hết là Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam). Trong công tác kịch bản, biên tập phim đều có sự tham gia của các cán bộ Quân đội.
Tôi được đọc những phác thảo ban đầu về ý tưởng bộ phim, được đọc kịch bản, được trao đổi và hiểu sự tìm tòi, sự lựa chọn của các nhà làm phim khó khăn như thế nào. Chọn một đồn biên phòng-nơi có những người khác nhau về tuổi đời, về sự từng trải nhưng có chung một ý chí kiên cường bảo vệ biên cương của Tổ quốc; chọn một bản vùng trũng-nơi do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đang còn tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy, còn hủ tục, dễ bị các phần tử xấu lợi dụng để làm bối cảnh cho phim. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn đúng của những người làm phim. Chính từ sự lựa chọn này những người làm phim có điều kiện kể một câu chuyện chân thực, sinh động, xúc động, hấp dẫn về Bộ đội Cụ Hồ trong trận tuyến không biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ cuộc sống an lành, hạnh phúc của nhân dân.
Những người làm phim trước các đề tài rất cần như đề tài Bộ đội Cụ Hồ thời bình sợ nhất điều gì? Sợ nhất cách diễn tả một chiều, nhân vật tròn vo, nhân vật hoàn thiện hết, đúng hết nhưng không có sức sống thực tế. Nhân vật không có sức sống thì người xem sẽ quay lưng, điều đó đồng nghĩa với sự thất bại. Chúng ta thấy trên màn ảnh điện ảnh và truyền hình, trên không gian mạng, các phim truyện có sự cạnh tranh rất lớn. Tôi nghĩ các phim truyện đề tài Bộ đội Cụ Hồ thời bình không được để thua trong cuộc cạnh tranh này.
Điểm cộng của bộ phim này chính là cách tiếp cận hiện thực chân thực, cách tiếp cận không né tránh, không tô hồng. Đồn trưởng Trung đầy nhiệt huyết nhưng nôn nóng. Đồn phó Quang duy tình, ỷ vào kinh nghiệm. Cả hai anh, người thì sau này trưởng thành trong thực tiễn, người thì từ hiệu quả công việc phải tự điều chỉnh. Bản A Xá nghèo, có những người chìm trong nghiện ngập, cờ bạc. Thì ra, để tạo ra, để xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh không giống như xây một ngôi nhà. Xây một ngôi nhà cần một năm, cần vài năm, xây xong là xong, nhà xây bao phòng là giữ nguyên bấy nhiêu phòng. Còn ở A Xá, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh là công việc phải làm thường xuyên, phải có cách tiếp cận phù hợp, xử lý sai, buông lỏng lập tức nó thành vùng trũng. Qua các nhân vật có thể thấy đặc sắc riêng của người lính thời bình.
Trong buổi được mời tham gia duyệt 5 tập đầu tiên của phim này, tôi được nghe phát biểu của đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đó là phát biểu của nhà lãnh đạo có cái nhìn thông thoáng, thực tế, rất am hiểu thực tiễn đời sống bộ đội, rất am tường nghệ thuật. Tôi nghĩ đó là ý kiến chỉ đạo chân tình, chính xác, rất cần cho những người làm phim.
PV: Từng là quân nhân, công tác ở Điện ảnh Quân đội với nhiều vai trò: Viết kịch bản, đạo diễn và cố vấn không ít bộ phim về đề tài bộ đội, nay lại là thành viên của hội đồng duyệt phim, theo ông, so với những bộ phim trước đây, "Cuộc chiến không giới tuyến" có mang nhiều dấu ấn của các nhà làm phim thời đại công nghệ số?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ bên cạnh các yếu tố khác, về tổng thể điện ảnh cũng như truyền hình bao giờ cũng đi bằng hai chân, chân nghệ thuật và chân kỹ thuật. Bởi lẽ sự phát triển của điện ảnh và truyền hình gắn liền với thành tựu của khoa học và công nghệ. Điện ảnh, truyền hình đang phát triển trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Đạo diễn, quay phim của bộ phim ngoài tài năng nghệ thuật còn là người am hiểu, làm chủ công nghệ. Các nhân vật trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến” cũng có dấu ấn của thời công nghệ.
Công nghệ kỹ thuật số giúp người làm phim thực hiện nhanh, hiệu quả ý đồ nghệ thuật của mình nhưng không nên quên rằng không gì thay thế được trái tim con người. Chính tình yêu, sự trân trọng các giá trị tinh thần, cảm hứng sáng tác của những người làm phim, sự tinh tế, tầm nhìn của những người làm công tác quản lý làm nên nhiều tác phẩm có giá trị. Phim thành công sẽ không chỉ được phát trên sóng truyền hình mà còn được phát trên các nền tảng công nghệ khác, trên không gian mạng.
PV: Qua theo dõi phim cho thấy, đây là bộ phim dài tập về bộ đội được đầu tư rất kỹ về ý tưởng kịch bản, bối cảnh quay, đạo cụ, trang phục... với sự tham gia sâu sát của các tổ tư vấn trong Quân đội. Vậy quá trình duyệt phim, các thành viên hội đồng có phải yêu cầu ekip làm phim chỉnh sửa điều gì trước khi công chiếu hay không, thưa ông?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Đúng! Đây là bộ phim truyện truyền hình được xây dựng một cách công phu, nghiêm túc. Tôi có được mời dự duyệt 10 tập phim, tôi thấy các thành viên đều đánh giá cao nỗ lực sáng tạo của những người làm phim, trân trọng đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo của lãnh đạo VTV và Trung tâm sản xuất phim truyền hình. Có thể nói không có vấn đề gì lớn. Có một vài ý kiến trao đổi chỉ nhằm sao cho bộ phim chân thực hơn, người chiến sĩ trong phim thể hiện được tư thế, tác phong của quân nhân trong sinh hoạt cũng như khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong bộ phim này có tổ tư vấn, chuyên gia, có biên tập phim là người của Quân đội. Theo kinh nghiệm của tôi, trong thời gian Điện ảnh Quân đội làm phim “Hoa ban đỏ”, tôi được giao làm biên tập, 3 tháng liền lăn lộn ở trường quay cùng đạo diễn và diễn viên. Còn điều gì không phù hợp với thực tiễn có thể trao đổi luôn cùng đạo diễn, kể cả thay đổi chi tiết, thay đổi lời thoại cho phù hợp với bối cảnh nhưng không ảnh hưởng tới tư tưởng chung của phim. Tất nhiên người biên tập đại diện cho Quân đội nên hiểu rằng đây là phim truyện chứ không phải là phim giáo khoa huấn luyện. Phim giáo khoa huấn luyện thì mọi động tác, đi đứng, ngồi nghỉ, thực hành chiến đấu phải chuẩn 100%. Xem phim về Bộ đội Cụ Hồ ai cũng muốn thấy ở đó chất bộ đội. Có biên tập, có chuyên gia trên trường quay thì phim sẽ tránh được những "hạt sạn" không đáng có.
PV: "Cuộc chiến không giới tuyến" quy tụ rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, từng được khán giả yêu mến qua các phim truyền hình gần đây như: Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hải, các nghệ sĩ Việt Anh, Thu Quỳnh, Hà Việt Dũng... Ông đánh giá thế nào về diễn xuất của các diễn viên vào vai người chiến sĩ biên phòng cùng lúc phải chiến đấu không chỉ với tội phạm ma túy, các lực lượng chống phá, hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn phải đấu tranh tư tưởng, tình cảm của bản thân với người thân nơi hậu phương?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ đạo diễn đã chọn diễn viên chuẩn xác, phù hợp với các vai mà diễn viên đảm nhận thể hiện. Tôi đánh giá cao dàn diễn viên này. Mặc dù kịch bản được chuẩn bị công phu, được trao đi đổi lại nhưng khi xem phim vẫn bất ngờ, dễ dàng thấy công sức, sự ứng tác của đạo diễn trên thực địa, sự ứng diễn của diễn viên trước máy quay. Các vai diễn trong phim không hời hợt, có chiều sâu, để lại ấn tượng trong lòng người xem. Xem những người lính biên phòng trong bộ phim này, tôi tin nhiều cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong Quân đội sẽ tìm thấy mình trong đó.
|
|
Một cảnh trong phim "Cuộc chiến không giới tuyến". Ảnh chụp lại từ bộ phim |
PV: Lịch sử phim truyền hình Việt Nam từng có nhiều bộ phim rất xúc động về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến. Nhưng dường như hình ảnh bộ đội thời bình với bao khó khăn gian khổ, hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn chưa thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim hiện nay? Có phải chúng ta đang thiếu kịch bản hay, thiếu kinh phí đầu tư hay do đề tài khó?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Tôi nhớ trong một lần trao đổi với phóng viên Báo QĐND, tôi có nhận xét rằng hình ảnh người chiến sĩ lực lượng vũ trang có nhiều trên phim truyện truyền hình nhưng hình ảnh người chiến sĩ QĐND lại thưa vắng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao vậy? Ta nên cùng suy nghĩ tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Hình ảnh bộ đội thời bình cũng đẹp lắm chứ, đáng ngưỡng mộ lắm chứ! Quân đội luôn là trường học lớn, Bộ đội Cụ Hồ vẫn là những người chấp nhận sự hy sinh lớn lao, giữ cho đất nước hòa bình, hạnh phúc. Với sự ra đời của phim “Cuộc chiến không giới tuyến”, tôi nghĩ ít nhiều ta đã có câu trả lời. Phải chăng khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ ta sẽ có phim. Chưa có kịch bản hay, sẽ có cách đầu tư, bàn bạc để có.
Cũng cần nói thêm một điều về đặc điểm sản xuất phim truyện truyền hình nhiều tập hiện nay của ta cũng như của các nước. Khi đoàn làm phim quay những tập đầu tiên thì thường cũng là lúc các tác giả kịch bản, biên tập triển khai viết, sáng tác các tập tiếp theo. Hiệu quả của các tập đã công chiếu trong người xem, tâm lý tiếp nhận của người xem tác động không nhỏ tới công việc chế tác, sử dụng chi tiết, xây dựng nhân vật, điều chỉnh đường dây câu chuyện trong các tập tiếp theo của các tác giả kịch bản, biên tập viên. Chính điều đó tiếp nhựa sống cho phim truyện truyền hình nhiều tập. Tôi tin rằng những phản hồi tích cực của người xem bộ phim "Cuộc chiến không giới tuyến" sẽ khích lệ các nhà làm phim tiếp tục tìm tòi sáng tạo. Các nhân vật chiến sĩ biên phòng trong phim này tôi tin sẽ góp phần khẳng định hệ giá trị tinh thần của con người Việt Nam hôm nay.
PV: Theo ông, làm sao để có thêm nhiều bộ phim in dấu trong lòng khán giả về đề tài người chiến sĩ hôm nay?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Làm sao để có nhiều phim truyện truyền hình dài tập đề tài bộ đội thời bình? Tôi muốn những người đang gánh trên vai trách nhiệm nên tìm các câu trả lời. Tôi chỉ muốn nói phim truyện truyền hình không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn mang tính chất của một tác phẩm báo chí rất có sức mạnh tuyên truyền.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀ THANH MINH (thực hiện)