Từ những thước phim đỏ

 “Phim đỏ” là tên do Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đặt cho bộ phim tài liệu kể về chính những nhà quay phim, phóng viên chiến trường, trong đó có những người làm phim của Điện ảnh QĐND. Như lời đề tựa đầu phim, “Phim đỏ” là tấm lòng của những người làm phim quân đội hôm nay “dành để tri ân những phóng viên chiến trường, đã không tiếc máu xương ghi lại những hình ảnh tư liệu vô giá cho thế hệ mai sau...”.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Quyết khi nói về bộ phim tài liệu “Phim đỏ” đã chia sẻ rằng: Đây là bộ phim mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc. Đặc biệt khiến anh ám ảnh, suy nghĩ nhiều nhất là nhân vật bà Phan Thị Chuyết với những hình ảnh, phân đoạn phỏng vấn chân thật, chẳng cần sắp đặt nhưng mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho cả người làm phim và khán giả. Con trai bà là liệt sĩ Phan Văn Điểm (phóng viên Điện ảnh QĐND), đã hy sinh khi mới ngoài hai mươi tuổi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ngày trước, khi biết con trai làm quay phim, bà cứ tưởng đó là công việc nhàn nhã. Nhưng ai ngờ “con người ta có đi có về, con mình có đi không có về”. Người mẹ già gần 100 tuổi, dẫu biết thời gian sống chẳng còn bao nhiêu nhưng điều duy nhất mẹ sợ là chết sẽ không nhắm được mắt bởi con trai mẹ còn chưa về.

Đã có nhiều chiến sĩ làm phim của Điện ảnh QĐND mãi ngã xuống như liệt sĩ Phan Văn Điểm để cho những thước phim “đỏ” sống mãi, để lại phía sau nỗi đau cho những gia đình, những người mẹ. Trong chiến tranh và cả thời bình, đã có 38 nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh QĐND ngã xuống; nhiều người trở về mang theo trong mình những vết thương nhức nhối. Bởi như nhà biên kịch Phạm Minh Lợi, nguyên Phó giám đốc Điện ảnh QĐND thì người quay phim phải bộc lộ lên khỏi chiến hào mới quay được phim. Và khi đã rời chiến hào, dán mắt vào ống kính máy quay thì người quay phim không còn nhìn thấy gì khác ngoài những gì hiện lên trong ống kính. Họ luôn ở tuyến đầu, bám sát bộ đội, có mặt trong từng khoảnh khắc vinh quang và khốc liệt, hạnh phúc và đớn đau của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Những cuộn phim luôn được cất kỹ trong ba lô mà người chiến sĩ làm phim quý hơn tính mạng. Những thước phim tư liệu, đôi khi được đổi bằng máu xương của người làm phim. Những thước phim ấy chính là lịch sử được ghi lại bằng hình, mang giá trị to lớn không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho muôn đời sau.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tác nghiệp của ê kíp phim tài liệu "Phim đỏ". Ảnh tư liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân

Dấu ấn của hôm nay
“Phim Đỏ” khi tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 đã giành giải Bông sen Bạc, thể loại phim tài liệu. Ngoài “Phim Đỏ”, tại liên hoan, Điện ảnh QĐND còn được Ban giám khảo trao Bằng khen cho phim tài liệu “Mầm xanh đất lửa”; Giải quay phim xuất sắc nhất (Hà Hải Long, Lê Duy Hồi, phim tài liệu “Lá cờ trên Phu Văn Lâu”); Giải âm thanh xuất sắc nhất (Chu Đức Thắng-Đào Hằng, phim tài liệu “Mầm xanh đất lửa”).

Nhìn lại các liên hoan, giải thưởng điện ảnh những năm gần đây, chỉ riêng với phim tài liệu, Điện ảnh QĐND đều tạo được dấu ấn với những tác phẩm chất lượng, tâm huyết, sáng tạo. Giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2017 thể loại phim tài liệu được trao cho bộ phim “Ngày về” (đạo diễn Thanh Hùng). “Ngày về” là tác phẩm điện ảnh tri ân các thương binh, bệnh binh đã hy sinh, dâng hiến một phần xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phim đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi những cảnh quay sâu sắc, thấm đẫm tình yêu thương, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực. Cũng để lại dấu ấn thời gian gần đây, bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra” (đạo diễn Vũ Minh Phương) là hành trình theo chân những cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội; đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng: Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21; Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2019; giải A, Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019).

Phim tài liệu vẫn được cho là thế mạnh của Điện ảnh QĐND, nhất là đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Luôn học hỏi, sáng tạo, tìm cách thể hiện, tiếp cận mới để làm mới, hấp dẫn những đề tài và thể loại phim vốn được cho là “ít hấp dẫn”, đó là điều mà những người làm phim trẻ của Điện ảnh QĐND đã thể hiện được qua nhiều tác phẩm. Cũng qua mỗi tác phẩm, còn là sự nỗ lực, vượt qua những thách thức mới của các thế hệ người làm phim quân đội để phát huy truyền thống anh hùng mà các thế hệ Điện ảnh QĐND đã xây đắp nên. Để hoàn thành bộ phim “Chư Tan Kra”, đoàn làm phim đã có hàng chục chuyến theo chân các cựu chiến binh Trung đoàn 209-Mũ sắt đi tìm đồng đội, ăn rừng ở núi hàng tháng trên dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum)... Và ngay cả khi các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những người làm phim quân đội đã phát huy tinh thần của người chiến sĩ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu phim đã đề ra, được thuyết phục bằng chất lượng mỗi tác phẩm. “Phim Đỏ” được thực hiện vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta với những diễn biến nguy hiểm, phức tạp và quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, là một minh chứng sinh động cho tinh thần ấy.

Không chỉ là dấu ấn, thế mạnh, Điện ảnh QĐND đã tạo nên uy tín, thương hiệu với những phim tài liệu đề tài lịch sử bởi tính chân thực, sống động, chính xác của thông tin-những yếu tố quan trọng làm nên đặc trưng của thể loại phim tài liệu. Những bộ phim tài liệu dài tập mà Điện ảnh QĐND thực hiện, như: “Cuộc đụng đầu lịch sử”, “Đại thắng mùa xuân năm 1975”, “Đường mòn trên Biển Đông”, “Chiến dịch Đường 9 Nam Lào”, “Đường Hồ Chí Minh”... từng gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Và mới đây là bộ phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn” khái quát về cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, được Điện ảnh QĐND thực hiện trong thời gian 4 năm (2018-2021). Bộ phim được thực hiện trong giai đoạn đơn vị phải đối mặt với nhiều thách thức bởi dịch bệnh và việc di dời, xây dựng trụ sở mới, sắp xếp, ổn định cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Thành công của “Con đường đã chọn” không chỉ bởi được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, tư liệu hình ảnh lịch sử đạt độ chính xác cao mà còn được đánh giá cao ở cách kể chuyện lịch sử mang tính khách quan, nhiều chiều với góc nhìn của ngày hôm nay.

Để thực hiện dự án phim này, Điện ảnh QĐND đã huy động được sự tham gia của nhiều thế hệ người làm phim quân đội gạo cội như: NSND Lê Thi (tổng đạo diễn), NSND Đặng Xuân Hải, NSND Lưu Quỳ, Nhà biên kịch Phạm Minh Lợi, Hà Đình Cẩn, Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh...; và thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết như các đạo diễn: NSND Nguyễn Hoàng Lâm, Đặng Thái Huyền, Bùi Chí Trung, Phạm Hồng Thắng, Nguyễn Thanh Hùng... Sự hội tụ của tài năng và tâm huyết mang lại cho 22 tập phim sự bảo đảm về chất lượng và sự sinh động, đa dạng, màu sắc mới mẻ trong từng tập phim. “Con đường đã chọn” ra đời đã đáp ứng yêu cầu về việc cần có những tác phẩm điện ảnh tài liệu mang tính hệ thống, với cái nhìn khách quan, tiếp cận góc độ chính sử về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh. Hơn thế, bộ phim sẽ giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về giá trị của độc lập, tự do; là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Với những người làm phim quân đội hôm nay, từng thước phim, từng tác phẩm ra đời chính là động lực thôi thúc mỗi người mong muốn, khát khao cống hiến nhiều hơn, như lời đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Quyết tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với câu nói của Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường rằng, thế hệ người làm phim của Điện ảnh QĐND đang còn nợ thế hệ người làm phim đi trước, nợ lịch sử rất nhiều, mà những bộ phim đã có vẫn chưa thể thể hiện hết được”.

DƯƠNG THU - HẢI ANH