Kể từ khi nghỉ hưu (năm 1992) đến nay, đạo diễn, nhà quay phim Hà Tài, nguyên Quản đốc Phân xưởng Phim tài liệu-thời sự, Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) về với tổ ấm của mình. Ông dành hết thời gian chăm sóc, yêu thương vợ con, sống cuộc sống an yên ở thôn Đại Thịnh, xã Sơn Thịnh (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. 

“Tôi phải bù đắp cho bà ấy những tháng ngày đằng đẵng xa nhà trước đây...”, đạo diễn Hà Tài cùng bà Lê Thị Thảo-vợ ông-đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu trong căn nhà ngói 3 gian sạch sẽ, ngăn nắp. Năm nay gần 90 tuổi rồi, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện làm phim, ông vẫn nhớ rất rõ từng mốc thời gian, từng chuyến công tác cùng đồng đội một thời vào sinh ra tử dưới bom đạn của quân thù.

Thời niên thiếu của Hà Tài là những ngày tháng vô cùng vất vả vì mẹ mất sớm. Ông không được đến trường như các bạn cùng trang lứa mà phải học ké ở lớp bổ túc văn hóa do thầy giáo trong làng dạy. Vì hiếu học nên ông lần lượt hoàn thành chương trình cấp 1, rồi cấp 2. Tốt nghiệp cấp 2, ông xung phong vào bộ đội, làm lính pháo cao xạ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 367 (sau này là Sư đoàn 367). Vốn rất giỏi Toán và các môn tự nhiên nên Hà Tài đã được đơn vị chuyển sang làm giáo viên dạy kiến thức văn hóa cho bộ đội. Những năm đầu thập niên 1960, thực hiện yêu cầu của cấp trên, ông đã được cử đi học tiếng Nga ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để về dạy ngoại ngữ cho sĩ quan quân đội trước khi đi du học Liên Xô, rồi lại tiếp tục được cử đi học quay phim do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị tổ chức. Năm 1964, Hà Tài được về công tác tại Xưởng phim Quân đội. Sau 6 tháng đào tạo cấp tốc ở lớp quay phim, ông vào thẳng chiến trường làm nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Lớp quay phim đầu tiên của Điện ảnh Quân đội nhân dân (Nghệ sĩ Ưu tú Hà Tài đứng ngoài cùng, bên trái).  Ảnh tư liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân 

Cuộc đời quay phim của Hà Tài gắn với rất nhiều địa danh, với những chiến trường khốc liệt, như: Đường 9-Nam Lào, Đường Trường Sơn, Tây Nguyên, Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không... Trong những năm 1966-1968, thời kỳ cao điểm của các chiến dịch: Bàu Cạn, Đường 9-Nam Lào, Khe Sanh, Tây Nguyên, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân... Xưởng phim Quân đội cử nhiều đoàn làm phim vào các chiến trường. Trong 3 đoàn đi cùng các đơn vị chiến đấu thì chỉ có đoàn của các đồng chí Quốc Nhàn và Hà Tài là quay được cảnh bộ đội ta bắt sống lính Mỹ đầu hàng ngay tại chiến trường. Đáng kể là trong Chiến dịch Bàu Cạn, một đại đội của ta bắt sống 14-15 tên lính Mỹ, nhóm của Hà Tài quay được 7 tên. 

Để quay được những thước phim quý giá theo yêu cầu của cấp trên, ông và các đồng nghiệp phải bám theo bộ đội đi phục kích từ nơi này sang nơi khác, nhất là Sư đoàn Nông trường 1. Hành trang mang theo trên người, ngoài máy quay, hơn 1.200m phim, muối, gạo còn có một cái xẻng để đến đâu thì đào hầm trú ẩn ở đó, dù trong rừng núi hay ở ruộng, có nơi phải đào hầm sâu tới 1,5m. “Hễ bộ đội ngừng tiếng súng là chúng tôi phải lao ra mặt trận để quay ngay, dù biết là vô cùng nguy hiểm. Ngày đó, gạo thiếu nên chúng tôi rất đói, mỗi ngày chỉ được rất ít cơm với mắm tôm, thỉnh thoảng mới có canh lá sắn và lá dâu da để cải thiện. Bộ đội và phóng viên đều bị sốt rét liên miên, nhiều chiến sĩ bị bại liệt, còn đi bộ đến phồng rộp, sưng phù cả chân là chuyện thường. Hai năm ngủ rừng với chiếc tăng võng, không giường chiếu, nhà cửa, thậm chí có đêm tối như mực, trải tăng trên cả đống phân mà không biết...”, ông Hà Tài nhớ lại.

Theo ông, những thước phim quay ở chiến trường là những thước phim đỏ, bởi những người quay phim có thể phải trả bằng máu và nước mắt... Quay được cảnh chân thực về cuộc chiến đã khó, việc giữ gìn, bảo quản, rồi gửi những tư liệu quay được về đơn vị cũng khó khăn không kém. Dù có thể hy sinh thì người quay phim cũng phải tìm cách gửi bằng được cuộn phim tư liệu quay về tới đơn vị. Những năm 1970-1971, khi đi quay tư liệu về Đường Trường Sơn và Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, B-52 trút bom xuống liên tục, đồng đội của ông có người hy sinh, người bị thương khi những thước phim còn quay dang dở. Nhà quay phim Hà Tài cũng hai lần bị thương, không ít lần thoát chết trong gang tấc, nhưng may mắn kịp ôm máy quay vào hầm an toàn...

Kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong quá trình tác nghiệp đó là lần cùng Nông Văn Tư đi quay cảnh chiến sĩ bảo vệ thành Vinh (Nghệ An) năm 1972. Vì đứng dưới hầm rất khó quay nên ông đánh liều leo lên trên hầm để tác nghiệp và dặn Nông Văn Tư đứng canh, khi nào thấy máy bay thả bom thì hô to và kéo chân ông xuống hầm... Trong khi đang say sưa quay cảnh nhà ga Vinh cháy, Hà Tài bỗng nghe một tiếng nổ rất to, đất cát bụi tung mù mịt, sờ vào tay mình thấy có vết máu. Ông hốt hoảng gọi Nông Văn Tư thì không còn nghe anh trả lời... Người đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống nơi mảnh đất thành Vinh. Hà Tài bị thương nặng ở hai chân và tay trái do trúng mảnh vỡ của bom bi. Sau này, dù phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng đến nay, ở khuỷu tay trái của ông vẫn còn sót một mảnh vỡ của bom do không thể phẫu thuật được... Những lúc trái gió trở trời, vết thương ấy vẫn hành hạ ông đến ê ẩm.

Đất nước thống nhất, Hà Tài chuyển sang học đạo diễn về phim tư liệu truyền thống. Ông được cử sang Liên Xô 6 tháng để học tập, nghiên cứu phim tài liệu về chiến tranh tại Xưởng phim tài liệu Moscow. Với những kinh nghiệm học được từ Liên Xô, ông thực hiện thành công rất nhiều bộ phim truyền thống về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng. Một số phim tài liệu do ông đạo diễn được trao tặng huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen tại các liên hoan phim Việt Nam. Nhiều thước phim ông quay từ thời chiến tranh trở thành tư liệu vô cùng quý giá của Điện ảnh QĐND sau này.

leftcenterrightdel

 Nghệ sĩ Ưu tú Hà Tài và vợ. Ảnh: THANH MINH

Kỷ niệm làm phim về cuộc du hành vũ trụ   

 Năm 1980, nhà quay phim, đạo diễn Hà Tài được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cử sang Liên Xô làm phim về cuộc du hành vũ trụ của nhà du hành vũ trụ V.V.Gorbatco và Anh hùng Phạm Tuân (Việt Nam). Bộ phim gồm hai tập là “Việt Nam đường vào vũ trụ” (tập 1) và “Chuyến bay hữu nghị” (tập 2) do Hà Tài làm đạo diễn, biên tập; Hoàng Tiến Xuân quay phim. Cùng chuyến đi ấy có nhà báo Phạm Phú Bằng, Hà Phạm Phú (Báo QĐND), nhà báo Thép Mới (Báo Nhân Dân) và các đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Việt Nam. Vì Hà Tài là người nói được tiếng Nga nên thỉnh thoảng ông trở thành phiên dịch bất đắc dĩ cho các đồng nghiệp Việt Nam ở Liên Xô ngày ấy. 

Trong thời gian làm phim ở Liên Xô, ông nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các bạn. Đoàn làm phim được đến nhiều khu vực quan trọng để thực hiện các cảnh quay, như: Điện Kremlin, Bảo tàng Lênin, Trung tâm luyện tập của các nhà du hành vũ trụ ở ngoại ô Moscow... Đặc biệt, lần đó, Hà Tài vinh dự được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chuyến bay từ Moscow sang Kazakhstan để thực hiện cảnh quay tại điểm phóng tên lửa đưa các nhà du hành bay vào vũ trụ.

 Năm đó, Liên Xô đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1980 (Olympic thế giới 1980) nên ông vinh dự là một trong 5 đại biểu đại diện cho đoàn công tác làm phim, báo chí Việt Nam được mời tham dự lễ khai mạc Olympic tại Sân vận động trung tâm Lênin. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam có đoàn vận động viên tham dự Olympic thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập. Vì thế, được tham dự và hòa cùng không khí buổi lễ khai mạc Olympic tại sân vận động có sức chứa hơn 10 vạn người như vậy, với Hà Tài thực sự là niềm vinh dự và kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời làm phim của mình.

Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2019, Hà Tài được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Trò chuyện với chúng tôi, ông cảm thấy vui và tự hào vì đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Chỉ có một điều làm ông day dứt là tuổi thanh xuân đi khắp chiến trường nên ông bị nhiễm chất độc vào cơ thể từ lúc nào không hay, khiến cho người con gái thứ ba của ông cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Có thể nói, sau những thước phim đỏ quý giá mà ông để lại cho hậu thế chính là sự hy sinh một phần xương máu của bản thân, gia đình, người thân... Sự hy sinh ấy thật không thể nào đo đếm được với một nhà quay phim chiến trường như ông nói riêng cũng như của cả thế hệ nghệ sĩ-chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

MINH THÀNH