Máy quay là vũ khí
Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi rưng rưng xúc động khi lên thăm Phòng Truyền thống của Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND). Trước mắt chúng tôi là bàn thờ tưởng niệm với danh sách dài ghi tên các liệt sĩ, bên phải là di ảnh của các anh. Hầu hết họ đều là những gương mặt trẻ với nụ cười tuổi thanh xuân. Có lẽ, không có đơn vị nghệ thuật nào lại có nhiều nghệ sĩ hy sinh như vậy. Trong đó, một số liệt sĩ hiện vẫn chưa có di ảnh, chưa tìm được mộ chí…
Người đầu tiên của Điện ảnh Quân Giải phóng hy sinh là nhà quay phim Nguyễn Phước Thạnh trong Chiến dịch Bình Giã (tháng 12-1964). Anh được các thế hệ người làm phim quân đội nhắc đến là một nhà quay phim tiêu biểu cho tinh thần chiến sĩ, luôn bám sát các đơn vị chiến đấu. Trong một lần cùng các đồng đội đi quay trận quân ta phục kích đánh địch trên Đường số 2 thì Nguyễn Phước Thạnh không may bị trúng đạn. Khi bị thương, anh vẫn ôm chặt chiếc máy quay phim rồi bàn giao cho đồng chí tổ phó quay tiếp cuộc chiến đấu. Do vết thương quá nặng, anh đã không qua khỏi. Chiếc máy quay cùng hình ảnh các anh ghi lại được về Chiến thắng Bình Giã đã được đồng đội đưa về cứ an toàn.
Những ngày Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá ở phía tây Hà Nội phải hứng chịu các trận mưa bom do Mỹ giội xuống năm 1967, phóng viên Nguyễn Kôn đã vác máy quay leo lên tận nóc nhà ở khu vực Mễ Trì để quay. Nhờ đó khán giả được biết đến những hình ảnh vô cùng bi tráng về Hà Nội qua nhiều bộ phim tài liệu như: “Một ngày Hà Nội”, “Hà Nội bản hùng ca”... Có ai ngờ, sau khi quay lại được những bằng chứng tội ác của giặc Mỹ, nhà quay phim Nguyễn Kôn đã phải trả bằng tính mạng của mình. Anh hy sinh ngay trên nóc nhà khi đang đứng quay phim, thân thể và đầu bị găm đầy bom bi nhưng tay anh vẫn ôm chặt chiếc máy quay phim hiệu Hòa Bình. Chiếc máy quay phim này hiện đang được lưu giữ tại Phòng Truyền thống của Điện ảnh QĐND.
Phóng viên Điện ảnh QĐND quay phim tài liệu "Định cư trên núi Giăng Màn". Ảnh do Điện ảnh QĐND cung cấp
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, phóng viên Đặng Xuân Hải (nay là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) - người quay cảnh kéo cờ ở Cột cờ Phu Văn Lâu (Huế) đã bị thương, còn một số phóng viên khác thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường như: Châu Quang bị trúng đạn và hy sinh khi đang trèo lên cây để quay cảnh quân ta tiến công Đồng Dù; Dương Phước An hy sinh khi đi quay cảnh Quân Giải phóng vượt cửa mở tiến vào Nhà máy dệt Thắng Lợi… Họ ra đi để lại những thước phim chân thực làm nên bộ phim tài liệu “Vài hình ảnh chiến đấu Xuân 1968” (phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1-1970). Những năm 1970-1972 là thời điểm Xưởng phim QĐND bị tổn thất nặng nề nhất. Rất nhiều phóng viên đã ngã xuống trên chiến trường miền Trung, Nam Bộ như: Nguyễn Như Sỹ, Nguyễn Khắc Thắng, Phan Văn Điểm, Lương Minh Đáng, Phạm Xuân Thọ, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Bá Thụy, Trần Cần Kiệm, Phan Văn Cam, Lê Văn Bằng, Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dũng, Nông Văn Tư... Trong đó, liệt sĩ Phan Văn Cam (Đồng Cam) luôn được đồng đội nhớ về một phóng viên chiến trường vô cùng dũng cảm. Khi được giao nhiệm vụ ghi hình các trận giao tranh giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, Đồng Cam rất quyết tâm và đã quay được cảnh loạt đạn pháo của ta rơi trúng mục tiêu ở Chi khu quân sự Lộc Ninh. Khi đang quay phim, anh đã bị đạn xuyên qua lồng ngực, máu chảy rất nhiều nhưng anh vẫn thều thào nói với đồng đội: “Cầm máy quay phim tiếp” rồi từ từ nhắm mắt. Anh đã được đơn vị biểu dương hành động dũng cảm ngay tại mặt trận và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1983. Liệt sĩ Nguyễn Như Dũng lại khiến bạn bè thương xót bởi anh lên đường làm nhiệm vụ khi mới cưới vợ, chưa kịp về ra mắt người thân hai họ. Theo lời kể của Đại tá, NSND, đạo diễn Lê Thi, nguyên Quản đốc Xưởng phim Tài liệu Điện ảnh QĐND thì đám cưới của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Như Dũng và nữ thi sĩ Đoàn Thị Thanh Trà diễn ra đơn giản nhưng rất ấm cúng tại xưởng phim. Mới cưới nhau, họ chưa được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc bên nhau thì đã phải chia tay. Có ai ngờ ngày chia tay bên gốc si già của ngôi nhà 17 Lý Nam Đế lại là ngày họ xa nhau mãi mãi. 15 ngày sau, chị Thanh Trà đã mang trên đầu chiếc khăn tang của chồng.
Tại Mặt trận Hữu Lũng (Lạng Sơn) năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc của quân và dân ta diễn ra rất ác liệt, phóng viên Nguyễn Như Đạt đã hy sinh trên đường đi quay phim, còn đồng chí Cao Ngạc đi cùng thì bị địch bắn gãy chân...
Trong thời bình, sự hy sinh của nhà quay phim Nguyễn Xuân Nghiệp để lại bao niềm tiếc thương cho đồng đội. Năm 2005, khi đang đi quay những hình ảnh cuối cùng của bộ phim “Điểm tựa Ka Lăng” ở thượng nguồn sông Đà, anh cùng với chiếc máy quay đã bị dòng nước sông Đà cuốn trôi, mấy ngày sau mới tìm được thi thể. Trung tá Bùi Duy Đông, Phó giám đốc Điện ảnh QĐND không giấu được sự xúc động khi kể về liệt sĩ Nguyễn Xuân Nghiệp: “Trước khi đi công tác, anh và tôi hẹn nhau quay xong phim thì sẽ đi học. Nhưng rồi, anh đã không trở về đúng vào ngày tôi được phong quân hàm Trung úy. Cầm bộ quân hàm mới đứng trước bàn thờ anh mà tôi không sao cầm được nước mắt. Nguyễn Xuân Nghiệp là người đi thực tế nhiều, có đợt anh đi miền Nam lâu đến nỗi quen với việc uống cà phê đen không đường như người Nam Bộ. Nhớ những ngày đi làm phim tư liệu “U Minh - tình đất, tình người” (do anh Mai Trung Tuyến đạo diễn, anh Nghiệp là quay phim chính còn tôi là phụ quay), chúng tôi ăn ngủ trong rừng U Minh hàng tháng trời dưới cái nắng chang chang, chống chọi với đàn muỗi “khủng” mà mỗi lần đi quay chúng tôi phải trùm áo kín mít. Nhiều hôm chỉ cần chiếc bánh mì và chai nước qua bữa là anh lại vác máy quay phăm phăm băng rừng”...
30 người con của “ngôi nhà chung” Điện ảnh QĐND ngã xuống, mỗi người một số phận, trong mỗi hoàn cảnh, địa bàn khác nhau nhưng họ đều là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xông pha trên những tuyến đầu
“Ở đâu có những trận đánh quyết liệt, ở đó có anh em làm phim quân đội”-PGS, TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật Điện ảnh QĐND đã dành những lời trân trọng để nói về các đồng nghiệp. Muốn ghi lại hình ảnh chân thực nhất thì người chiến sĩ làm phim không thể ngồi trong hầm trú ẩn, cũng không thể nằm trong hầm sâu để sáng tác, mà phải luôn là những người lính trên tuyến đầu với các tổ xung kích ở ngoài mặt trận. Ông xúc động kể cho chúng tôi nghe những ngày làm phim “Đi tìm đồng đội” cùng các đồng nghiệp cách đây 25 năm. Lần đầu tiên, người dân cả nước được thấy cảnh mộ liệt sĩ nằm cheo leo bên bờ suối, thấy cảnh các cựu chiến binh đi tìm và khai quật mộ đồng đội. "Những thước phim như “cứa” vào lòng người về tình đồng đội, sức chịu đựng lớn lao của những người lính. Mỗi lần xem lại, tôi vẫn ứa nước mắt", kể đến đây, giọng ông bỗng chùng xuống, đôi mắt ngấn lệ. PGS, TS Trần Thanh Hiệp nói tiếp: “Người chiến sĩ đi tìm mộ gian nan, vất vả như thế nào thì phóng viên quay phim điện ảnh cũng trải qua thực tiễn như thế để có được những cảnh quay chân thực”.
Cũng vì đi tìm vị trí đứng quay phim tốt nhất mà nhà quay phim Hà Tài (sau này là Trung tá, nguyên Quản đốc Xưởng phim Tài liệu Điện ảnh QĐND) đã bất chấp nguy hiểm khi đi quay phim ở đơn vị pháo cao xạ bảo vệ thành Vinh (Nghệ An). Và ông đã bị thương, còn Nông Văn Tư-đồng đội phụ quay thì hy sinh ngay giữa trận địa. Kể lại khoảnh khắc hy sinh của đồng nghiệp, ông nghẹn ngào: “Đó là một ngày tháng 4-1972, tôi là quay phim chính, còn Nông Văn Tư (khi đó là nhân viên hành chính, từng được học lớp quay phim của quân đội) được cử làm phụ quay. Chúng tôi theo chân các chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 222 ra trận địa pháo giữa một cánh đồng trống trải chỉ có ít lá cây ngụy trang. Vì trận địa đắp ụ pháo rất cao, rất khó quan sát ra xa nên chúng tôi đành chuyển ra hầm cát cách đó khoảng 50m để việc quay phim thuận lợi hơn. Một số đồng chí thấy nguy hiểm nên khuyên chúng tôi lùi về phía sau nhưng tôi bảo: “Đứng ở vị trí đó quay là tốt nhất”. Và tôi vẫn đứng trên hầm làm nhiệm vụ, còn Tư đứng dưới hỗ trợ. Khi tôi quay xong cảnh Nhà ga Vinh bị cháy, khói lửa bốc lên nghi ngút thì khu vực trận địa cũng bị ném bom bi. Cả tay và chân đều bị thương, người tôi dính đầy máu. Nhìn xuống thấy Tư nằm bất động, tôi gọi nhưng không còn nghe anh trả lời...”.
Là người từng viết kịch bản phim tài liệu “Ngôi nhà có 30 liệt sĩ” của Điện ảnh QĐND nên NSND Lê Thi nhớ khá rõ trường hợp hy sinh của nhiều đồng nghiệp. Họ luôn là những chiến sĩ trên tuyến đầu. Trên khắp các vùng miền từ Bắc vào Nam, vùng đất nào cũng có mặt những người làm phim quân đội. Muốn quay được toàn cảnh, cụ thể, chân thực thì người quay phim thường phải đứng ở vị trí rất cao, nguy hiểm như trèo lên cây, nóc nhà… Đó cũng là nguyên nhân nhiều chiến sĩ quay phim quân đội hy sinh đến như vậy. Ông kể: “Thế hệ chúng tôi đi quay phim ở chiến trường thì đôi khi hành lý mang theo còn nặng hơn người với hàng chục cân: Máy quay phim, máy ảnh, ống kính tê-lê, hàng chục cuốn phim, 5kg gạo, thuốc chống ẩm, thuốc tráng phim, giấy ảnh, quần áo tư trang và súng... Dọc đường, nếu chẳng may gặp bom tọa độ thì có thể chết bất kỳ lúc nào. Còn bình thường, nghe báo hiệu có máy bay thì việc đầu tiên là ôm máy quay phim chạy”…
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979, sau khi Nguyễn Như Đạt hy sinh và Cao Ngạc bị thương nặng thì Phan Sỹ Lan là người được điều động lên thay thế. Ông đã ghi lại được những thước phim tư liệu quý về cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Đại tá, NSƯT Phan Sỹ Lan cũng là người từng qua nhiều chiến trường ác liệt như: Mặt trận Quảng Đà, Mặt trận Tây Nguyên, Chi khu Vĩnh Điện… và từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Ngày đó, quay được cuộn phim nào thì đóng hộp gửi về cứ cất giữ đề phòng có hy sinh thì tư liệu vẫn còn. Khi địch đi càn ở khu vực Vĩnh Điện, chúng tôi phải cuộn hết máy quay và phim vào túi ni-lông rồi nhảy ùm xuống sông, lấy bèo ngụy trang. Sau từng đợt càn, chúng tôi lại lên bờ mở máy ra quay tiếp. Có ngày lên bờ rồi lại xuống sông đến hai ba lượt như vậy. Khi nhà cửa bị san phẳng hết, chúng tôi cùng các chiến sĩ phải khoét các ngôi mộ lớn bên bờ ruộng để tránh bom”, ông nhớ lại.
Lịch sử Điện ảnh QĐND rất tự hào về một thế hệ nghệ sĩ-chiến sĩ đã để lại cho quân đội và điện ảnh nước nhà những thước phim vô giá - những thước phim đã phải trả bằng máu và nước mắt. Tinh thần “cầm máy quay phim tiếp” vẫn luôn là điểm tựa, thôi thúc những người làm điện ảnh QĐND tiến về phía trước, tiếp tục khắc ghi những hình ảnh sinh động, hào hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
HÀ THANH MINH