QĐND - Trong "làng" điện ảnh Việt Nam hiện nay, Điện ảnh QĐND là đơn vị sở hữu một kho tư liệu phim đồ sộ về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của dân tộc ta suốt hơn nửa thế kỷ qua; đồng thời cũng là nơi ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài trên đây.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên phủ trên không" (12-1972/12-2012), Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Đại tá, NSưT Vũ Văn Chính, Giám đốc Điện ảnh QĐND về những bộ phim của đơn vị phản ánh cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong 12 ngày đêm năm ấy...
 |
Điện ảnh QĐND giành nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, năm 2011. Ảnh: Duy Bùi |
Đại tá Vũ Văn Chính cho biết:
- Có thể nói trong cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, Điện ảnh QĐND luôn luôn có mặt ở những trọng điểm ác liệt nhất để kịp thời ghi vào ống kính những hình ảnh chân thực, sinh động về tội ác của kẻ thù và tinh thần anh dũng của quân và dân ta trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngay từ ngày đầu đế quốc Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc (5-8-1964), Điện ảnh QĐND đã có một tổ trực chiến cùng Trung đoàn phòng không 290 ở thành phố Vinh, một tổ ở Lạch Trường (Thanh Hóa) ghi lại cuộc chiến đấu của Bộ đội Hải quân và xác chiếc máy bay bị bắn rơi tại chỗ, một tổ ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi lại cuộc chiến đấu của quân và dân địa phương bảo vệ các mục tiêu ở vùng mỏ...
* Và tiêu biểu cho tinh thần "xả thân" của các nghệ sĩ -chiến sĩ Điện ảnh QĐND trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là trong chiến dịch "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không", thưa đồng chí?
- Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự và ngoại giao nửa cuối năm 1972, đơn vị đã lên kế hoạch điều động lực lượng quay phim đến trực chiến ở các trận địa tên lửa, cao xạ... đang phục kích đón đánh địch ở khắp nơi. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 ở Hà Nội, khi một số đội quay phim vừa trở về từ chiến dịch Quảng Trị và mặt trận Cánh Đồng Chum (Lào) lập tức được bổ sung vào tham gia chiến dịch. Hơn một chục tay máy đã xông xáo "tả xung hữu đột" bám sát cuộc chiến đấu suốt 12 ngày đêm, nhờ vậy Điện ảnh QĐND đã có được những thước phim vô giá ghi lại những khoảnh khắc lịch sử... Trong đó, nhiều thước phim được đổi bằng mồ hôi và xương máu của các tác giả...
* Đồng chí có thể nói cụ thể hơn về những thước phim xương máu ấy?...
- Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng hòa bình, Điện ảnh QĐND đã có 30 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Riêng những ngày đêm phục kích quay phim ở các trận địa phòng không trong chiến dịch "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không", các nghệ sĩ -chiến sĩ cũng phải vượt qua bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm do đặc thù nghề nghiệp và sự ác liệt của bom đạn. Chẳng hạn khi quay cảnh bộ đội tên lửa phục kích bắn máy bay trong đêm tối, các tay máy hoàn toàn bị động nên phải túc trực suốt đêm bên trận địa, luôn sẵn sàng bấm máy mỗi khi quả đạn bất ngờ được phóng lên và mỗi trận đánh chỉ chớp nhoáng trong khoảng vài phút. Vị trí đứng của người quay phim lại nằm trong tầm nguy hiểm của cả bom đạn địch đánh phá trận địa lẫn khí tài của ta. Chẳng hạn như tổ quay phim của các đồng chí Lê Thi -Phạm Thọ phục kích ở trận địa tên lửa bến phà Chèm, nhiều lần bị tên lửa "sơ-rai" của địch nổ ngay bên cạnh, do ra-đa của ta "gạt" ra. Nhờ tinh thần "xả thân" như vậy nên đồng chí Phạm Thọ đã quay được cảnh chiếc B-52 bị trúng tên lửa, bốc cháy và rơi ngay trên cánh đồng huyện Đông Anh -Hà Nội.
* Thưa đồng chí, từ những thước phim xương máu ấy, Điện ảnh quân đội đã xây dựng nên nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế?
- Một bộ phim tài liệu là tổng hợp thành quả của nhiều người, nhiều bộ phận, nhiều khâu kỹ thuật và nghệ thuật... nhưng chất liệu chủ yếu và quan trọng nhất vẫn là những thước phim chân thật, sinh động. Chẳng hạn, từ những thước phim quay "sống" trên các trận địa phòng không của các đồng chí: Ngô Đăng Tuất, Lê Thi, Phạm Thọ, Hà Tài, Nguyễn Thọ, Trần Huy Châu, Trần Gia Định, Vương Đức Cừ, Phạm Hữu Doanh... đạo diễn Phan Quang Định đã cùng các nghệ sĩ Nguyễn Hoán (dựng phim), Trần Ngà (chọn nhạc), Nguyễn Nghĩa (thư ký) và các anh Đỗ Phú - Trần Khắc ấn (chủ nhiệm phim) lao động khẩn trương miệt mài nhiều ngày đêm để kịp ra mắt bộ phim "Điện Biên Phủ trên không" vào dịp đầu Xuân 1973. Bộ phim đã đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4. Từ đó đến nay, đã có hàng chục bộ phim nhựa đặc sắc của Điện ảnh QĐND về đề tài "Điện Biên Phủ trên không" kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, như: "Hà Nội đánh giỏi thắng lớn (Vũ Quân biên tập), "Hà Nội -bản hùng ca" (Phan Quang Định biên tập và đạo diễn), "Khách sạn Hin -tơn Hà Nội" (Nhật Hiển đạo diễn), "Hà Nội, tháng Chạp năm ấy" (Đỗ Mạnh Dương đạo diễn), "Một ngày Hà Nội" (Chí Phúc -Ngô Đăng Tuất đạo diễn), "Từ trận đầu đánh thắng" (Phạm Lệnh -Ngô Đăng Tuất đạo diễn)... và một số phim video như: "Hà Nội 12 ngày đêm năm ấy" (Mai Trung Tuyến đạo diễn), "Điện Biên Phủ trên không" (Phạm Huyên đạo diễn) v.v..
* Và năm nay kỷ niệm tròn 40 năm chiến thắng "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không", Điện ảnh QĐND có những tác phẩm mới nào về đề tài này, thưa đồng chí?
- Thực hiện kế hoạch trên giao, chúng tôi vừa hoàn thành bộ phim tài liệu nghệ thuật "40 năm chiến thắng Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" (kịch bản và đạo diễn Phạm Huyên) đã được các cơ quan chức năng và thủ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt và đánh giá cao. Bộ phim minh họa cho chương trình nghệ thuật của buổi lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" (Đạo diễn Bùi Duy Đông, quay phim Phạm Công Trình) cũng đã hoàn thành và hứa hẹn sẽ tạo ấn tượng tốt cho buổi lễ kỷ niệm cấp Nhà nước. Ngoài ra, từ đầu năm 2012, Điện ảnh QĐND đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện bộ phim "Gió ngang" (biên kịch: Nguyễn Thế Vỵ, đạo diễn: Mai Trung Tuyến). Đây là bộ phim có sự nhìn nhận, đánh giá đa chiều của nhiều học giả trong và ngoài nước về sự kiện 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972...
* Điện ảnh QĐND mà làm phim về "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" thì chắc chắn là đúng sở trường, thế mạnh; nhất là khi hầu hết các tác giả hôm nay đều đã từng được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia sự kiện 12 ngày đêm năm ấy?
- Đúng là chúng tôi có thế mạnh khi làm phim về đề tài chiến tranh nói chung và "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" nói riêng. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó lại là một áp lực, một thách thức lớn đối với Điện ảnh QĐND hôm nay, bởi nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo không ngừng, không được lặp lại những cái đã làm, không được giẫm lên lối mòn của những người đi trước. Và chúng tôi đã cố gắng đổi mới trong những tác phẩm về "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" gần đây.
* Có thể nói hàng chục nghìn "những thước phim xương máu" mà Điện ảnh QĐND đang quản lý là di sản văn hóa vô giá của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của dân tộc ta. Công việc bảo quản và khai thác khối di sản đó đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Từ trước tới nay, kho lưu trữ phim tư liệu của Điện ảnh QĐND còn là địa chỉ tin cậy và thuận tiện của nhiều hãng phim, đài truyền hình, cơ quan truyền thông... trong và ngoài nước mỗi khi cần khai thác, tham khảo, sử dụng... những hình ảnh tư liệu về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Để bảo quản và khai thác tốt hơn kho tài liệu vô giá này, vừa qua chúng tôi đã được cấp kinh phí thực hiện giai đoạn 1 đề án số hóa để lưu giữ và tra cứu, khai thác thuận tiện, khoa học hơn. Sắp tới, chúng tôi đã được phép triển khai giai đoạn 2 của đề án, chuyển tài liệu từ các băng đĩa, ổ cứng... thành phim nhựa theo công nghệ tiên tiến để bảo quản lâu dài. Đây là sự quan tâm đầu tư rất kịp thời và hợp lý của Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng đối với Điện ảnh QĐND.
*Đây cũng là một tin vui nữa của các thế hệ những người làm phim áo lính. Xin cảm ơn đồng chí và xin chúc Điện ảnh QĐND tiếp tục gặt hái những thành quả nghệ thuật cao hơn nữa!
MAI CHIẾU THỦY thực hiện