Nội dung bộ phim tài liệu “Việt Nam-Campuchia - Những năm tháng không quên” thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia cùng những nỗ lực ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta nhằm duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước. Thông qua bộ phim đã thêm một lần khẳng định tinh thần đoàn kết quốc tế, sự giúp đỡ to lớn, trong sáng, chí nghĩa, chí tình của quân đội và nhân dân Việt Nam cùng lực lượng yêu nước chân chính Campuchia để đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh đất nước Campuchia. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vẫn không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển.

Với những thước phim tư liệu quý giá mà các thế hệ nghệ sĩ, phóng viên của Điện ảnh QĐND đã đánh đổi bằng máu của mình - “Việt Nam-Campuchia - Những năm tháng không quên” đã giúp người xem hình dung rõ hơn về tội ác man rợ của tập đoàn Pol Pot và lên án chế độ diệt chủng. Bên cạnh đó là sự sát cánh của quân và dân hai nước Việt Nam- Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đất nước Campuchia hồi sinh; và tình hữu nghị, hợp tác của hai nước trong suốt những năm qua.

Phim bắt đầu từ bối cảnh đất nước Campuchia cách đây hơn 40 năm, khi nhân dân và cả quốc vương, con cháu hoàng thân đều trở thành nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Chúng đã thi hành chính sách diệt chủng, thanh trừng nội bộ, biến thủ đô Phnôm Pênh thành một trong 10 địa điểm đáng sợ nhất thế giới. Những cánh đồng chết xuất hiện ngày càng nhiều, đâu đâu cũng có hố chôn người tập thể. Gần 3 triệu người dân Campuchia đã bị chết bởi bệnh tật, đói khát và những màn tra tấn, hành quyết dã man của đội quân khát máu người. Chúng đã đẩy một dân tộc vào cảnh chỉ còn thù hận và đau thương trước thảm kịch diệt vong.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Việt Nam-Campuchia - Những năm tháng không quên”. Ảnh do Điện ảnh QĐND cung cấp

Cùng chính sách đối nội hà khắc, chính quyền Khmer Đỏ được sự hậu thuẫn của thế lực phản động nước ngoài đã chủ trương phá nát quan hệ Việt Nam-Campuchia, coi Việt Nam là kẻ thù số một cần tiêu diệt và tuyên bố mâu thuẫn giữa hai nước là mâu thuẫn sống còn không thể điều hòa, cần phải dùng biện pháp quân sự.

Ở Việt Nam, ngày 30-4-1977, trong khi cả nước ta đang chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot đã xâm phạm chủ quyền biên giới Việt Nam, giết người, cướp của, gây kinh hoàng cho nhân dân các tỉnh biên giới Tây Ninh, An Giang. Hàng trăm gia đình, hàng vạn người dân Việt Nam bị sát hại. Trước đó, đầu tháng 5-1975, khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, quân Pol Pot đã xâm phạm Phú Quốc, giết hại hàng trăm dân thường.

Trước tình hình đó, QĐND Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quyết định điều một bộ phận quân chủ lực tới biên giới Tây Nam để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nhân dân, đập tan mưu đồ của Pol Pot. Cũng trong lúc đó, Trung đoàn trưởng Hun Xen của quân đội Khmer Đỏ bất bình trước chế độ diệt chủng và sự phản bội tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia của chính quyền do Pol Pot cầm đầu, nên đã cùng một số người vượt biên sang Việt Nam xin sự giúp đỡ nhằm chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Đoàn 125 lực lượng vũ trang cứu nước Campuchia do ông Hun Xen làm chỉ huy được thành lập tại Giao Long, Đồng Nai. Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, kêu gọi đoàn kết toàn dân nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, xóa bỏ chế độ tàn ác đẫm máu mà chúng gây ra. Đồng thời, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia cũng kêu gọi Chính phủ và QĐND Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết ấy, cùng với quan điểm giúp bạn là giúp mình, cứu bạn là cứu mình, Quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, thiêng liêng của mình chống lại cuộc tấn công xâm lược của bè lũ Pol Pot, sát cánh cùng lực lượng vũ trang Campuchia mở cuộc tiến công thần tốc tiêu diệt và làm tan rã các lực lượng của Khmer Đỏ.

Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ.

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng trên tinh thần vô tư, trong sáng, quân đội và nhân dân Việt Nam cấp tốc chở hàng trăm tấn lương thực, thuốc men cứu giúp nhân dân Campuchia vượt qua nạn đói, bệnh tật; tiếp tục sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia bảo vệ từng phum, sóc, đánh bại những cuộc phản kích của tàn quân Pol Pot, giúp bạn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước trong 10 năm sau giải phóng.

Ngày 18-2-1979, Việt Nam và Campuchia ký hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia. Qua nhiều thập kỷ, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác hai nước đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ năm trên tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia với gần 200 dự án kinh tế... Minh chứng cho tình cảm hữu nghị giữa hai dân tộc là 17 tượng đài hữu nghị được xây dựng trên khắp đất nước Chùa tháp, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Campuchia với dân tộc Việt Nam và sự tri ân các chiến sĩ đã làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.

“Việt Nam-Campuchia - Những năm tháng không quên” đã một lần nữa khẳng định sở trường, thế mạnh của Điện ảnh QĐND ở thể loại phim tài liệu đề tài chiến tranh, khi hầu hết những thước phim lịch sử trong phim đều là tư liệu của các nghệ sĩ quay phim, đạo diễn của Điện ảnh QĐND. Với quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Điện ảnh QĐND, cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp ở Campuchia, bộ phim tài liệu “Việt Nam-Campuchia - Những năm tháng không quên” đã được hoàn thành trong vòng chưa đầy hai tháng. Không chỉ thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, bộ phim còn một lần nữa khẳng định sự phát triển tốt đẹp của tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

DƯƠNG THU