Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ mà hào hùng cũng như ở giai đoạn hậu chiến của đất nước, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã xây dựng thành công hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ thời chiến với ý chí kiên cường, bất khuất dưới mưa bom bão đạn. Đến giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ mới được đặt ra cho các nhà làm phim là làm thế nào tiếp tục xây dựng hình ảnh người lính thời bình sinh động, hấp dẫn, hướng tới đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ?

Hình ảnh ấn tượng về người lính thời bình

Những năm gần đây, với thế mạnh là sự phổ biến rộng rãi, cập nhật nhanh các xu thế mới và nắm bắt kịp thời thị hiếu của người xem trong thời công nghệ-kỹ thuật số, phim truyền hình cũng ngày càng đóng góp tích cực trong việc thể hiện và quảng bá hình ảnh người chiến sĩ thời đại mới. Tuy chưa chiếm số lượng lớn nhưng đề tài người lính thời bình được quan tâm và thể hiện khá ấn tượng, mới mẻ trong một số phim truyền hình trên VTV vài năm qua, trong đó đáng chú ý là hai phim được chiếu vào dịp Tết hai năm gần đây, là: “Mùa xuân ở lại” (năm 2020) và “Yêu hơn cả bầu trời” (năm 2021). Qua việc khảo sát hai bộ phim thành công này, có khá nhiều kinh nghiệm và gợi ý giải pháp cho vấn đề xây dựng hình ảnh người lính thời nay với bản lĩnh, nhân cách của Bộ đội Cụ Hồ trong bối cảnh đương đại.
Cả hai bộ phim truyền hình “Mùa xuân ở lại” và “Yêu hơn cả bầu trời” đều được trình chiếu vào dịp Tết Nguyên đán. Với thời lượng mỗi phim gồm 4 tập, phát lần lượt trong 4 ngày Tết đã thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo khán giả. Điểm chung của hai bộ phim là đều xây dựng hình ảnh những người lính thời bình trẻ trung, đầy nhiệt huyết và bản lĩnh, chinh phục mọi khó khăn trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, đem đến thông điệp tích cực về lý tưởng, nhân cách của Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới. Chính điều đó đã thu hút sự quan tâm của người xem nhiều lứa tuổi, để lại ấn tượng tốt đẹp, tình cảm yêu mến trong lòng khán giả dành cho các nhân vật người lính trong phim.

Phim “Mùa xuân ở lại” do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng đạo diễn, kịch bản của Trịnh Khánh Hà-Nguyễn Thu Thủy, xoay quanh hai nhân vật chính là Hòa (Lương Thu Trang đóng)-cô giáo trẻ tình nguyện lên miền núi dạy học-và Nghĩa (Huỳnh Anh đóng)-anh lính biên phòng đẹp trai, tốt bụng, luôn nhiệt tình hỗ trợ Hòa và dân bản những lúc gian nan, nguy cấp.

Bối cảnh vùng cao biên giới tươi đẹp nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn được thể hiện chân thực với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, những người dân chất phác, thật thà. Câu chuyện của các nhân vật trong “Mùa xuân ở lại” không có nhiều kịch tính, gay cấn nhưng vẫn hấp dẫn người xem bởi sự dung dị, tươi sáng và ý nghĩa trong sự hy sinh thầm lặng của những cô giáo, anh Bộ đội Biên phòng nơi vùng cao. Trong đó hình ảnh anh lính biên phòng chuẩn “soái ca” vừa gan dạ, nam tính, vừa biết quan tâm, giàu lòng vị tha do diễn viên trẻ Huỳnh Anh thủ vai đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khán giả, nhất là các bạn trẻ. Nhân vật này có thể coi là một nét mới trong cách xây dựng hình ảnh người lính thời bình, khi bên cạnh sự nghiêm túc, chuẩn mực trong thực hiện nhiệm vụ, còn có những tình huống, lời thoại, hành động thể hiện khía cạnh trẻ trung, đời thường, đáng yêu và gần gũi của người lính biên phòng thời nay.

leftcenterrightdel
Diễn viên trẻ Bình An trong vai Hải - phim “Yêu hơn cả bầu trời”.  Ảnh: VFC 

Mối tình của cô giáo Hòa và anh bộ đội Nghĩa cũng khiến người xem thích thú vì không êm ả như bình thường mà đầy những tình huống trớ trêu, hài hước kiểu “oan gia ngõ hẹp”, “ghét của nào trời trao của ấy”. Đây là cách thể hiện tình yêu theo mô-típ thường gặp trong phim Hàn Quốc-hai nhân vật ban đầu có vẻ không ưa gì nhau song dần dần lại nảy sinh tình cảm và cuối cùng đến với nhau. Sau nhiều giận dỗi, hiểu lầm, Hòa và Nghĩa đã hiểu nhau hơn, cùng xích lại gần nhau trong tình yêu và sự gắn bó với mảnh đất vùng cao biên giới.

Tiếp nối thành công của “Mùa xuân ở lại”, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC)-Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim “Yêu hơn cả bầu trời” (đạo diễn Nguyễn Khải Anh-Phạm Gia Phương) phát sóng dịp Tết năm 2021. “Yêu hơn cả bầu trời” xoay quanh cuộc sống của Thiên (Thanh Sơn đóng), Lâm (Mạnh Quân đóng), Hải (Bình An đóng)-3 học viên ưu tú của Trường Sĩ quan Không quân trong hành trình song hành cùng người thầy (Phong-Quang Sự đóng) với những chàng trai học viên trẻ để đào tạo họ trở thành tài nguyên cho đất nước.

Họ có chung tình yêu bầu trời và ước mơ trở thành phi công chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Dù vậy, khi đối mặt với những khó khăn trong học tập, yêu cầu khắc nghiệt về đào tạo và "kỷ luật thép" của quân đội, những học viên còn đầy ngây thơ, ảo tưởng đã có lúc không tránh khỏi sai lầm, thậm chí là muốn từ bỏ. Nhưng khi biến cố ập đến, đứng trước án kỷ luật quân đội, họ mới nhận ra được bay, được cùng thầy, cùng bạn học tập và chiến đấu, được tiếp nối truyền thống cha anh thực sự là sứ mệnh và lý tưởng mà họ muốn theo đuổi. 4 tập phim “Yêu hơn cả bầu trời” gửi đến khán giả cuộc sống chân thật, giàu cảm hứng của một thế hệ trẻ ưu tú, sống có lý tưởng, không kém phần lãng mạn về tình thầy trò, tình đồng chí, đồng đội. Qua đó, khán giả cũng có thể hiểu hơn về quá trình đào tạo các học viên tại Trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang, Khánh Hòa).

Theo chia sẻ của đạo diễn Khải Anh, bộ phim khơi gợi về tình thầy trò, tình bạn, lòng yêu nước, lý tưởng sống của các bạn trẻ ở môi trường đặc biệt và trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đó là những giờ luyện tập gian khổ, đổ mồ hôi trên thao trường, là những giây phút tập lái máy bay chiến đấu đầy căng thẳng, thậm chí cận kề sinh-tử được thể hiện bằng kỹ xảo hiện đại, dàn dựng công phu. Chính điều đó đã đem đến sự hấp dẫn, mới lạ của bộ phim đối với khán giả trẻ. Bên cạnh đó, bộ phim cũng thu hút người xem nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tự nhiên, thể hiện hình ảnh người lính không quân hào hùng, khí chất rất “ngầu” nhưng cũng chân thành, gần gũi. Ngoài ra, không thể thiếu sự lãng mạn của tình yêu người lính, dù trong môi trường kỷ luật quân đội vẫn nảy nở, đem lại sự tươi mới, nhẹ nhàng, bay bổng đúng như tên phim-“Yêu hơn cả bầu trời”.

leftcenterrightdel
Hai diễn viên chính của phim “Mùa xuân ở lại". Ảnh: VFC 

Đôi điều suy nghĩ

 Từ hai bộ phim truyền hình đạt được thành công nhất định trong thời gian gần đây được nhắc đến ở trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm, giải pháp trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ thời đại mới theo hướng chân thực, hấp dẫn, gần gũi với khán giả hiện nay.

Trước hết, yếu tố quan trọng vẫn là khâu kịch bản phim-cốt lõi trong việc thu hút sự chú ý của khán giả. Cả hai phim “Mùa xuân ở lại” và “Yêu hơn cả bầu trời” đều do hai biên kịch Trịnh Khánh Hà-Nguyễn Thu Thủy viết kịch bản. Có thể nhận thấy cái duyên của hai nhà biên kịch trong việc xây dựng câu chuyện vừa hấp dẫn, thú vị, vừa ý nghĩa, giàu tính nhân văn, trong đó đặc biệt tập trung vào hình tượng người lính, đặt vào những bối cảnh cụ thể như vùng biên cương miền núi phía Bắc hay trường huấn luyện sĩ quan không quân ở miền Nam. Chính kịch bản tốt với câu chuyện lôi cuốn, tình tiết hấp dẫn, đường dây cốt truyện hợp lý, có cả những nút thắt-mở gay cấn lẫn những khoảng lặng trong xung đột nội tâm đã tạo “đất diễn” cho các nhân vật bộc lộ được tâm trạng, tính cách, thể hiện phẩm chất và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh hiện nay. Thông điệp về lý tưởng sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Bác Hồ vẫn được làm nổi bật, xuyên suốt, truyền tải trọn vẹn đến người xem, đặc biệt là các bạn trẻ rất cần hướng tới những ước mơ, hoài bão cao đẹp.

Tiếp đó, để xây dựng thành công hình ảnh người lính hiện đại, cần lựa chọn được những gương mặt diễn viên tài năng, vừa có ngoại hình đẹp, khỏe khoắn, vừa có khả năng diễn xuất tốt, lột tả được thần thái và nhân cách tiêu biểu cho người chiến sĩ trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong giai đoạn trước đây, đã có nhiều diễn viên nổi tiếng ghi dấu ấn trên màn ảnh qua hình tượng người chiến sĩ cách mạng anh dũng, mưu trí, như: Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh vai Trung úy Phương trong phim “Nổi gió”, Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín vai nhà tình báo Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa”... Hiện nay, các diễn viên trẻ như: Thanh Sơn, Bình An, Huỳnh Anh, Quang Sự... cũng đang dần tạo được ấn tượng trong lòng công chúng về lớp diễn viên trẻ nhiều triển vọng trong việc hóa thân vào hình ảnh người lính thời bình. Có thể thấy, các nhà làm phim hiện nay đang đi theo hướng xây dựng người lính chuẩn “soái ca”-đẹp trai, nam tính, hào hoa và đầy bản lĩnh, đủ sức “đốn tim” khán giả. Điều đó đòi hỏi người diễn viên phải hội tụ đầy đủ các tố chất về tài năng-ngoại hình-đạo đức để thể hiện được thành công hình tượng người chiến sĩ thời đại mới.

Một yếu tố rất quan trọng khác chính là khả năng của người đạo diễn trong việc lựa chọn bối cảnh, dàn dựng cảnh quay, tình huống cũng như chỉ đạo diễn xuất, tạo nhịp điệu dựng phim lôi cuốn, nhuần nhị. Với công nghệ, kỹ thuật-kỹ xảo làm phim ngày càng tân tiến, đổi mới, rất cần sự nhanh nhạy, cập nhật trong tư duy, thủ pháp nghệ thuật của các đạo diễn để làm bật lên được hình ảnh người lính thời nay "vừa hồng vừa chuyên", tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, bối cảnh sinh hoạt, chiến đấu của người lính vẫn phải giữ được nét đặc trưng văn hóa vùng miền, thể hiện sự gắn kết quân dân như cá với nước. Do đó, những yếu tố như cảnh quay, âm nhạc chỉn chu, đặc sắc thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa địa phương cũng đóng vai trò không nhỏ trong thành công của các bộ phim truyền hình về đề tài người lính hiện nay.

leftcenterrightdel
 Các diễn viên: Thanh Sơn, Quang Sự, Mạnh Quân, Bình An (từ trái sang) trong phim “Yêu hơn cả bầu trời". Ảnh: VFC 

Thay lời kết

Qua hai phim truyền hình thành công gần đây, có thể nói, bài toán làm sao để xây dựng được hình ảnh người lính thời bình có khả năng chiếm trọn trái tim khán giả đã hé mở lời giải. Tuy nhiên, thật khó để áp dụng một công thức chung cho tất cả các bộ phim. Điều đó đòi hỏi các nhà làm phim vẫn phải liên tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt nhu cầu người xem, đồng thời vững vàng trong tư tưởng chính trị, phát huy được thế mạnh của phim truyền hình, góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

HOÀNG DẠ VŨ