Trong những lần làm việc với các nhà nghiên cứu nước ngoài, biết tôi từng trong quân đội, trong bối cảnh thế giới luôn có điều bất ổn, không ít lần các đồng nghiệp hỏi tôi về Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi thường khuyên họ xem những bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT.

Tại sao lại tìm hiểu qua phim? Điện ảnh là tấm gương phản chiếu thời đại với những cuộc đấu tranh tư tưởng, với những xung đột, với những khát vọng chân chính của con người.

Thời gian chiến tranh và hậu chiến, điện ảnh Việt Nam hoạt động trong điều kiện máy móc, phương tiện thiếu, công nghệ lạc hậu... Dù vậy, ngay cả những bộ phim còn ít nhiều khiếm khuyết cả về kỹ thuật và nghệ thuật nó vẫn chứa đựng những điều cốt lõi của sự thật về cuộc sống xây dựng, chiến đấu, giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước của quân và dân ta. Nhiều bộ phim thành công của điện ảnh đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy, gần gũi của người chiến sĩ, trở thành sứ giả mang đến cho người xem trên thế giới về sự thật cuộc chiến đấu của quân dân ta...

Nhân vật trung tâm của các bộ phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT là Bộ đội Cụ Hồ. Các nhà làm phim Việt Nam ngay từ những bộ phim truyện thời kỳ đầu đã rất ý thức khắc họa phẩm chất người lính Cụ Hồ của một quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong phim "Hoa ban đỏ" của đạo diễn Bạch Diệp.  Ảnh chụp lại từ bộ phim  

Bộ phim “Lửa trung tuyến” sản xuất năm 1961 của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa kể về trung đội trưởng Dũng đang ở tuyến đầu mặt trận thì được lệnh quay về phụ trách đoàn dân công tải đạn. Dũng tâm tư. Nhưng nơi đây đầy gian khổ, nguy hiểm. Cao trào của phim đó là trận bom máy bay Pháp đánh vào kho đạn. Tất cả anh chị em dân công đã xả thân bảo vệ. Ở đâu Đảng cần người lính đến thì đó chính là tiền tuyến. Phẩm chất của người lính được hình thành chính trong ngọn lửa của cuộc chiến tranh. Nhân vật như một tấm gương.

Bộ phim “Người chiến sĩ trẻ” sản xuất năm 1964 do Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh và Nguyễn Đức Hinh đồng đạo diễn, là bộ phim đầu tiên về một người anh hùng có thật trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cù Chính Lan không chỉ là người chiến sĩ thông minh, quả cảm trong chiến đấu mà còn là người có khả năng cảm hóa đồng đội có tính liều lĩnh. Trong một trận chiến đấu khi xe tăng địch xuất hiện tưởng như làm đảo lộn tình thế, Cù Chính Lan được đồng đội yểm trợ đã mưu trí, dũng cảm dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng người lính với trí tuệ và sự can trường có thể thắng địch được trang bị hiện đại bằng vũ khí thô sơ.

Bộ phim “Đường về quê mẹ”, sản xuất năm 1971 do Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc đạo diễn là câu chuyện về 3 chiến sĩ công binh được giao nhiệm vụ làm trận địa giả thu hút máy bay B-52 của Mỹ để ở một phía khác các chiến sĩ công binh bí mật mở đường phục vụ cho chiến dịch đánh Làng Vây. Không phải ngẫu nhiên các nhà làm phim khi làm về con đường giải phóng dữ dội và đầy máu lửa này đã chọn 3 nhân vật chính xuất thân từ 3 vùng quê khác nhau. Dư (do Thế Anh đóng) là người miền Bắc; Ly (do Hồ Trường đóng) là người Tây Nguyên; còn Núi (do Lâm Tới đóng) quê ở ngay Làng Vây, miền Trung. Tính cách của họ khác nhau nhưng họ có một điểm chung dễ nhận thấy đó sự đoàn kết yêu thương nhau, mưu trí, dũng cảm can trường, có niềm tin sâu sắc, trẻ trung và lạc quan. Trong phim người mẹ của Núi (do Trúc Quỳnh đóng) luôn gắn bó với bộ đội, sẵn sàng hy sinh bảo vệ bộ đội. Năm 1972, bộ phim được tặng giải Nhất của Tiểu hội Á Phi và Mỹ Latinh tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc). Năm 1973, bộ phim được giải Nhất tại Liên hoan phim quốc tế New Delhi (Ấn Độ).

Nhân vật người chiến sĩ chúng ta còn được gặp trong nhiều bộ phim khác về đề tài chiến tranh như: “Em bé Hà Nội” nói về cuộc chiến đấu bi tráng 12 ngày đêm đánh B-52 (sản xuất năm 1974) của đạo diễn Hải Ninh, “Vùng trời” sản xuất năm 1975 của đạo diễn Huy Thành nói về những chiến sĩ không quân anh hùng và nhiều bộ phim truyện khác. Cùng với thời gian, các nhà làm phim có điều kiện khai thác các mảng hiện thực khác nhau, kể cả những góc khuất của chiến tranh nhưng cảm hứng chung khi xây dựng nhân vật người lính Cụ Hồ vẫn là cảm hứng ngợi ca, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, gần gũi, mộc mạc của người lính và qua đó động viên khích lệ, góp phần lý giải thắng lợi chung của dân tộc.

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim "Người trở về" của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh tư liệu của Điện ảnh Quân đội  

Sau chiến tranh, đề tài của phim truyện được mở rộng nhưng đề tài chiến tranh vẫn là một đề tài lớn, có sức hấp dẫn các nhà làm phim. Nhiều nhà làm phim coi đề tài chiến tranh cách mạng là một món nợ tinh thần. Đã có không ít bộ phim mang tính sử thi, hoành tráng về chiến tranh trong đó nhân vật anh Bộ đội Cụ Hồ và một số nhân vật lịch sử được chú ý tái hiện. Chẳng hạn như các phim: “Biệt động Sài Gòn”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Ván bài lật ngửa”, “Dòng sông hoa trắng”, “Mùa gió chướng”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Huyền thoại Quán Tiên”... Trong đó có các nhà làm phim đề tài chiến tranh là những người sinh ra sau chiến tranh với những tìm tòi cách tiếp cận mới.

Điện ảnh Quân đội sau bộ phim “Mảnh trăng cuối rừng” đã cho ra đời một loạt phim truyện như: “Vụ áp phe Đông Dương”, “Nơi núi rừng yên ả”, “Hoa ban đỏ”, “Bến đợi”, “Khoảnh khắc chiến tranh”, “Đêm Bến Tre”, “Tiếng cồng định mệnh”, “Người trở về”, “Khúc mưa”... khai thác các khía cạnh của cuộc kháng chiến và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phim truyện của Điện ảnh Quân đội cũng đã tạo ra được dấu ấn riêng trong dòng phim đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT.

Không thể phủ nhận những đóng góp của điện ảnh Việt Nam trong mảng đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT. Nhưng cũng không thể không nhận ra sự chưa thành công của các phim đề tài này thời gian vừa qua, nhất là về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Nhiều nhân vật trong phim không có khả năng bước ra khỏi màn ảnh, sống được cùng khán giả, không đủ sức cạnh tranh với các nhân vật đề tài khác của các phim Việt Nam. Bởi thế mà xuất hiện cụm từ chưa từng có trước đây trong lịch sử phát triển: “Phim cúng cụ”. Đó là phim làm chào mừng ngày lễ nào đó. Ngày lễ không có lỗi, ngày lễ trong nhiều trường hợp là cú hích thúc đẩy sáng tạo, là nguồn cảm hứng sáng tạo. Người ta gọi “phim cúng cụ” là những phim làm theo cách cũ kỹ, khuôn mẫu, như một mâm lễ dâng lên ngày lễ một lần, chiếu một lần rồi cất kho, còn người xem thì thất vọng khi xem một bộ phim "biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Khi người xem không còn mặn mà bởi người làm phim không biết cách khai thác đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT một cách mới mẻ đầy xúc động thì sự vắng bóng phim đề tài này trên màn ảnh là điều tất yếu...

Chất lượng phim, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của một bộ phim phụ thuộc vào tài năng, vào tâm, vào tầm của những người làm nghệ thuật và công tác quản lý nghệ thuật.

Không thể không thấy bối cảnh khách quan hiện nay, đó là điện ảnh được Nhà nước quan niệm là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, trong đó sản phẩm điện ảnh là hàng hóa đặc thù. Đã là hàng hóa thì đương nhiên phải chấp nhận cạnh tranh trên thị trường chiếu bóng. Theo thống kê của Cục Điện ảnh khi chưa có dịch Covid-19, các rạp chiếu phim ở Việt Nam một năm chiếu khoảng 230 phim truyện nước ngoài, 40 phim truyện do Việt Nam sản xuất. Có thể thấy phim Việt Nam phải chấp nhận sự cạnh tranh rất gay gắt. Trong 40 phim truyện do Việt Nam sản xuất có năm không có phim nào được làm bằng kinh phí nhà nước. Cho đến nay chưa có cơ sở làm phim tư nhân nào đến với đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong phim "Người trở về" của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh tư liệu của Điện ảnh Quân đội 

Phim đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT, nhân vật anh Bộ đội Cụ Hồ chỉ có thể trở lại màn ảnh đạt chất lượng và hiệu quả khi có sự quan tâm đầu tư thích đáng của Nhà nước và sự nhận thức thật sự sâu sắc về vị trí, vai trò của dòng phim này đối với đời sống đạo đức tinh thần xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc bảo đảm chức năng của một sản phẩm công nghiệp văn hóa-điện ảnh có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem, có khả năng cạnh tranh, phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT vẫn là dòng phim nòng cốt góp phần quan trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị tinh thần của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Làm sao để phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT hấp dẫn, đó cũng là vấn đề đặt ra. Để hấp dẫn trong đề tài này, chắc chắn không phải là bạo lực và tình dục, chắc chắn không phải chuyện kinh dị, chuyện ma, chuyện xác sống, chuyện đồng tính... Kho báu trầm tích, tiềm tàng của đề tài này đã và sẽ luôn là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh cách mạng và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Hiểu sâu sắc người xem hôm nay, biết kể một câu chuyện mới mẻ hấp dẫn về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khẳng định vẻ đẹp của người chiến sĩ, xây dựng được các nhân vật có khả năng sống trong lòng khán giả, thiết nghĩ đó cũng là cách góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa của những người làm điện ảnh.

GS, TS TRẦN THANH HIỆP