Những giải thưởng ở các liên hoan phim trong và ngoài nước mà NSND Vũ Lệ Mỹ đã “gặt hái” được như một minh chứng cho sự say mê, tận hiến của nữ nghệ sĩ. Ở tuổi 80, ngày ngày bà vẫn miệt mài làm việc để giữ ngọn lửa đam mê của mình.

“Thuở bé tôi rất ham mê văn nghệ và có chút năng khiếu hát múa. Cứ nghe giai điệu, lời ca hay xem những vở kịch, điệu múa sống động là tôi lại mê mẩn vì thích thú. Nhà tôi ở xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, gần ga xe lửa Tiền Trung nên các đoàn văn công về diễn thường đến ở nhờ. Cũng bởi thế mà tôi phần nào hình dung được công việc thú vị của họ”, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ chia sẻ.

Năm học cấp 2, vào kỷ nghỉ hè, khi đi qua Ty Văn hóa Hải Dương, thấy có bảng thông báo tuyển diễn viên, Vũ Lệ Mỹ đăng ký dự tuyển và sau hai vòng thi, cô nữ sinh đã được Trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu gọi nhập học. Khi trường mở khóa đầu tiên Khoa Lý luận, phê bình sân khấu, Vũ Lệ Mỹ gác lại ước mơ làm diễn viên để bước vào một hành trình mới.

Tốt nghiệp Khoa Lý luận, phê bình sân khấu, Trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu năm 1964, Vũ Lệ Mỹ đầu quân cho Xưởng phim Thời sự-Tài liệu Trung ương rồi gắn bó ở đây cho đến lúc nghỉ hưu. Nữ đạo diễn nhớ lại: “Thời kỳ đầu tôi làm ở Ban Dựng phim, công việc bộn bề cuốn tôi quên đi bao khó khăn, vất vả. Có những hôm, để kịp hoàn thành tiến độ bộ phim trong chiến tranh, tôi đã phải thức trắng đêm, khi đứng lên về nhà thì mặt trời đã ló rạng, chỉ kịp về cho con ăn rồi lại đến cơ quan tiếp tục công việc. Thời điểm dựng phim Bác Hồ mất, tôi miệt mài say mê quên cả giờ về cho con bú nhiều lần nên mất sữa, con tôi bị suy dinh dưỡng ốm yếu luôn”. Đảm trách công việc của kỹ thuật viên dựng hình, một công đoạn tưởng như đơn giản và khô khan nhất trong làm phim, song những cắt xén, sắp đặt thể hiện sự tinh nhạy của Vũ Lệ Mỹ luôn đem đến cho các đạo diễn sự hài lòng và họ đều mong muốn được chị “thổi hồn” cho tác phẩm của mình.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Vì cuộc sống bình yên” của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ. 

Công tác tại Xưởng phim Thời sự-Tài liệu Trung ương một thời gian, Vũ Lệ Mỹ được cử sang tu nghiệp điện ảnh tại Đức 3 năm. Về nước, được nhiều đạo diễn tin tưởng lựa chọn, bà lại bắt tay ngay vào việc dựng phim. Nữ đạo diễn chia sẻ, ngày ấy, điều kiện sản xuất phim ở nước ta hết sức thô sơ, thiếu thốn. Để có được những sản phẩm điện ảnh ở khâu hậu kỳ ưng ý là biết bao đêm trắng bà miệt mài, là biết bao trăn trở làm sao chuyển tải được thông điệp mà đạo diễn gửi gắm. Có những hình ảnh, những cảnh quay bà thuộc như nằm lòng, rồi như một chất men say, tất cả được chắp nối, xâu chuỗi trong một chỉnh thể thống nhất. Khi làm hậu kỳ cho phim "Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin" của đạo diễn Bùi Đình Hạc, thấy còn nhiều tư liệu quý mà chưa được sử dụng, bà lại tìm tòi, gom nhặt tư liệu để dựng thêm bộ phim tài liệu "Đường về Tổ quốc". Cả hai tác phẩm này đều giành được giải thưởng cao, điều đó càng tiếp thêm cho bà động lực để cống hiến.

Hơn 50 năm gắn bó với điện ảnh, trải qua nhiều cương vị từ biên tập, dựng phim, viết kịch bản, đạo diễn, Vũ Lệ Mỹ đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước, khi lên rừng, xuống biển, lúc về những miền quê... và không ít lần phải đối mặt trước những hiểm nguy, thách thức. Có lần đi làm phim về VAC, trời nóng như đổ lửa, mồ hôi vã ra như tắm, bà vẫn phải lang thang ngoài trời để đi tìm cảnh quay; làm phim về Hạ Long, bà từng trải qua nỗi sợ hãi khi phải chứng kiến trận mưa lớn, tàu có nguy cơ đắm khi nước biển tràn vào; rồi những lần ra giàn khoan-nơi mà rất ít phụ nữ đặt chân tới, bà phải “chao đảo” trước những đợt sóng đánh dữ dội. Để có được những thước phim chân thực, sống động và chạm đến trái tim công chúng, bà không ngại lăn xả vào cuộc sống để kiếm tìm “chất liệu”. Như khi làm phim "Sự đam mê tăm tối" cảnh báo về hiểm họa ma túy, bà cùng các chiến sĩ công an đến tận ổ tiêm chích trong những ngõ tối, đường sâu; làm phim về HIV/AIDS, bà vào cả giường bệnh thăm hỏi bệnh nhân; làm phim "Vì cuộc sống bình yên", bà không ngại dấn thân nơi bom đạn và cái chết giấu mặt trong lòng đất; làm phim về đề tài dầu khí, bà cũng phải “dăm lần bảy lượt” tới Vũng Tàu, từ mỏ Bạch Hổ đến mỏ Đại Hùng. Có những thước phim chưa làm xong, bà đã nảy ra ý tưởng cho bộ phim tiếp theo...

Xông xáo, mạnh mẽ, quyết đoán và luôn sẵn sàng dấn thân vào những đề tài gai góc, không ngừng sáng tạo, làm mới mình trong mỗi thước phim, đó là điều dễ nhận thấy ở Vũ Lệ Mỹ. “Với mỗi một bộ phim, tôi đều cố gắng “đào khoét” để chạm tới tầng sâu của hiện thực mà bộ phim đề cập, “đào khoét” vào các số phận để hình ảnh bật lên ấn tượng. Và ở mỗi thể loại phim, tôi đều muốn thử sức, thử nghiệm những trăn trở, suy tư của mình”, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ bày tỏ. Cũng bởi niềm đam mê và đau đáu ấy mà những bộ phim của bà luôn được đánh giá cao từ đề tài, cách thể hiện cũng như thông điệp mà bộ phim gửi gắm.

Kể từ bộ phim đầu tay "Măng non" làm về đề tài trẻ em đến nay, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ đã có hơn 40 bộ phim tư liệu, khoa học thuộc nhiều đề tài, trong đó có nhiều phim đoạt giải thưởng cao như: "Trẻ em vẽ" (giải Bông sen bạc Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 6; giải đặc biệt LHP quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại Moscow); "Đất Sơn Tây" (giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 7); "Cánh kiến đỏ" (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 8); "Giữ lấy nụ cười bé thơ" (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 9); "Sự đam mê tăm tối" (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 10); "Nơi chiến tranh đã đi qua" (giải nhất LHP quốc tế về sinh thái và môi trường lần thứ 14 tại Đức, năm 1997; giải Đặc biệt tại LHP phim quốc tế “Cái nhìn của người da đỏ” tại Canada, năm 1998; giải nhì LHP môi trường toàn cầu lần thứ 9 tại Nhật Bản, năm 2001; Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 12); "Vì cuộc sống bình yên" (giải nhất thể loại phim ngắn tại LHP điện ảnh và truyền hình quốc tế về môi trường lần thứ 3 tại Brazil, năm 2001)...

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim “Vì cuộc sống bình yên” của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ.

Nói về những thước phim đề tài hậu chiến, NSND Vũ Lệ Mỹ cho biết, đây là mảng đề tài mà bà vô cùng tâm huyết... Nếu "Nơi chiến tranh đã đi qua" là những góp nhặt về thân phận, về cuộc sống của những người trở về sau cuộc chiến, mang trong mình nỗi đau vì di chứng của chất độc da cam thì "Vì cuộc sống bình yên" lại là lời cảnh tỉnh cho mọi người về hiểm họa của bom mìn nằm lẩn khuất đâu đó trong lòng đất. Để có được những cận cảnh gương mặt trẻ thơ biến dạng và bao giọt nước mắt lăn dài trên đôi má người mẹ, người vợ, người cha; để có được cận cảnh bàn tay của những người rà phá bom mìn cùng những giọt mồ hôi chảy ròng ròng vì căng thẳng... bà và đoàn làm phim đã trải qua nhiều miền đất lửa như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...; xót xa khi chứng kiến bao nỗi đau thời hậu chiến. Và niềm hạnh phúc vô bờ là khi những thước phim ấy chạm tới trái tim của công chúng.

Đạo diễn điện ảnh là một nghề gian nan, vất vả, với phụ nữ thì sự vất vả ấy càng tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, càng đi nhiều, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ càng say nghề hơn. Biết bao số phận, cảnh đời đã ám ảnh bà sau mỗi chuyến làm phim; biết bao những vấn nạn xã hội khiến bà trăn trở, nghĩ suy. Nó như chất xúc tác thôi thúc bà phải cố gắng để có những bộ phim ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân văn. Đạo diễn, NSND Lương Đức, một người đồng nghiệp của bà nhận xét: “Phần lớn phim của Vũ Lệ Mỹ dùng ngôn ngữ phim tài liệu để diễn đạt nội dung khoa học, nhưng ranh giới thì thật khó phân biệt. Không chỉ đơn thuần là phim tư liệu, tác phẩm của bà bao giờ cũng mang những tình cảm, sự rung động của người làm phim”.

leftcenterrightdel
 Đạo diễn, NSND Vũ Lệ Mỹ.  

Cho đến nay, khi đã sang tuổi bát thập, NSND Vũ Lệ Mỹ vẫn không nguôi niềm đam mê với điện ảnh. Bà vẫn rong ruổi cùng đoàn làm phim đến các vùng miền; vẫn ngày ngày đạp xe tới Viện Phim Việt Nam để tiếp tục công việc của mình: Làm phim tài liệu. Như tháng 11 năm trước, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà vẫn cùng đồng nghiệp miệt mài trên những cung đường đến với Quảng Trị, Huế, Tây Nguyên, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ để làm 3 tập phim về tôn giáo cho kịp tiến độ.

Đạo diễn Vũ Lệ Mỹ chia sẻ, niềm đam mê với điện ảnh chính là động lực giúp bà luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình. Và thật may mắn, trong chặng đường làm nghề mà bà đã đi qua, bà đều nhận được sự chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp và công chúng.

Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY