Xuân Hinh - kẻ chọc cười dân dã

Những ngày cuối năm, miền Bắc liên tục đón những đợt không khí lạnh tăng cường, hỏi thăm nghệ sĩ Xuân Hinh, thấy anh ho húng hắng. Sau đoạn kể lý do rằng chẳng bao giờ uống đồ lạnh nhưng vì vui vui làm cốc bia..., anh liền vui mừng khoe luôn sự bận rộn vì đang chuẩn bị lo chuyện chung thân đại sự của con gái. Thế là cứ chuyện nọ nối chuyện kia mãi chẳng dứt.

Lần nào cũng vậy, nghệ sĩ Xuân Hinh luôn cuốn hút người đối diện bởi một cảm giác gần gũi, giản dị, nhẹ nhàng, hệt như cách anh mang lại tiếng cười cho đời vậy. Mấy năm nay, từ khi rời Nhà hát Chèo Hà Nội về nghỉ hưu, dù không xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng anh tham gia các mạng xã hội, thường xuyên cập nhật thông tin nên khán giả yêu mến, quan tâm vẫn có thể dõi theo. 

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Xuân Hinh trong "Người ngựa-ngựa người". Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở tuổi ngoài 60, nói trẻ, khỏe lắm thì hơi ngoa nhưng hăng hái, say nghề, đam mê nghệ thuật thì Xuân Hinh chẳng kém bất kỳ nghệ sĩ nào. Những sản phẩm nghệ thuật mới vẫn được anh chăm chút để giới thiệu tới khán giả thường xuyên. Anh cũng chẳng ngại “mua vui” cho khán giả qua mạng xã hội, đôi khi chỉ là đoạn clip hài hước hay ngẫu hứng hát vài câu chèo, ca bài chầu văn... Thời gian dài cống hiến, khán giả yêu mến nhưng anh chỉ nhận mình là một “Kẻ chọc cười dân dã”, như tên chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm làm nghề của anh hồi năm 2016.

Chất dân dã thấm đẫm ở Xuân Hinh có lẽ bắt đầu từ làng quê Bắc Ninh, nơi anh sinh ra. Bước chân vào con đường nghệ thuật, anh đến với quan họ, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, thế là theo chèo. Xuân Hinh đa tài, có thể diễn nhiều dạng vai, nhưng ghi dấu sâu đậm đầu tiên với đông đảo khán giả lại là vai hề chèo “Cu Sứt” trong tiết mục cùng tên tại chương trình Festival Cười. Lối diễn dí dỏm, có duyên, giọng hát ngọt, biến hóa linh hoạt, thông minh khiến Xuân Hinh trở thành một “mầm non” hài tiềm năng, rồi sau đó liên tục xuất hiện trên truyền hình và các chương trình hài.

Trong ký ức của tôi và nhiều người mà bây giờ chắc cũng được xếp vào lứa tuổi "U.40" hẳn vẫn còn nhớ, khoảng cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, cứ mỗi dịp Tết đến, nhà ai cũng cố gắng tìm mua cho được cuốn băng, đĩa hài của Xuân Hinh. Thời ấy, anh nổi đến mức khắp các làng quê miền Bắc, đi đến nơi đâu cũng nghe rộn ràng, nào là “Xuân Hinh đi hỏi vợ”, “Người ngựa-ngựa người”, “Lý Toét xử kiện”... Người ta xem đi xem lại, xem ở nhà, xem bên hàng xóm, rồi đi ô tô khách cũng xem... xem đến cả thuộc rồi mà vẫn bật cười ngon lành. Tiếng cười Xuân Hinh mộc mạc nhưng đa thanh, nhiều vẻ. Có khi là tươi vui phơi phới, có lúc hài hước, dí dỏm, khi lại chua chát, sâu cay...

Khán giả xem rồi bảo nhau, cười đấy, mà thấm lắm. Thế là năm nay, rồi năm sau lại mong, chờ xem Xuân Hinh sẽ mang đến tiếng cười ra sao. Lối diễn luôn gần gũi, bám sát đời sống người dân bằng những vai diễn châm biếm, trào phúng đậm chất dân gian, hề hài với sự hóa thân linh hoạt các dạng vai, trong đó có những vai giả gái, đã trở thành thương hiệu của Xuân Hinh. Cũng bởi thế, hài Xuân Hinh từng bị nói có phần thô, tục. Nhưng với hầu hết khán giả, như lối nói dân gian "tục mà thanh, thanh mà tục", cũng chính là nói đến tiếng cười dân dã mà sâu cay, cũng rất sảng khoái. Còn với Xuân Hinh, tục hay không là do cách nghĩ của mỗi người.   

Có thể nói, Xuân Hinh là một trong những nghệ sĩ miền Bắc tiên phong làm băng, đĩa hài và sự mạnh dạn ấy khiến các sản phẩm hài của anh thành công xuất sắc, một thời gian dài "làm mưa làm gió" trên thị trường. Anh cũng là nghệ sĩ dũng cảm tiên phong ghi hình và phát hành các sản phẩm hát văn giữa lúc nhiều người cho đó là mê tín dị đoan.

Có người nhận xét rằng, Xuân Hinh nổi tiếng nhờ may mắn gặp thời. Không thể phủ nhận giai đoạn băng, đĩa hài nở rộ đã giúp anh đến với khán giả rộng rãi hơn. Nhưng quan trọng nhất, sự say nghề, thậm chí hy sinh cho nghệ thuật ở Xuân Hinh mới là điều chinh phục được khán giả và giúp anh thành danh. Có lần, diễn viên trẻ tâm tư với anh việc cả buổi diễn chỉ đi lướt qua sân khấu chứ chẳng được nói câu nào. Anh bảo, nếu có tài thì chỉ đi qua thôi người ta cũng thấy thích rồi.

Thời trẻ, Xuân Hinh nhảy múa chẳng khác gì "con loi choi" trên sân khấu cả buổi diễn, được trả 15.000 đồng. Bây giờ chẳng cần đồng nào anh cũng không ngại bận váy áo nhảy nhót “chẳng giống ai” để mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả. Làm nghệ thuật với Xuân Hinh là ghi dấu được trong lòng khán giả, được bạn bè, đồng nghiệp quý trọng, đó chính là danh hiệu cao quý nhất của đời nghệ sĩ.

Vân Dung - thành danh nhờ hài, khó cũng vì hài

Từng là thí sinh lọt vào tốp 15 trong cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 17 tuổi, Vân Dung lại chọn theo đuổi con đường trở thành diễn viên hài. Cho đến nay, khi đã là một nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người mến mộ, chị vẫn luôn tự hào nhận mình thành danh nhờ hài. Hài mang lại cho chị tình yêu của khán giả, sự thành công trong sự nghiệp nhưng có lúc, hài cũng khiến chị... gặp khó.

Từ trước đến nay, dù trên sân khấu hay chương trình truyền hình, Vân Dung đều đảm nhiệm những vai diễn hài. Sự hài hước, đanh đá, tưng tửng, hết mình cho vai diễn của Vân Dung luôn mang lại cho khán giả món ăn tinh thần ý nghĩa. Những chương trình "Gặp nhau cuối tuần", "Gala Cười", đặc biệt sự góp mặt của chị trong Chương trình "Gặp nhau cuối năm" đã trở nên thân thuộc với khán giả truyền hình cả nước nhiều năm nay. Nhưng rồi, nhiều người hỏi chị: Đến bao giờ thì làm mới mình? Vân Dung cứ diễn một màu như thế này mãi ư? Chưa bao giờ thấy Vân Dung diễn những vai sâu sắc, giàu cảm xúc trên truyền hình?... Vân Dung trải lòng: "Muốn lắm chứ, nhưng làm gì có cơ hội"...

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Vân Dung. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thật là, Vân Dung diễn hài đạt quá thành ra nhắc đến chị, người ta chỉ nghĩ đến hài. Vân Dung lấy tiếng cười của khán giả thì ai cũng biết, còn nói chị lấy được nước mắt khán giả thì ai tin! Bản thân chị luôn muốn được làm mới mình với các dạng vai diễn khác nhau, có điều, cần phải có đạo diễn thấy ở chị tố chất ấy, tin tưởng giao vai cho chị. Có đạo diễn còn vô tư bảo, Vân Dung có diễn nghiêm túc đến mấy thì khóc người ta cũng tưởng cười. Thế là bao nhiêu năm, chị vẫn chưa có cơ hội thể hiện mình. Cho đến khi được đạo diễn Vũ Trường Khoa mời vào vai Diễm Loan trong bộ phim “Hướng dương ngược nắng”, chị đã nắm bắt ngay cơ hội này.

Vân Dung quan niệm, người diễn viên trong bao nhiêu năm, bao nhiêu vai diễn vẫn có thể làm cho khán giả cười, đó là điều khó nhất rồi, từ hài chuyển sang diễn vai chính, bi, để chạm đến cảm xúc người xem, lấy được nước mắt khán giả thì không gì khác là chỉ cần sống đúng với nhân vật và hoàn cảnh ấy. Thế rồi khán giả không khỏi ngạc nhiên khi thấy một Vân Dung trên truyền hình mới lạ, nhập vai có chiều sâu, nhiều cảm xúc đến vậy.

Mới đây, sau khi vào vai bà Vân - chủ xóm trọ trong phim “11 tháng 5 ngày”, khán giả lại yêu mến gọi chị là “bà Vân”. Vậy là đủ để thấy, dù vai phụ hay vai chính, phong cách nào, Vân Dung cũng chinh phục được khán giả. Với chị, không quan trọng vai diễn ngắn hay dài nhưng nhất định phải “mặn”, ấn tượng và chưa từng thử. Nếu nhân vật có nhạt nhòa, chị sẽ khiến nó trở nên đậm đà hơn, vậy nên khán giả xem phim chị đóng, vẫn là "chất" Vân Dung đấy nhưng mỗi vai diễn mỗi vẻ, chẳng thể lẫn lộn.

DƯƠNG THU