Là chương trình trào phúng rất được công chúng đón đợi mỗi độ Tết đến, xuân về, sự dừng lại của chương trình gây nhiều tiếc nuối cho khán giả. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá, NSND Vũ Tự Long, một Táo Quân quen thuộc, về chương trình này...

Thích nhất là Táo Thoát nước

PV: Hành trình 16 năm Táo Quân phát sóng, anh tham gia có đủ không? Cảm xúc ban đầu ra sao?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Tôi không tham gia đủ mà chỉ tham gia từ đầu, không bỏ cái nào (cười), từ những năm đầu tiên, khi ghi hình ở Trường quay S9, Đài Truyền hình Việt Nam. Ban đầu, chương trình không gọi là “Táo Quân” mà là chương trình “Gặp nhau cuối năm”, phát triển từ “Gặp nhau cuối tuần”. Năm đầu tiên, nghệ sĩ vào vai Ngọc Hoàng là anh Quốc Trượng, về sau này mới là anh Quốc Khánh.

Tôi còn nhớ như in không khí của chương trình “Gặp nhau cuối năm” lần đầu tiên. Ngọn lửa nhiệt huyết của mọi người dành cho chương trình “kinh khủng” lắm. Đó là một vinh dự lớn lao của mỗi nghệ sĩ. Chương trình quy tụ tất cả những nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ, từ Phạm Bằng, Văn Hiệp, rồi Minh Hằng, Minh Vượng… Những năm đầu tiên, các nghệ sĩ đơn thuần chỉ là một cuộc gặp gỡ cuối năm, nói chuyện của một năm, như nói chuyện của năm con dê, con chuột, con trâu… và được sân khấu hóa, cách điệu hóa lên. Năm nào có những vấn đề cần đả phá, cần biểu dương thì chương trình sẽ nhấn mạnh. Sau này, các nghệ sĩ hóa thân vào ông Táo cụ thể, vào những vấn đề cụ thể.

PV: Trong suốt hành trình 16 năm tham gia chương trình, anh thích nhất vai diễn nào?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Có một năm làm Táo mà có thể nói để lại nhiều ấn tượng nhất cho khán giả, cứ khi nào Hà Nội lụt là họ hát bài lụt ca. Đó là chương trình “Táo Quân” năm 2009. Năm đó tôi vào vai Táo Thoát nước. Đến bây giờ đoạn trích Táo Thoát nước vẫn nhận được hàng triệu lượt truy cập, xem lại trên các kênh thông tin, mạng xã hội.

PV: Ca khúc ấy do anh sáng tác?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Bài đấy là bài tự bịa ra thôi? Thực ra trong “Gặp nhau cuối năm” cũng có nhiều bài mình chế, nhưng vẫn là sản phẩm sáng tạo tập thể. Về cơ bản là mình tự chế ra, sau đó cùng với cộng hưởng của anh em nữa để đắp điếm cho hay.

leftcenterrightdel
NSND Tự Long. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Những khuôn mặt trong “thúng Táo”

PV: Trong những nghệ sĩ tham gia “Táo Quân”, nếu nói một vài câu nhận xét ngắn về họ, anh sẽ nói gì?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Số nghệ sĩ thường xuyên tham gia chương trình chỉ nằm trong hai bàn tay thôi. Trong đó, chương trình nào cũng không thể thiếu ba vai diễn: Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Vai Ngọc Hoàng được ví như là cái đòn gánh, Nam Tào, Bắc Đẩu là hai cái quang gánh để gánh “thúng Táo”. Ba người đó là ba người cực kỳ quan trọng. Họ có vai trò giữ nhịp, giữ lửa.

Với anh Quốc Khánh, tôi cảm giác anh ấy là một người sinh ra để đóng vai Ngọc Hoàng. Không thể nào thay thế được anh. Anh Khánh từng là người lính, anh nhập ngũ năm 1982, đóng quân ở Lạng Sơn. Thời điểm ấy có cả anh Trung Anh, anh Trọng Trinh, anh Đỗ Kỷ. 4 người cùng nhà hát cùng đi một ngày, cùng về một đơn vị và cùng xuất ngũ một ngày. Anh Khánh có điểm đặc biệt là anh làm gì cũng chậm rãi, uống rượu cũng chậm, nói cũng chậm, và là một người rất là ngoan. Sáng đi chơi thì anh về nhà vào lúc 2 giờ chiều, không đi chơi qua đêm. Đến bây giờ, hơn 50 tuổi rồi anh vẫn giữ tấm lòng trinh trắng không yêu đương gì cả (cười). Trong nghề, anh Khánh là một người yêu nghề, luôn đau đáu với nghề. Và cái vai mà tôi thích nhất là cái vai khi anh Khánh làm Ngọc Hoàng giả. Lần đầu tiên trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”, vai Ngọc Hoàng được diễn với hai con người khác nhau, anh Khánh có nhiều đất diễn. Anh là con người thú vị, thân như tôi nhưng lần gặp nào tôi cũng thấy có những điểm mới bất ngờ về anh.

Còn anh Chí Trung thì nổi tiếng là con người có một phong cách diễn xuất, cách nhấn nhả rất đặc biệt. Anh ấy không thiên về cách nói nhanh, nói vần, giống như một số cách làm hài khác. Cách của anh Trung dí dỏm, lâu lâu thả một câu và được câu nào là chết câu đấy. Cách diễn hài của anh Trung thâm thúy, sâu lắng như con người anh vậy.

Với Công Lý, Lý là một nghệ sĩ rất giỏi ở chỗ có thể làm rất nhiều loại vai. Vai chính có, vai phản có, vai đểu có. Đặc biệt Lý rất giỏi lồng tiếng. Lý có thể lồng tiếng rất nhiều thể loại vai khác nhau, mà nhại tiếng của Quang Thắng thì không ai phân biệt được đâu là tiếng Quang Thắng, đâu là Công Lý. Trong suốt 16 năm, gánh Táo không thể thiếu được “cô Đẩu”. Thực ra trong “Táo Quân” thì mỗi người đều tạo dựng cho mình một phong cách riêng. Công Lý là người gây cho mọi người nhiều cái bất ngờ, nhất là tạo cho mình một phong cách “cô Đẩu” riêng mà không ai có thể thay thế được.

Còn về Xuân Bắc, Bắc là một người rất thông minh. Hai vai Nam Tào-Bắc Đẩu gắn kết với nhau như hai vợ chồng trong một gia đình. Kẻ tung người hứng. Trong gia đình Táo, Bắc là người rất nhiều chiêu trò. Trong cuộc sống, Xuân Bắc là một người sâu sắc, rất có tầm nhìn, hiểu biết và rất là nhạy cảm trong cuộc sống. Xuân Bắc là một trong những người tốn giấy mực, cũng như là tốn thời gian để mọi người nói về Xuân Bắc nhiều nhất vì Bắc làm cái gì cũng lâu. Ăn cũng lâu hơn mọi người, nói chuyện điện thoại cũng lâu hơn mọi người, đến làm việc cũng lâu hơn mọi người. Cho nên Bắc luôn luôn là một chủ đề rất hot trong gia đình Táo.

Một người nữa là anh Quang Thắng. Phải nói nghệ sĩ Quang Thắng là một người rất hiền lành và dễ gần, chịu khó, yêu thương gia đình. Anh em có khi rét mướt đi diễn bằng ô tô nhưng anh ấy vẫn chịu khó đi xe máy. Vợ con ở Hải Phòng nên sau thời gian tập luyện, rảnh lúc nào là anh lại bắt xe khách, bịt cái khẩu trang rồi ngủ cho đến khi về đến Hải Phòng. Nhiều khi sáng hôm sau lại lên Hà Nội tập. Mà anh Thắng thì sướng lắm, luôn được đóng vai liên quan đến kinh tế, như là Táo Kinh tế, Táo Ngân hàng,… đi đâu cũng bo tiền, cũng có các em rất đẹp tiền hô hậu ủng.

Vân Dung là một nữ quái của làng hài miền Bắc. Vân Dung quái không chỉ ở trên sân khấu mà quái cả trong đời thường. Trong tập luyện, Vân Dung bao giờ cũng là người kêu ca nhiều nhất. Lúc nào cũng bảo: “Ui Long ơi, năm nay làm sao ấy, tớ chả có cái gì cả, vai chả có cái gì, đọc kịch bản xong mà chẳng biết làm gì cả”. Lúc nào Dung cũng đòi hỏi, bì tị, bảo: “Thế thì tập xong xem có cái gì thì thêm thêm cho Dung nhá, chứ không Dung chả có gì cả”. Ban đầu tôi cứ tưởng Dung chỉ nói với mình mình thôi, hóa ra sang ông Quang Thắng, Xuân Bắc cũng nói lại y hệt. Mọi người rất yêu quý Dung, lúc nào cũng dành tình cảm đặc biệt, có miếng diễn nào hay thì mách cho nhau.

Năm nay, không thấy ai gọi điện

PV: Nghe anh kể, cảm giác “Táo Quân” chẳng khác gì một gia đình!

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Thật vậy. Với tôi “Táo Quân” là một gia đình lớn. Nhiều khi đã diễn xong vai của mình rồi, mọi người vẫn ở lại, ngồi kiểu dạng vật vờ, rồi theo dõi bên kia tập tành có thêm thắt gì thì thỉnh thoảng lại bổ sung cho vài câu. Điều này trở thành một nét đặc trưng của Táo. Còn các chị như chị Minh Hằng, Minh Vượng thì đều là những người đáng yêu. Các chị về sau không tham gia được hết, vì vấn đề sức khỏe bởi về sau các nghệ sĩ tham gia “Táo Quân” phải tập đêm nhiều quá.

PV: Năm nay không làm “Táo Quân” nữa, cuộc sống của anh có gì thay đổi không?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Những năm làm Táo, tôi thường nhận những cuộc điện thoại của một vài người, hỏi năm nay “Táo Quân” có nói gì về những vấn đề của bộ, ban, ngành mình không? Năm nay thì không thấy nữa.

Theo tôi, điều đáng mừng của chương trình “Táo Quân” là nếu chương trình không thực sự hấp dẫn, không như một tờ báo mà ai cũng muốn đọc thì đã không thể nhận lại nhiều luồng thông tin, hồi âm như vậy, kể cả phản hồi tốt và không tốt. Rõ ràng nó có tính chất tác động mạnh. Nếu cá nhân, tổ chức nào xem, nghĩ họ đang nói về mình và có động thái nhìn lại mình thì đấy là một tác dụng rất tốt.

Dừng lại nhưng không từ bỏ

PV: Có thể nói, “Táo Quân” thực sự đã trở thành thương hiệu. “Táo Quân” không chỉ là phương pháp châm biếm bằng hình thức nghệ thuật, chương trình còn góp phần cho công chúng thỏa mãn được thứ gọi là phép thắng lợi tinh thần về những vấn đề nóng trong cuộc sống. Cá nhân anh có nghĩ rằng bỏ “Táo Quân” cũng gần như từ bỏ trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với công chúng không?

Thượng tá, NSND Vũ Tự Long: Điều đó cũng đúng. Thực ra mà nói, “Táo Quân” không chỉ là món ăn tinh thần, không chỉ là thú vui giải trí mà bên cạnh đó, “Táo Quân” còn là một trách nhiệm. Trách nhiệm của người nghệ sĩ, bằng sự hiểu biết, thẩm thấu của mình để nói lên những vấn đề đang tồn tại của xã hội. “Táo Quân” sau 16 năm, vì sao đến giờ phút này vẫn được mọi người quan tâm, cho dù hay hay dở, bởi nếu những vấn đề chưa được giải quyết kịp thời, thấu đáo thì ít nhất nó cũng nói lên được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân có thể đang bức xúc, hoặc đang hướng đến mà những cơ quan chức năng chưa thể làm cho họ cảm thấy thấu đáo, thoải mái được. “Táo Quân” giống như một kênh xả stress.

“Táo Quân” có nhiều năm được đánh giá xuất sắc, nức lòng công chúng. Nhưng cũng có năm chương trình bị chê nhàm chán, không hấp dẫn. Dù sao, nó cũng là một sản phẩm nghệ thuật. Mà sản phẩm nghệ thuật lại chiều theo ý của tất cả mọi người thì rất khó. Một ví dụ tôi có thể kể ra là khi tôi đi rửa xe, những vị khách rửa xe cùng tôi nhận xét: “Đấy, năm nay “Táo Quân” nói như thế là vừa phải. Nên nói nhẹ nhàng, góp ý để người ta còn nhận ra”. Ngược lại, những người rửa xe thì lại than vãn: “Bác ơi, cháu thấy năm nay nhạt lắm bác ạ”.

Tôi cũng rất buồn khi chương trình mình được gắn bó nhiều năm, gần như là cả thanh xuân, nay không còn nữa. Tuy nhiên, việc thay đổi là điều cần thiết phải làm. Không còn “Táo Quân” thì nghệ sĩ phải tìm đất diễn mới để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Chính bản thân các Táo cũng ý thức được rằng có lẽ cũng nên dừng lại ở đây nhằm tạo điểm nhấn để mọi người nhớ đến, nhìn nhận nó là một chương trình thực sự có đóng góp cho cuộc sống.

16 năm gắn bó với “Táo Quân”, tôi rất tự hào vì được làm việc cùng với rất nhiều anh chị em nghề nghiệp khác nhau, đặc biệt là kịch và điện ảnh. Chương trình đã tạo cho tôi một vốn sống, tạo cho mình một sân chơi, mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm trong cách làm nghề. “Táo Quân” khép lại, nhưng không phải để kết thúc mà để mang lại cho công chúng những điều mới mẻ hơn, tươi mới hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

LIÊN VIỆT – THANH HẬU (thực hiện)