Mang đậm hơi thở cuộc sống
Vừa qua, giới nghệ sĩ nước nhà phấn khởi khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở lại không gian trưng bày mỹ thuật đương đại. Năm 2010, bảo tàng đã dành một không gian trưng bày mỹ thuật đương đại, nhưng do ở vị trí không thuận tiện cho lộ trình tham quan của du khách và diện tích trưng bày nhỏ nên không gian trưng bày chưa phát huy hiệu quả. Với việc điều chỉnh và mở rộng không gian trưng bày mỹ thuật đương đại lần này, bảo tàng hy vọng công chúng yêu nghệ thuật đón nhận, đến thưởng lãm để cảm nhận, suy ngẫm những thông điệp mà các nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm, có cái nhìn đầy đủ hơn về mỹ thuật Việt Nam đương đại.
|
|
Một góc khán phòng trưng bày. |
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trước đây, các tác phẩm mỹ thuật đương đại chỉ trưng bày đan xen tại các triển lãm, bảo tàng... mà chưa có không gian riêng. Lần này, việc dành không gian riêng biệt cho mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho thấy sự đổi mới của mỹ thuật. Đây có thể được coi là sự ghi nhận, bước đột phá đầy khích lệ cho người làm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại.
Tại không gian mới trên tầng 2, tầng 3, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày 65 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc... được bảo tàng lựa chọn, sưu tầm trong thời gian qua. Các tác phẩm này được sáng tác từ năm 1980 đến nay, với góc nhìn đa chiều của các nghệ sĩ về môi trường sống và đời sống xã hội, mang đậm hơi thở thời cuộc. Việc bảo tàng dành riêng hai tầng trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại ít nhiều giúp người trong giới hình dung, dù chưa hẳn đầy đủ, về lộ trình xuyên thế kỷ của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Thông qua các tác phẩm được trưng bày, giới nghệ sĩ gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững.
Sức sống nào cho không gian trưng bày?
Chiêm ngưỡng những tác phẩm tại đây, người xem mường tượng ra được những đổi thay của mỹ thuật Việt Nam từ năm 1976, tức là 10 năm trước khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Trước đó, công chúng biết đến các bước phát triển của mỹ thuật Đông Dương, qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không ai nghĩ sự thay đổi của mỹ thuật đến nhanh như vậy. Các khuynh hướng sáng tác, các chất liệu, kể cả trên chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài cũng được các tác giả thay đổi. Những thay đổi trong xã hội Việt đương đại đã được thể hiện rất rõ qua hội họa, kể cả hội họa hiện thực hay trừu tượng, siêu thực. Bằng tài năng của các họa sĩ, người xem cảm nhận được tâm hồn, văn hóa Việt trong từng giai đoạn của đất nước.
Mở cánh cửa trên tầng 2 của bảo tàng, không gian trưng bày mỹ thuật đương đại trải dài trên diện tích khá rộng. Công chúng được thưởng ngoạn những tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đập ngay vào mắt du khách là tác phẩm “Một ngày ở Phù Lãng” của Nguyễn Đình Tuyên, được sáng tác năm 1998 trên chất liệu sơn mài. Bấy lâu nay, công chúng biết đến Nguyễn Đình Tuyên như một họa sĩ mày mò, khám phá những “bí mật” ẩn chứa của sơn mài. Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên tự nhận mình đã “lắng nghe sơn mài” để hiểu được những trầm tích trong đó, muốn đưa vào bức tranh tất cả vẻ lấp lánh của thứ chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, đồng thời, muốn tận dụng chính sự bí ẩn của nó để tạo ra những vẻ đẹp ẩn giấu cho tác phẩm. Trong “Một ngày ở Phù Lãng” (đoạt huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000), chỉ với một vài gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, nâu, họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên vẫn khắc họa được một không gian có chiều sâu của làng nghề Phù Lãng.
|
|
Họa phẩm “Một ngày ở Phù Lãng” của Nguyễn Đình Tuyên. |
Gần đó là tác phẩm “Giai điệu miền núi” của họa sĩ Lê Anh Vân, tác phẩm được ông sáng tác năm 1994 trên chất liệu sơn dầu, khắc họa hình ảnh vùng núi trong sương mờ và ngập tràn mây trắng. Các sắc màu thổ cẩm, trang phục dân tộc và những chiếc ô xoay tròn gợi nét văn hóa đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam. Cái hay của họa sĩ Lê Anh Vân ở chỗ, ông không quan tâm quá nhiều đến đề tài mà chỉ chú tâm tới việc vẽ như thế nào để tạo ra dấu ấn, phong cách không thể trộn lẫn. Quê ở xứ Thanh, dường như âm vang của dòng sông Mã có ảnh hưởng lớn tới tính cách hội họa của ông, đó là sự mạnh mẽ, phóng khoáng và đầy nhiệt huyết.
Đứng từ xa ngắm nhìn họa phẩm “Chiều mùa hè” của Nguyễn Thành Chương, tôi liên tưởng tác giả vẽ những mái nhà lợp cỏ tranh ở vùng quê. Nhưng bạn tôi thì bảo: Không, đó là mùa vàng bội thu. Thôi thì ngắm tranh của họa sĩ Việt Nam đương đại, nhất là của Nguyễn Thành Chương, mỗi người một cảm nhận. Phải chăng, đó là cái tài của người nghệ sĩ. Đến đây, tôi lại nhớ lời tự sự của họa sĩ Nguyễn Thành Chương: “Tranh phải lấy sự sáng tạo nghệ thuật là cốt yếu”. Không quá lời khi khẳng định, Nguyễn Thành Chương là một trong những họa sĩ hàng đầu và đặc biệt của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên đã tìm ra con đường thoát khỏi sự ảnh hưởng bao trùm bởi hội họa cổ điển Pháp, để xây dựng một nền hội họa Việt Nam mang phong cách hiện đại nhưng vẫn đậm đà, giàu bản sắc dân tộc.
|
|
Tác phẩm “Chiều mùa hè” của Nguyễn Thành Chương. |
Không biết vui hay buồn khi buổi tham quan không gian trưng bày mỹ thuật Việt Nam đương đại của chúng tôi diễn ra trong tuyệt đối im lặng. Ở mỗi tầng chỉ có một nhân viên của bảo tàng túc trực. Cũng có thể do chúng tôi đi vào buổi chiều, lại trong giờ làm việc nên bảo tàng vắng khách chăng? Trong những khán phòng trưng bày tuyệt tác của mỹ thuật Việt Nam đương đại, nếu như thiếu vắng người xem, vắng bóng du khách đến thưởng lãm thì quả là xót xa.
Phần trưng bày không gian mỹ thuật đương đại được cập nhật trên ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để hỗ trợ thông tin cho khán giả tham quan trực tiếp và trực tuyến. Nhiều tác phẩm trong không gian mỹ thuật đương đại đã và đang được cập nhật lên ứng dụng thuyết minh tự động của bảo tàng, giúp tăng trải nghiệm và hiểu biết cho công chúng. Những phần giới thiệu, phê bình được viết ngắn gọn, súc tích bởi những chuyên gia giúp hỗ trợ rất lớn cho nhu cầu học hỏi, tìm hiểu về mỹ thuật, về kỹ thuật vẽ tranh hay về phong cách riêng của từng tác giả. |
Bài và ảnh: HÀ THÀNH