Lặng thầm nghề “nối dài sức sống” cho tác phẩm mỹ thuật

Đó là chia sẻ của anh Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vậy mới thấy việc bảo quản, giữ gìn đúng cách có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với một tác phẩm mỹ thuật. Ấy thế mà dường như lâu nay chúng ta ít quan tâm đến công tác này, kể cả nhiều họa sĩ, nhà sưu tầm cũng không nghĩ nhiều đến việc làm sao giữ gìn tác phẩm của mình tốt nhất với thời gian, nếu hư hại thì phải làm thế nào? Hoặc có quan tâm đến nhưng cũng không biết cách làm sao bảo quản, tu sửa đúng cách, hiệu quả nhất. Cách đây không lâu, giới chuyên môn, cơ quan văn hóa và cả xã hội bị một phen giật mình khi bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí, là Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị hư hại do công tác bảo quản không đúng cách. Lúc bấy giờ nhiều người mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu rằng lâu nay việc bảo quản, tu sửa các tác phẩm mỹ thuật ở nước ta như thế nào, trong khi việc các bức tranh bị hư hại thực tế vẫn xảy ra thường xuyên.

leftcenterrightdel
Thực hiện tu sửa tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 Ở các nước phát triển trên thế giới, mỹ thuật, đặc biệt là hội họa được xã hội coi trọng, đề cao, cùng với đó ngành bảo quản, tu sửa cũng được quan tâm phát triển để theo kịp, phục vụ tốt nhu cầu của ngành mỹ thuật. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Từ những năm 1930, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một loạt tác giả là thế hệ đầu được đào tạo tại trường tham gia vào thị trường hội họa quốc tế với những tác phẩm được đánh giá cao. Thế hệ này có nhiều họa sĩ trở thành bậc thầy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái... Trải qua thời gian, thị trường mỹ thuật Việt Nam dần hình thành và phát triển với các phòng trưng bày, hoạt động sưu tầm, triển lãm trong và ngoài nước. Cùng với đó, giá tranh của các tác giả Việt Nam cũng tăng lên từ cao nhất ở mức hàng nghìn đô-la (năm 1990) đến hàng trăm nghìn, thậm chí triệu đô-la như hiện nay. Hầu hết các tác phẩm có giá trị cao đều là những bức họa có tuổi đời hàng chục năm của các họa sĩ thế hệ trước… Trong khi đó, các tác phẩm dù là chất liệu gì thì cũng đang chịu tác động của môi trường xung quanh, nếu không bảo quản tốt thì việc bị ảnh hưởng, hư hại là khó tránh khỏi, nhất là với điều kiện thời tiết Việt Nam. Đó là chưa kể, trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, nhiều họa sĩ sử dụng chất liệu vẽ không bảo đảm, có khi cao hứng có thể vẽ trên bất cứ thứ gì mà không nghĩ đến việc giữ gìn sau đó thế nào. Vậy nên để một tác phẩm hội họa sống lâu cùng thời gian thì công tác bảo quản, giữ gìn rất quan trọng, nhưng thực tế nhiều năm nay, công việc này ở nước ta rất thầm lặng, ít được quan tâm, kể cả với người hoạt động trong ngành mỹ thuật.

Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện được coi là đơn vị chuyên nghiệp nhất trong hoạt động bảo quản, tu sửa, bảo dưỡng tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam để hạn chế sự xuống cấp, làm tăng tuổi thọ hiện vật. Sở hữu khối lượng hiện vật lớn (khoảng 20.000) tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến nay, công tác bảo quản, tu sửa các hiện vật luôn được bảo tàng quan tâm và coi trọng. Bằng chứng là thời kỳ mới thành lập, bảo tàng có một phòng phục chế, những năm 90 đổi thành xưởng phục chế, rồi sáp nhập vào Phòng Kiểm kê bảo quản và sau đó tái thành lập Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật vào năm 2006. Đến nay, với sự nỗ lực của ban lãnh đạo bảo tàng và các cán bộ, nhân viên, công tác bảo quản, tu sửa hiện vật, đặc biệt là tranh đã có những bước tiến nhất định, phần nào bảo đảm được nhu cầu của bảo tàng, giảm bớt chi phí của Nhà nước trong việc mời chuyên gia nước ngoài về tu sửa, khắc phục hư hại và chống làm xuống cấp thêm hiện vật. Tuy vậy bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật vẫn là công việc lắm nỗi gian nan ở nước ta hiện nay.

Gỡ khó cho nghề khó

Công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện được đánh giá tốt hàng đầu trong nước, tuy nhiên Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật hiện chỉ có 11 nhân sự với 2 kỹ sư hóa học, còn lại là họa sĩ. Đặc biệt là tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm đều không được đào tạo chuyên môn bài bản về công tác bảo quản, tu sửa. Trong khi thực chất đây là chuyên ngành mang tính chuyên môn kỹ thuật cao chứ không đơn giản là công việc lau chùi, phủi bụi như nhiều người vẫn nghĩ. Người làm công việc này phải hội tụ rất nhiều kỹ năng, đầu tiên là kiến thức chuyên ngành mỹ thuật, rồi cả kiến thức hóa học, vật lý...

Anh Trần Dũng Tiến cho biết, theo các chuyên gia nước ngoài khi đưa ra hướng đào tạo lâu dài về công tác tu sửa thì yêu cầu cơ bản là: Với sinh viên tối thiểu phải có 1,5 năm đào tạo tại đại học mỹ thuật, sau đó cần thêm khoảng 1,5 năm thực tập tại các trung tâm bảo quản, tu sửa để đánh giá khả năng, sự ham thích cũng như có nguyện vọng tiếp tục học hay không rồi mới được đào tạo về công tác bảo quản, tu sửa; với người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật thì cần phải đào tạo ít nhất thêm 1,5 năm về chuyên ngành bảo quản, tu sửa. Tức là để đào tạo cơ bản về ngành này cần phải mất ít nhất 6,5 năm.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có bất cứ cơ sở nào đào tạo về chuyên ngành này. Vì vậy có thể nói công việc này ở nước ta lâu nay rất ít người làm và cũng chủ yếu làm bằng kinh nghiệm trên lĩnh vực, chất liệu quen. Ví dụ người vẽ tranh sơn mài có hiểu biết nhiều về dòng tranh này nên có thể có kinh nghiệm để thực hiện tu sửa có hiệu quả nhưng chưa chắc đã làm đúng cách, đúng quy trình và bảo đảm về mặt chất lượng lâu dài. Ngay cả với những cán bộ làm công tác bảo quản, tu sửa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở những giai đoạn trước cũng gần như hoàn toàn làm việc bằng kinh nghiệm đúc kết qua nhiều thế hệ. Những kiến thức đó có thể chưa thành hệ thống bài bản, quy trình mang tính khoa học nhưng phần nào khắc phục được khó khăn trong công tác bảo quản, tu sửa. Bởi vì là kinh nghiệm từ làm nhiều đúc rút ra nên nếu như ở một số chất liệu truyền thống như sơn mài chúng ta có thể tự tin hơn về khả năng xử lý hư hỏng tốt hơn thì với chất liệu mới như tranh sơn dầu, giấy kinh nghiệm lại rất ít, đặc biệt sơn dầu gần như là con số 0… Trong khi đó tranh sơn dầu ở nước ta hay bị tác động của môi trường, cộng với các chất liệu xưa không bảo đảm chất lượng, đôi khi cách thể hiện cũng không đúng quy trình nên tình trạng bong tróc, rộp diễn ra thường xuyên.

Từ khi Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật được thành lập, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có những nỗ lực trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản, tu sửa hiện vật. Đặc biệt là việc phối hợp cùng Viện Goethe và Trường Đại học Mỹ thuật

Dresden tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của trung tâm. Bằng việc mời chuyên gia nước ngoài đến bảo tàng tu sửa hiện vật cụ thể và giảng dạy trực tiếp cho cán bộ và đưa cán bộ sang nước ngoài học tập ngắn hạn, đến nay, năng lực của trung tâm đã có bước tiến dài trong công tác bảo quản, tu sửa các tác phẩm mỹ thuật, nhất là tranh.

Bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, cán bộ Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật ngày càng tiến tới sự hoàn thiện về năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp. Rất nhiều kiến thức về kỹ thuật tu sửa cán bộ trung tâm đã tiếp thu được thông qua các cuộc tập huấn, làm việc với chuyên gia nước ngoài (Australia, Đức). Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản, tu sửa cũng là một yếu tố quyết định. Để giữ gìn, tránh hư hại, tăng tuổi thọ cho tác phẩm mỹ thuật, quan điểm của bảo tàng luôn đặt ưu tiên số 1 là bảo quản phòng ngừa. Một môi trường ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tiêu chuẩn, không khí sạch, không côn trùng và các loài gây hại là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong bảo quản hiện vật. Trường hợp cần thiết phải tu sửa, việc áp dụng kỹ thuật từ chuyên gia nước ngoài cũng rất linh động, trong đó các công đoạn thử nghiệm, kiểm soát, theo dõi luôn được đặc biệt lưu ý. Tùy tình trạng cụ thể, có tác phẩm tu sửa chỉ mất nửa tháng nhưng cũng có khi hàng năm, thậm chí trên thế giới có trường hợp mất tới 15 năm... “Những điều này không phải ai cũng hiểu, kể cả những người trong nghề”, anh Tiến nói. Đó là chưa kể, trong điều kiện nước ta hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo quản, tu sửa của trung tâm mới ở mức cơ bản, trong khi có nhiều trường hợp cần đến những trang thiết bị kỹ thuật cao, giá đắt đỏ mà chúng ta chưa có điều kiện trang bị nên việc tu sửa cũng gặp khó…

Dẫu trong điều kiện còn nhiều hạn chế nhưng những năm gần đây, công tác bảo quản, tu sửa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có bước tiến và không ngừng được nâng lên. Mới đây, bảo tàng đã thực hiện tu sửa 4 tác phẩm mỹ thuật cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) và được nước bạn đánh giá cao. Với những nỗ lực ấy, tin rằng trong tương lai gần, ngành bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật ở nước ta sẽ ngày càng phát triển, giúp “nối dài sức sống”, gìn giữ giá trị cho các tác phẩm. Tất nhiên, để được như vậy không thể thiếu sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Nhà nước về mọi phương diện, từ khâu đào tạo con người bài bản, chuyên sâu đến việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU