Phẩm cách nghệ sĩ-chiến sĩ

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, nhiều bức tranh phản ánh hình ảnh những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhanh chóng được lan tỏa và làm lay động trái tim đông đảo công chúng. Có thể nói, cùng cả dân tộc, giới văn nghệ sĩ đã góp sức bằng nhiều hình thức vào công cuộc phòng, chống dịch của cả nước trong suốt gần hai năm qua. Tinh thần ấy được thể hiện như thế nào ở đội ngũ họa sĩ?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Bắt đầu nhiệm kỳ thứ IX, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đối diện với một thách thức lớn chưa hề có tiền lệ-đại dịch toàn cầu Covid-19. Nhưng nguyên vẹn phẩm cách người lính xung kích, người nghệ sĩ-chiến sĩ thuở nào, đội ngũ họa sĩ đã chủ động bước vào cuộc chiến chống "giặc Covid-19" trong tâm thế bình tĩnh, tự tin. Tranh cổ động, loại hình tác nghiệp nhanh nhất đã có mặt trên mọi nẻo đường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước với ngôn ngữ mạnh mẽ, cô đọng, khích lệ mọi người dân cùng đồng lòng chống dịch. Nghệ thuật đã không im tiếng, dù có ngồi yên, tuân thủ cách ly hay giãn cách xã hội. Nhạy cảm với thực tế ấy, Báo Nhân Dân hằng tháng đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Tranh trong mùa giãn cách” gây quỹ từ thiện ủng hộ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Nghĩa cử đẹp đẽ, thầm lặng của nghệ sĩ như hòa điệu với phẩm chất và vẻ đẹp của người Việt Nam là lòng nhân ái, sự chia sẻ ấm áp, nghĩa tình vừa được khơi dậy trong cuộc chiến khốc liệt với đại dịch.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Ảnh: THU HÒA

Giai đoạn nào cũng vậy, mỹ thuật cũng như giới họa sĩ đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc luôn áp sát đời sống. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hàng loạt tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ thế hệ “vàng” Trường Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cuối năm 1946 và toàn quốc kháng chiến, giới họa sĩ đã xung kích đồng hành với quân và dân cả nước trong cuộc trường chinh và hình thành nên những thế hệ nghệ sĩ-chiến sĩ. Và phẩm chất nghệ sĩ-chiến sĩ ấy tiếp tục được các thế hệ họa sĩ phát huy cho đến hôm nay, được thể hiện bằng sự chuyên tâm cho ra đời tác phẩm nghệ thuật đáp ứng niềm mong mỏi của xã hội.

Thời kỳ đổi mới thứ hai của mỹ thuật Việt

PV: Thưa ông, mỹ thuật là loại hình nghệ thuật luôn áp sát và phản ánh một cách rất nhanh nhạy đời sống xã hội. Ngay từ đầu những năm 1980, mỹ thuật đã xuất hiện tín hiệu đổi mới rõ rệt, sẵn sàng để bước ra thế giới. Vì thế, đến những năm 1990, chúng ta đã chứng kiến thời kỳ mỹ thuật Việt mở cửa, tranh của họa sĩ Việt đã xuất hiện ở nhiều triển lãm tại nước ngoài. Dù khiêm tốn nhưng cũng phải nói rằng, mỹ thuật Việt Nam đã nhập cuộc nhanh và đi tiên phong. Nhìn lại quá trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam, ông đánh giá mỹ thuật đương đại đang ở vị trí nào?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Thật may mắn khi mỹ thuật đi trước và đến trước với đổi mới từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, và lúc này vẫn vậy, sự lật trang mới tinh đã sang vai thế hệ 7X, 8X và 9X để bắt đầu thời kỳ đổi mới lần thứ hai của mỹ thuật. Điều đó, buộc những người lãnh đạo, quản lý phải phát hiện nhanh, tin tưởng và ghi nhận, phát huy những tài năng còn rất trẻ để phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật của đất nước. Được thừa hưởng những thành quả quan trọng của sự nghiệp đổi mới, tôi tin thế hệ hôm nay đủ phẩm cách và bản lĩnh để tạo nên những nét đẹp khác của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Điêu khắc trẻ khẳng định ngôi vị đang dành cho họ. Làng nghề truyền thống được bảo trọng khi có thêm những năng lượng mới từ những con mắt mới. Gốm nghệ thuật lay động mỹ cảm của công chúng. Các loại hình mỹ thuật đương đại như: Sắp đặt, trình diễn, video art đã bám sát những câu chuyện đời sống xã hội. Nghệ sĩ trẻ đã và đang can đảm đối diện với mọi áp lực để nghệ thuật của họ phải bước thẳng về phía trước.

PV: Mỹ thuật Việt Nam đang được đánh giá chất lượng nâng lên, trình độ đồng đều hơn và như ông nói, chúng ta đang có đội ngũ họa sĩ trẻ bản lĩnh, có phẩm cách. Nhưng thực tế mỹ thuật đương đại vẫn thiếu những tác phẩm đỉnh cao, thưa ông?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Đúng là mỹ thuật Việt đang xóa nhanh khoảng cách vùng miền. Dù là họ ở đâu nhưng khi người ta trẻ, bản lĩnh nghề nghiệp, sự tự do sáng tạo cá nhân làm sao mà đánh mất được bản sắc văn hóa của tâm hồn Việt. Ai được duyên, người ấy được đánh thức, mách bảo từ những giá trị của truyền thống. Nhưng nghĩ khác, nhìn khác, vẽ khác là sự quyết liệt của thế hệ họ để có một toàn cảnh khác của nền mỹ thuật Việt đương đại. 

Nhưng cảm nhận thiếu những tác phẩm lớn trong giai đoạn hiện nay không phải không có lý. Thời đại, giai đoạn nào cũng vậy, để có tác phẩm đỉnh cao luôn cần thế hệ nghệ sĩ tài năng. Thế hệ đương đại có lợi thế tuổi trẻ, nhưng lại dễ mong manh nền cốt văn hóa nên khó đi xa, đi dài. Rồi cũng không ít người vẫn có tâm lý e ngại về cái “vòng kim cô” vô hình, mà khi chưa bắt đầu đã nghĩ, có tâm lý như vậy thì sao có tác phẩm lớn được.

leftcenterrightdel

Tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Ảnh: THU HÒA 

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

PV: Mỹ thuật nhập cuộc nhanh, thế hệ họa sĩ nào cũng có tranh bán ra quốc tế với giá cao nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, mỹ thuật Việt vẫn gặp khó để phát triển là bởi chúng ta chưa có thị trường mỹ thuật hoàn thiện. Vậy, làm sao để mỹ thuật phát triển khi thực tế tranh giả vẫn là vấn đề nhức nhối của mỹ thuật Việt Nam nhiều năm qua, thưa ông?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Quay lại câu chuyện từ những năm 1980 của thế kỷ trước, bên cạnh những sáng tạo của họa sĩ thể hiện bộ mặt mới của mỹ thuật thì cũng hình thành thị trường mỹ thuật tự phát, manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Và từ nhiều thập kỷ qua, thị trường tranh giả Việt Nam vẫn là một vấn đề rất đau lòng. Từ sự tiếp tay đương nhiên của những kẻ làm tranh giả trong nước và sự bảo kê an toàn của người nước ngoài, tranh của các bậc thầy Mỹ thuật Đông Dương hồi hương từ các sàn đấu giá châu Âu và khu vực là hồi chuông cảnh báo khó dứt. Giọt nước đã tràn ly từ triển lãm 17 bức tranh trở về từ châu Âu. Giới truyền thông vào cuộc. Công luận lên tiếng. Giới mỹ thuật phẫn nộ, bức xúc. Nhưng mọi việc vẫn yên ả theo thời gian khi hành lang pháp lý và chế tài xử phạt bỏ ngỏ. Sự nghiêm trị của luật pháp chỉ là niềm ước ao chưa có hồi kết khi chúng ta còn chưa có một thị trường nghệ thuật nội địa lành sạch và chuyên nghiệp. Điều đó làm mất niềm tin của cả người mua tranh, người sáng tác và xã hội.

Nhưng khi tranh giả vẫn hoạt động ngang nhiên, trong khi giá tranh của các họa sĩ thế hệ “vàng” Mỹ thuật Đông Dương có giá ngày càng cao, lên tới hàng triệu USD đã kích thích thị hiếu của lớp công chúng trong nước. Và lúc này trong nước cũng xuất hiện sự vào cuộc của những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân quan tâm đầu tư cho mỹ thuật, điển hình như: Dự án “Nghệ thuật trong rừng” (Art in The Forest) ở Đại Lải của Tập đoàn Flamingo, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) của Tập đoàn VinGroup... đã góp phần đáng kể thúc đẩy sáng tạo và phát triển của mỹ thuật trong nước. Hoạt động này cần được khuyến khích hơn nữa bằng những cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Thực tế thì chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động mỹ thuật. Từ Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quản lý Nhà nước về hoạt động mỹ thuật liên tục có sự điều chỉnh nhưng cũng không kịp với những biến động khó dự báo của đời sống nghệ thuật. Căn cứ từ nghị định này, Luật Mỹ thuật đã có lộ trình để hình thành trong 5 năm tới. Thế giới vẫn tiếp tục phẳng với văn hóa toàn cầu, mỹ thuật đương đại Việt đang có sự sung mãn về năng lượng sáng tạo để chuẩn bị cho thời kỳ đổi mới lần thứ hai sau 35 năm đồng hành không ít gian nan nhưng đẹp đẽ cùng công cuộc đổi mới của đất nước trước thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Hành lang pháp lý chặt chẽ, khả thi và chế tài xử phạt nghiêm minh cùng không gian sáng tạo an toàn cho nghệ sĩ hẳn sẽ là sự lật trang nhẹ nhõm trong tầm tay của giới mỹ thuật Việt Nam. Và mỗi nghệ sĩ cần có trách nhiệm góp thêm một hình sắc khiêm nhường để tạo nên vẻ đẹp đầy đặn của văn hóa Việt trong thế kỷ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)