Dù thành công cả ở phương diện số lượng tác giả, chất lượng tác phẩm và không gian trưng bày, song phía sau cuộc triển lãm còn bao băn khoăn, trăn trở.
Mỹ thuật ứng dụng đã sắc nét hơn
Đây là nhận định của họa sĩ Lương Xuân Đoàn khi đánh giá chung về Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư. Sự “sắc nét” được ông lý giải đó là nhờ những gương mặt trẻ. Cùng với đó, vẻ đẹp truyền thống và những hơi thở đương đại đã mang đến hồn cốt mới, vẻ đẹp mới cho mỹ thuật ứng dụng Việt Nam. Họa sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm ứng dụng, đánh giá: Đây là kỳ triển lãm quy mô nhất, hoành tráng và chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay. Triển lãm cho thấy một bước tiến dài cả về phương diện kỹ thuật và mỹ thuật của mỹ thuật ứng dụng. Các bộ sản phẩm mà hội đồng lựa chọn hết sức tinh xảo, đặc biệt những sản phẩm đến từ các làng nghề thủ công cho thấy sự khéo léo, tinh tế cũng như những đặc trưng sản phẩm của các làng nghề Việt Nam từ cách đan lát, trang trí họa tiết...
|
|
Một số tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được giới thiệu tại triển lãm. |
Với 568 tác phẩm của 299 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố dự thi, số lượng tác giả, tác phẩm tham gia đông hơn các kỳ triển lãm trước. Tác phẩm gửi tham dự cũng đa dạng, phong phú hơn, trong đó có cả tác phẩm nghệ thuật truyền thông đa phương tiện. 280 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm phản ánh khá đầy đủ thành quả sáng tạo của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng trong giai đoạn phát triển 5 năm qua trên cả 3 lĩnh vực: Thiết kế sáng tạo, sản phẩm ứng dụng và sản phẩm trang trí. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, thể hiện rõ sự sáng tạo, tâm huyết của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Có thể kể tới thiết kế bộ cửa “Trung hiếu môn” (giải nhất sản phẩm trang trí) của nghệ nhân Trần Nam Tước (Hà Nội), “Bộ đèn đan vảy rồng” (giải nhất sản phẩm ứng dụng) của tác giả Nguyễn Văn Tĩnh (Hà Nội), hay bộ trang sức cưới lấy hình tượng phượng hoàng trong hoa văn cung đình Huế của tác giả Nguyễn Võ Kim Ánh (TP Hồ Chí Minh).
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, sức lan tỏa của triển lãm này không hề nhỏ, bởi ngay sau khi sản phẩm của ông được giới thiệu tới công chúng, đã có 5 người đặt hàng ông làm sản phẩm tương tự. Với những nghệ nhân đang gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, đây cũng chính là một sự khích lệ đáng kể giúp họ có thêm những động lực để gắn bó với nghề.
Mặc dù đánh dấu bước phát triển đáng kể của mỹ thuật ứng dụng nhưng theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, đa số tác phẩm tham gia triển lãm tập trung ở các thành phố lớn, chưa phản ánh hết đời sống đa dạng của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng trong thời gian qua. Một số chất liệu mỹ thuật ứng dụng đang được sử dụng phổ biến hiện nay như thủy tinh, đồng vẫn còn vắng bóng. Lĩnh vực thiết kế đồ chơi, phương tiện học tập, thiết kế phụ kiện thời trang, thiết kế đồ họa truyền thông… rất ít sản phẩm. Bên cạnh đó còn thiếu vắng tác phẩm của các đơn vị, cá nhân thiết kế, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, làng nghề thủ công truyền thống.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, hiệp hội có hơn 13.000 hội viên, đội ngũ nghệ nhân cũng đông đảo. Tuy nhiên số nghệ nhân gửi tác phẩm đến triển lãm chưa nhiều, đặc biệt là còn “vắng bóng” những nghệ nhân tài giỏi ở triển lãm này.
Một vấn đề nữa khiến giới chuyên môn băn khoăn, đó là khâu thiết kế các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Theo họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng thiết kế sáng tạo, khâu thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện nay đang bị coi nhẹ, còn thiếu vắng những mẫu sáng tạo của các nhà thiết kế trong nước. Trong số 3 bộ giải thưởng thì sản phẩm thiết kế sáng tạo không tìm được chủ nhân của giải thưởng cao nhất. Có ý kiến cho rằng, đó là hệ quả của một thời kỳ dài hoạt động thiết kế sáng tạo chạy theo những đơn hàng từ nước ngoài, sản xuất mẫu mã theo yêu cầu, bởi vậy chúng ta chưa có sự chủ động trong các sản phẩm thiết kế.
Cần sự kết nối, sẻ chia
Họa sĩ Ngô Anh Cơ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội ngậm ngùi khi nhắc đến lực lượng thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam hiện nay, đó là thiếu lực lượng và thiếu sự quy tụ. Nhiều thương hiệu lớn ở nước ta thường xuyên phải thuê các nhà thiết kế nước ngoài. Ngay cả đội ngũ thợ thủ công, chúng ta cũng rất dồi dào, nhưng tập hợp họ bằng cách nào đó cũng là cả một vấn đề...
Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực tác động sâu rộng trong xã hội, trong đời sống thẩm mỹ của nhân dân, cũng là lĩnh vực tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có những ứng dụng trong đời sống, tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu. Bởi thế mà mỹ thuật ứng dụng cần sự kết nối, chia sẻ, ủng hộ liên kết để cùng phát triển, liên kết giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất, giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, để thành lập được một tổ chức, một bộ máy làm công việc kết nối các mảng hoạt động của mỹ thuật ứng dụng là điều rất khó và không khả thi. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng nước nhà, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, làng nghề, các nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ thủ công hãy cùng nhau thiết lập một website-mỹ thuật ứng dụng với hệ thống quản trị đáng tin cậy. Website ấy trở thành chợ điện tử mỹ thuật ứng dụng, nơi giới thiệu, chào bán các thiết kế, mẫu mã sản phẩm, trao đổi các thông tin, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng, kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, người sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. Từ đó, khuyến khích các nghệ nhân thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế-thợ thủ công-nhà sản xuất-nhà phân phối và người tiêu dùng.
Gợi mở hướng đi cho sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phân định mỹ thuật ứng dụng thành hai lĩnh vực riêng là thủ công mỹ nghệ và design (thiết kế). Từ đó hoạch định những bước đi, tiêu chí phát triển phù hợp với từng ngành sao cho mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam ngày một phát triển, giữ được bản sắc riêng có của người Việt nhưng vẫn bắt nhịp được với thế giới.
Bài và ảnh: GIA PHÚ