Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xung quanh câu chuyện đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Phóng viên (PV): Mỹ thuật luôn sống trong dòng chảy của xã hội, vậy sự chuyển đổi của xã hội đã có những ảnh hưởng như thế nào tới mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ và đặc biệt là mỹ thuật Việt Nam đương đại, thưa ông?
Ông Vi Kiến Thành: Mỹ thuật hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, đều có gắn bó mật thiết với đời sống con người và qua đó phản ánh những bước dịch chuyển của xã hội. Mỹ thuật Việt Nam cũng không đứng ngoài quy luật đó, thậm chí đã thể hiện điều này rất rõ ràng. Nếu lấy năm 1925 là một dấu mốc cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam đương đại thì có thể chia thành ba giai đoạn quan trọng: Giai đoạn năm 1925 khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, giai đoạn kháng chiến và cuối cùng là giai đoạn đổi mới từ năm 1986 tới nay.
Giai đoạn thể hiện rõ ràng nhất sự ảnh hưởng của xã hội đến mỹ thuật chính là giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp là một giai đoạn vô cùng huy hoàng của mỹ thuật Việt Nam. Tình hình xã hội của thời kỳ ấy không cho chúng ta nhiều điều kiện sáng tạo, thế nhưng vượt qua những khó khăn, chúng ta lại không hề thiếu những tác phẩm tốt. Giai đoạn này, nghệ sĩ, họa sĩ sinh ra trong kháng chiến, đi theo kháng chiến và sống cùng đời sống kháng chiến. Có thể không có những tác phẩm lớn, hoành tráng về tư duy tạo hình, cũng như về chất liệu nhưng vẫn có rất nhiều những ghi chép, ký họa chất lượng, phản ánh đời sống của quân và dân một cách chân thực. Đỉnh cao của nó là sau khi giành lại độc lập năm 1954, chỉ 4 năm sau, vào năm 1958, chúng ta đã có một triển lãm mỹ thuật Việt Nam với quy mô quốc tế ở 12 nước XHCN. Những tác phẩm xuất sắc như: “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng... đã có cơ hội vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Và cũng trong triển lãm lần ấy, chúng ta đã giới thiệu được chất liệu tranh sơn mài của Việt Nam với thế giới.
Ông Vi Kiến Thành. Ảnh: HÀ MY
Đến kháng chiến chống Mỹ, đó là khi mỹ thuật toàn tâm toàn ý đi theo kháng chiến, không chỉ phục vụ kháng chiến bằng tuyên truyền, cổ động mà đã ăn sâu vào đời sống tinh thần chiến sĩ, nhân dân bằng những tác phẩm rất có hồn. Cả thời kỳ này, tranh cổ động rất phát triển và được coi là “người lính xung kích” của giới mỹ thuật bởi nó có sức lan truyền rất mạnh mẽ, đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, chúng ta thành lập hẳn một Xưởng tranh cổ động Trung ương, chuyên sáng tác, in ấn các tranh cổ động và chuyển đi khắp cả nước. Nói vậy để thấy, mỹ thuật thời kỳ này đã phản ánh đời sống xã hội rất chân thực. Nó đã chuyển mình cùng vận mệnh của đất nước nhưng vẫn mang trong mình đầy đủ những yếu tố và giá trị nghệ thuật để phát triển.
Đến giai đoạn đổi mới tính từ năm 1986, mỹ thuật Việt Nam lại đối mặt với một giai đoạn chuyển mình mang tính bước ngoặt khác. Đầu tiên là ở góc độ môi trường, điều kiện hay quan điểm sáng tác vô cùng cởi mở. Đã bước qua thời kỳ cả đất nước chung một nhịp đập vì tiền tuyến, vì công cuộc thống nhất đất nước để bước vào thời kỳ nói lên sự phát triển tài năng của mỗi cá nhân.
Đặc điểm của giai đoạn này là sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bắt kịp với đời sống mỹ thuật thế giới. Khi đời sống vật chất đang đi lên, người ta đã nghĩ nhiều hơn đến đời sống tinh thần và đây chính là lúc chúng ta bắt đầu hình thành dần một thị trường mỹ thuật của Việt Nam.
PV: Quan điểm của ông về đội ngũ sáng tác mỹ thuật hiện nay so với đội ngũ họa sĩ từng tạo dựng nền tảng cho mỹ thuật Việt Nam đương đại?
Ông Vi Kiến Thành: Cá nhân tôi cho rằng, tài năng giai đoạn hiện tại của chúng ta không hề thiếu và có lẽ cũng không thua kém các thế hệ đi trước. Dưới con mắt nhìn nhận khách quan, tôi thực sự tin tưởng như vậy! Nhất là về mặt kỹ thuật, công nghệ hay chất liệu tác phẩm, chúng ta có những bước phát triển rất rõ rệt. Điển hình như những nghệ sĩ đương đại ngày nay làm các tác phẩm tranh sơn mài nhiều đáng kể so với thế hệ trước. Thế nhưng, trong đời sống nghệ thuật có một đặc thù là cần một độ lùi về mặt thời gian để đưa ra những đánh giá có tính thuyết phục. Vì thế, những nghệ sĩ đương đại bây giờ rất khó để có thể nhận được những đánh giá xác đáng, kịp thời và đúng năng lực. Hơn nữa, bây giờ số lượng những người làm nghệ thuật và đặc biệt là mỹ thuật đã nhiều hơn giai đoạn trước rất nhiều nên tính cạnh tranh chắc chắn khốc liệt hơn. Tuy vậy, sự cạnh tranh này tạo nên một nền tảng tốt cho mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn đổi mới.
PV: Với những tác động của xã hội như vậy, mỹ thuật Việt Nam đương đại đang phát triển theo xu hướng nào, thưa ông?
Ông Vi Kiến Thành: Giai đoạn đổi mới đem lại nhiều điều kiện tuyệt vời để phát triển mỹ thuật. Dần dần, mỹ thuật được chia thành hai mảng lớn là mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) và mỹ thuật tạo hình (MTTH). MTƯD được hiểu là những gì mỹ thuật đóng góp cho sự phát triển cuộc sống hằng ngày, một cách trực tiếp và thực tế. Mỹ thuật tạo hình chính là những tác phẩm hội họa, điêu khắc, các loại hình nghệ thuật đương đại đang đóng góp cho đời sống tinh thần.
Tôi rất muốn nhấn mạnh đến MTƯD, bởi đây là một phần vô cùng thiết thực và quan trọng, có đóng góp rất lớn cho xã hội, làm đẹp, làm tăng tính thẩm mỹ cho từng sản phẩm xuất hiện trong cuộc sống. Thế nhưng, MTƯD quá gần gũi, quá quen nên nhiều người không nhận ra nó. Ngoài ra, nó mang một tính liên kết và phối hợp rất đa dạng giữa nhiều ngành nghề nên rất khó điểm mặt chỉ tên. Khi chúng ta để ý và phân tích, ta thấy cái gì trong cuộc sống cũng đều liên quan đến mỹ thuật, từ cái xe chúng ta đi, ngôi nhà chúng ta ở được thiết kế ra sao, vườn hoa trên phố được bày biện như thế nào hay các sản phẩm chúng ta dùng hằng ngày cũng được làm sao cho đẹp mắt... tất cả những thứ đó chính là MTƯD!
Cho nên sẽ không quá nếu tôi nói rằng, bây giờ là thời đại của những người thiết kế, những người tạo mẫu. Các nhà MTƯD không thể gọi tên là những họa sĩ đơn thuần, họ chính là những kiến trúc sư, những nhà tạo mẫu thời trang, những người thiết kế sáng tạo... Chúng ta đang có phần coi nhẹ cũng như không nhìn nhận và đánh giá đúng về mảng MTƯD. Không thể chỉ đánh giá cao những sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mà coi nhẹ những sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chính đội ngũ các nhà MTƯD mới là những người góp phần đáng kể vào việc cải thiện tính thẩm mỹ trong tư duy và quan niệm của tất cả mọi người. Đời sống hiện đại đang cho chúng ta thấy vai trò thiết thực và quan trọng của MTƯD nên chúng ta phải có một cách ứng xử đúng với nó. Hơn nữa, đây mới chính là xu thế phát triển trong tương lai.
PV: Vậy còn MTTH, thưa ông? Nó đang phát triển trong thời kỳ này ra sao và liệu Việt Nam đã có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa chưa?
Ông Vi Kiến Thành: Ngược lại với MTƯD, MTTH luôn có một phạm vi hẹp hơn rất nhiều bởi nó chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ đối tượng. Thế nhưng khi bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa, MTTH cũng đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, bắt kịp với xu hướng thế giới.
Mỹ thuật là một ngành nghệ thuật đặc biệt, đặc thù và sản phẩm của nó cũng vậy. Do đó, nó cũng cần có thị trường để được giao thương, để được đến tay những người mến mộ. Và cũng chỉ có thị trường mới giúp MTTH, cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, có thể phát triển một cách độc lập và bền vững. Nếu dựa vào bao cấp của Nhà nước hay những hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân thì người làm nghệ thuật luôn bị động, không thể phát triển bền vững. Cho nên, thị trường mỹ thuật vừa là mục tiêu, vừa là động lực.
Khoảng hai năm trở lại đây, mỹ thuật có chuyển biến rất tích cực và đúng quy luật. Đó là chúng ta đang dần hình thành nên các thiết chế để phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp. Đầu tiên là nhân lực, chúng ta có các trường đào tạo bài bản cũng như các điều kiện cần thiết để phát triển. Chúng ta đã có đông đảo những nhà điêu khắc, các nghệ sĩ, họa sĩ tài năng. Chúng ta cũng đã có những cửa hàng, những phòng tranh để mua bán, giới thiệu, quảng bá mỹ thuật. Chúng ta cũng đã có những văn bản pháp luật của Nhà nước về hoạt động mỹ thuật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đấu giá, có nghị định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa... Tức là về mặt pháp lý, chúng ta đã có đầy đủ những luật cơ bản để duy trì, điều tiết đời sống mỹ thuật. Và một bước tiến quan trọng nữa đó là trong hai năm trở lại đây, chúng ta đã có thêm các cơ sở đấu giá như: Nhà đấu giá Lạc Việt, Nhà đấu giá Lý Thị và gần đây nhất là Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom của Tập đoàn Vingroup.
Như vậy, để vận hành một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp theo xu hướng phát triển của thế giới, chúng ta chỉ còn thiếu đúng yếu tố cuối cùng, đó là một cơ quan chuyên giám định mỹ thuật. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đã thành lập Trung tâm Giám định tác phẩm của Cục Bản quyền Tác giả vào tháng 6-2016 và đang vận hành để chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức. Vậy là trên lý thuyết, chúng ta đã có đủ yếu tố cấu thành để có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Chúng ta chỉ chờ những thiết chế đó vận hành và phối hợp một cách thật hiệu quả.
Và trong tương lai, ngành thuế cũng cần phải vào cuộc để làm minh bạch, công khai và hợp pháp, cũng như tạo cơ sở pháp lý trong mua bán tác phẩm mỹ thuật nhằm thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho các tác giả và các chủ sở hữu tranh. Đóng thuế hợp pháp cho một tác phẩm mỹ thuật là việc tác giả, chủ sở hữu thể hiện trách nhiệm với Nhà nước. Đổi lại, khi có vấn đề tranh chấp với tác phẩm, Nhà nước lại có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho tác giả và chủ sở hữu.
PV: Nói về chuyện bản quyền, ông nghĩ sao về những vấn đề tranh chép và sự bảo hộ của Nhà nước?
Ông Vi Kiến Thành: Công ước Berne quy định: 50 năm sau khi tác giả mất, các tác phẩm của tác giả đó sẽ trở thành tài sản của nhân loại, tức là tranh đó sẽ được quyền sao chép công khai dựa trên những điều kiện của luật pháp. Quy chiếu từ đó ra thì ta nhận thấy, không phải cứ tranh chép là bất hợp pháp! Tranh chép sẽ hợp pháp khi đạt đầy đủ điều kiện của pháp luật ban hành. Mặt khác, nếu người chép tranh có thỏa thuận hợp pháp với tác giả hoặc chủ sở hữu tranh thì những bức tranh chép cũng hợp pháp. Tuy nhiên, tranh chép hợp pháp phải ghi đầy đủ ở mặt phía sau tranh rằng đây là tranh chép và khuôn khổ không được trùng khít với tranh gốc để bảo đảm tính “độc bản”.
Chúng ta chỉ có thể lên án nạn chép tranh bất hợp pháp và nên ủng hộ việc chép tranh theo đúng quy định. Thế giới họ cũng như vậy và họ còn phát triển đến mức có cả những công nghệ chép tranh từ bảo tàng để phục vụ đời sống xã hội. Bởi tranh chép chính là phương thức đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người yêu mỹ thuật mà không có đủ khả năng về tài chính. Và hơn nữa, tranh chép sẽ giúp tăng độ phổ biến của tác phẩm trong xã hội, làm tăng danh tiếng cho tác giả và cũng góp phần đưa những giá trị nghệ thuật tốt đến với công chúng nhiều hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TỐNG HOÀNG HÀ MY (thực hiện)