Mô hình “2 trong 1”

Tham gia trại sáng tác có 48 họa sĩ, hạt nhân về mỹ thuật ở các đơn vị quân-binh chủng, học viện, nhà trường trong toàn quân. Đây là dịp để các họa sĩ-chiến sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và nâng cao khả năng thiết kế biểu trưng, trang trí khánh tiết sự kiện, nhất là khắc họa đậm nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong tranh cổ động, phục vụ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trực quan ở các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các trại viên còn tiếp thu những kiến thức cơ bản như: Nghệ thuật tạo hình và cảm thụ nghệ thuật trong đời sống; những yếu tố cơ bản để hình thành tác phẩm tranh cổ động; quá trình tìm hiểu, phát hiện đề tài và hình thành ý tưởng trong sáng tác mỹ thuật...

Tuy nhiên, vừa sáng tác vừa bồi dưỡng nghiệp vụ là điểm khác biệt của trại sáng tác này so với các trại sáng tác chuyên nghiệp. Thượng tá, họa sĩ Đào Hoa Vinh (nguyên giảng viên Khoa Sư phạm nhạc họa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), một trong 3 cán bộ phụ trách hướng dẫn trại sáng tác lần này, giải thích: “Đặc điểm hoạt động văn hóa-nghệ thuật quân đội nói chung, đội ngũ sáng tác mỹ thuật trong toàn quân nói riêng có nhiều đối tượng, năng lực, trình độ, nhận thức khác nhau. Vì vậy, sự kết hợp hai yếu tố này mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành nếp ở mỗi trại sáng tác do Tổng cục Chính trị tổ chức. Không ít đồng chí chưa được đào tạo cơ bản chuyên ngành mỹ thuật, có đồng chí lần đầu tiên tiếp xúc và cầm bút vẽ, nhưng sau khi dự trại sáng tác đã trưởng thành và có nhiều tranh cổ động trưng bày, triển lãm, đoạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh và Trung ương”.

leftcenterrightdel
Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 9 cùng các đại biểu tham quan trưng bày tranh của trại sáng tác.

Song song đó, các trại viên còn tham quan các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tìm hiểu truyền thống LLVT Quân khu 9 và nét đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giao lưu với các đơn vị bộ đội. Thông qua những hoạt động này, các trại viên xây dựng niềm tự hào dân tộc, mở rộng kiến thức về đời sống văn hóa; nhất là bổ sung tư liệu, tăng nguồn cảm hứng, chất xúc tác đặc biệt để tư duy sáng tác. Thiếu tá QNCN Lê Văn Kiên, nhân viên tuyên huấn, Phòng Chính trị (Trường Quân sự Quân đoàn 1), chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia trại sáng tác và đến Quân khu 9, tôi thật sự ấn tượng với những hiện vật trưng bày phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của bà con Nam Bộ xưa, như những hố chông chống giặc ở Đồng bằng sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ, cái chum vừa chứa nước vừa làm hầm tránh bom đạn... Những hình ảnh đó chắc chắn tôi sẽ đưa vào tranh của mình”. Thiếu tá QNCN Đàm Quang Hùng, nhân viên tuyên huấn, Phòng Chính trị (Học viện Kỹ thuật Quân sự), cho biết: “Tôi tham dự trại sáng tác 3 lần nhưng lần đầu vào đây cũng rất ấn tượng với cảnh sông nước miền Tây, tình quân dân sâu nặng ở Quân khu 9. Nét đặc trưng ấy không chỉ có trong tranh cổ động mà tôi còn bổ sung vào công tác tuyên truyền miệng”.

Thành công ngoài dự kiến

Sau những chuyến trải nghiệm thực tế, các họa sĩ-chiến sĩ lên ý tưởng và bắt đầu những nét phác thảo đầu tiên. Cầm cọ từ năm 1992 khi còn là chiến sĩ trẻ, Thiếu tá QNCN Trần Đức Thức (nhân viên Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Học viện Quốc phòng) tham gia 6 trại sáng tác với hơn 40 bức tranh cổ động và phong cảnh. “Lần này, tôi dự kiến hoàn thành hai tác phẩm. Một là thể hiện tâm trạng của mọi người, từ bộ đội đến nông dân đều phơi phới một niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Hai là đề tài bảo vệ thành quả cách mạng của Quân khu 9, trong đó có bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và cả nữ dân quân với áo bà ba, mũ tai bèo và khăn rằn quấn cổ”, anh Thức nói.

Cùng thời gian vào nghề với anh Thức, Trung tá QNCN Ngô Đức Chung (nhân viên Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân đoàn 4) từng đoạt giải nhất sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 do TP Hồ Chí Minh tổ chức. Trước đó, anh đoạt giải nhì và giải ba cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 40 năm TP Sài Gòn-Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh... Anh Chung chia sẻ: “Tôi cũng vẽ hai bức tranh cổ động với chủ đề đất nước khi có Đảng và truyền thống đánh giặc giữ nước của đồng bào hai miền Nam-Bắc, trong đó có kết hợp những nét văn hóa cả hai miền”.

leftcenterrightdel
Tranh của Đại úy QNCN Đỗ Đức Trung, thợ sửa chữa, Đại đội Thiết giáp, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố Cần Thơ.

Qua 15 ngày lao động tích cực, 48 trại viên đã hoàn thành 98 tác phẩm thể loại tranh cổ động, tập trung vào 4 mảng đề tài, gồm: Chào mừng đại hội đảng các cấp; truyền thống đơn vị; huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng môi trường văn hóa quân đội; trong đó có 10 tác phẩm phản ánh trực tiếp về LLVT Quân khu 9. Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, nhận xét: “Các tác phẩm đều thể hiện đầy đủ 4 tiêu chí là định hướng tư tưởng, tính chiến đấu, tính nghệ thuật và tính quần chúng rộng rãi. Đặc biệt, thông qua mỹ thuật chuyển tải hầu hết mọi hoạt động trong đời sống bộ đội; đồng thời cho thấy tiềm năng, sức sáng tạo đa dạng, phong phú của đội ngũ họa sĩ-chiến sĩ trong toàn quân”.

Bên cạnh đó, qua trại sáng tác này cũng bổ sung cho đội ngũ họa sĩ mặc áo lính nhiều kinh nghiệm quý báu để thông qua tác phẩm mỹ thuật làm cho hình ảnh người chiến sĩ hôm nay thêm lan rộng, tỏa sáng và gần gũi trong lòng nhân dân. Trung tá Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 5, chia sẻ: “Tranh cổ động đòi hỏi bám sát những sự kiện trọng đại, do đó phải luôn luôn mới. Kinh nghiệm từ trại sáng tác này là cách khai thác đề tài và thể hiện đúng với giai đoạn hiện nay, phù hợp với môi trường quân đội”. Còn Đại úy Võ Thành Nhân, trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Sư đoàn 330, Quân khu 9, nói: “Tôi học được từ thầy hướng dẫn, các họa sĩ trong toàn quân về cách bố cục hình ảnh và màu sắc tươi mới trong tranh cổ động hiện nay. Điều đó giúp cho tranh của tôi sâu sắc, ý nghĩa hơn và hấp dẫn hơn”.

Trại sáng tác mỹ thuật lần này không chỉ là hoạt động trọng điểm về văn hóa-nghệ thuật mà còn tạo bước phát triển mới về mỹ thuật trong quân đội, trực tiếp tuyên truyền, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, quân đội, nhất là chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. “Phát huy kết quả, kinh nghiệm từ trại sáng tác này, mỗi họa sĩ-chiến sĩ tiếp tục sáng tạo, thật sự xứng đáng là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động mỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị; là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền, cổ động văn hóa, tư tưởng của Đảng trong quân đội. Sau trại sáng tác, Cục Tuyên huấn sẽ lựa chọn những tác phẩm xuất sắc quảng bá trên các phương tiện thông tin và trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phóng tác một số tranh tiêu biểu để tuyên truyền, cổ động trực quan, phục vụ bộ đội và nhân dân”, Thiếu tướng Lê Xuân Sang nói.

Bài và ảnh: HỒ KIÊN GIANG