1.Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Cần lên án tư duy sao chép tranh

Xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn đấu giá nghệ thuật uy tín, tranh Việt Nam đã khẳng định được sức hấp dẫn cũng như vị trí của mình trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, để mỹ thuật Việt Nam phát triển vẫn còn là việc khó khăn, cần sự chung tay của rất nhiều phía. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đã có những chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về chủ đề này.

Những bức tranh triệu đô

Phóng viên (PV): Thưa ông, sống và nghiên cứu mỹ thuật nhiều năm ở nước ngoài, theo quan sát của ông, tranh Việt Nam đang ở vị trí nào trên trường quốc tế?

Ông Ngô Kim Khôi: Tranh Việt Nam, nhất là dòng tranh thời kỳ Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s hay Christie’s đã đặt sàn đấu giá ngay tại châu Á, như ở Hồng Công hoặc Singapore, để thuận tiện trong việc tổ chức những phiên đấu dành riêng cho tranh Á châu mà trong đó tranh Đông Dương luôn chiếm một vị trí quan trọng, cũng là nơi chốn tụ tập nhiều nhà sưu tập dòng tranh Đông phương.

leftcenterrightdel
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.

Ở các nước khác như Pháp, Mỹ... những cuộc đấu giá về tranh Việt Nam cũng thường được tổ chức, một năm vài lần. Người ta dần dần thấy tên tuổi các nhà đấu giá có những phiên đấu dành riêng cho dòng tranh Đông Dương như: Asium, Aguttes, Lynda Trouvé... xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Điều này cho thấy tranh Việt Nam có sức hấp dẫn không nhỏ đối với các nhà sưu tập cũng như những nhà đầu tư quốc tế.

Trong phiên đấu giá “Họa sĩ Á châu-Họa sĩ đương đại Trung Quốc-Tranh thế kỷ 19-Ấn tượng và hiện đại-Nghệ thuật đương đại” của nhà đấu giá Aguttes diễn ra tháng 10-2018, tôi đã được mời thẩm định bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Tranh đã xác lập kỷ lục mới về giá tranh của họa sĩ với kết quả lên tới 565.040 euro sau thuế (gần 16 tỷ đồng).

Đầu năm nay, tin vui lan truyền trong cộng đồng yêu mến mỹ thuật Việt và cũng là một niềm khích lệ sáng tạo lớn cho các họa sĩ trong nước khi bức “Khỏa thân” của họa sĩ Lê Phổ đạt mức giá kỷ lục gần 1,4 triệu USD.

PV: Vậy còn tranh của các họa sĩ đương đại, thưa ông?

Ông Ngô Kim Khôi: Người ta không thể chối bỏ sức sống mãnh liệt của hội họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương trên sàn đấu quốc tế. Bên cạnh đó, tuy chưa đạt được tầm mức quan trọng so với các bậc tiền bối, nhưng các tên tuổi mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng thường xuất hiện trên sàn đấu giá, như: Hồng Việt Dũng, Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Sơn, Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm Luận...; một số gương mặt thuộc thế hệ kế tiếp những năm gần đây có thể kể đến là: Nguyễn Trường Linh, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Phúc Lợi, Vũ Đình Tuấn...

Các họa sĩ trẻ hiện nay đang tạo ra nhiều xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn các chất liệu cũng như phong cách. Nghệ thuật sắp đặt là một trong những xu hướng thành công. Thủy Nguyễn là một thí dụ, ngoài vai trò họa sĩ, cô còn là một nhà thiết kế áo dài có tài.

Tại Miami (Mỹ), vào ngày 5-12-2018, tranh sơn dầu “Sương mù đỏ thẫm” của Thủy Nguyễn đã bán được gần 3 tỷ đồng trong sự kiện đấu giá (RED) Auction cùng nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng khác như: Sean Scully, Ngải Vị Vị... Số tiền này được dùng để góp cho quỹ chống HIV/AIDS. Ngoài ra, với tác phẩm sắp đặt mang tên “Silver room” (tạm dịch: Nhà bạc), Thủy Nguyễn cũng là người Việt đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại Château La Coste nổi tiếng của Pháp, cùng các tên tuổi nghệ sĩ vang danh thế giới như: Louise Bourgeois, Andy Goldsworthy, Tracey Emin, Alexander Calder, Richard Serra và Ngải Vị Vị...

leftcenterrightdel
Tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (khoảng năm 1935-1936, 43x61,5cm).

Hay tại phiên đấu giá nhà Christie’s Hồng Công tháng 5-2018, Danh Võ, một nghệ sĩ sinh năm 1975 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, lớn lên tại Đan Mạch đã gây bất ngờ với tác phẩm “165°W” (165 độ Tây, vàng lá trên thùng carton, 91 x 173 cm, 2011) với giá dự kiến từ 153.532USD đến 204.709USD, kết quả bán hơn 356.000USD, tương đương 8 tỷ đồng.

Tranh giả khiến Việt Nam “không cao lên được”

PV: Tình trạng tranh giả, tranh nhái trên thế giới hiện nay như thế nào? Họ có những cách gì để ngăn chặn tình trạng đó, thưa ông?

Ông Ngô Kim Khôi: Ở Pháp cũng như nhiều nước khác, tất cả đều rõ ràng ngay từ trứng nước và những quy luật cũng được đặt ra một cách chặt chẽ, có pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu của tác giả.

Nhiều quốc gia, điển hình như Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển… đều đã ban hành những quy định rất rõ ràng, cụ thể về bảo vệ quyền tác giả (Luật Quyền tác giả của Nhật Bản, Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển…). Ngoài ra, từ lâu giữa các nước trên thế giới đã có những công ước, hiệp ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả như: Công ước toàn cầu về bản quyền (UCC), Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT)…

Riêng tại Pháp, làm giả tranh của họa sĩ, vi phạm tác quyền có thể bị kết án tù 2-3 năm, phạt 150.000 euro-300.000 euro (tương đương 3,9-7,9 tỷ đồng).

Ngay cả vùng Đông Nam Á, mỹ thuật ở Việt Nam khá khó khăn bởi vấn nạn tranh giả khiến thị trường không lên cao được như các nước châu Á khác, trong khi đó, người Việt mình vẽ rất giỏi.

Nếu tranh ghi rõ xuất xứ, đề hẳn là tranh chép thì đó là vấn đề rất khác. Ở nước ngoài, người ta vẫn chép tranh của các danh họa và bày bán ở các khu du lịch. Nhưng các bức tranh ấy có giá rẻ, hoạt động ấy chủ yếu vẫn là thương mại, nó chịu quy định của luật thương mại.

PV: Ở Việt Nam những năm gần đây dường như tình trạng tranh giả diễn ra rất phổ biến, ngang nhiên, thậm chí ở ngay những triển lãm, trưng bày lớn?

Ông Ngô Kim Khôi: Tranh giả ở Việt Nam không phải bây giờ mới có. Trước đây đã có giai đoạn Viện trưởng Viện Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung cũng cho sao chép tranh trong bảo tàng, thậm chí sao chép để tặng các nước bạn đồng minh làm quà tặng văn hóa. Có những tác phẩm đôi khi chép ra mấy phiên bản. Nhưng rất tiếc là việc sao chép này không có tính chuyên nghiệp khi không ghi rõ đây là bản chép và là bản thứ mấy. Việc này gây hệ lụy trùng trùng đến nay khó mà giải quyết.

Điều đáng nói là việc sao chép ấy tự nó đã phạm luật, khi tác phẩm được chép lúc ấy đã không xin phép cũng như không được sự đồng ý của tác giả, và hiện nay, với thời gian không thể phân biệt đâu là nguyên bản, đâu là bản sao!

Vấn nạn “ăn cắp cái đẹp”

PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để mỹ thuật Việt Nam phát triển, khi tranh giả, tranh nhái thậm chí lấn lướt tranh thật, kéo nền mỹ thuật Việt Nam đi xuống?

Ông Ngô Kim Khôi: Việc bài trừ tranh sao chép trái phép đối với nền mỹ thuật Việt Nam là một công việc dài hơi. Chuyện chép tranh đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của một số người Việt (ngay cả trong môi trường sư phạm, một số thầy cô còn sao chép tranh để dự thi), thậm chí, họ còn cho đó là một điều tự nhiên, hớn hở đánh cắp những công trình sáng tạo của người khác dùng làm phương tiện kiếm tiền. Họ ăn cắp cái đẹp mà không thấy nhục!

Giáo dục là một trong những phương pháp tốt để giúp người ta ý thức được những sai lầm. Có thể dùng những phương tiện truyền thông quảng bá một cách gần gũi nhất để lên án tư duy sao chép này, làm thay đổi suy nghĩ của thợ chép để họ thấy đó đơn thuần chỉ là một hành động ăn cắp.

Mặt khác, những điều luật minh bạch về quyền sở hữu cần phải được luật pháp bảo vệ một cách hiệu quả, trừng phạt phân minh.

Về phía hội mỹ thuật và những cơ quan có chức năng liên quan cần tìm những tài liệu cũng như bằng chứng về những tác phẩm đã sao chép từ thời Nguyễn Đỗ Cung, mạnh dạn lên tiếng để phân biệt rõ ràng tranh nào là tranh chép.

Đây là một công việc khó khăn và tế nhị, cần sự giúp đỡ của tất cả mọi phía, vì một nền mỹ thuật Việt Nam trong sáng.

PV: Trong tình hình đó, vai trò của những nhà nghiên cứu mỹ thuật rất quan trọng. Theo ông, người nghiên cứu mỹ thuật cần những yếu tố gì?

Ông Ngô Kim Khôi: Học hỏi luôn là điều cần thiết cho người nghiên cứu mỹ thuật, họ cần phải đọc rất nhiều và khi có được những tài liệu quý hiếm trong tay, họ cần tìm hiểu những tài liệu ấy bằng tính tỉ mỉ và nhạy cảm nhất. Tài liệu thì ai cũng có thể đọc được, nhưng hiểu và đánh giá nó không phải ai cũng giống nhau.

Khi thẩm định một bức tranh, tôi cần phải dựa vào những dữ liệu có thật, những bằng chứng hiện hữu cũng như nhân chứng tồn tại. Thẩm định không thể là bịa đặt. Tôi đã sống gần bốn thập niên tại Pháp và may mắn, ở đó có rất nhiều bảo tàng và tranh thật cũng rất nhiều ở đất nước này. Tôi đi bảo tàng thường xuyên để xem tranh và khi đã quen thuộc với những bức tranh thật thì cái gì giả dối sẽ lộ ra.

Vừa rồi có người cho rằng tôi thẩm định sai một bức tranh và họ đưa ra những lập luận hoàn toàn dựa theo giả thuyết mà không có một bằng chứng nào cụ thể. Ngược lại, thẩm định của tôi dựa vào những tài liệu và bằng chứng đã xuất bản trên sách báo, nhân chứng cũng còn và những ghi chép của những người trong cuộc vẫn rành rành hiện hữu. Làm nghiên cứu, tôi không thể và không bao giờ dựa vào một lời nói bâng quơ.

Thẩm định tranh cũng có rất nhiều cám dỗ, nhưng làm người cần nhất là sự trong sáng, điều đáng nói là chính mình đi thẩm định cái đẹp thì không nên làm nó bị hoen ố. Mỹ thuật là vẻ đẹp. Phải chân thành với mỹ thuật mới có thể gặt hái được kết quả khả quan.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÒA (thực hiện)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi là cháu ngoại của cố họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông định cư tại Pháp nhiều năm và cũng được biết đến là một nhà dựng mẫu thời trang cho nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Ông Ngô Kim Khôi có gần 30 năm nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là Trường Mỹ thuật Đông Dương và có nhiều nghiên cứu giá trị.