Phóng viên (PV): Hiện nay, trong một bộ phận CB, CC có biểu hiện né tránh công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm... Vậy, ý kiến của đồng chí về vấn đề trên như thế nào?

PGS, TS Lê Văn Cường: Hiện tượng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm diễn ra không đơn lẻ mà xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Do đó, nói ở khía cạnh nào đó thì sợ trách nhiệm đã trở thành một căn bệnh. Đã có tình trạng, cấp dưới trình (hay đùn đẩy) lên cấp trên, cấp trên lại trình lên cấp trên nữa. Cuối cùng không cấp nào chịu trách nhiệm.

Thời đại kinh tế số, khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão, ngày nay, không còn "cá lớn nuốt cá bé" mà là "cá nhanh nuốt cá chậm". Nếu chậm thì không có cơ hội để vươn lên phía trước. Việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ sẽ đẩy cơ quan, đơn vị, mà xa hơn là đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, chậm phát triển, cơ hội bị mất đi.

Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, thường vin vào những lý do như chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động; lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể; ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí cùng đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

PV: Vậy theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm?

PGS, TS Lê Văn Cường: Có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan là do tác động bên ngoài như những vấn đề mới phát sinh, thiếu quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.

Cán bộ sợ trách nhiệm là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến căn nguyên của căn bệnh này rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”. Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: “Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần, tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.

Cách đây 50 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết bài “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973 lấy bút danh là Người xây dựng. Tác giả cũng chỉ rõ: Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó, ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

PV: Đồng chí có cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của CB, CC hiện nay đang cản trở sự phát triển?

PGS, TS Lê Văn Cường: Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, không dám nghĩ, không dám làm khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, kìm hãm tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Hàng loạt dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép. Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành rất thấp...

Cũng do cán bộ sợ trách nhiệm, chần chừ, né tránh, không quyết, không làm nên dẫn tới tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số địa phương, ngành, lĩnh vực, kể cả những nơi được đánh giá là có thế mạnh, mũi nhọn kinh tế gần như đứng im, thậm chí tăng trưởng âm trong khi các nguồn lực, tiềm lực phát triển kinh tế của đất nước hiện còn rất lớn. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, do sợ trách nhiệm, sợ làm sai, sợ bị kỷ luật nên nhiều địa phương, cơ sở y tế không dám tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thiết bị máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PV: Để đặc trị "bệnh sợ sai", không để lan ra diện rộng, theo đồng chí, đâu là giải pháp mang tính toàn diện?

PGS, TS Lê Văn Cường: Để trị căn bệnh này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cá nhân về việc CB, CC có dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung hay không? Ngay cả việc khuyến khích, bảo vệ như thế nào để cán bộ không sợ sai, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của người đứng đầu. Điều quan trọng vẫn là người đứng đầu các cấp có dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, việc làm vì lợi ích chung của cán bộ cấp dưới hay không.

Cùng với đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải kiên quyết bảo vệ và có những khuyến khích đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung. Người làm việc tốt, có nhiều cống hiến, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể phải được tôn trọng, được hưởng đầy đủ các chính sách đãi ngộ từ vật chất đến tinh thần và bố trí, cất nhắc vào các vị trí công tác xứng đáng. Còn những ai thiếu trách nhiệm, thấy dễ mới làm, khó thì tránh, làm việc hời hợt lại vụ lợi, nịnh hót, chỉ biết mưu lợi cho riêng mình phải phê phán kịch liệt và có thể đưa ra khỏi cơ quan, đơn vị. Khuyến khích, bảo vệ sự đột phá, sáng tạo vì cái chung, nhưng không vì thế mà lợi dụng để làm sai nguyên tắc. Nếu có sai phạm thì cần xem xét cụ thể, do làm ẩu hay do năng lực, hoặc điều kiện khách quan. Có nhìn vấn đề thấu lý, đạt tình mới đánh giá đúng cán bộ.

leftcenterrightdel

PGS, TS Lê Văn Cường

PV: Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có động cơ trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, theo đồng chí, hệ thống pháp luật cần phải được hoàn thiện như thế nào?

PGS, TS Lê Văn Cường: Hiện nay, chúng ta còn tồn tại thực trạng một số quy định pháp luật chồng chéo, thiếu tính thống nhất, thiếu đồng bộ, liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm khi có khuyết điểm. Chính vì vậy, chúng ta cần chú trọng hoàn thiện các hệ thống quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu là vấn đề then chốt trong nhiệm vụ then chốt. Đi liền với đó là chủ trương khuyến khích, bảo vệ họ phát huy tốt các phẩm chất đáng quý ấy. Gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nêu rõ chủ trương này. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ cũng quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, sát thực hơn nữa. Đó là hệ thống quy định, quy trình công tác minh bạch. Cán bộ được đánh giá, bổ nhiệm bằng chính năng lực, phẩm chất của họ. Đó là môi trường thật sự bình đẳng, nhân văn để mọi người thấy hạnh phúc khi được làm việc. Môi trường ấy không chỉ là các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, hay tiền lương, thu nhập cao, bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống mà còn là tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, là sự ứng xử văn hóa của cán bộ giữa các cấp, các lĩnh vực chuyên môn, các bộ phận công tác. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tại Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 28-7-2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã quy định rõ một trong những nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng là: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục

VĂN TUẤN - HẢI LÝ (Thực hiện)