PVThưa ông, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật của ĐHQGHN chính thức được ra mắt với lĩnh vực đào tạo mới có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Có thể nói quyết định chuyển đổi Khoa Các khoa học liên ngành thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thể hiện những cố gắng và nỗ lực của đơn vị trong 22 năm xây dựng và phát triển. Với việc lần đầu tiên một đơn vị đào tạo về liên ngành, sáng tạo và nghệ thuật xuất hiện trong hệ thống ĐHQGHN đã khẳng định vị trí của ĐHQGHN với tư cách là một cơ sở giáo dục tiên phong trong việc xây dựng các mô hình giáo dục-đào tạo mới và dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học cả nước.

Sự ra đời của nhà trường đồng thời tạo ra một cơ sở giáo dục về sáng tạo nghệ thuật có bản sắc trên nền tảng khoa học cơ bản vững chắc và mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Đó cũng chính là tiền đề để nhà trường có điều kiện xây dựng và triển khai nhiều chương trình đào tạo liên ngành mới mang tính ứng dụng thực tiễn và bắt nhịp với xu thế giáo dục-đào tạo trên thế giới, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, góp phần triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa-sáng tạo của đất nước. Qua đó, nâng cao tầm ảnh hưởng ở trong nước và quốc tế, hướng tới trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.

PV: Hướng đào tạo, mục tiêu mà nhà trường đề ra có gì đặc biệt, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Trong năm học 2024-2025, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sẽ tiến hành tuyển sinh 7 chương trình đào tạo, bao gồm 6 chương trình bậc cử nhân là: Quản trị thương hiệu; Quản trị tài nguyên di sản; Quản lý giải trí và sự kiện; Quản trị đô thị thông minh và bền vững; Thiết kế sáng tạo (với 3 định hướng chuyên ngành là đồ họa công nghệ số, thời trang và sáng tạo, thiết kế nội thất bền vững); Nghệ thuật thị giác (với 2 chuyên ngành là nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật tạo hình đương đại); và 1 chương trình đào tạo kiến trúc sư với định hướng chuyên ngành là Kiến trúc và thiết kế cảnh quan. Có thể thấy, các chương trình đào tạo của nhà trường tập trung ở các lĩnh vực mang tính liên ngành, sáng tạo và nghệ thuật.

Với định hướng này, chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên đào tạo các chương trình đào tạo mang định hướng liên ngành và ứng dụng tại ĐHQGHN; hướng tới mục tiêu là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy liên ngành, tinh thần khai phóng và tầm nhìn toàn cầu, trong đó nhấn mạnh ở khả năng ứng dụng lý thuyết và giải quyết nhiều bài toán thực tiễn, năng lực thích ứng với nhiều vị trí việc làm và môi trường làm việc khác nhau, nhanh chóng tiếp cận với các xu thế phát triển của thế giới.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu. 

Để đạt được các mục tiêu kể trên, các chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng trên nền tảng chú trọng năng lực thực hành với thời lượng của hầu hết các học phần thực tập, thực tế được kéo dài so với các chương trình truyền thống. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng môi trường học tập khai phóng, đề cao tinh thần phản biện của sinh viên thông qua bổ sung các môn học kỹ năng mềm. Hằng năm, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bên liên quan, nội dung chương trình đào tạo đều được đánh giá, rút kinh nghiệm và tinh chỉnh, nhằm bảo đảm chuẩn đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.

PV: Giáo dục nói chung, nghệ thuật nói riêng theo hướng đa ngành, liên ngành đang là mô hình giáo dục được quan tâm hiện nay. Ông đánh giá tính ưu việt, hay nói cách khác vì sao đây là mô hình cần hướng đến?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Mặc dù là xu hướng mới bắt đầu được thừa nhận trong xã hội, song giáo dục nghệ thuật liên ngành vẫn thực sự là một triết lý giáo dục mới. Bản thân chúng tôi cũng đang trong quá trình xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình đào tạo về liên ngành nên cũng thường xuyên phải tự đánh giá và rút kinh nghiệm. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng quan điểm giáo dục liên ngành hiện nay đang chứng minh được tính ưu việt của nó. Tôi xin được lấy ví dụ từ trường hợp giáo dục liên ngành trong lĩnh vực nghệ thuật.

Theo đánh giá tổng kết của các chuyên gia về thực tiễn phát triển của các mô hình đào tạo thực hành về sáng tạo, nghệ thuật trên thế giới, đào tạo nghệ thuật theo định hướng liên ngành chứng minh sự khác biệt so với mô hình giáo dục nghệ thuật truyền thống ở một số khía cạnh, chẳng hạn: Từ góc độ nội dung kiến thức, có thể thấy đào tạo nghệ thuật truyền thống mang nặng tính chuyên ngành, chuyên sâu. Bên cạnh đó, cấu trúc tương đối khép kín của chương trình đào tạo cũng cản trở người học tự khám phá và phát triển năng lực của bản thân đối với nhiều loại hình nghệ thuật. Vì thế, để có thể theo kịp được xu hướng phát triển đa dạng của văn hóa nghệ thuật hiện nay, hầu hết sinh viên đều phải tự học và trang bị thêm những kiến thức khác. Điều này cũng thu hẹp phạm vi tìm kiếm vị trí việc làm của nhiều người học khi tốt nghiệp, tạo ra sự lãng phí rất lớn cả về tài chính cũng như công sức đào tạo của Nhà nước và xã hội.

Xét ở góc độ hiệu quả và mức độ ảnh hưởng phục vụ phát triển, trong khi mô hình giáo dục nghệ thuật truyền thống chủ yếu được định hướng trong việc phát triển khả năng sáng tạo của từng cá nhân; thì các chương trình giáo dục định hướng công nghiệp văn hóa lại thường chú trọng hơn đến việc phát triển cộng đồng thực hành, trong đó mỗi cá nhân với vai trò khác nhau đều trở thành một mắt xích trong một hệ sinh thái sáng tạo.

Từ góc độ quản lý nhà nước, việc chỉ phát triển mô hình đào tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống tại các trường chuyên ngành cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong bồi dưỡng, quản lý và định hướng các giá trị văn hóa, nhất là trong bối cảnh phát triển như vũ bão của nền công nghiệp văn hóa và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

leftcenterrightdel
GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chúc mừng Ban giám hiệu Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. 

PV: Theo ông, đào tạo lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật hiện nay cần chú trọng những gì để bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo cũng như đóng góp thiết thực cho xã hội.

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Mặc dù vẫn có ý kiến tỏ ra lo ngại về những khó khăn trong hoạt động đào tạo bao gồm vấn đề tuyển sinh và cơ hội việc làm đối với các lĩnh vực nghệ thuật; nhưng theo tôi hiện nay, việc phát triển đào tạo về sáng tạo nghệ thuật thực chất đang mở ra cơ hội phát triển cho các cơ sở giáo dục, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguồn nhân lực cao phục vụ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo không ngừng tăng lên. Tất nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này đòi hỏi kiến thức và kỹ năng đa dạng, có khả năng hội nhập tốt, đồng thời có khả năng thương mại hóa, tạo ra giá trị từ các sản phẩm nghệ thuật và thích ứng với nhiều vị trí công việc trong hệ sinh thái của công nghiệp văn hóa.

Do đó, để thích ứng với yêu cầu trên, các cơ sở đào tạo bên cạnh kiên trì theo đuổi các quan điểm giáo dục liên ngành tiến bộ và mang tính ứng dụng cao thì cũng cần phải đặt hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động và các xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam và trên thế giới. Những người làm giáo dục nghệ thuật cũng phải từng bước nâng cao chất lượng của cơ sở vật chất, tạo ra môi trường đào tạo năng động, hấp dẫn và đặc sắc cho từng chương trình đào tạo, tạo cơ hội để sinh viên sớm xây dựng kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

PV: Cụ thể nhà trường đã chuẩn bị như thế nào để bước vào năm học tới đây?

PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu: Có thể nói năm học này là một trong những năm học bản lề của nhà trường khi từng bước định hình, định hướng và triển khai các chương trình đào tạo mới. Nhà trường đã thực hiện nhiều chiến lược khác nhau nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón lứa sinh viên mới. Chúng tôi cho rằng quan trọng nhất chính là đội ngũ giảng viên. Thời gian vừa qua, nhà trường đã thu hút nhiều giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở nhiều trường đại học có uy tín trong nước và trên thế giới, nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế nổi tiếng... về công tác. Nhà trường đã thực hiện việc ký kết với gần 100 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên trong năm học tới; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm mở ra các cơ hội trao đổi hợp tác và trải nghiệm trong môi trường giáo dục có chất lượng cao cho sinh viên thông qua triển khai chương trình công nhận tín chỉ, chương trình liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế có uy tín.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!