Và không ít chàng trai, cô gái trong lớp thanh niên ấy đã mãi mãi không về. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một trường hợp như thế.
Trong cuốn nhật ký “Chuyện đời” (“Mãi mãi tuổi hai mươi”, do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu), Nguyễn Văn Thạc đã viết: “Ta đã mấy lần hành quân bên sông Tô Lịch, ta yêu sông vì bọt tăm sủi, vì màu xanh non, tươi trẻ có công vun đắp của dòng sông. Có phải lòng sông đã quên mình nhơ bẩn, đã chịu lòng mình mang mùi vị ấy để đem cho đời những cọng rau muống tươi kỳ lạ, để đem màu hồng tươi cho thành phố. Sông Tô ơi, mai trở về, ta khơi lại dòng sông, cho tuổi thơ vẫy vùng, cho con thuyền anh chở em đi, đi vòng quanh thành phố”. Những dòng cảm xúc này được anh viết trong những ngày đầu mới xa Hà Nội. Vào một đêm rất thanh bình ở núi rừng Hà Bắc, Nguyễn Văn Thạc đã rất nhớ Hà Nội và liên tưởng đến những ngày còn ở Thủ đô. Rồi anh tự hỏi: “Có gì khác với nơi ta ở, nơi ta gửi gắm tuổi thơ như vậy?”. Trong nỗi nhớ của anh, “Hà Nội là ngôi nhà nhỏ bên cái ao nhỏ... Là phố Nguyễn Du với đường cây ven hồ, ở đó có ngôi nhà 72 vừa gần gũi, vừa xa lạ, xa vời. Là đường Bà Triệu, thư viện, Hồ Tây… Là những kỷ niệm thấm mát tâm hồn… Nghĩ đến Hà Nội là nghĩ về Như Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu”...
Nguyễn Văn Thạc (bên phải) và bạn trước ngày nhập ngũ, năm 1971. Ảnh: thanhnien.vn
Quả thực, trong ký ức Nguyễn Văn Thạc, thủ đô Hà Nội thật đẹp và thơ mộng, là tình yêu thương vô bờ bến. Trên con tàu từ Bắc vào Nam, rất nhiều đêm anh đã thức trắng chỉ vì trôi theo dòng suy nghĩ và “mơ về nơi xa lắm”. Nghe tiếng còi tàu từ xa quăng lại cũng khiến anh thấy nhớ quê hương đến nao lòng. “Nhớ lắm! Nhớ lắm! Nhớ cái mùa hè đã đi qua như một đốm sáng… Nhớ cả cái cành khô ở trước sân. Mùa hè gửi lại vườn cây dâu Tàu, quả đỏ tím, đỏ rực, ăn chua rôn rốt-Cả tiếng ếch ì ộp ở cái ao nhỏ trước nhà”… Cũng trên con tàu ấy, anh không sao quên được hình ảnh: “Tàu qua Cửa Nam, những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường-Gửi hộ nhé, gửi hộ nhé-Báo cho những người thân của chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9-4-1972”.
Có biết bao cảm xúc vui buồn, nhớ nhung xen lẫn trên đường hành quân của anh và đồng đội, nhưng bao trùm lên tất cả trong những trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” là tinh thần lạc quan, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của người thanh niên trí thức Hà Nội. Đến những dòng cuối cùng trước khi khép lại cuốn nhật ký để đi vào chiến trường Quảng Trị, anh vẫn rất lạc quan: “Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi… Kính chào hậu phương-chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi”.
Niềm mong ước, khát khao được trở về Hà Nội luôn đau đáu trong lòng anh lính binh nhì là như thế. Nhưng, ước mơ ấy mãi không thể trở thành hiện thực. Trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc đã bị thương rất nặng. Anh đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội vào ngày 30-7-1972.
Nguyễn Văn Thạc cùng biết bao thanh niên Hà thành tài hoa, ưu tú đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một tổn thất to lớn của Thủ đô và cả dân tộc ta. Như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một người bạn của Nguyễn Văn Thạc ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập ngũ cùng ngày 6-9-1971 đã nói: “Một thế hệ trẻ nhất, ưu tú nhất của thủ đô Hà Nội đã lên đường ra trận. Mỗi một mảnh đất máu lửa gắn đầy kỷ niệm của chúng tôi, đã giữ gìn bằng chính máu xương mình”.
Sau ngày hòa bình lập lại, gia đình Nguyễn Văn Thạc đã tìm được mộ và đưa hài cốt của anh từ Quảng Trị về Hà Nội vào năm 1977. Hiện, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đang được yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội cùng với Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và hơn 2.100 liệt sĩ khác của TP Hà Nội. Mặc dù nghĩa trang hiện nay đang được tôn tạo, nâng cấp, nhưng theo các công nhân thi công tại đây thì hầu như ngày nào cũng có người đến mộ để thắp hương tưởng nhớ anh. Họ là những người thân, đồng đội, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn thành phố này.
Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14-10-1952 tại làng Bưởi, Hà Nội, sau này gia đình chuyển về quê sống ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm). Là một học sinh giỏi toàn diện, từng đoạt giải học sinh giỏi Văn thành phố (lớp 7) và học sinh giỏi Văn miền Bắc (lớp 10), nguyên là sinh viên Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh nhập ngũ ngày 6-9-1971, là chiến sĩ thông tin, tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa-Thiên Huế. Anh hy sinh ngày 30-7-1972 khi chưa tròn 20 tuổi.
MINH THÀNH