Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm thì trong khoảng 10 năm cuối (1965-1975) xuất hiện nhiều gương mặt thơ sáng giá, phần đông đang trong quân ngũ. Có thể kể những tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Bùi Minh Quốc, Anh Ngọc, Lưu Quang Vũ, Trần Mạnh Hảo, Trần Ninh Hồ, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Trần Nhương, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn...

Theo Đại tá, nhà thơ Vương Trọng ở một bài viết cách đây 16 năm, vào ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời, thì “người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ” chính là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Dàn hợp xướng nào cũng có một người lĩnh xướng (solo) tốt giọng, chuẩn kỹ thuật thanh âm. Người lĩnh xướng luôn được khán giả trông đợi... Trong dàn thơ chống Mỹ hùng hậu một thời ấy, nhà thơ Vương Trọng đánh giá cao nhà thơ Phạm Tiến Duật như thế không phải không có lý do.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh đầu năm 1941, quê ở Phú Thọ, từng học Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông tốt nghiệp đại học và quyết định nhập ngũ, có thời gian ngắn là pháo thủ ở một tiểu đoàn pháo cao xạ Tây Bắc; sau đó, ông vào Đoàn 559 trên đường Trường Sơn, sống, chiến đấu ở đó tới 8 năm. Binh nhì Phạm Tiến Duật ngày lên đường thật hồ hởi, đã có dự cảm về công việc sắp tới: Người làm thơ ấy đang trai/ Ra đi ve áo mang hai lá cờ. Ông có thơ đăng báo từ năm 1961, nhưng phải đến năm 1969, Báo Văn nghệ mở cuộc thi thơ mới bắt đầu lộ diện “người lĩnh xướng”. Từ trong khói lửa bom đạn, sốt rét rừng Trường Sơn, ông gửi ra chùm thơ gồm những bài: “Lửa đèn”; “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”; “Gửi em, cô thanh niên xung phong” và “Nhớ”. Chùm thơ được trao giải Nhất. Đến hôm nay, tờ báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam đã mở rất nhiều cuộc thi thơ, nhưng cuộc thi có chùm thơ của Phạm Tiến Duật vẫn được đánh giá là thành công nhất, thuyết phục nhất. Thời điểm trao giải (vào tháng 3-1970), nhà thơ không có mặt vì đang ở Trường Sơn.

Những năm sau đó, ông còn có nhiều tác phẩm được tìm đọc, phổ cập như: “Cái cầu”; “Công việc hôm nay”; “Tiếng cười của đồng chí coi kho”; “Tiếng bom ở Seng Phan”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Đèo Ngang”; “Qua cầu Tùng Cốc”; “Em là tia nắng”; “Nghe em hát trong rừng”... Năm 1970, Nhà xuất bản (NXB) Văn học cho ra mắt tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của Phạm Tiến Duật gây được tiếng vang lớn. Cũng năm ấy, NXB Quân đội nhân dân phát hành tập thơ nữa của ông cũng rất ăn khách: “Thơ một chặng đường”. Nhiều năm tiếp theo đến khi nhà thơ bị bạo bệnh, lần lượt có các tập: “Ở hai đầu núi”; “Vầng trăng và những quầng lửa”; “Nhóm lửa”...

 Chính con đường vận tải chiến lược chi viện chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước đã khởi sắc, nâng cấp thơ Phạm Tiến Duật. Ở chiều ngược lại, cán bộ, chiến sĩ trên đường Trường Sơn cũng như bạn đọc cả nước yêu quý, tán thưởng bởi nhà thơ đã nói hộ tâm tư, tình cảm và việc làm của người lính Trường Sơn bằng thứ nghệ thuật đi vào lòng người theo một cách riêng không lẫn với ai. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương đã khái quát: “Thơ anh là thơ viết ở chiến trường, lấy đời sống chân thực ở chiến trường làm cốt lõi. Phạm Tiến Duật không né tránh bất kỳ loại chất liệu hiện thực nào, thơ anh không sợ sự khô ráp bụi bặm, nó không cần một thủ pháp mỹ lệ hóa nào... do vậy gắn rất chặt với đời sống. Mỗi chi tiết như một hiện vật bảo tàng, nó lưu lại dấu vết của một thời, tự nó biết cất lên tiếng nói với bạn đọc, không cần đến lời bình luận thuyết minh” (theo "Nhà thơ Việt Nam hiện đại", NXB Khoa học xã hội, 1984).

leftcenterrightdel

Nhà thơ Phạm Tiến Duật ở rừng Trường Sơn, năm 1969. Ảnh tư liệu 

Trở lại với chùm thơ đoạt giải nhất, 4 bài thơ là 4 chủ đề hết sức đặc trưng. Bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, câu mở đầu giống khẩu ngữ: Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt. Nhà thơ đi qua một cung đường miền Trung thì gặp nhóm thanh niên xung phong bảo đảm giao thông, san lấp hố bom trong đêm. Chỉ nghe tiếng cười nói nhí nhảnh của các cô gái khi mà cái chết luôn rình rập: Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn. Và “Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón” không cho anh rõ mặt người con gái Hà Tĩnh đã đùa với anh “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn". Rồi hỏi chuyện, trong anh chợt dâng đầy tình thương mến, cảm phục khi biết sinh hoạt hằng ngày của các cô gái: Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà. Sau cuộc gặp thoáng chốc ấy, Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều/ Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Đất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim... (Sau ngày hòa bình, o Nhị-cô gái Thạch Nhọn Thạch Kim gặp lại nhà thơ xiết bao cảm động vì cuộc gặp thoáng chốc ấy). Toàn bài thơ như một thiên ký sự, người đọc cảm nhận được chất thơ của hiện thực sống, chiến đấu nơi tuyến lửa ác liệt vẫn chan chứa tình người.

Bài “Nhớ”, thể tứ tuyệt, thuật lại lời một chiến sĩ lái xe: Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. Khắc họa “tư thế sốt ruột” của chiến sĩ lái xe bị thương phải xa cung đường thật cụ thể mà khái quát về người lính Trường Sơn dũng cảm, lạc quan. Đến bài “Lửa đèn”, như đánh giá của nhà thơ Vương Trọng thì “... thật hay bởi vừa trữ tình vừa mang đẫm hơi thở cuộc chiến. Đó là bài thơ hoành tráng nói lên tầm vóc của tác giả”. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” có 8 khổ, đều một giọng điệu tự nhiên, thô ráp kiểu như: Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha... Khó có bài thơ nào về anh lính lái xe Trường Sơn ngang tàng, gần gũi được như thế!

Bên cạnh chất đời sống, chất lính, thơ Phạm Tiến Duật còn giàu sự suy tưởng thông minh, hóm hỉnh, đôi khi gần với chất thông tấn. Bài "Công việc hôm nay" là một ví dụ. Mở đầu toàn liệt kê những tin tức thường nhật: Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng/ Về số máy bay rơi trong ngày và tàu chiến cháy,/ Nha Khí tượng báo tin cơn bão tan,/ Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy/ Trong những tờ trình Thủ tướng đọc trong đêm/ Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên ... Cái hay không phải ở chỗ đã đưa vào các bản tin, mà là giữa những sự kiện bộn bề của đời sống, tác giả vẫn nhìn thấy chất thơ ẩn giấu ở chi tiết “hoàn thành bộ thông sử đầu tiên”...

Ngoài những tập thơ kể trên, nhà thơ Phạm Tiến Duật còn viết hai trường ca: "Tiếng bom và tiếng chuông chùa"; "Những vùng rừng không dân". Trường ca của ông còn có thêm nhiều suy tư liên tưởng phảng phất huyền thoại, sử thi. Giai đoạn cuối đời, ông viết tiểu luận, tản văn về chuyện nghề và chân dung bạn bè: "Vừa làm vừa nghĩ". Tập này chủ đề phong phú, cách viết linh hoạt, đã được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.

 Một năm sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị tôi đang làm việc là Cục Kiến thiết cơ bản (Tổng cục Hậu cần) sáp nhập với Đoàn 559-Binh đoàn Trường Sơn thành Tổng cục Xây dựng kinh tế (Bộ Quốc phòng). Điều này dẫn đến may mắn, tôi cùng đơn vị với Trung úy, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông vừa đi qua cuộc chiến, danh nổi như cồn, lúc đó thuộc biên chế Cục Chính trị (Đoàn 559 trước đây). Những lần gặp nhau, tôi vẫn giữ nguyên lòng ngưỡng mộ thơ ông từ trước, còn ông thì luôn coi tôi như một bạn văn gần gũi (tôi kém ông 7 tuổi). Đến một ngày, tôi tập hợp các bài thơ tình, thơ thế sự mới viết hoặc đã đăng báo nhờ ông góp ý. Sau khoảng một tuần, ông trả lại bản thảo, còn thêm vào một bài ngắn với tiêu đề “Tâm từ”. Tôi rất bất ngờ. Ông vui vẻ giải thích, "Tâm từ" ở đây với nghĩa là lời đề từ của trái tim. Rồi tôi cho ra mắt tập thơ đầu, tựa là "Gió lang thang" (NXB Văn học), trong đó có bài "Tâm từ" ngắn gọn, súc tích, đầy thiện ý của Phạm Tiến Duật: “Tôi đọc xong tập bản thảo "Gió lang thang" của anh Phạm Quang Đẩu và có ý muốn viết mấy dòng ở cuối sách. Anh Phạm Quang Đẩu bảo rằng có lẽ không cần, cứ để bạn đọc khách quan mở đọc, hay-dở tự họ phán xét thì hơn. Ngẫm nghĩ thấy anh nói phải. Tôi nguyên là bạn lính của anh 20 năm trước, lại cùng một đơn vị. Chưa thể gọi là đã thuộc tính nết, nhưng cũng tạm gọi là hiểu nhau. Ấy vậy mà mấy tuần trước, tôi đọc tập tiểu thuyết mới xuất bản của anh và thấy vô cùng ngạc nhiên. Hình như tôi đã thấy một Phạm Quang Đẩu khác. Bởi thế, tôi đọc tập "Gió lang thang" còn như cộng thêm một sự tò mò. Thì vẫn còn đây một Phạm Quang Đẩu dễ vui, dễ cười, hóm hỉnh và dễ mặc cảm. Nhưng quả là đã có một Phạm Quang Đẩu mới, thật trẻ trung trong giọng điệu và thâm trầm xen lẫn se sót trong suy tư...”.

Phạm Tiến Duật là cánh chim đầu đàn của thế hệ chúng tôi. Thơ ông trong thời chiến cũng như thời bình đều đậm đặc chất đời sống, chất trí tuệ với cảm xúc chân thành, mới mẻ và đam mê. Dòng thơ ấy cũng thể hiện nhân cách, tâm hồn ông, luôn cháy hết mình cho lý tưởng cách mạng, một người lính sống nghĩa tình với đồng chí, đồng đội!

PHẠM QUANG ĐẨU