Bản thân tên bệnh đã tóm tắt rõ đặc điểm của căn bệnh này: Sốt và rét. Sốt càng cao thì càng rét hơn. Khi thấy hơi gai gai rét trong sống lưng, mũi thở ra hơi nóng, mồm miệng nhạt phèo không muốn ăn, sốt 38 độ rưỡi trở xuống, là dạng bệnh nhẹ. Chỉ cần uống nivaquine dạng viên nén màu trắng hay viên ký ninh (quinine) màu vàng, hoặc hiếm thuốc thì có thể tìm cây canhkina cao vút như cây xoan mọc rải rác trong rừng, đẽo lấy vỏ cây rồi đun lên như sắc thuốc bắc, lấy nước mà uống. Cả 3 loại thuốc này đều rất đắng, song chịu khó uống điều trị dăm bảy ngày là có thể khỏi. Nếu đến mức rét run, hai hàm răng va nhau cầm cập, đắp 3, 4 cái chăn vẫn không thấy đủ, là dạng nặng, sốt 39 đến hơn 40 độ C, uống thuốc không đủ “đô” thì phải tiêm thuốc trị sốt rét vào mông. Người tiêm cần có trình độ tay nghề vững mới biết cách tiêm đúng huyệt trên mông bệnh nhân. Thường khi vừa đâm kim tiêm vào mông người bệnh, người tiêm sẽ yêu cầu người bệnh phải gập ngược chân ở phía mông đang bị cắm kim lên. Nếu chân không gập được, hoặc gập mà thấy đau buốt, tức là đã cắm sai huyệt thì tuyệt đối không được bơm thuốc, phải rút ra tìm chỗ cắm lại, bởi nếu bơm thuốc vào, thuốc sẽ giết chết đầu dây thần kinh cử động chân, làm người bệnh chưa khỏi sốt rét đã thành phế nhân.

Nguyên tắc kiểm tra đề phòng đã như vậy, song thỉnh thoảng vẫn có tai nạn xảy ra, có một số người bị thọt vì tiêm mông khi sốt rét. Dạng nặng nhất của bệnh này là sốt rét ác tính, bệnh nhân sốt đến 41 độ C hoặc cao hơn nữa. Người nóng như hòn than, mồ hôi vã ra đầm đìa, co giật, hôn mê dẫn đến cái chết chỉ trong vòng một, hai ngày. Có người bị sốt nhẹ tiến tới sốt nặng, rồi thành ác tính. Nhưng cũng có người bất thình lình đổ bệnh và nhanh chóng chuyển sang ác tính.

Trung đội 3 đóng quân ở phía bờ Bắc sông Tôm Ru, muốn sang trạm phẫu (tên gọi một bệnh xá hoặc bệnh viện dã chiến nhỏ ở Trường Sơn) cắm chốt phía bờ Nam, chỉ có một đường duy nhất là lội qua ngầm Tôm Ru, tức là đoạn đường lát đá chìm dưới mặt nước. Mùa khô, ô tô qua ngầm, chỗ sâu nhất cũng chỉ ngập bánh xe. Người chống gậy lội qua, nước trong nhìn rõ từng viên đá, phải cẩn thận để không bị lọt bàn chân xuống kẽ đá, có thể gây sai khớp, bong gân hoặc nhẹ thì đứt chân chảy máu. Nhưng đến mùa mưa, nước thường xuyên dâng cao, không thể lội qua ngầm được, chỉ còn cách duy nhất là bơi qua. Đó là cái khó, là tai họa cho ai phải đi viện, trong khi mùa mưa lại là thời gian bệnh sốt rét hoành hành dữ dội nhất. Ngay từ đầu tháng bảy, lần lượt mọi người trong trung đội bị sốt rét quật ngã. Lạ là hầu như người nào to béo thường bị trước, người gầy lại cầm cự lâu hơn.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Tôi rời nhà đi TNXP tháng 9-1965 chỉ có 42kg, sau 3 năm cũng thêm chừng 3-4kg, thuộc loại nhẹ cân, gầy gò nhất tiểu đội. Anh Cư-tổ trưởng to con, nặng cân, bị sốt đầu tiên trong số 4 người cùng nhà thùng. Anh mới bị dạng nhẹ, uống thuốc điều trị tại nhà. Đại đội đã có 6 người sốt nặng, y tá theo dõi, cấp thuốc uống hằng ngày. Hai người sốt cao, y tá cấp thuốc 4, 5 ngày không đỡ, phải chuyển đi viện. Nước sông tuy dâng cao nhưng dòng chảy không mạnh lắm, có thể đặt bệnh nhân và đồ đạc lên bè tre tự chế, chọn 4 người khỏe biết bơi, hai người bơi trước buộc dây vào bè, vừa bơi vừa kéo, hai người bơi sau vừa bơi vừa đẩy, cùng đưa bè qua sông. Sang bờ bên kia, đưa bệnh nhân lên võng, luồn đòn tre dài qua hai đầu võng buộc dây chắc chắn, chia hai kíp, mỗi kíp hai người, đặt đòn tre lên vai, luồn lối mòn trong rừng, cáng bệnh nhân tới viện.

Cậu Đảm cùng huyện với tôi, cũng từ Đại đội 7 TNXP sang, lại về cùng b3, nhưng khác tiểu đội, thuộc dạng người to béo. Nó bị sốt nhẹ dai dẳng, cứ 3, 4 ngày sốt và uống thuốc, khỏi được vài hôm lại sốt tiếp, chu kỳ lặp đi lặp lại kéo dài, khật khừ mấy tuần liền. Thế rồi một hôm bỗng trở nặng, chuyển thành ác tính. Thật oái oăm là đúng đợt mưa to kéo dài cả tuần, sông Tôm Ru lũ về dâng cao ngập tới lưng bụi tre trên bờ. Hàng trăm cây rừng to nhỏ bị bật gốc, rất nhiều cành củi khô tụ thành đống từ phía thượng nguồn, theo dòng nước đục ngầu sủi bọt, cuồn cuộn gầm réo, phăng phăng lao về phía hạ nguồn nhanh như tên bắn. Mặt sông trở nên rộng gấp 5, gấp 7 lần so với dòng nước hiền hòa mùa khô. Đừng nói là người, mà chắc ngay cả ca nô loại lớn hoặc xe tăng lội nước cũng không thể vượt qua sông trong mấy ngày này được. Nghe tin dữ, tôi vội sang thăm, nhìn Đảm ngón tay xương xẩu co quắp, mặt vàng sậm gầy rộc, gò má hóp nhô cao, hốc mắt lõm sâu, hai bờ mi khép chặt cùng hàng ria đen lưa thưa trên miệng co giật liên hồi. Thân hình teo tóp đang chống chọi với các cơn co giật cứ cong gồng lên từng đợt, từng đợt mãi không dứt. Tôi và Trung đội phó thay nhau lay gọi: "Đảm ơi! Đảm, Đảm ơi!".

Ngay lúc đó, Trung đội trưởng Bình bước xuống nhà thùng. Anh bảo đã điện cấp báo với chỉ huy đại đội. Y tá Dân cho biết sẽ xuống ngay bây giờ, nhưng cũng nói đã chuyển sang ác tính thì chỉ có cách đưa gấp đến viện mới may ra cứu được. Anh cúi xuống vỗ nhẹ vào vai Đảm, nghẹn ngào động viên: "Đảm, Đảm ơi! Em cố gắng lên! Sáng mai lũ đỡ, anh sẽ cho cả tiểu đội chở bè, đưa em sang viện ngay". Nói xong, anh ra lệnh cho mọi người ai về nhà nấy, đi ngủ để lấy sức, sáng mai lũ rút, sẵn sàng đưa Đảm qua sông.

Trời tảng sáng, tôi chạy sang nhà thùng nơi Đảm nằm. Vừa nhìn thấy tôi, anh Bình buồn bã lắc đầu. Tôi xuống đứng bên sạp nứa, có mặt y tá Dân bên cạnh, cùng chứng kiến Đảm chết dần từng phút trong vật vã, đớn đau. Hình như nó cũng đã cố sức gắng gượng chiến đấu với tử thần suốt đêm qua. Nhưng căn bệnh quái ác đã nhân lúc đơn vị đói cơm, trời mưa lũ lớn, khiến con người trở nên nhỏ bé, yếu đuối, bất lực. Khi từ cái miệng với bờ môi đã đổi thành màu xám đen trào ra thứ dịch mật xanh lè, chảy tràn qua hai khóe mép, cũng là lúc các cơn co giật quằn quại thưa dần rồi dừng hẳn. Đảm trút hơi thở cuối cùng trong tiếng mưa rơi sầm sập trên mái nứa nhà thùng. Xa ngoài kia, sông Tôm Ru vẫn gầm gào trong cơn lũ khủng khiếp giữa mùa mưa Trường Sơn. Lần đầu tiên từ khi rời làng, tôi khóc thành tiếng, nước mắt chảy ròng trên má, hòa trong tiếng nấc nghẹn ngào của những đồng đội xung quanh. Đó là buổi sáng ngày 20-7-1968, sau 4 tháng 1 tuần chúng tôi chuyển từ TNXP Đại đội 7 thành bộ đội thuộc Trung đoàn Công binh 251.

Cho tới cuối tháng 8-1968, ở Trung đội 3, Đại đội 8, số người chưa bị sốt rét chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, trong đó có tôi. Nhưng đến giữa tháng 9, tôi chính thức bị sốt rét quật ngã. Cứ đến chừng 3, 4 giờ chiều là xương sống ớn lạnh, đầu nhức, miệng đắng, hai lỗ mũi phả ra hơi thở nóng như ngửi hơi nồi nước xông. Đã thành lệ với lính công binh: Sốt nhẹ coi như không ốm, vẫn ra mặt đường tuần tra hoặc chặt cây, đào đất, san đường. Tổ trưởng và đồng đội trong tổ biết nên thường ưu tiên phân cho công việc nhẹ nhàng hơn. Bản thân phải chú ý giữ gìn không làm việc quá sức, đặc biệt là tránh dầm nước, dù là nước sông hay nước suối, tối kỵ nhất là nước mưa. Nếu để bị dầm nước lạnh, chắc chắn bệnh sẽ tăng nặng ngay lập tức. Uống thuốc và đi làm, hôm nào đuối sức quá thì báo cáo xin nghỉ nằm nhà.

Cầm cự được 3 tuần, sốt tăng cao trên 39 độ C liên tục 3 ngày, y tá quyết định chuyển tôi đi viện. Lúc này đã là cuối mùa mưa. Các trận mưa thưa dần, lượng mưa giảm rõ rệt qua từng tuần. Đường tuyến còn nhiều chỗ lầy bùn, nhưng con sông Tôm Ru đã trở về đúng dòng của nó, không tràn lan mênh mang như hồi tháng trước, tuy mực nước vẫn khá cao. Trung đội cắt cử hai người khỏe ở Tiểu đội 2 hộ tống tôi đi viện. Chỗ vượt sông chính là ngầm Tôm Ru. Lúc này lội qua ngầm, chỗ sâu nhất nước chỉ ngập ngang ngực. Tôi chỉ việc ngồi lên bè, một người lội trước kéo theo dây buộc chắc vào đầu bè, một người lội sau dùng tay đẩy bè. Đường đến viện men theo bờ sông, tương đối bằng phẳng. Mặc dù hai anh đã mang sẵn võng và đòn khiêng, nhưng tôi vẫn cố tự đi bộ. Một anh đi kèm bên, sẵn sàng dìu đỡ khi cần, một anh mang ba lô của tôi, đòn và võng đi sau hộ tống.

Tôi nằm viện điều trị đến ngày thứ năm thì hết sốt, được chuyển sang nhà thùng cùng với 3 bệnh nhân nhẹ khác. Mỗi ngày có 3 bữa ăn. Các bệnh nhân nhẹ, bữa sáng được trên lưng bát “B-52” (là tên bộ đội ta gọi loại bát sắt tráng men cỡ to gần gấp rưỡi bát ăn thông thường trang bị cho cá nhân) cháo hoa với đường. Buổi trưa được hai lưng bát cơm nhỏ. Thức ăn có rau dớn, thịt hộp hoặc cá sông, canh măng. Còn buổi chiều, mỗi bệnh nhân được lĩnh khẩu phần hai khúc sắn luộc, chấm bằng nước ma-gi. Ở đơn vị, mùa mưa ăn sắn luộc trừ bữa không có gì lạ, nhưng ngay cả khi nằm viện mà vẫn phải ăn sắn trừ bữa, mới thấy lính Trường Sơn gian khổ đến mức nào.

Nếu cứ để nguyên khúc sắn luộc mãi sẽ rất khó ăn nên ở đơn vị, mọi người nghĩ ra cách cho sắn luộc vào cối giã nhuyễn ra như làm bánh giầy, dễ ăn hơn, lâu bị ngán, lại ít bị ợ nóng hơn. Có cối là do mấy anh vốn xuất thân từ các gia đình có nghề truyền thống chế tác đá quê ở Ninh Bình và Đà Nẵng làm ra, ban đầu chủ yếu là để giã bột, tận dụng chế biến số gạo kém chất lượng do bị mốc, mọt hoặc chẳng may bao gạo tiêu chuẩn cả một tuần của trung đội bị ướt không thể phơi khô được giữa mùa mưa, sau dùng giã sắn. Song số cối đá chỉ trang bị đến cấp trung đội nên các tiểu đội phát huy sáng kiến dùng mũ sắt (ở Trường Sơn, loại mũ này được trang bị cho lái xe và bộ đội pháo cao xạ), lột hết ruột mũ ra, thay cho cối đá. Vậy nên khi đó ở viện Tôm Ru, cứ đến bữa chiều lại nghe lán này, lán kia thi nhau phát ra âm thanh côm cốp, cành cạch, do tiếng chày gỗ giã sắn luộc trong cối mũ sắt, và trong dàn âm thanh bộ gõ lạ lùng ấy có tôi tích cực góp phần!

Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong lần nằm viện đầu tiên vì sốt rét ở Trường Sơn.

Bút ký của VŨ MINH VỸ