Đó là hai câu thơ mà tôi thích nhất trong bài thơ “Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc-người tôi có may mắn cùng làm việc gần trọn 40 năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ theo tôi nhớ được làm năm 1994. Năm ấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cử một số nhà văn, nhà thơ gồm nhà văn Lê Lựu (thư ký tòa soạn), nhà thơ Anh Ngọc và nhà thơ Trần Đăng Khoa... đến chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng để thực hiện bài đối thoại trên tạp chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1994). Sau đó, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng viết bài đối thoại, còn nhà thơ Anh Ngọc ít lâu sau làm bài thơ này. Bài thơ như sau:

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù

Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây

Ông ra đi
Và...
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên

Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa

Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà văn, nhà thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại nhà riêng năm 1994. Nhà thơ Anh Ngọc mặc áo trắng (thứ hai, từ phải sang).  Ảnh do nhà thơ Anh Ngọc cung cấp 

Bài thơ ban đầu gặp khó khăn khi đưa in, theo tôi chắc vì khổ thơ đầu nghe rất buồn: Những đối thủ của ông đã chết từ lâu/ Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa/ Ông ngồi giữa thời gian vây bủa/ Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình!

Rồi nữa, có người còn cho rằng, bài thơ đã làm mất cả vẻ oai phong của vị Tổng Tư lệnh, người Anh Cả của Quân đội ta khi viết về tuổi già, về những ngày bình thường của Đại tướng: Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh/ Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy/ Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy...

...Rồi sóng gió cũng qua đi, bài thơ được các báo và tạp chí chính thống in, truyền thông quốc tế sử dụng; không những vậy còn được phổ nhạc, sau trở thành "bài ca đi cùng năm tháng". Lấy cảm hứng từ bài thơ “Vị tướng già”, mà theo tôi chắc từ hai câu thơ hay nhất của bài thơ: Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã sáng tác thành ca khúc “Còn mãi với mùa thu”. Có thời đây là ca khúc “hot” trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các báo và tạp chí, nhất là trên mạng xã hội. Người ta thống kê, chỉ trong vòng khoảng hai tháng kể từ khi lên sóng, ca khúc đã có hơn 80.000 lượt người nghe trên trang mp3.zing.vn. Đó là ca khúc “Còn mãi với mùa thu” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Niềm tiếc thương của nhạc sĩ đã tạo được sự đồng cảm đặc biệt với đông đảo những người yêu mến Đại tướng, trở thành ca khúc còn mãi với thời gian và đi cùng năm tháng!

Rõ ràng là ở đây có sự khởi nguồn của thơ, sự chắp cánh của nhạc, nhưng trên tất cả là lòng yêu mến, kính trọng của mọi người với Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu của đông đảo cán bộ, chiến sĩ ta, của các tầng lớp nhân dân ta!
Nói về bài thơ và số phận một thời của nó, Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc có lần tâm sự: “Nếu viết để phục vụ mục đích tuyên truyền cổ động thì người viết thường đi tìm chất anh hùng trong người bình thường, như cách biểu dương người tốt, việc tốt... Còn với văn chương nghệ thuật thì khác, cần phải tìm điều giản dị bình thường trong những điều cao cả khác thường. Một người anh hùng cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng ốm đau, cũng già cả và rồi cũng sẽ chết. Người anh hùng nhưng cũng không tránh được quy luật cuộc sống. Đó mới là cách nhìn, cách ngợi ca cao nhất, nhân văn nhất của văn học. Ở đây, tôi viết về một vị Đại tướng của nhân dân, tiêu biểu tượng trưng cho những người lính Cụ Hồ đi kháng chiến cứu nước. Lúc Tổ quốc lâm nguy thì xả thân mình. Khi giành được hòa bình rồi lại trở về đời thường, đối diện với những khỏe mạnh, yếu đuối của một con người bình thường. Đây là vị tướng của nghệ thuật. Cụ Giáp là nguyên mẫu nhân vật, nhưng bài thơ không vẽ truyền thần cụ Giáp”.

Tác giả bài thơ “Vị tướng già”, nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Ông còn có bút danh khác là Ly Sơn. Ông là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, là cựu sinh viên Khoa Văn học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguyễn Đức Ngọc từng dạy học ở Trường Trung cấp và Đại học Thương nghiệp. Giai đoạn 1971-1973, ông là bộ đội thông tin ở Mặt trận Quảng Trị. Những năm 1973-1979, Anh Ngọc là phóng viên Báo Quân đội nhân dân; từ năm 1979 là biên tập viên, cán bộ sáng tác thuộc Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có những cuốn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật.

Thập tam trại, hè năm 2021
NGÔ VĨNH BÌNH