NSND Quốc Trị:

“Vai Đại tướng để lại ấn tượng không thể quên”

QĐND - Năm 2004, kỷ niệm 60 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Viêt Nam, Đoàn Kịch nói Quân đội (Nhà hát Kịch nói Quân đội) dựng vở “Thông điệp từ Điện Biên” Kịch bản Nguyễn Khắc Phục, tôi được giao vai người chỉ huy cao nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đứng trước một kịch bản lớn và vinh dự giao nhập vai “Người Anh Cả của quân đội”, tôi rất vui và tự hào nhưng cũng rất lo lắng. Với mỗi nghệ sĩ, khi nhập vai, muốn thành công đều phải có sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, với vai Đại tướng, điều đó càng trở nên quan trọng hơn nhiều lần. Bằng sự hiểu biết của mình về Đại tướng, kinh nghiệm diễn xuất của một diễn viên-chiến sĩ và sự đóng góp ý kiến, uốn nắn, chỉnh sửa của đạo diễn, vai diễn ngày một tròn hơn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cán bộ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tại Pác Bó.

Cảnh trong phim “Người Anh Cả quân đội”. Ảnh: ĐỨC LONG

 

Một tháng trời, tập thể cán bộ, diễn viên của đoàn đã thực sự đổ mồ hôi trên sàn tập. Các tình huống, diễn biến tâm lý trên sân khấu của các nhân vật liên quan đến quyết định sinh tử “kéo pháo vào, kéo pháo ra” của người chỉ huy cao nhất mặt trận đã được các diễn viên thể hiện khá tốt. Đó là sự băn khoăn, thắc mắc của những người lính khi phải “kéo pháo ra”; của người dân địa phương, của dân công khi chưa thấu hiểu quyết định có vẻ như “khó hiểu” của người chỉ huy cao nhất mặt trận. Các nút thắt kịch tính của vở diễn được đẩy đến cao trào khi chiến dịch mở màn và giành thắng lợi. Trong vở diễn, tôi và Minh Hằng (Đại tá, NSƯT Minh Hằng, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội) khi đó trong vai vợ Đại tướng đã phối hợp ăn ý, thể hiện vai diễn khá thành công, nhất là trong những đoạn phản ánh diễn biến tâm lý, tình cảm khi người vợ có chồng đang trên mặt trận...

Trong dịp kỷ niệm này, Đoàn Kịch nói Quân đội đã biểu diễn nhiều buổi phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Điện Biên. Thật vui mừng, Đại tướng khi đó cũng thu xếp công việc để có mặt tại Điện Biên Phủ. Được chúng kiến tình cảm của bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên dành cho Đại tướng khi ông tới đâu là đoàn người lập tức tập trung đông đảo đến đó với ánh mắt vui mừng, ngưỡng mộ. Tôi nhớ, trong suất diễn phục vụ riêng Đại tướng và các đồng chí cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Điện Biên, nhiều người đã tỏ ra rất xúc động. Đại tướng đã phát biểu một câu nhiều ý nghĩa với mọi người: “Gặp được nhau đây là quý lắm rồi”.

NSƯT Trần Tựa:

“Đại tướng đã lau sạch giày trước khi bước lên cắt băng khánh thành”

Cũng trong năm 2004, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn Ca múa Quân đội (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) đã dàn dựng một chương trình ca múa nhạc hoành tráng lên phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những chương trình được TCCT đầu tư công phu nhất để thể hiện tình cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với mảnh đất nơi khai sinh của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Trong vòng hơn tháng trời, cán bộ, diễn viên của đoàn dưới sự chỉ huy của NSND Ứng Duy Thịnh đã miệt mài lao động nghệ thuật. Trong đợt lưu diễn ấy, vượt mọi khó khăn, anh chị em diễn viên đã mang lời ca, tiếng hát của mình cống hiến cho khán giả và giành được nhiều lời khen ngợi. Chúng tôi đã biểu diễn tại sân khấu chính của lễ mít tinh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử, tại đồn Phai Khắt, nơi chứng kiến thắng lợi đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng.

Vinh dự cho đoàn được tháp tùng Đại tướng thăm lại hang Pác Bó, suối Lê-nin, núi Các Mác, nơi Bác Hồ từng sống và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi thăm lại “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, Đại tướng đã dừng lại nhìn ngắm và ngồi vào nơi Bác Hồ từng làm việc. Bằng giọng mạch lạc, Đại tướng đã kể lại những mẩu chuyện về kỷ niệm giữa Đại tướng với Bác; những lời căn dặn của Bác với “người học trò” xuất sắc trong những năm tháng khó khăn nhưng đầy vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Đại tướng cũng không quên nhắc nhở các nghệ sĩ-chiến sĩ của đoàn tích cực luyện tập để phục vụ khán giả tốt hơn.

Khi Đại tướng đến Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, mọi người đã có mặt đông đủ sẵn sàng cho lễ cắt băng khánh thành nhà bia trung tâm. Tuy nhiên, do đường xa, trời mưa lầy lội nên đôi giày của Đại tướng lấm lem bùn đất. Không vội vàng, Đại tướng đã nhẹ nhàng tháo giày, lau sạch bùn đất rồi mới đề nghị Ban tổ chức tiến hành buổi lễ. Một việc làm nhỏ của Đại tướng nhưng thể hiện tấm lòng, tình cảm trân trọng của ông đối với lịch sử quân đội; với những chiến sĩ từng cùng ông tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân mà đến nay người còn, người đã ngã xuống trên chặng đường đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng…

NSND Lê Thi:

Tôi làm phim tài liệu “Người Anh Cả quân đội”

Phim “Người Anh Cả quân đội” (Kịch bản nhà văn Hữu Mai, đạo diễn Lê Thi, quay phim Lưu Quỳ, Phạm Minh Tuấn) được đoàn làm phim thực hiện trong khoảng thời gian trên dưới 1 tháng trong đó có 10 ngày trực tiếp thực hiện các cảnh quay tại nhà Đại tướng là nhân vật chính. Ấn tượng đầu tiên và điều bất ngờ nhất đối với đoàn làm phim là khi nghe yêu cầu của chúng tôi, như một người lính khi được giao nhiệm vụ, Đại tướng nói với nhà văn Hữu Mai và tôi: Cứ theo nội dung kịch bản mà làm!

Bất ngờ nhất là chuyện không hiểu Đại tướng đã tìm hiểu khi nào mà biết rất chi tiết và thông cảm với các nhà quay phim nhựa, phải rất tiết kiệm phim. Đại tướng còn biết cặn kẽ tỷ lệ cho phép là 2,75/1 (2,75 hình lấy 1) để từ đó tham gia với chúng tôi phương pháp làm việc khoa học, hợp lý.

Cũng do hiểu đặc thù công việc của những người làm phim tài liệu, hiểu và thông cảm với những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt, Đại tướng đã có sự ủng hộ “ngầm” về nhiều chuyện. Chẳng hạn: Trong quá trình quay phim, khi nêu yêu cầu và hẹn thời gian thực hiện, Đại tướng luôn sẵn sáng chấp nhận và có sự chuẩn bị kỹ về nội dung cần nói để tránh lặp lại; chuẩn bị bối cảnh, phục trang để đoàn làm phim không tốn thêm thời gian và nhất là chuẩn bị về sức khỏe. Tôi ấn tượng với điều này bởi trong điều kiện phải “đối mặt” với các loại máy móc đi kèm như ánh sáng, âm thanh; phải “tạo dáng” trước ống máy quay và nhất là phải tỉnh táo, không nói dài, nói thừa để “tiết kiệm” cho các nhà quay phim... nhưng Đại tướng vẫn vui vẻ và đủ sức thực hiện “nhiệm vụ” đến những cảnh quay cuối cùng.

Một chi tiết thú vị khác phát sinh ngoài kịch bản nhưng khi được đề nghị, chúng tôi rất vui khi được Đại tướng ủng hộ ngay và sau này tạo nên dấu ấn của bộ phim, khắc họa rõ nét thêm chân dung Đại tướng “Văn-võ song toàn”. Khi chúng tôi đề nghị Đại tướng cho phép mời một số văn nghệ sĩ đến trò chuyện về văn nghệ. Đại tướng đã đồng ý ngay và một cuộc gặp gỡ văn nghệ dự kiến kéo dài trong 1 tiếng đồng hồ đã “phát sinh” thêm 1 tiếng nữa. Tôi nhớ hôm đó, các nghệ sĩ quân đội như: Huy Thục, Hữu Mai, Lê Lam... và một số ca sĩ đã rất thăng hoa khi được trò chuyện, biểu diễn, chia sẻ với Đại tướng nhiều câu chuyện về hoạt động văn nghệ trong và ngoài quân đội...

Bộ phim “Người Anh Cả quân đội” đã tham gia liên hoan phim lần thứ 13 và đoạt Bông sen bạc. Xúc động nhất là Đại tướng theo dõi khá sát hành trình của bộ phim khi đến với công chúng và lúc được tin phim giành Bông sen bạc, Đại tướng đã có lời chúc mừng gửi đến đoàn làm phim.

Lá rụng về cội

Theo nguyện vọng cá nhân và gia đình, thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đưa về an táng tại quê nhà ở tỉnh Quảng Bình. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng, một vùng quê nghèo bốn mùa nắng gió, ruộng ít cát nhiều, lúc thì khô hạn khi thì lũ quét. Dù vậy vị tướng huyền thoại, người anh hùng thời đại ấy vẫn muốn trở về đây an giấc ngàn thu, sau cuộc đời có một không hai, vinh quang có thể coi là tột đỉnh, nhưng gian nan thử thách cũng vô cùng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi sang thế giới bên kia, Đại tướng muốn tìm về một nơi tĩnh lặng, hiền hòa ở xóm làng quê hương thân thương, bình dị giữa bà con cô bác, tìm lại ký ức tuổi trẻ... Sinh-lão-bệnh-tử, đó là quy luật bất khả kháng, nhưng nguyện vọng trở về quê nghèo khi đã trở thành bất tử là ứng xử của một nhân cách lớn, luôn nhớ về cội nguồn, thủy chung son sắt.

Hà Nội 6-10-2013

PHẠM KHẮC LÃM (Nguyên thư ký Văn phòng Đại tướng trong kháng chiến chống thực dân Pháp)

 

ĐỨC NGHĨA (ghi)