Tòa soạn báo tại mặt trận      

Các chiến dịch trước, Báo QĐND thường chỉ cử 2 người đi tác nghiệp. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là đông nhất, 5 người: Đồng chí Hoàng Xuân Tùy phụ trách chung, thêm cả công tác của Ban Tuyên huấn mặt trận; Trần Cư là thư ký tòa soạn; hai phóng viên là Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng; họa sĩ Nguyễn Bích.

Khi ấy, Nguyễn Khắc Tiếp là cây viết thành thạo của Việt Nam Thông tấn xã bổ sung, vừa viết về Quân đội, vừa viết cho cả bản tin Việt Nam Thông tấn xã. Phạm Phú Bằng còn trẻ, rất tích cực đi cơ sở, có khi biền biệt ở các đơn vị... Ngoài tin, bài của hai phóng viên, một lực lượng cộng tác viên (CTV) đông đảo và đắc lực là anh em làm tuyên huấn ở các đại đoàn. Có cả những đồng chí là cán bộ chính trị hay phái viên của Tổng cục Chính trị xuống đơn vị kiểm tra cũng viết cho Báo, trong đó có nhiều bài về kinh nghiệm lãnh đạo tư tưởng và hướng dẫn công tác rất bổ ích và kịp thời. Trần Cư làm thư ký tòa soạn, tổ chức tin, bài của phóng viên và CTV, thỉnh thoảng cũng cao hứng làm mấy câu ca dao minh họa, hoặc bài vè, có khi cùng họa sĩ gợi ý vẽ châm biếm thời sự. Tòa soạn liên lạc với các CTV bằng mục “Hộp thư” trên Báo, qua mục này để thông tin việc nhận tin, bài, hướng dẫn cách viết, chọn đề tài... Sau mỗi tuần, CTV nào viết nhiều, có nhiều bài được đăng sẽ biểu dương và tặng giấy viết báo của tòa soạn.

Ở Điện Biên Phủ giai đoạn ấy cũng tập trung đông đảo phóng viên của các cơ quan báo chí, như Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Cứu quốc...; các văn nghệ sĩ đi sáng tác, biểu diễn cho các đơn vị cũng đông đảo. Đây cũng là lực lượng CTV cho Báo. Viết nhiều cho tòa soạn mặt trận có Nguyễn Đình Thi, Thép Mới... Hầu hết các CTV của tòa soạn ở Điện Biên Phủ hồi đó, sau này đều trở thành nhà báo, nhà văn tên tuổi, nhiều người về công tác tại Báo QĐND, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Phát hành báo ngay trên trận địa

Ở nước ta thời điểm năm 1954, để in được một tờ báo ngay tại mặt trận là cả một vấn đề. Dù đơn giản nhất thì tờ báo cũng phải có ban biên tập, máy chữ, liên lạc nhưng kềnh càng nhất vẫn là máy in, mực, giấy, hộp chữ và phụ kiện máy móc tối thiểu. Ở những chiến dịch trước, máy móc cồng kềnh nặng nề nên nhà in phải đặt ở gần mặt trận nhưng tìm nơi tương đối an toàn, phần lớn là trong hang. Đến Chiến dịch Tây Bắc, nhờ sáng kiến thi đua đã sáng chế được máy in con, lăn tay đơn giản, như một hộp ngăn kéo làm vai trò khung gỗ, bên trong đặt khung sắt dẹt, kích thước bằng tờ báo nhỏ là bát chữ chèn chặt trong khung sắt... nặng khoảng 60kg. Nhờ đó giúp nhà in cơ động thuận tiện hơn.

Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, máy in lăn tay này rất có tác dụng, không chỉ in báo mà còn in được sách, bướm tin, truyền đơn, tranh áp phích địch vận, thông báo... có điều phải chuẩn bị cho đủ giấy in. Đa số giấy in là giấy bản, giấy Lửa Việt đã được mua sẵn, gánh theo nhà in, nhưng phải rất tiết kiệm. Các lề thừa khi xén còn rộng độ hơn ngón tay cũng để in bướm tin, truyền đơn nhỏ phát vào tuyến quân địch. Băng giấy dài, bề ngang bằng cột báo có thể dùng viết bản thảo, cắt chữ, soạn bài. Ở Mặt trận Điện Biên Phủ, vì lực lượng ta, địch dàn thành hai trận tuyến nên nhà in đỡ phải di động nhưng hoạt động cũng rất khó khăn vì máy bay nhiều, oanh tạc dữ hơn. Nhà in phải đặt trong hầm. Mỗi lần đến điểm mới là anh em phải đào căn hầm dựa vào sườn đồi, cao khoảng 2m, rộng đủ 4 người làm việc, ngoài cửa hầm dùng chăn trấn thủ che kín. Vì bên trong hầm thắp đèn bão suốt ngày đêm để in báo và bản tin nên ở trong hầm lâu, anh em mặt mũi đầy muội đèn đen xì. 

leftcenterrightdel

33 số báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: HỒNG SÁNG

Trước các trận lớn, góc rừng có tòa soạn báo và nhà in đóng quân nhộn nhịp hẳn lên khi hồi hộp chờ tin chiến đấu và bài tường thuật đầu tiên gửi về để biên tập và sắp chữ ngay. Nếu có vấn đề mới cử phóng viên xuống đơn vị để phỏng vấn lấy thêm tư liệu. Những lúc đó, cả tòa soạn và nhà in tới tấp làm việc. Phóng viên ở hỏa tuyến gọi điện về cho người ở nhà nghe điện ghi chép; phóng viên khác vừa về liền kiếm ngay gốc cây ngồi viết bài... Nhà in sắp chữ rào rào. Trục lăn tay chạy lách cách liên tục. Bát chữ báo, bát chữ bản tin cứ tháo ra lắp vào, tiếng búa chèn chan chát... Ban đêm, liên lạc đưa tin và công văn giữa rừng tối thui cứ lần theo tiếng ấy là biết đó là hầm nhà in. Mặc trên trời máy bay cứ lượn, đại bác xa xa cứ bắn ùng oàng, thỉnh thoảng những tràng súng máy rộ lên..., nhưng không khí báo chí in ấn giữa rừng vẫn cứ sôi động những tiếng lách cách, khọ khẹ.

Nhưng vui nhất là lúc báo in xong trao ngay cho đội phát hành chờ sẵn sau đó gánh đuổi theo đơn vị đang hành quân và phát báo đến tận tay bộ đội. Sung sướng, hồi hộp nhất là số báo QĐND có in bản Nhật lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”, phải làm sao để tới kịp đọc trước ba quân trước giờ xuất trận. 

33 số báo và 140 ngày tác chiến liên tục

Để có chiến thắng huy hoàng sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, chúng ta đã phải chuẩn bị trước đó nhiều ngày tháng khó khăn, gian khổ, chưa kể những sự chuẩn bị âm thầm từ rất lâu. Báo QĐND phục vụ chiến dịch cũng vậy. Số đầu tiên ra ngày 28-12-1953, trước ngày tấn công Him Lam (13-3-1954) những 15 số báo, tức 74 ngày. Và 33 số báo trong 140 ngày tác chiến liên tục ở Mặt trận Điện Biên Phủ đầy khói lửa ấy, Báo đã làm gì và làm như thế nào để phục vụ công tác tuyên truyền? Những người lính làm báo đã chiến đấu bằng vũ khí báo chí của mình như thế nào?

Báo QĐND đã có kinh nghiệm từ những chiến dịch trước mà Báo theo phục vụ. Ở Điện Biên Phủ, nhịp độ báo ra lúc đầu định 4-5 ngày một số 2 trang, mỗi số nhiều nhất là 8-10 bài ngắn gọn từ 200 đến 1.500 chữ. Với lực lượng của tòa soạn thì như vậy cũng phù hợp. Cũng may nhà in ở ngay kề bên nên bài chỉ cần viết tay chuyển sang, không phải đánh máy, có gì cần trao đổi chạy qua chạy lại nhanh chóng, thuận lợi. Giai đoạn này, chiến trận chưa diễn ra nên từ số báo 1 đến 9 nhịp độ tương đối đều. Nhưng từ số báo 11 đầu tháng 3-1954, khoảng cách ra báo rút xuống 3 ngày, rồi 2 ngày. Thậm chí đến ngày mở màn trận Him Lam có số ra tiếp ngày hôm sau. Nhịp thở của báo do nhịp thở của chiến trường quy định. Vì thế Báo QĐND tại mặt trận không thể nói là định kỳ như thời bình được. Và khi làm dồn dập như vậy cũng vất vả vô cùng, cán bộ, phóng viên thức đêm nhiều râu tóc mọc tua tủa. 

Nhưng hoạt động của Báo cũng có giai đoạn, đi sát với các giai đoạn tác chiến của chiến dịch: Giai đoạn giải phóng Lai Châu (4 số báo); Giai đoạn bao vây địch và chuẩn bị tấn công (10 số báo); Đợt tấn công thứ nhất vào phân khu phía Bắc Điện Biên Phủ-Him Lam, Độc Lập (7 số báo); Đợt tấn công thứ hai vào hệ thống cứ điểm phía Đông của khu quân sự trung tâm Điện Biên Phủ (10 số báo); Tổng công kích, hoàn toàn chiến thắng trên Mặt trận Điện Biên Phủ (2 số báo).

Những ngày làm báo ở Điện Biên Phủ vất vả, nhưng đó là những ngày sướng nhất trong đời làm báo. Nếu ví Chiến dịch Điện Biên Phủ như một cuộc chạy đua marathon mà Báo QĐND được phân công theo quay phim, anh chàng quay phim này vừa chạy theo vừa quay, vừa hò reo, khua chiêng gõ mõ, phất cờ ủng hộ; khi say sưa, khi dồn dập cuồng mê, cũng có khi mệt phờ nhưng rồi cũng đến đích, và rồi lại say sưa bước vào những cuộc đua khác cấp bách không kém. 

DƯƠNG THU (*)

(*) Theo hồi ký của nhà báo Trần Cư, in trong “Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo)”, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023, Hà Minh Đức (chủ biên).