leftcenterrightdel

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: PHẠM VĂN HIẾU 

Món quà của tình hữu nghị 

Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên Phó trưởng phòng Thời sự quốc tế, Báo QĐND, năm nay đã bước sang tuổi 101. Bước chân nhà báo lão thành nay phải nhờ thêm chiếc gậy hỗ trợ nhưng trí tuệ ông vẫn minh mẫn. Dường như chúng tôi càng hỏi chuyện, tinh thần ông càng phấn chấn như được trở lại thời ông và các đồng đội chạy trên đồi Ngựa Hí hay đi trong khu rừng Mường Phăng 70 năm trước.

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp là trường hợp rất đặc biệt trong làng báo nước ta khi trực tiếp tham gia tác nghiệp tại nhiều sự kiện lớn, chiến dịch lớn của đất nước, của Quân đội. Ông là một trong những phóng viên chủ lực của tòa soạn tiền phương Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ những năm 1953-1954.

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp kể, Tết Giáp Ngọ 1954 là thời điểm cả nước đang dốc sức chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh đặc biệt như Bác Hồ đã căn dặn: "Trận này rất quan trọng. Phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Do đó, ở Mặt trận Điện Biên Phủ khi ấy, cán bộ, chiến sĩ ăn Tết tại chỗ, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nên không thể có cảnh vui xuân, đón Tết, đón Giao thừa như ở vùng giải phóng. Không khí chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm trước khi bước vào các trận đánh lớn rất khẩn trương. Tuy nhiên, ngày Tết ở Mặt trận Điện Biên Phủ năm ấy, chiến sĩ được tặng những suất quà là chiếc cà mèn và thịt hộp (thịt kho tàu) do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ thông qua Chương trình "Tết Hữu nghị Việt-Trung-Xô" nhân "Tháng Hữu nghị Việt-Trung-Xô". "Chúng tôi-phóng viên, biên tập viên, họa sĩ và cán bộ nhà in của Báo QĐND-cũng được tặng hộp thịt to để ăn Tết. Quả thực, anh em chiến sĩ khi ấy có được hộp thịt như vậy là rất quý vì thời gian dài ăn uống kham khổ. Giờ nhắc đến, cảm giác trong tôi lại nhớ tới vị thơm ngon của hộp thịt hữu nghị ngày ấy"-ông cười vui. Đó cũng là cái Tết mà Quân đội ta chăm lo chu đáo, cải thiện chất lượng bữa ăn cho bộ đội để tăng cường sức khỏe, không để bộ đội đói trước khi bước vào các trận đánh quan trọng.

leftcenterrightdel
 Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp. Ảnh: MINH THÀNH  

Qua mấy tháng lăn lộn khắp chiến trường Điện Biên Phủ, với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, kỷ niệm nào cũng đặc biệt. Ông ấn tượng nhất là tinh thần chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của quân và dân ta. Ông thường trò chuyện, tâm sự với các chiến sĩ và tiễn chân họ trước mỗi trận đánh. Nhiều người bạn vừa trò chuyện với ông đêm hôm trước, hôm sau đã hy sinh. Có những bữa cơm anh nuôi đơn vị chuẩn bị thì suất ăn thừa hơn một nửa vì chiến sĩ ra trận không trở về... Chứng kiến biết bao mất mát, hy sinh của bộ đội và cả niềm vui tột độ ngay từ giây phút nghe tin báo về Sở chỉ huy chiến dịch quân ta giành chiến thắng, bắt sống tướng De Castries, ông càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình và hạnh phúc. "Khi ấy, khu vực Bộ chỉ huy đang yên tĩnh, bỗng tất cả mọi người ở dưới hầm đều chạy ùa lên reo hò. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn gọi cho đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 để hỏi lại, có đúng là tướng De Castries không? Khi nhận được câu trả lời chính xác rồi thì Đại tướng và tất cả mọi người như vỡ òa, hạnh phúc vô cùng. Mọi người công kênh cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên"-nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp xúc động kể lại.

Với ông, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một kỳ tích đặc biệt trên mọi phương diện. Đó thực sự là điển hình của cuộc chiến tranh nhân dân, của tình quân dân gắn bó keo sơn làm nên chiến thắng.

Xuân trên đường hành quân

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên chiến sĩ Điện Biên, nguyên Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch Quân chủng Phòng không-Không quân, năm nay bước sang tuổi 86. Ông cũng là một cựu chiến binh đặc biệt khi tham gia cả hai chiến dịch: Điện Biên Phủ năm 1954 và "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Nhắc đến sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2024 này, ông Văn không khỏi xúc động. Biết bao kỷ niệm ở đồi Him Lam, Độc Lập ngày xưa lại ùa về. Đầu năm 1954, Đinh Thế Văn đang là thanh niên xung phong làm đường ở Cao Bằng, Bắc Kạn thì cả đơn vị được chuyển sang bộ đội theo yêu cầu của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân. Được trở thành bộ đội đi chiến đấu là niềm vui không thể tả xiết bởi trước đó, 16 tuổi, Đinh Thế Văn từng trốn nhà đi khám tuyển vào bộ đội thì không trúng do thiếu cân. Sau hơn một tháng huấn luyện xạ kích, bộ binh ở Trung đoàn 77, Đoàn 99 tại Phú Thọ, đơn vị của Đinh Thế Văn được bổ sung vào Đại đội 268, Tiểu đoàn 531, Đại đoàn 312 (sau này là Sư đoàn 312) và cấp tốc hành quân lên Điện Biên chuẩn bị cho chiến dịch lớn.

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn.  Ảnh: MINH THÀNH    

Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 1954 là những ngày Đinh Thế Văn và đồng đội hành quân bộ mấy trăm cây số, từ Phú Thọ lên Điện Biên, qua bao nhiêu đồi núi, làng mạc, đường sá gập ghềnh, cây cối rậm rạp... Ngày nghỉ đêm đi, đằng sau ba lô của mỗi người đều gài một thanh gỗ mục có chất lân tinh phát sáng để người đi sau nhìn thấy người đi trước. Trên đường hành quân, người đông như đi hội nhưng không có một tiếng nói chuyện. Bộ đội, dân quân giáp mặt thì chỉ ra hiệu chào nhau. Thời ấy, ông chỉ có 38kg nhưng đồ đạc, vũ khí mang theo trên người còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể. Nào ba lô tư trang, 1 khẩu súng trường, 1 hộp đạn 20kg, 1 cái xẻng cán gập, 1 cái cuốc nhỏ và 1 bao gạo vắt vai... Đặc biệt, suốt đường hành quân, bên ông lúc nào cũng có cây đàn guitar, mỗi khi nghỉ chân là vui với cây đàn, vui với đồng đội để quên đi khó khăn, gian khổ, đường xa phía trước. Hình ảnh của ông khi ấy đúng như tinh thần trong bài hát "Hành quân xa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: "Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi".

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông Đinh Thế Văn làm nhiệm vụ ở trận địa súng máy phòng không 12,7mm, bắn máy bay bảo vệ và hỗ trợ các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 312 chiến đấu ở cứ điểm Him Lam. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là đi trinh sát, nắm tình hình địch ở đồi Him Lam và nhiều cứ điểm khác, theo dõi máy bay địch vào khu vực Điện Biên Phủ để báo cáo cấp trên. Nhớ lại những ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông không thể nào quên những lần tham gia công tác tử sĩ tại mặt trận. Mỗi lần phải bế, cõng thi thể các đồng đội cùng đơn vị về nơi tập kết là một lần trái tim ông cảm thấy đau nhói, thương xót như chính người thân ruột thịt của mình nằm xuống. Điện Biên Phủ gian khổ quá, ác liệt quá! Nhưng, ông và đồng đội vẫn luôn tự hào vì đơn vị đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, trong đó bắn rơi 20 chiếc máy bay của địch. Đại đoàn 312 là đơn vị lập nhiều chiến công vang dội, nhất là thắng lợi trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam và trận đánh chiếm hầm De Castries, bắt sống tướng chỉ huy của Pháp...

Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến Điện Biên Phủ, ông Đinh Thế Văn lại liên tưởng đến hình ảnh đàn kiến kiên trì, nhẫn nại xây tổ. Kỳ tích đào giao thông hào ở Điện Biên Phủ của bộ đội ta chỉ với cái cuốc, cái xẻng thô sơ như thế đã đào được hệ thống đường hào tới tận sào huyệt của địch mà chúng không biết. Nhờ sự thông minh, sáng tạo, lòng kiên trì và tinh thần quyết tâm, ông cha ta đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

PHÚC ANH