Một cái bàn to đặt gần lối ra vào để nhiều chồng sách mới còn thơm mùi giấy mực, tác giả cặm cụi ngồi ký trực tiếp tặng sách bạn hữu; cũng có người đến mua và đưa sách xin chữ ký tác giả làm kỷ niệm. Tựa sách thật giản dị: "Chuyện kể của một đại sứ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2023). Bìa gấp có đoạn giới thiệu: “Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên Đại sứ tại Algeria, Pháp và Vương quốc Campuchia. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bút danh Thăng Sắc”. Dẫn chương trình là nữ nhà văn Quân đội khá trẻ, xinh xắn Đỗ Bích Thúy. Cô vui vẻ nói với mọi người là không quen biết tác giả từ trước, chỉ là qua một người bạn được đọc trước sách của “chú Thắng”, thấy có nhã hứng thì nhận làm MC thôi...
Tôi quen anh Nguyễn Chiến Thắng đã hơn mười năm nay, lúc anh vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại xứ chùa tháp (2005-2009). Ngày ấy tôi và anh đều trúng giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ ba của Hội Nhà văn ba nước Đông Dương. Cuốn của tôi "Một ngày là mười năm", tiểu thuyết của anh là "Chú Tư, con là ai". Cùng lứa tuổi, sở thích nên từ buổi đầu gặp gỡ chúng tôi quen thân nhau. Nguyễn Chiến Thắng nhiều năm là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sau ngày về hưu ít lâu có “giấy thông hành” là mấy cuốn tầm cỡ như “Chú Tư, con là ai” anh mới có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng là trường hợp ngoại lệ đầu tiên, có giải thưởng của Hội rồi mới chính thức trở thành hội viên.
Hồi còn làm việc ở cơ quan Bộ Ngoại giao, anh đã say sưa sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, có truyện được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập như "Chớp mắt cùng số phận", hợp tác với đạo diễn Bạch Diệp. Anh chọn bút danh “Thăng Sắc”, đơn giản là chơi chữ “Thăng-Sắc-Thắng”. Hồi đó, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cứ lo: Nguyễn Chiến Thắng đam mê văn học thế có ảnh hưởng đến công việc chính không? Nhưng rồi sớm có câu trả lời. Nhiều năm sau đấy cho đến ngày về hưu anh làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Á và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngoại giao cũng giống một kiểu chiến trường không tiếng súng, trong cuốn sách mới nhất này đã kể lại nhiều câu chuyện “trên chiến tuyến” mà người đứng đầu sứ quán phải vượt qua. Chẳng thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có mặt trong buổi ra mắt sách, đã ứng tác ngay một bài thơ tặng tác giả: "Nhiều khi trận đánh lớn/ diễn ra ở góc bàn/ Anh một mình đơn độc/ Nhưng là cả Việt Nam/ Chiến trường không tiếng súng/ Mà vô cùng gian nan"...
Thời làm việc ở Pháp, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng còn học Trường Hành chính quốc gia (ENA), còn kịp lấy thêm bằng thạc sĩ văn chương tại Đại học Sorbonne. Những năm tháng đó anh tích lũy được nhiều kiến thức, vốn sống để sau này phát lộ thành một nhà văn chuyên nghiệp. Đến nay anh đã ra mắt các tập truyện ngắn, tiểu thuyết như: "Chớp mắt cùng số phận"; "Những đóa sen màu xanh"; "Đi trong lốc xoáy", "Láng giềng"...
Và tiểu thuyết "Ngụ cư" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2017), cuốn sách về người Việt mưu sinh ở nước ngoài đã vào đến chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. "Ngụ cư" định hình nhuần nhuyễn phong cách viết của nhà văn-nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng. Tác phẩm lấy bối cảnh nền kinh tế nước ta thập niên 1980 còn vô vàn khó khăn. Nhân vật chính được tác giả dày công khắc họa là một người tử tế, song không phải anh ta không có lúc mù quáng, mắc sai lầm, mà là sai lầm nghiêm trọng suýt đổ vỡ lâu đài hạnh phúc anh đã dày công vun đắp. Cái kết thì có hậu, đúng như câu ngạn ngữ “ở hiền gặp lành”. Đấy cũng là dụng ý xuyên suốt khi xây dựng nhân vật Bùi Khoái của tác giả Thăng Sắc: Ai sống ở đời cũng phải có nhân, có nghĩa thì mới thành công!
|
|
Nhà văn Thăng Sắc (bên phải) và tác giả trong lần sang Lào nhận giải thưởng Văn học sông Mê Kông (tháng 3-2010). Ảnh: HỒNG PHÚC
|
Ngày đó nước ta mới bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, hình thành một cộng đồng sinh sống tập trung nhiều ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Cộng đồng này là một hình thái kinh tế-xã hội mới của người Việt Nam ở nước ngoài. Đã xuất hiện một số tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước viết về thân phận người Việt trong cuộc mưu sinh đầy cam go ấy. Có thể kể những tiểu thuyết như "Thương yêu" của Trần Dũng; "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ và tiếp sau là "Con rối tha hương" của nữ tác giả người Đức Karin Kalisa. Đến "Ngụ cư" của Thăng Sắc cho ta cái nhìn khá toàn diện, sâu sắc về con người Việt Nam thời hiện đại nơi đất khách quê người. Dù hoàn cảnh nào, cái bản chất nhân hậu, yêu thương đùm bọc của con người Việt Nam cũng được phát huy và đề cao.
Trở lại "Chuyện kể của một đại sứ", tác giả khẳng định: “Đây không phải hồi ký, không phải tự truyện, không có đánh giá hoặc dính dáng tới những báo cáo, sơ kết, tổng kết các hoạt động đối ngoại của cơ quan. Đây chỉ là ghi chép các mẩu ký ức một thời gian làm việc, nay đã nghỉ hưu trích ra đem in...”.
Đỗ Bích Thúy thì nói ngay cảm giác ban đầu sau khi đọc tác phẩm: “Tôi biết ông Nguyễn Chiến Thắng là một nhà văn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đọc tác phẩm của ông. Một cuốn sách với văn phong giản dị, thong thả, với cái nhìn nhân hậu, ấm áp, giàu tình người của một người làm chính trị. Tôi thường nghĩ, người ta làm gì cũng vậy, công việc gì, cương vị nào, nếu cứ lấy chữ nhân-nghĩa ra để đối đáp, để làm cái thái độ cốt lõi, thì cuối cùng cũng chạm tới những nhân-nghĩa ở đời, dù trong hoàn cảnh nào. Cả một cuốn sách 300 trang, trang nào cũng giàu tình cảm, cảm xúc”.
Tiếp nối thành công trong tiểu thuyết "Ngụ cư" như đã phân tích ở trên, đến truyện ký mới nhất này, theo tôi, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng và nhà văn Thăng Sắc đã thực sự hòa làm một, vẫn với chủ đề đề cao cái nhân bản ở đời. Có nhiều cuộc tiếp xúc của tác giả trong vai trò Đại sứ với các nhân vật, hầu hết là những người nổi tiếng như: Tổng thống J.Chirac; Đại sứ Ngô Điền; Thủ tướng Hun Sen; Cựu hoàng Sihanouk; Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; nhà báo, nhà văn Pháp M.Riffaud... Chuyện về mối lương duyên giữa M.Riffaud với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã có nhiều bài viết, phải đến ngòi bút Thăng Sắc khi ông trực tiếp hỏi chuyện người phụ nữ tài năng và anh hùng nước Pháp ở giai đoạn cuối đời của bà thì cảm xúc sâu lắng tình người, tình đồng chí mới càng được tô đậm thấm thía hơn.
Trong cuộc trình quốc thư lên Tổng thống J. Chirac dẫu diễn ra khá nhanh, song để lại cho người đọc ấn tượng về một chính khách giản dị và khiêm nhường khi miêu tả Tổng thống đã vui vẻ gọi Đại sứ là “camarade” theo nghĩa bạn đồng môn, cả hai đều từng là học sinh của trường ENA. Viết về Cựu hoàng Sihanouk, tác giả cũng có đoạn khắc họa ngắn mà sâu sắc: “Cựu hoàng lại một lần nữa hỏi nghe bài "Cây trúc xinh" có rõ không, buổi tiệc có vui không. Sau đó ngài nói rằng Sihanouk rất biết ơn Việt Nam đã giúp đánh đuổi Khmer Đỏ, nếu không có Việt Nam đánh đuổi Khmer Đỏ thì làm sao có một người tù của Khmer Đỏ là Sihanouk đứng hát cho các vị nghe ngày hôm nay”.
Bài "Anh Bùi Giang Tô - nạn nhân của khủng bố", viết về cái ngày định mệnh 24-12-1994 của vị tham tán thương mại ở Đại sứ quán ta tại Algeria. Thật tình cờ, chuyện này đã gợi lại chút kỷ niệm của mấy phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần chúng tôi. Chị Trinh, vợ anh Tô ngày đó làm ở văn phòng Tổng công ty Kỹ nghệ súc sản (nay là Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan) có mối quan hệ khá chặt chẽ về thông tin quảng cáo với Báo Quân đội nhân dân. Nghe tin dữ, tôi và hai phóng viên Hồng Thanh Quang, Hồng Sơn đã đến nhà riêng của anh chị ở cạnh Bờ Hồ thắp nén nhang bày tỏ lòng thương tiếc. Cũng vào thời điểm ấy tại Paris, vị đại sứ của Việt Nam sau khá nhiều trở ngại đã hoàn tất được thủ tục chuyển quan tài nạn nhân lên máy bay hồi hương...
Lần này ngòi bút Thăng Sắc còn có dịp tung tẩy, biến hóa. "Pu Sơn"; "Vợ bộ đội tình nguyện"; "Tiếng thở dài của ông Phạm Thế Duyệt" ở chiều sâu tâm lý và cảnh huống có kết cấu giống như của truyện ngắn hoàn chỉnh. "Những vì sao"..., đặc biệt "Ngày cuối cùng của mùa săn" lại giàu chất thơ. Trang viết về rừng thu, cánh đồng cỏ cây, thợ săn, chó săn... phảng phất “chất” V.V. Ovechkin, nhà văn Nga mô tả thiên nhiên tinh tế và trong sáng trong tác phẩm nổi tiếng "Bốn mùa lịch thiên nhiên".
Hôm đó, tôi cùng nhiều bạn bè dự buổi giới thiệu sách đã bắt tay chúc mừng tác giả "Chuyện kể của một đại sứ". Nhà văn Thăng Sắc-Nguyễn Chiến Thắng dù đã ở tuổi ngót tám mươi nhưng còn giàu sức nghĩ, sức viết lắm. Xin chúc anh có thêm nhiều “chiến thắng”!
PHẠM QUANG ĐẨU