Hơn 70 năm trước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn muôn vàn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã chọn nhiều thiếu niên gửi đi học Trường Thiếu sinh quân Trung ương tại Quế Lâm, Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1954, đồng chí Vũ Khoan là một trong số 100 người được cử sang Liên Xô học tiếng Nga để về phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng lại miền Bắc. Suốt cuộc đời công tác, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau, là cán bộ kỳ cựu của ngành ngoại giao Việt Nam, ban đầu làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô rồi có vinh dự được phiên dịch cho Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... trong những chuyến thăm hay các cuộc hội đàm quan trọng.

leftcenterrightdel

 Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan.

Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Vũ Khoan đã có đóng góp quan trọng cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đưa đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế, cùng cả nước phá thế bao vây cấm vận, mở ra chính sách đối ngoại mới. Ông luôn trăn trở thúc đẩy ngoại giao Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng chủ động, đề cao vai trò ngoại giao trong kinh tế đối ngoại.

Sau khi kiến lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, hai nước bắt tay vào cuộc đàm phán về một Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Ban đầu, đồng chí Trương Đình Tuyển là Bộ trưởng Bộ Thương mại cùng cán bộ, nhân viên trong Bộ và các cơ quan chức năng đàm phán nhiều lần, dự kiến tháng 11-1999 hai bên sẽ ký hiệp định ở Auckland (New Zealand) nhân Hội nghị cấp cao APEC với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, đến phút cuối đã nảy sinh một số vấn đề nên chưa thể ký kết được.

Với chủ trương mở rộng kinh tế đối ngoại do Bộ Ngoại giao đề xuất đã được Bộ Chính trị thống nhất nên năm 2000, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng, "chọn mặt gửi vàng" giao đồng chí Vũ Khoan làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Bên cạnh nhiều công việc quan trọng thì một trong những việc phải làm ngay thời gian ấy là đàm phán tiếp để có được BTA với Mỹ. Sau các cuộc đàm phán đầy cam go, vượt qua nhiều trở ngại, đến chiều 13-7-2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và bà Barshefsky-Đại diện thương mại Mỹ đã ký BTA. Ngay sau đó, Bộ trưởng Vũ Khoan được mời vào Nhà Trắng dự lễ Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố với dư luận trong nước và thế giới sự kiện lịch sử này. 

Tiếp theo là những năm tháng vất vả đẩy mạnh đàm phán về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà các cuộc đàm phán với Mỹ là khâu then chốt. Khi đó, đồng chí Vũ Khoan với tư cách Phó thủ tướng Chính phủ, cùng đồng chí Trương Đình Tuyển mới trở lại làm Bộ trưởng Bộ Thương mại đã song hành chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành vào cuộc để có được thành công gia nhập WTO cuối năm 2006.

Trên nền tảng đó, đến năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, đã có những bước nhảy vọt, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã đạt 55,6 tỷ USD trong tổng 264,5 tỷ USD với toàn cầu. Cùng với kết quả đó là tạo việc làm cho nhiều vạn công nhân, nông dân trong khắp cả nước, là việc giao lưu học tập, đào tạo ở nước ngoài cho sinh viên... Ngay trong năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã thăm Việt Nam, các vị Tổng thống Mỹ tiếp theo đều coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, đã thăm Việt Nam nhiều lần ở những bối cảnh khác nhau.

Khi giữ cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách đối ngoại, đồng chí Vũ Khoan đã chủ động hoạch định chính sách với lộ trình mở cửa rất bài bản, bắt đầu từ Đông Nam Á rồi đến Mỹ, sau đó mở rộng sang châu Âu. Nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cùng khóa và những khóa sau thường tham khảo ý kiến của ông trước khi ra những quyết định quan trọng về đối ngoại. 

leftcenterrightdel
Đồng chí Vũ Khoan ký sách "Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao" tặng các bạn trẻ ngành ngoại giao. 

Đồng chí Vũ Khoan là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có tư duy đổi mới, sáng tạo, luôn tận tụy hoàn thành các trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó. Đồng chí thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Riêng trong lĩnh vực ngoại giao, đồng chí đã đúc kết lại 4 nét đặc thù của ngoại giao Hồ Chí Minh là: Kiên định trong mục tiêu, hòa hiếu trong bản chất, linh hoạt trong hành động và nhân văn trong cốt cách.  Đồng chí Vũ Khoan có đóng góp lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước nhiều thập kỷ qua.

Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, đồng chí Vũ Khoan trực tiếp tham gia và chủ động tích cực tham mưu đề xuất các sáng kiến cho việc phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, góp sức vào hội nhập quốc tế của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Vũ Khoan đã dẫn đầu đàm phán thành công về biên giới-lãnh thổ, các biện pháp bảo vệ biên giới trên bộ và chủ quyền trên biển, cũng như các biện pháp ứng phó với các mưu toan và hành vi của một số thế lực chống phá đất nước dưới chiêu bài tôn giáo và cái gọi là “dân chủ, nhân quyền”. Đồng chí cũng từng tham gia đàm phán một số vấn đề được coi là hệ trọng và phức tạp của đất nước để bảo vệ từng tấc đất biên cương và cải thiện đời sống cho bà con ở vùng biên giới, củng cố các đơn vị kinh tế-quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia và điều kiện làm ăn, sinh kế của hàng triệu người dân sinh sống ven biển, trên các vùng đảo xa.

Đồng nghiệp và cấp dưới nhìn nhận ở đồng chí Vũ Khoan hội đủ những phẩm chất tốt đẹp của một nhà lãnh đạo, một nhà ngoại giao có trí tuệ uyên bác, mẫn tiệp với bộ óc phân tích, tổng hợp toàn diện và tầm nhìn xa đáng kính nể, với bản lĩnh kiên cường, luôn trăn trở vì hòa bình và phát triển của đất nước, đặc biệt là tư duy sắc sảo trong phân tích tình hình thế giới nhưng cách diễn đạt lại ngắn gọn, dễ hiểu.

Lúc đồng chí Vũ Khoan đã nghỉ hưu, có những vấn đề phức tạp, Bộ Ngoại giao vẫn tham vấn ý kiến của ông. Những hội nghị lớn của Bộ đánh giá về tình hình thế giới, khu vực, tác động tới Việt Nam ra sao và dự báo tình hình thời cuộc... đều mời đồng chí Vũ Khoan cho ý kiến. Những đánh giá của đồng chí vừa cụ thể vừa bao quát mà sâu sắc. Ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về ngoại giao và kinh tế đối ngoại được đánh giá cao. Từ nghiên cứu sâu và toàn diện, lại nhạy cảm trong dự báo nên ông luôn được Tạp chí Thế giới và Việt Nam đặt bài viết. Về phần mình, ông thấy còn nặng trách nhiệm với ngành ngoại giao và đất nước nên ông viết bài khá đều, luôn được độc giả đón nhận. Bên cạnh hàng trăm bài viết như thế, ông đã cho xuất bản những cuốn sách có giá trị thời sự và học thuật cao như: "Vài suy ngẫm về thế giới trong thế kỷ XX và thế kỷ XXI" (năm 2000) hay "Vài ngón nghề ngoại giao" (năm 2016), "Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao" (năm 2013)...

Sinh thời, đồng chí Vũ Khoan luôn là tấm gương lớn, là người thầy, người anh của các thế hệ cán bộ ngoại giao các thời kỳ, đặc biệt với những nhà ngoại giao trẻ, bởi những tư tưởng chủ động, đổi mới, năng động, sáng tạo luôn luôn đề cao tự học và học tập không ngừng. Đồng chí sống rất khiêm tốn, thanh bạch, bình dị và thật sự “chí công vô tư”, hết mình vì đất nước. Đồng chí làm việc đến tận lúc cuối đời, trước khi mất, đồng chí vẫn tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Có người nói, di sản của đồng chí Vũ Khoan để lại có thể gói gọn trong mấy chữ: Tâm, nghĩa, lễ, trí, tín và dũng.

Bài và ảnh: NGUYỄN NHÂN TỎ