UNESCO tôn vinh văn hóa Việt
Giữa tháng 12-2021, Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đón nhận tin vui khi tham dự Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội, Đại sứ-Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân không khỏi xúc động. Vậy là, cùng với hai hồ sơ Núi Chúa và Kon Hà Nừng ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương được vinh danh trong năm nay, Nghệ thuật xòe Thái trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Bày tỏ niềm tự hào khi UNESCO vinh danh di sản của Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định, đây là thành quả chung của các địa phương có di sản, các chuyên gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân chia sẻ: “Ngay sau phiên họp, gần 20 đại sứ đã gọi điện cho tôi bày tỏ ấn tượng về hình ảnh tại điểm cầu Hà Nội. Họ ấn tượng trước sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện địa phương có di sản. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy”.
|
|
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ thành công ở lĩnh vực di sản, năm 2021, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã được phát huy mạnh mẽ ở UNESCO. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân kể lại rằng, ngay sau khi Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (CIC-MAB) công nhận Núi Chúa và Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đại diện Việt Nam tham dự hội nghị đã cho chiếu những hình ảnh về hai khu dự trữ sinh quyển này. Các đại biểu dự hội nghị vô cùng thích thú trước vẻ đẹp tuyệt vời của Núi Chúa và Kon Hà Nừng, đồng thời cảm kích trước sự chuẩn bị kỹ càng của Việt Nam. Đây chính là cách quảng bá về đất nước và con người Việt Nam nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp đầu tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris đúng dịp kỷ niệm 76 năm thành lập UNESCO, 45 năm quan hệ Việt Nam-UNESCO và trước thềm kỳ họp thứ 41 Đại hội đồng UNESCO sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Trong cuộc trao đổi với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Việt Nam sắp tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên cũng như sẽ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tổng giám đốc UNESCO nói rằng, Việt Nam là một trong số ít nước có cách tiếp cận văn hóa bằng chiến lược cụ thể như vậy. Đồng thời, bà Azoulay cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông...
“Cùng với việc Việt Nam nằm trong số các nước được tín nhiệm cao nhất bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO giai đoạn 2021-2025, những nỗ lực và vai trò đóng góp của Việt Nam tại UNESCO thời gian qua được bè bạn, đối tác đánh giá cao. Điều này không chỉ khẳng định năng lực dẫn dắt của ngoại giao Việt Nam mà còn tiếp tục thể hiện “sức mạnh mềm” mới, vị thế mới của đất nước”, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh.
“Sức mạnh mềm” của áo dài Việt Nam
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam là một trong những nhà ngoại giao tích cực quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài. Theo Đại sứ, ngoài tích cực, mỗi cán bộ ngoại giao cần chủ động hơn, mạnh dạn hơn để phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, nâng cao “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam.
Lấy ví dụ từ việc quảng bá áo dài Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết, đích thân ông đã mời nghệ nhân từ TP Hồ Chí Minh sang Tokyo may đo áo dài cho các quan chức và phu nhân lãnh đạo Nhật Bản. Tuy nhiên, khi thấy các bạn Nhật Bản rụt rè vì sợ mặc áo dài không hợp, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã kể với họ về chuyện bà Abe Akie, phu nhân của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, đi dự lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2019. Hôm đó, bà Abe Akie mặc áo dài và ngồi xích lô chụp ảnh tại sự kiện đã thu hút hàng nghìn người. Ngoài ra, bà Satsuki Katayama, Bộ trưởng Phụ trách chấn hưng kinh tế địa phương dưới thời ông Abe, cũng diện trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam.
|
|
Đại sứ Vũ Hồng Nam. Ảnh: NGỌC MINH |
Được sự động viên của Đại sứ, các bạn Nhật Bản đã đồng ý mặc thử, sau đó vô cùng thích thú trước sự mềm mại, thướt tha của tà áo dài Việt Nam. Hình ảnh các nữ quan chức và phu nhân Nhật Bản mặc áo dài được lan tỏa rộng rãi trên truyền thông Nhật Bản, khiến dư luận nước bạn chú ý.
Không chỉ vậy, Đại sứ Vũ Hồng Nam còn nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc thông qua ẩm thực. “Trong quá trình đi các nơi, tôi luôn tìm những nhà hàng Việt Nam tại nước sở tại để xem cộng đồng sinh sống và xem văn hóa của ta tại nước bạn như thế nào? Tôi luôn mời lãnh đạo nước sở tại đến nhà hàng Việt Nam ăn uống để quảng bá hình ảnh Việt Nam”, ông Nam chia sẻ. Với sự hỗ trợ của Đại sứ, các món mì Quảng, phở hay các loại quả như chuối, vải thiều của Việt Nam dần dần có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản.
Đại sứ cũng chia sẻ một câu chuyện thú vị về rau mùi. Ông kể: “Người Nhật ban đầu rất sợ rau mùi, nhưng đến giờ, họ rất thích loại rau này. Vì sao? Là bởi vì tôi đã giải thích với các bạn Nhật rằng, đây là loại rau có tác dụng kháng sinh, giúp con người khỏe mạnh hơn và hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Được tôi thuyết phục và ăn thử thấy ngon nên nhiều người bây giờ ăn phở bắt buộc phải có rau mùi. Điều này dẫn tới sự thay đổi trong hệ thống nhập khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật Bản, thậm chí loại rau này giờ còn được trồng tại Nhật Bản”.
Công nghệ 4.0 - cầu nối văn hóa thời đại dịch
Là một trong số các nữ đại sứ của Việt Nam được cử đi khắp nơi trên thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan nắm rõ thế mạnh của một nhà ngoại giao nữ. Theo bà, các nữ đại sứ có lợi thế ở sự tiếp cận mềm mại và nhất là khi họ mặc áo dài mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Đại sứ chia sẻ: “Từng là Đại sứ ở Mexico và nay là ở Thụy Sĩ, tôi luôn nhận thấy sự trân trọng văn hóa Việt Nam của bạn bè quốc tế. Các nước châu Âu luôn đề cao bình đẳng giới, do đó, họ tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi làm việc. Các nữ đại sứ Việt Nam tại châu Âu đều có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với chính quyền sở tại trong việc tổ chức các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và họ luôn nhận được sự ủng hộ cũng như cam kết lớn của cơ quan sở tại”.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài khiến các hoạt động trao đổi, giới thiệu, quảng bá văn hóa trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ bị ngưng trệ. Trước thực tế trên, Đại sứ quán đã thay đổi phương thức hoạt động, nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư Đây chính là cầu nối duy trì giao lưu văn hóa, đưa hình ảnh của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông suốt, hiệu quả trong suốt hai năm qua.
|
|
Đại sứ Lê Linh Lan. Ảnh: NGỌC MINH |
Để làm tốt hơn nữa việc quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế trong thời đại dịch, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng, cần tiếp tục tăng cường đầu tư về nguồn lực, cơ sở hạ tầng và các sản phẩm kỹ thuật số. Nếu làm tốt điều này, “sức mạnh mềm” của đất nước sẽ được nâng lên, đưa Việt Nam trở thành điểm đến có sức hút không chỉ về văn hóa, đất nước, con người mà còn là nền kinh tế năng động và tiềm năng. Bởi lẽ, ngoài làm ăn, các doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. “Thực tế, cả 3 yếu tố văn hóa, kinh tế và chính trị kết hợp rất nhuần nguyễn, hài hòa và không thể tách biệt. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là điểm then chốt trong việc triển khai ngoại giao văn hóa trong thời kỳ mới”, Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định.
Có thể nói, dù bằng bất cứ phương thức nào, trong vai trò người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ luôn nỗ lực phát huy “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam, trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với nước sở tại, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư. Như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh tại Hội nghị ngoại giao văn hóa ngày 20-12-2021, ngoại giao văn hóa Việt Nam phải làm sao để nhiều người dân trên thế giới biết đến, yêu thích và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu mang tên Việt Nam, từ đó hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của địa phương, người dân và doanh nghiệp.
PHƯƠNG VŨ