Bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết
Những tháng gần đây, Việt Nam liên tục nhận được tin vui. Hàng triệu liều vaccine nhanh chóng được chuyển về nước, triển khai tiêm phòng cho người dân. Theo bà Phạm Thị Minh Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế: Đến ngày 9-11, Việt Nam đã tiếp nhận được khoảng 135 triệu liều vaccine từ các nguồn mua thương mại, viện trợ nước ngoài; hoàn thành 90% mục tiêu 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Số lượng vaccine Việt Nam được các đối tác cam kết bàn giao đến hết năm 2021 có thể bảo đảm tiêm chủng ít nhất một mũi cho 100% dân số trên 18 tuổi; tiêm đầy đủ cho khoảng 84% dân số trên 18 tuổi.
|
|
Các nhà khoa học của Arcturus Therapeutics (Mỹ) đang nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Vingroup cung cấp |
Bà Phạm Thị Minh Châu cho rằng: "Kết quả đạt được kể trên trong ngoại giao vaccine do những quyết định kịp thời, mạnh dạn chưa từng có tiền lệ, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết. Quán triệt thông báo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, tạo điều kiện tối đa cho tất cả địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine. Trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Nếu doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của Nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này".
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả quy trình, thủ tục trong việc cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng vaccine. Đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó.
Khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng hai ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để sử dụng theo quy định của WHO. Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng vaccine, bảo đảm an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine.
Bảo đảm bền vững nguồn vaccine
Ngoại giao vaccine là tìm kiếm và mở rộng nguồn cung để các đối tác song phương và đa phương chia sẻ, cung cấp sớm nhất và nhiều nhất cho Việt Nam vaccine, thuốc, các trang thiết bị cần thiết và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Bên cạnh kết quả khả quan đạt được về nguồn cung vaccine, trang thiết bị y tế, quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng đang tiến hành hiệu quả.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022”. Theo thỏa thuận, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine ngừa Covid-19 có tên VBC-COV19-154. Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus.
Từ giữa tháng 8-2021, VinBioCare đã phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế đưa vaccine VBC-COV19-154 vào thử nghiệm giai đoạn 1 và 2; đồng thời thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô hơn 20.000 người. Tháng 12-2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VBC-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Ngoài ra, thông qua ngoại giao vaccine, đến nay, nhiều công ty trong nước từng bước tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến trên thế giới. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Việt Nam đã sản xuất lô vaccine Sputnik V thử nghiệm đầu tiên do Nga nghiên cứu phát triển. Công ty đối tác VABIOTECH bên phía Việt Nam đảm nhận gia công vaccine Sputnik V. Lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn. Chiều 24-9, VABIOTECH và Bộ Y tế đã công bố sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam.
Công ty Nhật Bản Shionogi đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp ngừa Covid-19 (Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein) với hai công ty của Việt Nam là: Công ty TNHH Một thành viên Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC). Dự kiến đến tháng 6-2022 sẽ hoàn tất mọi hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Với việc đàm phán thành công mang về công nghệ sản xuất vaccine mới, ngoại giao vaccine đã tiến một bước dài trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước tự chủ về vaccine ngừa Covid-19.
Hiện nay, WHO và nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định Covid-19 sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài và coi đây như một loại cúm mùa để hướng tới tiêm nhắc lại hằng năm. Do đó, Chính phủ xác định chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ không Covid-19 sang chung sống an toàn với Covid-19. Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: “Đối với hầu hết quốc gia, vaccine hiện vẫn là “chìa khóa”, là yếu tố tiên quyết trong kiểm soát, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên thế giới vẫn hạn hẹp, việc chúng ta đẩy mạnh hợp tác sản xuất các loại vaccine và cao hơn nữa là phát triển vaccine của Việt Nam là hết sức quan trọng nhằm từng bước bảo đảm tự chủ và nguồn cung ứng vaccine ổn định, lâu dài”. Bên cạnh vaccine, thuốc điều trị cũng được xác định có vai trò quan trọng để bảo đảm sức khỏe, an toàn của nhân dân, hạn chế các ca tử vong, giảm chi phí điều trị và để chung sống lâu dài với dịch bệnh.
Nhằm bảo đảm thích ứng với đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Triển khai công tác ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao đã và đang tập trung vào các trọng tâm thúc đẩy, vận động và đôn đốc các đối tác, bằng mọi cách bảo đảm các hãng sản xuất vaccine giao đúng tiến độ cam kết hoặc tốt hơn nữa là đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho ta. Tiếp tục vận động thêm các nguồn vaccine viện trợ từ cơ chế Covax và các đối tác tiềm năng khác. Sớm tiếp cận, vận động các hợp đồng vaccine cho năm 2022 cũng như nghiên cứu đặt mua các loại vaccine để tiêm cho trẻ em, phấn đấu để 20 triệu trẻ em Việt Nam sớm được đến trường an toàn; tiếp tục thúc đẩy hợp tác công nghệ sản xuất vaccine.
Thành quả thu được của ngoại giao vaccine vô cùng ý nghĩa đối với đất nước, đối với nhân dân, trên cơ sở xác định trúng và đúng những gì đất nước đang cần. Ngoại giao vaccine đã chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục, trở thành điểm sáng của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện nay; thể hiện quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đặc biệt là huy động các nguồn lực bên ngoài để phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
HẢI LÝ - PHẠM TUẤN